Giảm án cho bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, bác kháng cáo của bị cáo Lê Thanh Vân
Trong hai ngày 15 và 16/5, tại Thái Bình, TAND cấp cao tại Hà Nội đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm hai cựu Đại biểu Quốc hội là bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, bị cáo Lê Thanh Vân. Cùng được xem xét kháng cáo là bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Văn phòng Chủ tịch nước).
Thẩm phán Phạm Văn Nam làm chủ tọa phiên tòa. Đại diện Viện KSND cấp cao tại Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
Quá trình làm thủ tục phiên tòa, 4 luật sư bào chữa cho bị cáo Lê Thanh Vân đều vắng mặt. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo Vân, Hội đồng xét xử đã chỉ định luật sư thuộc Đoàn luật sư tỉnh Thái Bình tham gia bào chữa cho bị cáo Vân. Tuy nhiên, bị cáo Vân từ chối luật sư chỉ định và đề nghị hoãn phiên tòa.

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng có ba luật sư do gia đình thuê. Ngoài ra, bị cáo Nhưỡng còn được Hội đồng xét xử chỉ định thêm một luật sư hỗ trợ.
Bị cáo Nguyễn Văn Vương có một luật sư bào chữa nên từ chối luật sư chỉ định của Hội đồng xét xử.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bà Phạm Thị Mỹ Dung (người làm chứng) có mặt. Các bị hại và những người làm chứng khác đều vắng mặt và có đơn xin vắng mặt.
Đối với ý kiến xin hoãn phiên tòa của bị cáo Lê Thanh Vân, Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận.
Về sự vắng mặt của những người liên quan đến vụ án và có đơn xin vắng mặt, Hội đồng xét xử nhận thấy, quá trình điều tra và tại phiên tòa sơ thẩm, họ đã có lời khai đầy đủ. Do đó, việc họ vắng mặt và có đơn xin vắng mặt không ảnh hưởng đến quá trình xét xử. Từ quan điểm trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định tiếp tục phiên tòa.
Trước đó, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND tỉnh Thái Bình đã tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Vân 7 năm tù; Nguyễn Văn Vương 14 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bị tuyên phạt 13 năm tù về hai tội “Cưỡng đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi”.
Sau phiên tòa sơ thẩm, bị cáo Lê Thanh Vân và bị cáo Nguyễn Văn Vương kháng cáo kêu oan. Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng kháng cáo xin giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.
Đối với bị cáo Lê Thanh Vân và bị cáo Nguyễn Văn Vương kháng cáo kêu oan, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy, không có căn cứ chấp nhận kháng cáo kêu oan của hai bị cáo này.
Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, những hành động của bị cáo Vân và bị cáo Vương đã đủ thỏa mãn cấu thành tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Hai bị cáo đều là người có chức vụ quyền hạn, đã tác động đến một số cơ quan để nhằm trục lợi cá nhân. Xét chủ quan, động cơ là vụ lợi. Có vụ việc đã hưởng lợi; có vụ việc nhằm mục đích sẽ hưởng lợi trong tương lai.
Xét khách quan, bị cáo Lê Thanh Vân là Đại biểu Quốc hội, là người có ảnh hưởng, đã lợi dụng sự ảnh hưởng của mình để tác động nhằm hưởng lợi. Vì vậy, không có căn cứ để xét việc kêu oan của bị cáo, cần giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đối với bị cáo Vương, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy, toà án cấp sơ thẩm kết án đối với bị cáo là có căn cứ, đúng pháp luật, không oan. Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo không đưa ra được chứng cứ, tình tiết nào mới nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo.
“Việc toà án cấp sơ thẩm xử phạt hai bị cáo Vân và Vương với tội danh như trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, không oan”, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm khẳng định.
Đối với bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy, hành vi của bị cáo Lưu Bình Nhưỡng đã vi phạm nghiêm trọng pháp luật, xâm phạm hoạt động đúng đắn của cơ quan nhà nước.
Ở hành vi cưỡng đoạt tài sản, bị cáo Nhưỡng có vai trò đồng phạm giúp sức. Ở hành vi “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, bị cáo Nhưỡng giữ vai trò là người thực hành tích cực. Bị cáo Nguyễn Văn Vương được xác định đã lôi kéo, rủ rê bị cáo Nhưỡng thực hiện tội phạm.
Theo Hội đồng xét xử phúc thẩm, tòa án cấp sơ thẩm xử phạt bị cáo Nhưỡng 3 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”, tổng hình phạt cả hai tội danh 13 năm tù là phù hợp.
Tại phiên toà phúc thẩm, bị cáo Nhưỡng đã xuất trình thêm một số tài liệu chứng cứ cho thấy có thêm nhiều tình tiết giảm nhẹ. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nhưỡng.
Tuy nhiên, đối với tội danh “Cưỡng đoạt tài sản”, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng là đồng phạm, chiếm đoạt số tiền rất lớn. Bản án sơ thẩm đã xét đến các tình tiết giảm nhẹ cho bị cáo nên ở phiên tòa phúc thẩm, không thể giảm nhẹ thêm cho bị cáo ở tội danh này.
Từ những phân tích, đánh giá như trên, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định, không chấp nhận kháng cáo kêu oan của bị cáo Lê Thanh Vân và bị cáo Nguyễn Văn Vương. Giữ nguyên hình phạt như bản án sơ thẩm đã tuyên đối với hai bị cáo này.
Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định chấp nhận đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt của bị cáo Lưu Bình Nhưỡng, sửa án sơ thẩm.
Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm quyết định tuyên phạt bị cáo Lưu Bình Nhưỡng 3 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản”, 9 năm tù về tội“Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. Tổng hình phạt cả hai tội danh, bị cáo Nhưỡng phải thi hành bản án 12 năm tù (giảm 1 năm tù so với bản án sơ thẩm).