Cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam bị đề nghị từ 11 đến 12 năm tù

Thứ Ba, 15/04/2025, 16:25

Sau hai ngày TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm 8 bị cáo là cựu lãnh đạo, cán bộ Tổng Công ty Chè Việt Nam (Vinatea) trong vụ án “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” và “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” xảy ra tại Vinatea, gây thiệt hại của Nhà nước số tiền hơn 38 tỷ đồng, chiều 15/4, đại diện Viện kiểm sát thực hành quyền công tố tại phiên tòa đã nêu quan điểm giải quyết vụ án và đề nghị mức án đối với các bị cáo.  

Đại diện Viện kiểm sát nhận thấy, các bị cáo là cựu cán bộ, lãnh đạo của Vinatea nhưng có hành vi vi phạm pháp luật dẫn tới việc ba khu đất từng thuộc Vinatea tại Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh thuộc về tư nhân với giá rẻ.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên phạt 7 bị cáo về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”: Nguyễn Thiện Toàn (SN 1958, cựu Tổng Giám đốc Vinatea) từ 11 - 12 năm tù; Vũ Ngọc Tự (SN 1953, cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinatea) từ 7 - 8 năm tù; Đặng Văn Tới (SN 1959, cựu Kế toán trưởng Vinatea) từ 8 – 9 năm tù; Bành Thương Trí (SN 1973, cựu Giám đốc Chi nhánh Tổng công ty – TNHH Một thành viên tại TP Hồ Chí Minh, Công ty Chè Sài Gòn) từ 7 – 8 năm tù.  

Cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam bị đề nghị từ 11 đến 12 năm tù -0
Đại diện Viện kiểm sát luận tội các bị cáo chiều 15/4. 

Các bị cáo Đặng Ngọc Cầm (SN 1959, cựu Thành viên Hội đồng thành viên Vinatea), Nguyễn Quốc Khánh (SN 1961, cựu Thành viên Hội đồng thành viên Vinatea) và Trần Thị Hoa (SN 1958, cựu thành viên Hội đồng thành viên Vinatea) tùy theo mức độ phạm tội mà bị tuyên phạt từ 3 năm 6 tháng tù đến 5 năm tù.  

Riêng bị cáo Trần Hồng Điệp (SN 1961, cựu Kiểm soát viên chuyên trách Vinatea) bị đề nghị từ 3 năm đến 3 năm 6 tháng tù về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.

Về trách nhiệm dân sự, đại diện Viện kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử tuyên thu hồi 3 mảnh đất trong vụ án giao Nhà nước quản lý gồm: Nhà đất số 225, phố Nam Kỳ Khởi Nghĩa trả về UBND TP Hồ Chí Minh; khu đất 1.500m2 tại phố Trần Khát Chân trả về UBND TP Hà Nội; khu đất 11.635m2 đường Chè Hương trả về UBND TP Hải Phòng.

Bản luận tội của Viện kiểm sát nêu rõ, Vinatea vốn là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Năm 2015, doanh nghiệp này cổ phần hóa và 3 sai phạm trong vụ án xảy ra tại thời điểm này hoặc trước đó.

Cựu Tổng Giám đốc Tổng Công ty Chè Việt Nam bị đề nghị từ 11 đến 12 năm tù -0
Các bị cáo tại phiên tòa.

Sai phạm đầu tiên xảy ra tại nhà đất 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, TP Hồ Chí Minh rộng hơn 446m2 vốn được TP Hồ Chí Minh cho Công ty Chè Sài Gòn thuộc Vinatea thuê có thời hạn hàng năm.

Ngày 16/6/2015, Thủ tướng Chính phủ có quyết định cổ phần hóa Vinatea. Theo đó, không tính khu đất vào giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa, để Công ty Chè Sài Gòn sử dụng.

Tuy nhiên, Nguyễn Thiện Toàn và đồng phạm thống nhất chuyển quyền sử dụng đất trong tương lai từ Công ty Chè Sài Gòn cho Công ty Sản xuất và kinh doanh GB-Tea Việt Nam (GB-TEA).

Đồng thời, Nguyễn Thiện Toàn vay 28 tỷ đồng Công ty GB TEA để nộp tiền thuê đất 50 năm trả tiền một lần và cam kết chuyển quyền sử dụng đất tại số 225 cho GB TEA. Hai bên sau đó đối trừ công nợ và Công ty GB-TEA được đứng tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 225 Nam Kỳ Khởi Nghĩa.

Những việc làm trên thực hiện sau thời điểm Thủ tướng Chính phủ phê duyệt giá trị doanh nghiệp; Vinatea đang trong thời gian cổ phần hóa, khu đất này có giá hơn 44,1 tỷ đồng nên việc Vinatea “chuyển nhượng” cho Công ty GB-TEA với giá 28 tỷ đã gây thiệt hại của Nhà nước 16,1 tỷ đồng.

Sai phạm thứ 2 thể hiện qua việc, các bị cáo trong vụ án chịu cáo buộc vi phạm quy định khi với khu đất 1.500 m2 tại Trần Khát Chân, Hà Nội. Ban đầu, Vinatea được chính quyền cho thuê nơi này thời hạn 30 năm.

Năm 1994, Vinatea ký hợp đồng liên doanh với Công ty Mulpa Haute Counture SDN.BHD của Malaysia để xây Hotel Indochine Hà Nội tại khu đất nói trên với vốn pháp định 4,667 triệu USD.

Trong đó, Vinatea góp 1,4 triệu USD, tương đương 30% vốn pháp định, bằng quyền sử dụng đất còn Mulpa Haute Counture góp 70% vốn còn lại, tương đương 3,267 triệu USD để chi phí tư vấn thiết kế, xây dựng ban đầu và trang trí nội thất.

Tuy nhiên, do khó khăn khi xây dựng khách sạn, các bị cáo chuyển nhượng quyền đầu tư khách sạn trên cho Công ty Sông Châu với giá 10 tỷ đồng không qua đấu giá, trái pháp luật.

Giám định thể hiện, giá trị khu đất 1.500m2 Trần Khát Chân là 31,5 tỷ đồng nên hành vi của các bị cáo gây thiệt hại 21,5 tỷ đồng (trừ 10 tỷ đồng của Công ty Sông Châu).

Tương tự, với khu đất 11.635 m2 đường Chè Hương, các bị cáo có hành vi mang đi góp vốn rồi lại chuyển nhượng vốn góp với giá rẻ, gây thiệt hại hơn 711 triệu đồng.

Nguyễn Hưng
.
.