Cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt

Thứ Ba, 15/04/2025, 12:01

Ngày 29/4, TAND cấp cao tại Hà Nội sẽ mở phiên tòa hình sự phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của hai cựu Đại biểu Quốc hội là Lưu Bình Nhưỡng và Lê Thanh Vân. Cùng được xem xét kháng cáo là bị cáo Nguyễn Văn Vương (cựu chuyên viên Văn phòng Chủ tịch nước).

Trong đơn, bị cáo Lưu Bình Nhưỡng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Bị cáo Lê Thanh Vân và bị cáo Nguyễn Văn Vương kêu oan.

Phiên tòa phúc thẩm được xét xử công khai tại tỉnh Thái Bình do Thẩm phán Phạm Văn Nam làm chủ tọa phiên tòa. Ngoài ba bị cáo, Hội đồng xét xử phúc thẩm còn triệu tập bị hại là Công ty kinh doanh khai thác vật liệu Sao Đỏ và 11 nhân chứng.

Trước đó, tháng 1/2025, TAND tỉnh Thái Bình đã xét xử sơ thẩm vụ án này và tuyên phạt bị cáo Lê Thanh Vân 7 năm tù; bị cáo Nguyễn Văn Vương 14 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”. 

Cựu Đại biểu Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt  -0
Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng (hàng trên) và bị cáo Lê Thanh Vân (hàng sau) tại phiên tòa sơ thẩm. 

Bị cáo Lưu Bình Nhưỡng bị tuyên phạt 3 năm tù về tội “Cưỡng đoạt tài sản” và 10 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi”, hình phạt chung là 13 năm tù.

Liên quan đến vụ án này, bị cáo Phạm Minh Cường bị tuyên phạt 7 năm tù và bị cáo Vũ Đăng Phương bị tuyên phạt 6 năm tù cùng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.

Theo bản án sơ thẩm, các bị cáo vi phạm pháp luật tại 5 vụ việc khác nhau xảy ra ở Thái Bình, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh và Hà Nội.

Vụ việc đầu tiên, bị cáo Nhưỡng đã giúp đỡ bị cáo Cường cưỡng đoạt tài sản của doanh nghiệp khai thác cát với tổng số tiền 1,6 tỷ đồng.

Trong vụ việc này, HĐXX đánh giá bị cáo Cường giữ vai trò chính, khởi xướng; Phương là người thực hành, ông Nhưỡng là đồng phạm.

Vụ việc thứ hai, bị cáo Nhưỡng ký văn bản gửi lãnh đạo UBND TP Hải Phòng, Chánh án, Viện trưởng Viện KSND và Giám đốc Công an TP Hải Phòng can thiệp để giải quyết theo hướng có lợi cho một người làm của bị cáo Cường.

Vụ thứ 3 xảy ra năm 2021, bị cáo Nhưỡng can thiệp để Công ty Mạnh Đức được phê duyệt thực hiện Dự án Quế Võ 3 tại tỉnh Bắc Ninh và đã được hưởng lợi 300.000 USD (khoảng 6,9 tỷ đồng).

Vụ việc thứ tư xảy ra năm 2019, bị cáo Nhưỡng ký hai văn bản can thiệp, yêu cầu UBND tỉnh Quảng Ninh cho Công ty Hạ Long được tiếp tục thực hiện dự án 36ha, qua đó hưởng lợi lô đất trị giá 1,8 tỷ đồng.

Vụ thứ năm xảy ra năm 2023, bị cáo Nhưỡng đã gọi điện, ký văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp cho Công ty Trường Sinh sớm được cấp phép khai thác dự án đồi Bắc Sơn và hưởng lợi 210 triệu đồng.

Bị cáo Vân bị cáo buộc từ tháng 8/2020 đến 11/2023 ký nhiều văn bản can thiệp đến lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh.

Việc làm của bị cáo Vân nhằm giúp cho Công ty Hạ Long được thực hiện dự án 36 ha. Qua đó, bị cáo Vân được hưởng lợi một lô đất trị giá 1,8 tỷ đồng và nhằm hưởng lợi 1.000 m2 đất khác, trị giá 1,9 tỷ đồng.

Bị cáo Vân cũng gọi điện cho lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh can thiệp, giúp Công ty Trường Sinh sớm được cấp phép dự án đồi Bắc Sơn, qua đó hưởng lợi 60 triệu đồng.

Nguyễn Hưng
.
.