Hệ lụy từ việc dồn chất thải cho bãi rác Đa Phước chôn lấp

Thứ Ba, 15/04/2025, 15:56

Sau nhiều năm dồn phần lớn lượng rác thải sinh hoạt về Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước (bãi rác Đa Phước) để chôn lấp, tháng 3 vừa qua TP Hồ Chí Minh đã cho khởi công nhà máy rác điện với công suất 2.000 tấn/ngày. Đây mới chỉ là nhà máy rác điện thứ 2 trong khi từ lâu lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tại thành phố đã ở mức 8.000 - 9.000 tấn...

Nhà máy tích hợp rác điện trên do Công ty CP VietStar làm chủ đầu tư với công suất 2.000 tấn/ngày đặt tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc (huyện Củ Chi) cùng với một loạt các công ty xử lý chất thải rắn sinh hoạt khác như: Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Thành phố; Công ty CP đầu tư phát triển Tâm Sinh Nghĩa; Công ty CP Tasco. Theo đánh giá của Sở TNMT, đây là một bước tiến trong chiến lược quản lý chất thải rắn và bảo vệ môi trường của TP Hồ Chí Minh. Đây cũng là nhà máy thứ 2 trên địa bàn được khởi công xây dựng theo Nghị Quyết 98/2023/QH15 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh.

Sở TNMT còn cho rằng, việc đưa các nhà máy điện rác vào vận hành là một phần trong chiến lược tổng thể về bảo vệ môi trường của thành phố. Các nhà máy điện rác cũng sẽ góp phần nâng chỉ tiêu về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt được đề ra trong Nghị quyết Đại hội Đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2020 - 2025 với mục tiêu đốt rác phát điện và tái chế đạt ít nhất 80% vào năm nay và đạt 100% vào năm 2030.

Hệ lụy từ việc dồn rác thải cho bãi rác Đa Phước chôn lấp  -0
Người dân phải trả 2 khoản tiền phí thu gom và vận chuyển rác khá cao, nhưng rác vẫn bị tập kết ngay tại khu dân cư.

Trả lời về số tiền xử lý rác thải thành phố tạm thời chưa thanh toán trong nhiều tháng cho chủ đầu tư bãi rác Đa Phước là Công ty VWS dẫn đến tình trạng bãi rác này ngưng tiếp nhận rác thải dịp giáp Tết Nguyên đán vừa qua, bà Nguyễn Thị Thanh Mỹ, Phó Giám đốc Sở TNMT khẳng định: Công ty VWS chưa thống nhất thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố về nghiệm thu, thanh toán khối lượng rác vượt ngoài công suất hợp đồng xử lý rác. Theo hợp đồng Công ty VWS đã ký với thành phố, bãi rác này tiếp nhận 24 triệu tấn và hiện đã vượt công suất này trước tốc độ phát sinh rác thải sinh hoạt trên địa bàn ngày càng gia tăng. Bà Thanh Mỹ còn cho biết, hiện UBND thành phố và Sở TNMT đang là bị đơn trong vụ kiện của Công ty VWS tại Trung tâm Trọng tài quốc tế Singapore.

Như Báo CAND đã từng nhiều lần thông tin về vấn đề này, trong văn bản gửi Sở Kế hoach - Đầu tư và Công ty VWS vào ngày 21/1/2015, UBND thành phố đã nói rất rõ: Theo Giấy phép điều chỉnh chứng nhận đầu tư được UBND TP Hồ Chí Minh cấp cho chủ bãi rác Đa Phước chỉ có 1 bãi chôn lấp chất thải rắn hợp vệ sinh công suất 2.500 - 3.000 tấn/ngày; 1 nhà máy sản xuất compost công suất 100 tấn/ngày và 1 nhà máy phân loại, tái chế rác công suất 500 tấn/ngày. Với quy mô như vậy, thời điểm đó lượng rác thải được giao cho VWS chôn lấp hợp vệ sinh tại bãi rác Đa Phước đã chiếm gần một nửa lượng rác thải hằng ngày trên địa bàn. Tuy vậy,  VWS vẫn tiếp tục yêu cầu được nâng công suất chôn lấp rác thải lên 10.000 tấn/ngày và xử lý toàn bộ lượng chất thải tại thành phố. Đề nghị này đã được một số sở, ngành ủng hộ nên UBND thành phố đã yêu cầu Công ty VWS thực hiện đúng phạm vi và mục tiêu kinh doanh trên, không được chôn lấp chất thải rắn vượt quá công suất 3.000 tấn/ngày.

Khi đó UBND thành phố cũng xác định, với công suất xử lý chiếm 45% lượng rác thải trên địa bàn, chủ đầu tư bãi rác Đa Phước đã ở vị trí thống lĩnh thị trường xử lý rác thải, vi phạm Luật Cạnh tranh. Nếu tiếp tục “dẹp” bãi rác Phước Hiệp ở huyện Củ Chi, dồn thêm 2.000 tấn rác thải về Đa Phước xử lý, hằng ngày chủ bãi rác Đa Phước sẽ được xử lý 5.000 tấn trong tổng số 6.700 tấn rác thải phát sinh hàng ngày tại thành phố cách đây 10 năm. Với công suất như vậy, chủ bãi rác Đa Phước sẽ tiếp tục được hỗ trợ để giữ vị trí độc quyền xử lý rác với khối lượng chiếm đến 75%.

Đặc biệt, thời điểm TP Hồ Chí Minh xây dựng giá thành xử lý rác, giá xử lý tại bãi rác Đa Phước đã được chào với mức 16,4 USD/tấn, trong khi đơn giá xử lý tại bão rác Phước Hiệp chỉ có hơn 13,9 USD/tấn và giá xử lý tại dự án V.S chỉ có 5 USD/tấn nhưng bãi rác Đa Phước vẫn được chọn để xử lý gần một nửa lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày tại thành phố. Đến khi giá xử lý rác thải tại Đa Phước đã được điều chỉnh lên hơn 19,5 USD/tấn, giá xử lý rác đưa vào sản xuất phân bón compost và tái chế hạt nhựa do V.S đưa ra cũng chỉ có 12 USD/tấn, đồng thời giá xử lý tạm tính của Công ty T.S.N cũng chỉ là 15 USD/tấn.

Trước đó UBND thành phố cũng đã xác định, VWS đã không xây dựng nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng với công suất 2.500 - 3.000 tấn/ngày theo quy định trong Giấy phép xử lý được cấp từ tháng 12/2005. Ngược lại, VWS chỉ vận hành bãi chôn lấp rác với công suất tương tự. Tuy nhiên, chủ bãi rác Đa Phước vẫn được ngân sách chi trả phí xử lý cao hơn các doanh nghiệp cùng xử lý chôn lấp khác đến 3 USD/tấn; tổng số tiền chênh lệch TP Hồ Chí Minh phải trả thêm cho chủ bãi rác đa phước là 3 triệu USD/năm. Từ đó, UBND thành phố cho rằng, nếu tiếp tục tăng công suất xử lý cho bãi rác Đa Phước có thể dẫn đến việc VWS thực hiện hành vi thống lĩnh thị trường để áp đặt về giá. Mặt khác, với mức giá xử lý đã cao hơn các doanh nghiệp khác, thành phố sẽ phải trả thêm cho VWS khoảng 10 triệu USD/năm khi công suất tiếp nhận, chôn lấp rác thải của bãi rác Đa Phước được nâng lên 10.000 tấn/ngày. Nhưng sau đó một lượng rác rất lớn hàng ngày vẫn cứ được chở về để chôn lấp tại đây.

Khi thành phố còn chưa triển khai chủ trương phân loại rác tại nguồn đến từng hộ dân, thì nội dung này đã được đem ra thương thảo với Công ty VWS. Không cung cấp được nguồn phế liệu để phục vụ hoạt động chạy thử nghiệm nhà máy phân loại vật liệu tái chế tại bãi rác Đa Phước, ngày 12/7/2011 UBND thành phố đã phải chấp thuận đề nghị của Công ty VWS, cho phép doanh nghiệp này được nhập khẩu đến 10 nghìn tấn phế liệu nhựa và phế liệu giấy để phục vụ mục đích trên.

      

Bảo Sơn
.
.