Đề xuất vào chương trình lập pháp thủ tục rút gọn các dự án luật đề nghị bổ sung
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng.
Tháo gỡ vướng mắc, bất cập
Tại Tờ trình dự án Luật, Bộ Tư pháp cho biết, ngày 19/2/2025, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/4/2025.
Tuy nhiên, theo Bộ Tư pháp, thực hiện các kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chủ trương sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp cùng với việc nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Luật sửa đổi Luật Tổ chức chính quyền địa phương dẫn đến một số quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải nghiên cứu, sửa đổi.

Bộ Tư pháp cho biết, trong quá trình triển khai thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đã nảy sinh một số vướng mắc, bất cập liên quan đến việc bổ sung chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hằng năm theo quy định tại khoản 2 Điều 26 của Luật. Đặc biệt trong bối cảnh cần sửa đổi ngay luật, pháp lệnh, nghị quyết để phù hợp với định hướng sửa đổi, bổ sung Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương đòi hỏi phải bổ sung ngay các dự án luật vào Chương trình kỳ họp Quốc hội. Tuy nhiên, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật chưa quy định về việc ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn đối với các dự án luật đề nghị bổ sung vào Chương trình. Do đó, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sẽ sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 26 và khoản 2 Điều 27 để giải quyết các vướng mắc, bất cập của thực tiễn.
Dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 26 như sau: “Trường hợp cần ban hành luật, nghị quyết ngay tại kỳ họp Quốc hội đang diễn ra hoặc sau thời hạn quy định tại khoản 6 Điều 38 của Luật này để giải quyết ngay vấn đề cấp bách, vướng mắc, bất cập phát sinh từ thực tiễn mà chưa có trong Chương trình lập pháp hằng năm thì cơ quan trình đề nghị áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn theo quy định tại Điều 50 và Điều 51 của Luật này; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến đồng thời quyết định bổ sung dự án vào dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội, trình Quốc hội xem xét, thông qua.”.
Để bảo đảm thống nhất với quy định trên, dự thảo Luật cũng đã sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 27 theo hướng đối với luật, pháp lệnh mới; luật, pháp lệnh thay thế các luật, pháp lệnh hiện hành; luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật có nội dung hạn chế quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp; nghị quyết thí điểm của Quốc hội thì được ban hành theo trình tự, thủ tục rút gọn.
Bổ sung thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND cấp xã
Để bảo đảm thống nhất, phù hợp với việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) về việc bỏ cấp trung gian, tinh gọn tổ chức bộ máy, bảo đảm hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả; chính quyền gần dân, sát dân, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân trên địa bàn, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, dự thảo Luật bỏ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND cấp huyện; bổ sung quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, UBND cấp xã để phù hợp với yêu cầu tổ chức lại các đơn vị hành chính cấp xã hiện nay để hình thành các đơn vị hành chính cấp xã (mới) gồm xã, phường và đặc khu ở hải đảo để phù hợp với mô hình tổ chức mới.
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định nghị quyết của Hội đồng nhân dân, UBND cấp huyện được ban hành trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành thì tiếp tục có hiệu lực cho đến khi có văn bản bãi bỏ của cơ quan, người có thẩm quyền.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn về hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, đặc biệt là xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến việc chuyển đổi mô hình tổ chức quyền địa phương từ 3 cấp sang 2 cấp, trong đó có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật và xử lý hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật, dự thảo Luật bổ sung điểm d khoản 2 Điều 54 như sau: “Trường hợp một đơn vị có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật kết thúc hoạt động thì văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan này ban hành vẫn có hiệu lực cho đến khi bị thay thế, bãi bỏ”.