“Con đường đau khổ” qua di tích trận địa pháo bắn rơi máy bay đầu tiên ở miền Bắc gần 60 năm trước

Thứ Năm, 19/12/2024, 16:49

Đến các khu dân cư nằm nép mình sau mặt tiền hoa lệ của thị trấn Bến Quan, huyện Vĩnh Linh (Quảng Trị) mới thấy mặt tiền ấy chỉ như một tấm áo mỏng, che khuất đằng sau là những ngôi nhà cao, thấp nằm hai bên những con đường ngoằn ngoèo, chỗ bê tông, chỗ bùn đất lầy lội. Đặc biệt, các tuyến đường đi lại qua khóm 3, di tích quốc gia trận địa pháo phòng không, ra bên ngoài, sau 30 năm kể từ ngày thị trấn trên được thành lập, đến nay vẫn chưa được đầu tư xây dựng…

Ông Phạm Xuân Dũng, Trưởng khóm 3, dẫn chúng tôi lội bộ trên những tuyến đường này, dài chừng 5km. Nền đường khá rộng, đi qua những khóm nhà, vườn cây cao su song hầu hết đều ổ gà, ổ voi, bùn đất lầy lội, có chỗ sâu tới gần đầu gối.

“Khóm 3 có 190 hộ dân, 700 nhân khẩu, sinh sống chủ yếu nhờ vào rừng trồng và cây cao su. Do đó, hoạt động đi lại, vận chuyển ở đây là rất lớn, nhất là vận chuyển gỗ rừng và mủ cao su hàng ngày. Mặc dù các tuyến đường này thường được bà con sửa chữa, khắc phục bằng cách tận dụng xà bần trên địa bàn để vá các ổ gà, ổ voi và gia cố nền đường, do quá tải cộng với nền bằng đất, ngày càng trở nên lầy lội và hư hỏng nặng. Tại nhiều đoạn không thể đi lại được, bà con phải luồn lách vào các lô cao su hai bên đường rất vất vã”, ông Dũng buồn bã chia sẻ.

“Con đường đau khổ” qua trận địa bắn rơi máy bay đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam -0
Con đường huyết mạch nhưng sau hàng chục năm vẫn chưa được đầu tư xây dựng. 

Ông Nguyễn Văn Thuận, ở khóm 3, là lão thành cách mạng, 75 năm tuổi Đảng, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước từng nhiều năm bám trụ hoạt động, tham gia đánh địch ở đây cho biết, địa phương này từ năm 1958 đến 1994 thuộc Nông trường Quyết Thắng, phía Bắc giáp xã Trường Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình và nằm về phía Tây Bắc, Tây Nam các căn cứ quân sự Dốc Miếu, Cồn Tiên, đều là những điểm thường xuyên bị các lực lượng địch nhắm đánh rất ác liệt.

Theo sử liệu, thực hiện chỉ thị của Bộ Chính trị, của Bác Hồ và Bộ Quốc phòng, tháng 4/1966, Trung đoàn tên lửa phòng không 238 (Đoàn Hạ Long) thuộc Quân chủng phòng không – không quân (PK – KQ) vào chiến đấu ở chiến trường Nam Quân khu IV, bảo vệ giao thông vận chuyển và đảm nhận một nhiệm vụ đặc biệt là nghiên cứu cách đánh máy bay chiến lược B.52.

Vượt qua gian khổ, ác liệt và hi sinh, được sự giúp đỡ của nhân dân Nam Quân khu IV, đặc biệt là Đặc khu Vĩnh Linh, Trung đoàn đã hành quân tới đất lửa Vĩnh Linh. Bốn tiểu đoàn hỏa lực bị tổn thất nặng, Đảng ủy và Chỉ huy Trung đoàn gồm các đồng chí Nguyễn Văn Hội, Lê Thanh Cảnh, Nguyễn Quang, Lê Đức Nhuận, Nguyễn Sinh Huy, Nguyễn Công Yến, Đỗ Phan Thiết đã quyết định điều động một số lực lượng, phương tiện của các Tiểu 81, 82 và 83 về Tiểu đoàn 84.

Vào hồi 17h03 ngày 17/9/1967, tại trận địa T-5, đội 3, Nông trường Quyết Thắng, được sự chỉ đạo trực tiếp của Quân chủng PK – KQ và Quân khu IV, Tiểu đoàn 84 do đồng chí Nguyễn Đình Phiên chỉ huy, thành phần chủ yếu của kíp chiến đấu gồm Sỹ quan điều khiển Lê Hỷ, các trắc thủ Phạm Viết Ngoạn, Trần Hồng Thính và Nguyễn Văn Ngận đã phóng 2 quả tên lửa tiêu diệt chiếc E.52 đầu tiên trên miền Bắc Việt Nam.

Đến 17h34, tốp B.52 thứ 3 bay vào, chỉ còn 1 quả tên lửa, Tiểu đoàn vẫn quyết đánh và tiêu diệt thêm 1 máy bay chiến lược B.52. Đây là trận đánh đặc biệt xuất sắc có ý nghĩa lịch sử, lần đầu tiên thần tượng “Siêu pháo đài bay B.52” của Mỹ đã bị tiêu diệt trên chiến trường Việt Nam.

Sau ngày đất nước hòa bình thống nhất, giang sơn qui về một mối, để ghi nhớ chiến công hiển hách này, Đảng, Nhà nước đã cho đầu tư xây dựng và công nhận Bia lưu niệm trận địa tên lửa phòng không bắn rơi máy bay chiến lược B.52 đầu tiên trên miền Bắc Việt Nam ngày 17/9/1967 tại khu vực Nông trường Quyết Thắng, nay là khóm 3, thị trấn Bến Quan, là Di tích lịch sử quốc gia.

Di tích này nằm cách Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn về phía Nam chỉ 13km. Việc đến thăm Bia di tích theo hướng từ Nam ra, từ Bắc vào theo đường Hồ Chí Minh đều thuận lợi. Tuy nhiên, nếu theo các tuyến đường liên xã, thị trấn hướng Lệ Thủy, Quảng Bình qua khóm 3, thị trấn Bến Quan, hay hướng thị trấn Hồ Xá và xã Vĩnh Khê (Vĩnh Linh) đến khóm 3 nơi có Bia di tích này là vô cùng khó khăn, vất vã, do đường luôn trong tình trạng bị hư hỏng, lầy lội bùn đất đã nêu trên.

“Con đường đau khổ” qua trận địa bắn rơi máy bay đầu tiên ở miền Bắc Việt Nam -0
Người dân khóm 3, thị trấn Bến Quan đi lại rất khó khăn.

Ông Hoàng Ngọc Trường, Bí thư Chi bộ khóm 3, thị trấn Bến Quan nhấn mạnh rằng, các tuyến này qua địa bàn đều là huyết mạch, không chỉ phục vụ cuộc sống sinh hoạt, sản xuất của người dân, mà còn góp phần tuần tra, kiểm soát bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội địa bàn và các địa phương lân cận. Ngoài ra, nếu được đầu tư xây dựng, tạo sự thuận lợi đi lại, người dân sẽ có thêm điều kiện tốt để làm ăn kinh tế, đồng thời góp phần phục vụ việc tham quan, giáo dục, phát huy truyền thống anh hùng cách mạng tại địa chỉ đỏ này.

Trao đổi với PV Báo CAND, ông Dương Đình Quang, Chủ tịch UBND thị trấn Bến Quan bộc bạch, việc đầu tư xây dựng các tuyến đường trên là mong muốn rất lớn của cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân thị trấn Bến Quan nói chung, khóm 3 thị trấn này nói riêng. Song do nguồn vốn của UBND huyện Vĩnh Linh phân bổ về cho địa phương rất hạn hẹp nên đến nay vẫn chưa có điều kiện để đầu tư xây dựng.

“Việc các con đường hàng chục năm vẫn trong tình trạng đường đất, dễ hư hỏng, đã khiến một số hộ dân trước đây tình nguyện đến lập nghiệp theo diện đi kinh tế mới phải bỏ chỗ ở. Ngoài ra, việc bà con đi ra bên ngoài để tham gia họp hành, hay bị ốm đau đột xuất, hiện vẫn là bài toán nan giải và lo lắng lớn”, lãnh đạo UBND thị trấn Bến Quan trăn trở, chia sẻ.

Thanh Bình
.
.