Suy ngẫm ở Diên Hồng

Thứ Tư, 23/01/2019, 15:57
Ở tòa nhà Quốc hội mới, có những cái tên gây ấn tượng như “Hội trường Diên Hồng”, “Phòng họp Tân Trào”… 


Các danh từ này gắn với hoạt động nghị trường đã hàm chứa khí chất vốn là niềm tự hào dân tộc còn vọng vang trong lịch sử, nay truyền tải thông điệp đến những đại biểu của dân phải nói ra sao, hành động và quyết định ra sao cho xứng danh xưng bậc tiền nhân. 

Hội trường Diên Hồng - nơi họp của gần 500 đại biểu Quốc hội đã phá cách truyền thống xây dựng hội trường ở nước ta lâu nay vốn mang hình chữ nhật, phía trên là sân khấu.

Nay, trong khối nhà hình vuông, ở giữa là hội trường hình tròn với những dãy ghế bố trí vòng cung, hướng lên sân khấu - chủ tịch đoàn, một phong cách mới mẻ theo kiến trúc Đức, tạo cảm giác sang trọng, hiện đại nhưng không kém phần uy nghiêm. 

Được biết, hai cái tên Diên Hồng và Tân Trào là ý tưởng của ông Dương Trung Quốc và ý tưởng này được Thường vụ Quốc hội chấp thuận. Ông Dương Trung Quốc chính là một trong bốn vị đại biểu có tên trong câu vè từ hồi Quốc hội còn họp ở Hội trường Ba Đình, đó là những chất vấn “có ngạnh”, sắc và thẳng thắn. 

Họp ở Diên Hồng, còn gì ý nghĩa hơn nếu các vị đại biểu hôm nay phát huy được phần nào khí chất ông cha, đó là bản lĩnh, nói và hành động vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì sự nghiệp chung chứ không phải lựa chọn cách “im lặng là vàng” hay nói, phát biểu có tính biện hộ, né tránh vì ngại đụng chạm. 

Là nữ Chủ tịch Quốc hội đầu tiên, bà Nguyễn Thị Kim Ngân đảm nhiệm các phiên thảo luận và điều hành chất vấn tại Hội trường Diên Hồng và đã nhanh chóng ghi dấu ấn. Khi điều hành chất vấn, nữ Chủ tịch Quốc hội tỏ rõ sự sắc sảo trong cắt nghĩa và chất vấn lại vấn đề đại biểu nêu, đồng thời quyết đoán, linh hoạt trong giải quyết những “xung đột” giữa đại biểu và Bộ trưởng.

Hội trường Diện Hồng.

Không những vậy, ở thời đại công nghệ số, nữ Chủ tịch đã cho thấy sức nóng dư luận và sức nóng báo chí, mạng xã hội “phả” vào nghị trường như thế nào. Việc chuẩn bị văn bản trước nhiều ngày, cả tuần, thậm chí trước cả tháng theo cách truyền thống sẽ khiến những buổi thảo luận, chất vấn thiếu tính thời sự nghị trường và điều này đã không còn đúng tại Diên Hồng. 

Tại kỳ họp thứ 6 vừa rồi, đại biểu Quốc hội đã chất vấn ngay vấn đề mà báo chí, Facebook đang “sục sôi”: việc người dân mang 100 USD ra tiệm vàng bán, bị xử phạt 90 triệu đồng. Xét về pháp lý, việc cơ quan chức năng áp dụng mức phạt nói trên là có cơ sở. 

Những hành vi vi phạm pháp luật bị xử khung xử phạt hành chính theo Nghị định 96/2014, với số tiền 80-100 triệu đồng. Nghị định này đã có hiệu lực 4 năm nhưng lâu nay dường như ít ai để ý về sự trái khoáy của khung xử phạt, chỉ khi có việc xử lý trên thực tế, tất cả mới giật mình. 

Bởi nếu áp dụng đúng Nghị định thì người bán dù chỉ 1 USD cũng bị xử lý ít nhất 80 triệu đồng, trong khi người bán cả xe tải USD thì mức cao nhất cũng chỉ 100 triệu đồng. 

Chính vì nghịch lý đó nên dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã giải thích là “đủ căn cứ”, song Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chỉ rõ, vụ việc này gây bức xúc dư luận xã hội, dù có Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về việc này nhưng cần phải điều chỉnh ngay. “Tính chất ở đây là người dân đưa 100 USD đi đổi chứ không phải kinh doanh buôn bán. Tôi đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước phối hợp cơ quan chức năng xem xét lại quy định này, cái gì không đúng, không phù hợp thì phải sửa lại cho dân nhờ” - Chủ tịch nhấn mạnh. 

Sự điều hành nhạy bén, kịp thời của Chủ tịch tạo sự phấn chấn trong nhân dân. 

Đánh giá về hoạt động chất vấn trong 30 năm đổi mới đất nước, ông Bùi Ngọc Thanh, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, nhiều khóa trước giao cho đoàn thư ký tập hợp ý kiến đại biểu trong cả kỳ chất vấn. 

Theo đó, có vấn đề gì lớn nhất thì lược ra rồi gộp lại thành loại vấn đề để chọn thành viên trả lời. Đến khóa 12, những vấn đề quan trọng thì Quốc hội mới ra nghị quyết về chất vấn. Nhưng, từ khóa 13 thì toàn bộ phiên chất vấn đều có nghị quyết. Đó là một bước ngoặt lớn thể hiện trách nhiệm của Quốc hội đối với nhân dân, cử tri. 

“Ngay đại biểu Quốc hội cũng vậy, trước đây khi hỏi chủ yếu để biết thêm thông tin nhưng bây giờ các đại biểu đã tập trung vào vấn đề quan trọng nhất của đất nước, tầm vĩ mô, hỏi xác đáng, sát với yêu cầu thực tiễn, loại bỏ được câu hỏi để biết thông tin” - ông nói. 

Thực vậy, khi nhận xét về chất vấn, trả lời chất vấn trước Quốc hội, ông Nguyễn Văn An (Chủ tịch Quốc hội khóa XI) nói rằng, có 3 cách hỏi trong đời thường. Đó là hỏi để biết, hỏi chỉ để mà hỏi và hỏi để làm rõ trách nhiệm. 

“Hỏi trong chất vấn phải là cách hỏi thứ ba, đó là làm rõ trách nhiệm” - ông lưu ý. 

Hỏi để làm rõ trách nhiệm là nhiệm vụ của đại biểu khi chất vấn, đó là làm rõ những hạn chế, tồn tại, những việc chưa làm được để làm rõ nguyên nhân, giải pháp và xác định trách nhiệm của người thực hiện. 

Nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An dùng từ “tư lệnh” để chỉ vai trò, trách nhiệm của Bộ trưởng, trưởng ngành trước Quốc hội. Đây là những chức vụ do Quốc hội bầu, phê chuẩn nên trước Quốc hội thì Bộ trưởng, trưởng ngành phải là người chịu trách nhiệm chứ không có việc “ủy quyền” hay giải thích trách nhiệm của người khác, của cơ quan, ban ngành khác.

Chất vấn không chỉ là những chuyện tầm cỡ, to tát nào đó của quốc gia, đại sự. Nhiều vấn đề rất đời thường, liên quan bữa cơm, buổi chợ của người dân được truyền tải nóng bỏng tại nghị trường. 

Ông Nguyễn Sinh Hùng (Chủ tịch Quốc hội khóa XIII) thể hiện dấu ấn đậm nét về dũng khí của “người cầm trịch” qua các phiên thảo luận và chất vấn tại nghị trường. Câu chuyện con gà cõng 14 loại phí được đại biểu nêu ra trước nghị trường thực sự đặt ra với chúng ta nhiều suy nghĩ. 

Theo ông Nguyễn Sinh Hùng, không thể cho rằng chuyện con gà là chuyện nhỏ, đây là vấn đề lớn liên quan đời sống người nông dân cũng như thể hiện nền hành chính đất nước. Người nông dân, nền nông nghiệp sản xuất, chăn nuôi mà những thứ phí, lệ phí chồng chất như vậy thì không thể phát triển được. 

Ngay tại nghị trường chất vấn khi đó, ông yêu cầu Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát và Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng phải giải quyết, dẹp bỏ ngay những loại phí không cần thiết và phải hứa ngay trước Quốc hội thời hạn giải quyết chứ không chỉ là chuyện hứa “sẽ làm” chung chung. 

Với động thái mạnh mẽ, dứt khoát như vậy, việc “con gà cõng 14 phí, thuế” được hai bộ cam kết ngay tại phiên chất vấn và giải quyết nhanh chóng sau đó.

Thời nào cũng vậy, vấn đề chống quan tham, giữ liêm chính là cốt lõi của nền hành chính “công bộc của dân”. Chẳng phải tới bây giờ mà ngay khi nước nhà vừa giành độc lập, Quốc hội đã đặt vấn đề xây dựng Chính phủ liêm chính. 

Lịch sử Quốc hội ghi nhận, tại Kỳ họp thứ hai của Quốc hội tiến hành tại Nhà hát Lớn Hà Nội, cuối tháng 10-1946, khi nói về Chính phủ liêm khiết, Chủ tịch Hồ Chí Minh thẳng thắn: “Dù sao Chính phủ đã hết sức làm gương và nếu làm gương không xong thì sẽ dùng pháp luật mà trị những kẻ ăn hối lộ, đã trị và sẽ trị cho kỳ hết”. 

Hồ Chủ tịch thay mặt Chính phủ trả lời các đại biểu và đánh giá về phiên chất vấn, trả lời chất vấn: “Chính phủ hiện thời mới thành lập xong, hãy còn thanh niên. Quốc hội bầu ra được hơn tám tháng lại còn thanh niên hơn nữa. Vậy mà Quốc hội đã đặt những câu hỏi thật già dặn, thắc mắc khó trả lời, đề cập đến tất cả những vần đề có quan hệ đến vận mệnh nước nhà. Với sự trưởng thành chính trị và sự quan tâm về việc nước ấy, ai dám bảo dân ta không có tư cách độc lập”. 

Như vậy là khí chất Diên Hồng đã có từ xưa, đó là truyền thống ông cha, truyền thống dân tộc kế tục suốt dòng chảy lịch sử. Thế nên, giờ trong phòng họp khang trang, hiện đại với đầy đủ tiện ích, những vị đại biểu dân cử khi đến đây, ngồi đây, thực hiện sứ mệnh của cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước, cần ý thức trách nhiệm và truyền thống, giá trị cao cả đó, để nói và hành động sao cho xứng đáng, không hổ thẹn với tiền nhân.

An Nhi
.
.