Tiếng nói nghị trường

Thứ Sáu, 25/03/2016, 13:22
Những dấu ấn đại biểu tại nghị trường Quốc hội cũng như trong tiếp xúc, giải đáp các vấn đề cử tri đặt ra và các hoạt động giám sát, tiếng nói của đại biểu giữ vị trí rất quan trọng. Một đại biểu phát biểu ý kiến chất lượng, lời nói thuyết phục được người nghe, lập luận khoa học, chính kiến rõ ràng không phải là việc nói bằng ngôn từ trau chuốt, gọt giũa mà đó là kết quả tổng hợp giữa các yếu tố: trí tuệ, bản lĩnh và trách nhiệm.

5 năm một lần, cử tri cả nước đi bỏ phiếu bầu chọn người đại diện cho tiếng nói, quyền lợi của mình vào cơ quan quyền lực ở Trung ương (Quốc hội) và địa phương (HĐND). Cũng tháng ba này 5 năm trước, Quốc hội khóa XII họp kỳ cuối cùng. 

Trong phiên bế mạc, khi nói lời chia tay một nhiệm kỳ Quốc hội sống động với nhiều dấu ấn, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó đồng thời là Chủ tịch Quốc hội) chia sẻ: Nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII đang dần khép lại nhưng dư âm và ấn tượng tốt đẹp chắc sẽ còn đọng mãi. 

Nhìn lại chặng đường gần bốn năm hoạt động (nhiệm kỳ Quốc hội khóa XII rút ngắn chỉ 4 năm so với 5 năm như thông thường), chúng ta có thể nói rằng, với tâm niệm phải làm gì để xứng đáng với lòng mong đợi và sự tin cậy của nhân dân, các vị đại biểu Quốc hội đã luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm, gắn bó mật thiết với cử tri, đi sát cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của cử tri để phản ánh với Quốc hội, tích cực nghiên cứu, tham gia quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước. 

Tiếng nói tại nghị trường cũng như trước báo chí, cử tri và nhân dân...

Đồng thời, thông qua hoạt động Quốc hội, mỗi chúng ta đều thấy mình trưởng thành hơn, có thêm tri thức và kinh nghiệm công tác. “Rồi đây, trong chúng ta, có đại biểu tiếp tục tái cử, có đại biểu đảm đương nhiệm vụ khác theo sự phân công của Đảng và Nhà nước, nhưng tôi tin chắc rằng, dù ở cương vị nào, mỗi đại biểu cũng mãi khắc sâu kỷ niệm về những năm tháng hoạt động ở Quốc hội và sẽ tiếp tục đóng góp sức mình vào công việc chung của đất nước, vì sự cường thịnh của Tổ quốc Việt Nam yêu quý của chúng ta, vì cuộc sống hạnh phúc của nhân dân Việt Nam anh hùng của chúng ta”.

Thêm 5 năm nữa trôi qua, dòng chảy thời gian ấn định kỳ bầu cử Quốc hội mới. 167 đại biểu khóa XI tái cử khóa XII cũng cùng với 333 đại biểu tham gia Quốc hội lần đầu đã hoàn thành trọng trách của mình. Kỳ này, số lượng ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV là 896 người, trong đó hơn 100 đại biểu khóa XIII tái cử.

Trong giai đoạn hiệp thương để “gút” danh sách ứng cử, điều được quan tâm là tiêu chuẩn ứng viên. Thực ra, tiêu chuẩn lựa chọn ứng viên để bầu vào Quốc hội các nhiệm kỳ không có nhiều thay đổi, đó đều là những tiêu chuẩn “cứng” đã được ghi rõ trong luật. 

Tại Điều 22, Luật tổ chức Quốc hội quy định 5 tiêu chuẩn đại biểu, đó là: Trung thành với Tổ quốc, nhân dân và Hiến pháp, phấn đấu thực hiện công cuộc đổi mới, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Có phẩm chất đạo đức tốt, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, gương mẫu chấp hành pháp luật; có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền và các hành vi vi phạm pháp luật khác.Có trình độ văn hóa, chuyên môn, có đủ năng lực, sức khỏe, kinh nghiệm công tác và uy tín để thực hiện nhiệm vụ đại biểu Quốc hội. Liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến của nhân dân, được nhân dân tín nhiệm. Có điều kiện tham gia các hoạt động của Quốc hội.

5 tiêu chuẩn trên không nhắc đến tiêu chuẩn nói – phát biểu, tức không thuộc tiêu chuẩn “cứng”.  Tuy nhiên, nói, phát biểu là một kênh quan trọng biểu đạt của phẩm chất chính trị, năng lực công tác, đạo đức lối sống. Nói hay, nói tốt chưa hẳn đã làm giỏi nhưng ở vị trí đại biểu đại diện cho tiếng nói của quần chúng nhân dân, để một đại biểu làm “tròn vai” thì “tiêu chuẩn nói” giữ vị trí quan trọng. 

Điều này cũng xuất phát từ chính chức năng, nhiệm vụ của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Một nguyên tắc trong hoạt động của Quốc hội để thực hiện các chức năng lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề quan trọng quốc gia là thảo luận tập thể (thảo luận tại hội trường, đoàn, tổ) trước khi đưa ra quyết định (biểu quyết tán thành hay không tán thành). 

Thông qua phát biểu thảo luận giúp Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan chức năng và cử tri, nhân dân biết được ý đại biểu muốn truyền đạt điều gì, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình về vấn đề đặt ra. Điều này nếu kết hợp tốt với việc soạn thảo bằng văn bản sẽ giúp truyền đạt đầy đủ, rõ ràng hơn về nội dung đại biểu cần phát biểu, đóng góp ý kiến. 

...là nội dung quan trọng trong hoạt động của đại biểu Quốc hội.

Chẳng hạn, khi thảo luận về sự cần thiết hay không đối với dự án xây dựng sân bay Long Thành – một dự án quan trọng quốc gia, tiêu tốn tới hơn 16 tỷ đôla Mỹ, ý kiến thảo luận của đại biểu cần có sự đánh giá toàn diện giữa lợi ích quốc gia và số vốn đầu tư, về tầm nhìn chiến lược của sự phát triển và hiệu quả thực tế có thể đạt được, từ đó biểu quyết bằng việc tán thành hay không tán thành.

Trong chất vấn, trả lời chất vấn, ngôn ngữ nói của đại biểu có ý nghĩa quyết định. Chất vấn thực chất là đặt câu hỏi đối với thành viên Chính phủ, tòa án, viện kiểm sát về những vấn đề tồn tại thuộc trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan này. 

Với tính chất hỏi để làm rõ trách nhiệm (chứ không phải hỏi để biết), để có câu hỏi chất vấn đúng nghĩa và xứng tầm trước diễn đàn Quốc hội vừa đòi hỏi trí tuệ của người hỏi, vừa là bản lĩnh, sự thẳng thắn, dám nói, dám vượt lên những rào cản về quan hệ xã hội. Sẽ khó có thể hình dung buổi chất vấn đi đến đâu nếu người hỏi chỉ cầm văn bản đọc đều đều, hỏi những điều nhỏ nhặt, thậm chí chỉ ngợi khen thay cho việc đặt câu hỏi làm rõ trách nhiệm. 

Còn đối với việc thực hiện các hoạt động giám sát theo chuyên đề, lĩnh vực cũng như quá trình tiếp xúc cử tri, khả năng nói, diễn đạt của đại biểu Quốc hội là kênh giúp cử tri hiểu hơn, gần hơn với Quốc hội, đại biểu Quốc hội.

Hoạt động Quốc hội thể hiện rõ rệt những yếu tố bề nổi trên các diễn đàn nghị trường (phát biểu thảo luận, chất vấn, biểu quyết) cũng như trong gặp gỡ, tiếp xúc cử tri. Do đó, khả năng diễn đạt, phát biểu, thuyết trình của đại biểu là chìa khóa để khẳng định dấu ấn của đại biểu đó trong lòng cử tri. 

Ở đây có tính biện chứng: Đại biểu nói tốt, diễn đạt tối đòi hỏi phải có trí tuệ, tư duy tốt. Tuy nhiên, có tư duy, trí tuệ tốt lại chưa hẳn đã nói tốt, diễn đạt tốt. Có người giỏi tư duy, trí tuệ nhưng lại thiếu bản lĩnh, ngại va chạm nên trước các vấn đề nóng đặt ra tại Quốc hội, rất có thể thay cho việc phát biểu ý kiến, họ lại chọn cách im lặng để tránh mất lòng. 

Quốc hội thảo luận, họ chỉ nghe mà không biểu thị quan điểm. Quốc hội chất vấn, họ không bao giờ đặt câu hỏi. Tiếp xúc cử tri, thay cho việc đứng ra truyền đạt, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng người dân thì họ có thể chọn cách cử người khác đại diện phát biểu. 

Cả nhiệm kỳ “im hơi lặng tiếng” không phát biểu điều gì, chỉ lắng nghe và biểu quyết. Mẫu hình đại biểu như vậy nếu đối chiếu tiêu chuẩn theo Điều 22, Luật Tổ chức Quốc hội ở chừng mực nào đó vẫn không vi phạm, tuy nhiên chữ tín nhiệm với nhân dân, cử tri không thể có và cũng không thể để lại dấu ấn gì trước nghị trường Quốc hội.

Nếu không tái cử, mỗi đại biểu cũng chỉ có 5 năm đảm nhiệm vai trò, vị trí trong cơ quan cao nhất dân cử. Rời nghị trường, có ai còn biết đến mình không nếu xuân thu nhị kỳ chỉ nghe mà không nói, chỉ bấm nút mà không phát biểu, chỉ dự mà không trao đổi, truyền đạt tới cử tri? 

Người ta nói, hoạt động bấm nút (biểu quyết) là quan trọng nhất vì nó quyết định đến việc thông qua hay không thông qua một dự luật, nghị quyết, thông qua hay không một dự án, công trình hệ trọng quốc gia. Tuy nhiên, việc biểu quyết chỉ tính chung bằng tỷ lệ chứ ở ta không ghi danh ai biểu quyết, ai không, ai tán thành, ai không tán thành. 

Thành thử, dù quan trọng với tính chất biểu quyết tập thể còn trên phương diện cá nhân, một đại biểu không thể ghi danh bằng việc biểu quyết, tán thành. Cái mà họ ghi dấu ấn, không gì khác đó là phát biểu, là ngôn ngữ, là thể hiện tính sống động trước Quốc hội, sự gần gũi, trách nhiệm trước cử tri. 

Phát biểu, thảo luận, chất vấn, trả lời cử tri… suy cho cùng là vì trách nhiệm, vì nhiệm vụ đại biểu và trọng trách mà cử tri giao phó. Chẳng thế mà dù hết nhiệm kỳ Quốc hội thì cử tri vẫn luôn nhớ đến hình ảnh những đại biểu làm nên sức sống nghị trường, làm nhịp cầu Quốc hội – cử tri trở nên gần gũi, thấu hiểu như đại biểu Nguyễn Quốc Thước (Nghệ An), Nguyễn Ngọc Trân (An Giang), Lê Văn Cuông (Thanh Hóa), Nguyễn Lân Dũng (Đắc Nông), Trần Đình Xuân (Tây Ninh), Danh Út (Kiên Giang), Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Bùi Thị An (Hà Nội), Trần Du Lịch (TP HCM), Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh)…

An Nhi
.
.