Phát ngôn nghị trường

Thứ Sáu, 25/11/2016, 10:58
Trước Quốc hội, đối diện với chất vấn “hỏi nóng, đáp ngay”, nếu vị “tư lệnh” nào lỡ lời, nói câu từ không chặt chẽ, bị hiểu kiểu nửa vời thì hệ quả ngay sau đó là bị “ném đá” tơi bời trên mạng, gây bức xúc dư luận xã hội. Ngay cả những phát ngôn với báo chí bên hành lang Quốc hội cũng dễ gây phản ứng “đỡ không kịp” khi báo chí ồ ạt tung lên.

Bộ trưởng trước phiên đăng đàn trả lời chất vấn thường có quỹ thời gian để chuẩn bị, ngắn thì một vài ngày, dài cũng cả tuần. Dựa trên câu hỏi chất vấn đại biểu gửi đến, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chốt lại các nhóm vấn đề để bộ trưởng nghiên cứu, giao tổ giúp việc chuẩn bị tài liệu, sẵn sàng tung ra khi cần thiết. 

Tuy nhiên, nếu chỉ ung dung với “phao cứu trợ” đã chuẩn bị sẵn và những “đề thi” đã được giới hạn mà không có tâm thế sẵn sàng ứng phó với những “câu hỏi bất ngờ”, bộ trưởng dễ rơi vào cảnh lúng túng, nói hớ...

Xem những phiên chất vấn nghị trường cho thấy, nhiều câu hỏi đại biểu truy nóng lại chính từ những vấn đề, vụ việc đã, đang xảy ra mà có thể không nằm trong nhóm được khoanh vùng. 

Chẳng hạn, hôm chất vấn Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giới hạn 3 nhóm vấn đề, gồm: Đề án Ngoại ngữ quốc gia 2020; tình trạng sinh viên ra trường thất nghiệp; đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Mở rộng thêm thì cũng là những chuyện nổi cộm của giáo dục như dạy thêm, học thêm, tiêu cực thi cử... 

Còn cái vụ “ngoài rìa” giáo viên bị điều đi làm tiếp tân ở Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh thì đâu có liên quan gì đến nhóm vấn đề chất vấn đã được khoanh vùng. Nhưng nghị trường Quốc hội nóng lên khi nhiều đại biểu giơ bảng xin tranh luận đến cùng với Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. 

Vụ này trước đó vài ngày chính Bộ trưởng đã ra công văn hỏa tốc gửi Chủ tịch UBND Hà Tĩnh. Dù vậy, việc đại biểu giơ biển hỏi đến cùng đã khiến ông lúng túng khi nói: “Cán bộ địa phương cũng là vì vui vẻ thôi nhưng đôi khi làm ảnh hưởng đến uy tín của nhà giáo. Cho nên đây là một hoạt động rất đáng tiếc”. 

Ý trả lời của Bộ trưởng là phê phán việc điều động nói trên song câu trả lời “cũng là vì vui vẻ thôi” khiến đại biểu và dư luận quan tâm.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân điều hành phiên chất vấn, trả lời chất vấn.

“Bộ trưởng nhận trách nhiệm nhưng lại dùng từ “chỉ vui vẻ thôi” thì tôi với góc độ về giới, đặc biệt tôi là một nữ đại biểu, tôi không biết Bộ trưởng có đau lòng hay không”- đại biểu Phạm Thị Minh Hiền (Phú Yên) tỏ rõ quan điểm, đồng thời bày tỏ: “Còn tôi thấy mình thực sự đau lòng”. 

Nữ đại biểu giãi bày: “Tôi tin rằng, với đặc thù của ngành giáo dục và Bộ trưởng là người có vai trò chỉ đạo, định hướng vì sự tiến bộ của phụ nữ của ngành thì chắc chắn rằng Bộ trưởng sẽ đứng ở một vị thế khác, tâm thế khác để nhận định cũng như có giải pháp tiếp theo để giữ được sự tôn nghiêm của ngành giáo, bảo vệ danh dự, uy tín của đội ngũ giáo viên”.

Quả thực, phát ngôn “chỉ vui vẻ thôi” ngay lập tức gây sốc cộng đồng mạng, hàng loạt ý kiến, comment đã xuất hiện trên mạng facebook. Có lẽ buổi trưa hôm ấy, người đứng đầu Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nhận ra sự phản ứng này nên ngay đầu giờ chiều phiên chất vấn, ông trần tình ngay. 

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ giãi bày, phát biểu của mình có ý nhấn mạnh việc điều động giáo viên đến các hoạt động có mục đích không phù hợp, ảnh hưởng đến thời gian làm việc của giáo viên là không được. 

“Tuy nhiên trong diễn đạt không rõ ý, nói “vui vẻ” là do khi trao đổi với lãnh đạo địa phương, họ bảo đây là hoạt động mang tính đối ngoại, có tính chất vui vẻ. Có lẽ là do tôi diễn đạt chưa rõ. Xin báo cáo lại để đại biểu thông cảm” - Bộ trưởng trần tình. Sự việc tiếp tục phả nóng khiến Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng tham gia trình bày trước Quốc hội.

Cử tri từ lâu khá ấn tượng với những chất vấn sắc cạnh của đại biểu Dương Trung Quốc. Kỳ trước, ông từng làm nóng nghị trường với những câu hỏi mà người khác thường tránh như hỏi “văn hoá từ chức” với người đứng đầu Chính phủ.  

Lần này, “văn hoá từ chức” tiếp tục được ông đặt ra với Thủ tướng, có điều khác ở chỗ ông không nhằm chất vấn “từ chức” tới đối tượng cụ thể mà đặt ra với phạm trù rộng: “văn hoá từ chức” trong xã hội nói chung. 

Đại biểu cho rằng thời điểm triển khai “văn hóa từ chức” đến thời điểm này đã chín muồi khi Thủ tướng quyết tâm trong xây dựng Chính phủ liêm chính. 

“Bên cạnh việc chúng ta nghiêm khắc loại trừ những phần tử thoái hóa biến chất thì cũng tạo ra hành lang pháp lý để người có liêm chính, có đạo đức rời khỏi chức vụ trong danh dự. Thủ tướng có cho rằng đã đến lúc xây dựng quy trình pháp lý để cho các viên chức, công chức từ chức khi cảm thấy cần thiết hay không” – ông nói. 

Trả lời nội dung này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp thu ý kiến và cho rằng, văn hoá từ chức là cần thiết bởi có người do sức khỏe, do trình độ, do hoàn cảnh gia đình không thể tiếp tục công việc trong bộ máy nên xin từ chức thì cần hoan nghênh. Chính phủ giao Bộ Nội vụ nghiên cứu thể chế để báo cáo Chính phủ nhằm có văn bản phù hợp tạo điều kiện từ chức trong điều kiện cụ thể.

Không ngoài dự đoán, phát ngôn nghị trường kỳ này “căng” với vụ Trịnh Xuân Thanh và nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho hay, qua ý kiến của cử tri và chất vấn của đại biểu Quốc hội tại kỳ họp này, với các sai phạm nghiêm trọng của ông Vũ Huy Hoàng trong thời gian vừa qua, Quốc hội nghiêm khắc phê phán. 

Quốc hội cũng nhận thấy trách nhiệm của mình trong kiểm tra, giám sát và ban hành các văn bản pháp luật làm cơ sở xử lý những vụ việc tương tự. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu cho Chính phủ trong xử lý theo quy định của pháp luật đối với những cá nhân, tổ chức sai phạm, đồng thời nghiên cứu các quy định của pháp luật về việc xử lý cán bộ mà sau khi nghỉ hưu rồi mới phát hiện sai phạm. 

Với Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, hẳn ông cũng đã tiên liệu đại biểu đằng nào cũng sẽ hỏi chuyện cách chức người... không còn chức nên soạn sửa kỹ nội dung. 

Ông nói, đối với cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, Ban Bí thư đã có hình thức xử lý là cách chức Bí thư Ban cán sự Đảng giai đoạn 2011-2016. Riêng về mặt Nhà nước, đây là vấn đề chưa có trong tiền lệ, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với các cơ quan chuyên môn, Ban cán sự Đảng của Chính phủ để có biện pháp xử lý về mặt hành chính. 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) đặt câu hỏi chất vấn.

Ông cũng cho hay, điều này chứng tỏ quyết tâm chính trị đối với những người đang công tác hoặc nghỉ hưu, nếu có sai phạm thì vẫn có biện pháp xử lý chứ không phải sai phạm rồi nghỉ hưu là “hạ cánh an toàn”. 

Dù giải thích như vậy song rõ ràng đây là vấn đề khó, như Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc chia sẻ với báo giới là “đã họp bàn nhưng chưa đưa ra được phương án xử lý”. Bởi ông Vũ Huy Hoàng được Quốc hội phê chuẩn chức vụ Bộ trưởng Bộ Công thương nhiệm kỳ 2011-2016 và Quốc hội cũng đã miễn nhiệm chức vụ này tại kỳ họp thứ 11 (tháng 3-2016). 

Ông đã bị miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng rồi, giờ không lẽ lại... cách tiếp. Hơn nữa, cách chức để xoá đi cái tên “nguyên Bộ trưởng” thì cũng chỉ có ý nghĩa cách về danh dự hơn là tính răn đe.  

Trong khi đó, vấn nạn “sếp toàn tòng” ở Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hải Dương (có 44 sếp trên tổng số 46 người, chỉ có 2 nhân viên) khiến dư luận sục sôi. Chuyện rành rành ra đó và kết quả thanh tra của Bộ Nội vụ cũng thừa nhận... đúng là có 44 sếp, 2 quân!

Thế nhưng, cựu Giám đốc Sở Lưu Văn Bản, nay là Bí thư Thị uỷ Chí Linh, Hải Dương vẫn phân bua trước báo giới rằng “do khối lượng công việc quá lớn nên tôi phải bổ nhiệm nhiều vị trí lãnh đạo. Tôi làm việc đó không vì cá nhân, không vụ lợi mà vì cán bộ, vì nhân dân”. 

Có lẽ câu chuyện này sẽ đi vào sử sách, đi vào kỷ lục ở cả hai nghĩa: Sở của ông “lãnh đạo toàn tòng” và phát ngôn của ông “lạ toàn tập”. 

Bên lề Quốc hội, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội nói rõ, cách giải thích của ông Lưu Văn Bản là thiếu trách nhiệm và “tôi cũng không biết vì dân là ở lý do gì”. Ông nói: “Trong phạm vi, thẩm quyền của mình thì anh phải chịu trách nhiệm”. 

Còn đại biểu Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) dứt khoát: “Chuyện một sở có 44 người làm lãnh đạo, chỉ 2 nhân viên, toàn bộ hệ thống hành chính ở Việt Nam không có quy định nào cho phép như vậy. Cách giải thích về mặt luật pháp là không chấp nhận được và thực tế cũng không chấp nhận được”. 

Nhiều ý kiến cũng chỉ rõ, từ vụ việc này phải tổng rà soát, chấn chỉnh lại công tác cán bộ trên toàn quốc. Một nhà nước pháp quyền không thể chấp nhận chuyện bổ nhiệm lãnh đạo ồ ạt, coi thường luật pháp như vậy, đến khi bị phê phán lại phủi tay “vì dân” như giễu cợt dư luận, giễu cợt luật pháp. Phải làm rõ trách nhiệm, xử lý nghiêm những cá nhân liên quan, công khai trước công luận, đó là quan điểm đặt ra từ nghị trường Quốc hội.

An Nhi
.
.