Phỏng vấn Cristoforo Colombo

Chủ Nhật, 27/09/2020, 08:25
PV: Thưa ông, cả nhân loại đã nhớ đến ông vì đẹp trai, vì giàu có, vì tài năng hay vì chức vụ lớn?


Colombo: Không hề. Toàn thể loài người biết tới tôi vì tìm ra châu Mỹ.

PV: Nghĩa là ông không hề phát minh ra Châu Mỹ, ông chỉ tìm được nó, đúng không ạ?

Colombo: Đúng. Nhưng trong cuộc sống, đôi khi chỉ tìm ra cũng được coi như phát minh ra.

PV: Vậy theo ông lịch sử loài người là gì ạ?

Hành trình tìm người tài giống như hành trình giong thuyền ra biển. Còn người bất tài thì...

Colombo: Có nhiều cách trả lời câu hỏi đó lắm. Nhưng cách của tôi như sau: Lịch sử của loài người là lịch sử của những sự tìm ra.

PV: Vậy cũng theo ông, sự tìm kiếm nào đối với chúng ta là quan trọng nhất? Quyết định nhất?

Colombo: Đó là tìm ra người tài. Nhân loại từ trước tới nay có vài chục tỷ người. Nhưng hầu hết chìm trong bóng tối. Chỉ vài chục ngàn người kiệt xuất từ cổ chí kim mới được biết đến và luôn luôn được nhắc mãi.

PV: Có phải theo ý ông, xã hội không có người tài thì cũng tựa như toa xe không có đầu máy?

Colombo: Vâng. Những đầu máy luôn luôn khiến các toa xe chạy nhanh và chạy đúng đường.

Đầu máy càng thông minh, toa xe càng đến đích sớm.

PV: Cứ theo lời ông nói, quá trình tìm ra người tài là vô cùng cần thiết? Vô cùng đáng quan tâm phải không ạ?

Colombo: Chính xác. Và luôn luôn tốn kém nữa. Nhiều quốc gia sẵn sàng trả giá đắt đến khủng khiếp để có một người như thế.

PV: Ví dụ?

Colombo: Ví dụ như để đào tạo ra một vận động viên đoạt huy chương vàng Olympic, nhiều nước sẵn sàng đầu tư hàng triệu đô la. Còn những nhà khoa học hàng đầu là vô giá.

PV: Thưa ông, theo lý luận của ông, không bao giờ nên đầu tư lớn để tìm ra những kẻ bất tài, nói khác đi là những kẻ dốt phải không ạ?

Colombo: Hoàn toàn nhất trí. Theo tôi đó là chân lý khỏi cần bàn.

PV: Vậy ông có biết kết quả thi tốt nghiệp phổ thông ở Việt Nam năm nay không?

Colombo: Không. Tôi ở Châu Âu cơ mà. Nhưng có chuyện gì vậy?

PV: Chuyện là trong kỳ thi đó, 98,34% thí sinh đã đậu.

Colombo: Ái chà, học sinh của Việt Nam giỏi quá nhỉ. Cứ gần 100 em chỉ có gần 2 em dốt.

PV: Nhưng thưa ông, một cuộc thi nếu tính ra trên toàn quốc sẽ tốn kém khéo cả ngàn tỷ đồng. Bao nhiêu tiền bạc, bao nhiêu công sức phải bỏ ra ông ạ.

Colombo: Trời đất ơi, để tìm ra có vài đứa dốt mà đầu tư khủng khiếp vậy ư? Chết thật. Sao không dùng kinh phí ấy để luyện nhân tài? Sao lại bỏ tiền ra một cách ngược đời như thế. Cả thế gian chẳng ai làm vậy cả.

PV: Đó là điều tôi cũng không hiểu được thưa ông.

Colombo: Và tôi tin rằng chẳng ai hiểu được nếu có chút đầu óc khoa học. Đứng về góc độ kinh tế, một cuộc tuyển chọn như thế hoàn toàn hoang phí.

PV: Chính xác.

Colombo: Sẽ không có ai tổ chức một thế vận hội thể thao mà 98,3% vận động viên đoạt huy chương. Đúng không nào?

PV: Đúng quá ạ.

Colombo: Thế cái cuộc thi vĩ đại đó năm nay mới có à.

PV: Không ạ. Năm nào cũng có, và năm nào cũng đậu cao, có năm còn hơn 99%.

Colombo: Chết thật, vậy thi làm gì cho phí phạm tiền bạc, thời gian và công sức của toàn xã hội.

PV: Rất nhiều người, rất nhiều lần đã hỏi câu hỏi đó, kể cả tôi nhưng chẳng bao giờ có câu trả lời rõ ràng cả.

Colombo: Khủng khiếp quá. Ngày xưa khi tôi lên đường ra đại dương thám hiểm, tôi chỉ có vài ba chiếc tàu thì sử sách mới ghi công. Chứ nếu như có cả trăm ngàn chiếm hạm cùng ra khơi và 98,34% tàu đều tìm ra Châu Mỹ thì ai biết Colombo này chứ.

PV: Vậy đó. Hàng triệu học sinh khăn gói đi thi, hàng triệu phụ huynh nắng nôi đưa đón, hàng trăm ngàn cô giáo gò lưng chấm bài, bao nhiêu mồ hôi nước mắt để tìm ra vài đứa dốt có phải là một việc đầu tư vô cùng kỳ quái và kỳ lạ không, thưa Cristoforo Colombo vĩ đại?

Colombo: Tôi không vĩ đại bằng những đứa học sinh dốt trượt kỳ thi vừa qua đâu, vì người ta đã bỏ một ngân sách khổng lồ, mới tìm ra chúng đấy.

Lê Thị Liên Hoan
.
.