Nhật ký của một người Việt mắc kẹt trong đại dịch

Thứ Ba, 05/05/2020, 10:14
Để mỗi ngày trôi qua không vô nghĩa, tôi duy trì thói quen viết và gửi bài cộng tác cho một số tờ báo. Một người bạn đại học của tôi, đang phụ trách tờ tạp chí nhắn tin “đòi bài” kèm theo dòng chữ: “Vẫn còn sống chứ?”.

Thực sự, vào thời khắc này, tôi không biết cuộc sống của mình đang trôi theo dạng thức nào, khi cả thế giới đang rơi vào một cuộc khủng hoảng vô tiền khoáng hậu - trăm năm mới có một lần. Và, mỗi số phận trên hành tinh này đều bị ảnh hưởng ít nhiều bởi thảm họa tưởng như chỉ có trong tưởng tượng này.

Đại dịch đã khiến hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới phải học tại nhà thay vì đến trường.

Rất nhiều người bạn trên Facebook của tôi cùng đăng một câu hỏi: “Điều gì đang chờ đợi chúng ta ở phía trước?”. Tất cả những tin tức tôi hấp thụ trên truyền thông là các con số liên quan đến đại dịch COVID-19, bệnh nhân của hôm nay tăng so với hôm trước, người chết cao kỷ lục, 2/3 nhân loại sống trong tình trạng cách ly xã hội, chứng khoán lao dốc, kinh tế suy thoái, người lao động bị sa thải, người nghèo chạy ăn từng bữa, người già ngồi trong nhà chờ đến lượt mình bị “thần chết” điểm danh... Một bức tranh u ám và sầu thảm.

Gia đình tôi cũng đang sống trong một hoàn cảnh đặc biệt. Chồng làm việc và sống một mình ở Hong Kong (Trung Quốc). Vợ xoay xở với 3 con nhỏ trong sự cưu mang của ông bà ngoại ở một thành phố trung du phía Bắc Việt Nam. Hằng ngày, chúng tôi duy trì sự liên lạc bằng những cuộc gọi qua Viber, chia sẻ các bức ảnh chụp khoảnh khắc các con tôi đang chơi đùa hoặc những tin tức về dịch bệnh có thể ảnh hưởng đến cuộc sống. 

Được phép làm việc tại nhà nên hầu như chồng tôi rất ít khi ra ngoài trừ khi có việc cần thiết như mua thức ăn, đồ nhu yếu phẩm. Mỗi khi ra đường, anh đeo khẩu trang 3 lớp, kính phòng hộ và găng tay. Còn lại mọi sinh hoạt đều diễn ra trong căn phòng vẻn vẹn 10 m2. Phải sống một mình ở nơi đất khách quê người, chồng tôi làm mọi cách có thể để tránh bị ốm, từ việc hạn chế ra đường, vệ sinh cá nhân sạch sẽ, ăn uống đầy đủ cho đến việc từ chối tất cả mọi cuộc tụ tập, đeo khẩu trang cả ngày, trừ khi đi ngủ. 

Mỗi khi nhìn xuống con đường được coi trái tim mua sắm của đảo Hong Kong, nơi có hàng nghìn người qua lại trước kia nay chỉ thưa thớt vài bóng người, chồng tôi lại tự hỏi không biết điều gì đang xảy ra với Hong Kong cũng như thế giới này? Một khung cảnh vắng lặng như trước một cơn bão thường thấy trong các bộ phim khoa học viễn tưởng.

Công viên đóng cửa để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Người hàng xóm thân thiết của tôi ở khu Causeway Bay gửi thư kể lại câu chuyện bố mẹ 85 tuổi của chị đã kiên quyết không cho con cháu đến thăm hoặc gặp mặt như trước kia vì ông bà sợ bị nhiễm virus. Hằng ngày, chị hoặc chồng phải cắt cử nhau mua thức ăn,  thuốc theo tin nhắn của ông bà rồi đặt trước cửa nhà. 

Những bữa ăn đoàn tụ gia đình hoặc đồng nghiệp tại các quán Dimsum, lẩu Tứ Xuyên bị hủy bỏ. Hầu như 98% dân Hong Kong ra đường đều đeo khẩu trang ngoại trừ số đông những người da trắng hay còn gọi là “GWEILO” (tiếng Quảng Đông) và tất cả những người này đều bị kỳ thị. 

Vì làm việc cho một quỹ đầu tư đa quốc gia nên Karen - hàng xóm của tôi, có rất nhiều bạn là người châu Âu hoặc Mỹ. Khi đại dịch diễn ra, chị kể đã có rất nhiều cuộc tranh cãi, tình bạn sứt mẻ khi những người bạn da trắng của chị nhất quyết không đeo khẩu trang vì họ cho rằng “khẩu trang chỉ dành cho nhân viên y tế hoặc người ốm”, hoặc họ tin rằng COVID-19 chỉ là một dạng “cúm mùa”. 

Nhiều người còn ủng hộ thuyết “miễn dịch cộng đồng” theo chính phủ nước họ khi cho phép đại dịch lây lan mà không có những biện pháp ngăn chặn quyết liệt. Trong khi đó, Hong Kong là đặc khu trực thuộc Trung Quốc - quốc gia đầu tiên bùng phát dịch bệnh và đã từng trải qua dịch SARS cướp đi 300 sinh mạng nên người Hong Kong vô cùng cẩn trọng và tuân thủ theo các biện pháp phòng bệnh. 

Người dân thực hành cách ly xã hội bằng cách hạn chế ra ngoài, làm việc tại nhà; chính phủ đóng cửa trường học và tất cả những địa điểm công cộng, vui chơi, giải trí. Học sinh Hong Kong được hỗ trợ 3.500 đô la HK/mỗi em, còn người lớn thì được chính phủ cho 10.000 đô la HK, các doanh nghiệp thì được miễn giảm 100% thuế. 

Tuy nhiên, theo một cuộc điều tra mới đây trên tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng thì đa số người Hong Kong đều cảm thấy “chán nản với thực tại và vô vọng về tương lai” khi họ phải trải qua liên tiếp 2 thảm hoạ kép là cuộc biểu tình kéo dài 6 tháng rồi đến đại dịch Coronavirus. 

Khi tôi gửi cho Karen bức ảnh những đứa trẻ nhà tôi đang chơi đùa trên mảnh sân thoáng mát của ông bà ngoại, cô đã nói “ghen tỵ” vì trẻ con nhà cô phải bức bách sinh hoạt trong căn hộ chật chội chưa đầy 30m2 và hiện tại thì cũng không được ra ngoài vì chính phủ cấm cả những sân chơi cho trẻ em trong công viên gần nhà. “Gia đình tôi thực sự rơi vào một tình cảnh tuyệt vọng về tinh thần” - cô buồn bã chia sẻ. 

Là đô thị có hố sâu ngăn cách giàu nghèo khủng khiếp, Hong Kong còn nhiều đứa trẻ không có máy tính hoặc mạng internet để theo học online; có những người nghèo không đủ khẩu trang y tế nên phải tái sử dụng nhiều lần; có những đầu bếp, hướng dẫn viên du lịch, lái xe taxi, công nhân xây dựng không biết phải xoay xở bữa ăn ngày mai như thế nào khi công ty của họ phá sản.

Ở Việt Nam, nơi thành phố tôi đang sinh sống đáng nhẽ sẽ có một lễ hội quốc gia diễn ra nhưng bị hủy bỏ vì đại dịch. Đường phố vắng lặng, hàng quán đóng cửa, chợ búa thưa thớt bóng người. Những nhân viên làm việc cho phòng khám của gia đình chúng tôi xin đừng đóng cửa vì họ không biết sẽ sống thế nào nếu bị cắt lương 2 tuần còn lại vì hầu như họ đã tiêu hết số lương tháng trước cho gia đình. Những đứa trẻ lơ vơ cả ngày với màn hình máy tính và điện thoại. 

Trong thời khắc đặc biệt này, một người bạn của tôi là chuyên gia tâm lý trị liệu làm việc cho tổ chức hỗ trợ bà mẹ và trẻ em ở Hong Kong đã nhắn lên Facebook: “Đừng cứng nhắc tuân theo các nguyên tắc. Hãy thả lỏng và làm theo điều mà bạn tin rằng là tốt nhất phù hợp với hoàn cảnh gia đình”. 

Cô lập một group để tư vấn cho bạn bè các giải pháp vượt qua đại dịch như làm sao để làm việc tại nhà hiệu quả; cách học và chơi cùng con; tháo gỡ mâu thuẫn vợ chồng; giảm căng thăng, lo âu nếu thất nghiệp... Đối với trẻ con, cô khuyên tôi có thể nới lỏng thời gian sử dụng ti vi, điện thoại; Thiết lập một lịch sinh hoạt cố định hằng tuần chia rõ thời gian ăn, ngủ, nghỉ, học như thời điểm trước dịch bệnh; Học kỹ năng chơi với con các trò chơi thời thơ ấu như cá ngựa, ô ăn quan, bắn bi, trốn tìm... 

Ngoài ra, để chăm sóc bản thân và vượt qua lo âu, cô giới thiệu tôi theo học khóa “The Science of Well-Being -Khoa học về hạnh phúc” của Đại học Yale (Hoa Kỳ) tổ chức miễn phí trên trang mạng Coursera có hàng nghìn người tham gia. 

Một giáo sư Đại học Yale sẽ dạy bạn cách để sống hạnh phúc bằng cách thực hành những điều giản dị trong cuộc sống. Thay vì hướng đến những điều tiêu cực, bạn hãy để tâm trí chảy về những điều tích cực và chậm rãi thưởng thức một bữa ăn ngon, đọc một cuốn sách, ngắm hoa, uống trà, dạo bộ... là những điều trước đây bạn không thể thực hiện vì quá bận rộn cho việc kiếm sống. 

Mỗi ngày, bạn dành 5 đến 10 phút, viết ra 5 điều bạn thực sự biết ơn, đó có thể là những thứ nhỏ bé hoặc điều lớn lao. Ví dụ, khi đọc những con số chết chóc hay xem những thước phim về sự mất mát của loài người trong cơn đại dịch, tôi biết ơn vì bản thân vẫn còn sống sót, có một mái nhà, một nghề nghiệp và không phải suy nghĩ ngày mai sẽ phải nuôi con như thế nào? 

Ngoài ra, bạn hãy làm một điều tử tế như giúp đỡ đồng nghiệp, làm từ thiện, hiến máu, quyên góp, nói những câu tốt lành hoặc trở thành một niềm cảm hứng cho ai đó. Trong hoàn cảnh cách ly xã hội, bạn không thể ra ngoài trừ khi bạn cần mua thực phẩm hay thuốc thì con người vẫn có thể kết nối trên không gian mạng. 

Thông qua các ứng dụng như Zoom, Viber, Facetime, Zalo... bạn có thể tổ chức tiệc sinh nhật, họp lớp, cùng đọc sách, xem phim, chia sẻ các quan điểm từ chính trị đến nghệ thuật. Con người - trong những thời khắc tuyệt vọng nhất vẫn có thể lựa chọn cho mình một cách sống để tồn tại và hướng về tương lai.

Thu Phương
.
.