Tôi nghĩ gì, những ngày đại dịch?

Thứ Sáu, 01/05/2020, 08:04
Một ngày như bao ngày, mở trang Facebook cá nhân, chúng ta gặp câu hỏi bạn đang nghĩ gì… Tôi đang nghĩ gì ư?

(Bài viết xin kính dâng lên các Thầy thuốc Việt Nam và toàn thế giới!)

Một ngày như bao ngày, mở trang Facebook cá nhân, chúng ta gặp câu hỏi bạn đang nghĩ gì… Tôi đang nghĩ gì ư?

Trong ngày đại dịch này tôi thường suy ngẫm về sự tồn tại sự sống con người, và về những việc tranh đoạt hơn/ thua, thiện/ ác đã/ đang xảy ra cực khốc liệt. Tôi nghĩ tới Thầy thuốc - người bảo dưỡng cơ thể sinh học cho tồn tại con người. Trong bao nghề nghiệp, tôi xếp nghề Thầy thuốc ở ngôi số Một, sau đó là khoảng trống mênh mông, cũng theo thiển ý tôi, không nghề nghiệp nào đáng xếp thứ 2.

Ảnh: L.G

Nghề gieo trồng ngũ cốc xếp vị trí thứ 3. Tới đây, có thể gặp câu hỏi, gieo trồng ngũ cốc, thứ sản vật nuôi sống con người sao không ở ngôi thứ 2, thậm chí ngôi chí tôn, số một? Xin thưa, ngũ cốc và hoa trái cùng các sản vật khác như cá tôm… hằng nuôi sống con người vốn có trong tự nhiên, thiên nhiên hoa cỏ. Chỉ có nghề Thầy thuốc biết tìm kiếm và chế xuất từ các thảo dược tự nhiên ra các bài thuốc cùng phương pháp chẩn/trị chữa bệnh, cứu sống và bảo dưỡng tuổi thọ cho con người, đó thực mới là sản phẩm/nghề nghiệp nhân tạo quý giá bậc nhất mà loài người phát minh ra.

Nghệ thuật - thi ca và âm nhạc từ thuở sơ khai lưu truyền kết tinh qua các làn điệu ca dao, dân ca - tiếng hát lời ru đã cưu nâng, di dưỡng giá trị tình yêu, điều thiêng cho phần sống tâm hồn con người, kế vị thứ 4.

Vị trí thứ 5, thứ 6… kế tiếp cho trăm nghề ngàn nghiệp đến kể tên tính tuổi.

***

Trong những ngày đại dịch COVID-19, con người như đã choàng tỉnh hiểu sự tồn tại của mình thật quá đỗi mỏng manh, và vì vậy càng bội phần cần được bảo trọng, trân quý từng ngày. Chỉ với một con virus vô hình vô lượng đã dư sức xô đẩy con người thế giới dạt từ Đông sang Tây. Phiêu dạt, nổi trôi tìm nơi an trú, mà ai biết nơi nào trên trái đất này an toàn được trước nó? Con virus đang là kẻ thù chung của loài người. Nó khiến mọi thứ vũ khí tối tân mà con người chế tạo ra thành rác rưởi vô dụng. Nó đang thắng áp đảo. Cho đến giờ này, ngày này, tháng này, ai thoát chết cũng chỉ có thể nói "tôi là người may mắn".

Tai họa con virus gây ra đã rõ. Tuy vậy có câu "trong họa có phúc". Điều may mà con virus để lại cho con người là sự tự nhận thức sâu sắc hơn về giá trị sinh tồn, sự gắn kết cá thể với toàn thể, về lẽ sống tin yêu, đoàn kết cùng nhau cưu nâng, bảo vệ lấy sinh mệnh, ngôi nhà trái đất, chứ không phải những thứ phù phiếm như tiền bạc, ngôi vị, danh vọng mà đời thường chúng ta từng xem đó là những mục đích cao cấp nhất, cần vươn tới.

***

Tôi nghĩ gì ư?

Tôi nghĩ, trong cuộc chiến virus này chúng ta mất nhiều thứ. Kinh tế nhiều ngành suy giảm, thất nghiệp cao thêm. Có thể sẽ có những công ty phá sản, những gia đình lâm cảnh khó khăn… Song cái được cũng không hề ít. Như ở Việt Nam số người chết vì COVID-19 tới giờ này chưa có, nhưng số người chết vì tai nạn giao thông giảm rất nhiều. Đó là một giá hời lớn. Thêm nữa, có bạn nói vui ngày dịch "người tham tạm quên nhũng". Trong nhiều năm qua, chưa đoạn ngày nào con người Việt Nam thân gần nhau đến vậy.

Mọi người như bớt đi sự thu vén, vơ véo riêng tư. Những giá trị cốt lõi của Quốc gia là sinh mạng người dân được Chính phủ lấy làm mối quan tâm quý báu nhất. Những giá trị nhân văn trong mỗi con người được đánh thức dậy sau một chặng dài chạy xô vì danh vọng, ngôi vị, hay bé mọn hơn vì miếng cơm manh áo.

Chưa lúc nào lẽ "Nhiễu điều phủ lấy giá gương/ Người trong một nước phải thương nhau cùng" lại được thắp sáng lung linh trên chiếc giá gương Quốc gia cũng như nơi mỗi góc phố chân làng đến thế. Vậy là cái được thật cũng nhiều, cũng đầy đặn. Thật đáng giá!

***

Tôi nghĩ…

Có một giá trị đức tính ngỡ khiêm nhường ẩn khuất mà có lúc con người xao nhãng, chưa đề cao đúng mức, thì trước họa COVID-19, đức tính đó trở về đòi được gọi lên: tính thật thà. "Thật thà là cha quỷ quái!" Tính gian dối sẽ sát hại chúng ta ngay tức thì. Sự thật thà sẽ cứu sống chúng ta. Xin hỏi các ông bà/ anh chị đã đi đâu, gặp gỡ ai… câu trả lời thiếu "thật thà" của một vài người không chỉ tự hại bản thân họ, mà hoàn toàn có thể dẫn đến sự vỡ toang cuộc chiến phòng chống dịch của cả đất nước. Và vì thế chắc hẳn chưa khi nào hàng triệu triệu con người, kể cả người vốn quen thiếu trung thực, lại cùng đồng tâm thù ghét tính dối trá, thói ích kỷ vô trách nhiệm với cộng đồng đến thế. Nhìn từ góc độ này, chẳng phải cái hạn COVID-19 đã hóa ra một ông thầy nghiêm khắc giúp con người học lại bài thuở ấu thơ: "Nhân chi sơ tính bản thiện"!

***

Tôi nghĩ gì ư?

Như đã khẳng định: Nghề Y là nghề quý giá bậc nhất!

Bậc nhất, để sau đó không có nghề nào đáng mặt ngự ở vị trí thứ 2!

Cũng phải đến lúc cực lâm nguy, cấp thiết cần bào chế ra vắc xin, tìm ra pháp đồ điều trị COVID-19 con người như mới nhớ lại thuở sơ khai tuổi loài người, khi cảm mạo gió máy, yếu đau, tính mạng bị đe dọa cũng chỉ biết ngửa mặt kêu "trời ơi, cứu con!". Để rồi từ tiếng kêu cứu đầu đời đó mà đôi tay, cái miệng biết tìm ra vị thuốc trong điệp trùng cỏ cây nơi vườn ruộng hoang sơ, chốn rừng sâu núi thẳm.

Việc hái lượm, săn bắt ra đời cho con người miếng ăn, việc tìm vị thuốc trong cỏ cây để chữa bệnh và chỉ khi hai khả năng này song hành thì con người mới thực sự làm chủ được mạng sống của mình. Đến ngày tháng năm này đây, khi dịch bệnh đang hoành hành đòi cướp đi sinh mệnh thì nhân loại thêm lần tìm vào nương thân nơi Thầy thuốc. Duy nhất trên đời chỉ có họ, những Thầy thuốc mới có thể quyết định nhân loại sẽ tiếp tục tồn tại tự tin, khỏe mạnh hay không.

Bạn nhất trí với tôi không?

Hỏi vậy, vì tôi biết sẽ có không ít người đòi ngôi thứ 2, thậm chí thứ Nhất cho ghế quyền lực. Này, những chiếc ghế quan trường. Đúng là không có mi thì không có các hình thái Nhà nước Cộng hòa hay Dân chủ, đa nguyên hay nhất nguyên, để từ đó thiết lập xã hội gọi là có kỷ cương phép nước... Tuy vậy, nói thật thà: Nhà nước - với hệ thống quan quyền chính là nơi con người dễ bị tha hóa thành đứa con dữ con hư, làm đảo điên phải/ trái, lẫn lộn trắng/ đen bậc nhất.

Và cũng có thể không ít người muốn tôn vinh nghề "tài chính - ngân hàng" ở ngôi thứ 2, hoặc thứ 3. Xin thưa, loài người biết duy trì đời sống và tìm thấy hạnh phúc từ khi còn quần tụ nhóm lửa để nướng chín đồ ăn, sưởi ấm đêm lạnh giá. Và họ đã sống rất bình yên, bình đẳng, hạnh phúc bên nhau quãng thời gian dài hằng thiên niên kỷ. Thế rồi khi đồng tiền xuất hiện đặt giá sang hèn, cao thấp, hơn thua…thì sự bình yên, hạnh phúc của họ chịu thử thách, có lúc bị phá vỡ tan tành.

Thật chính xác không có nghề nào xứng ngôi thứ 2, khi nghề Y đã ngự ngôi thứ nhất! Và vì vậy chúng ta tin tưởng rằng, với quyền năng bậc nhất của mình, sớm thôi, các Thầy thuốc sẽ đuổi con virus về với xứ sở mê tối và tàn ác mà nó đã sinh ra!

***

Tôi nghĩ gì ư?

Tôi nghĩ Bà Mẹ trái đất đã quá mệt mỏi với đàn con loài người trái tính trái nết. Muôn loài vốn thuận tự nhiên theo Mẹ, duy con người thường muốn cưỡng lại, chống lại luật tự nhiên. Tài nguyên bị khai phá cạn kiệt; môi trường, khí hậu bị ô nhiễm, uế trược vô cùng. Mẹ Trái đất đã muốn nghỉ ngơi và phải chăng, thật đau đớn, trớ trêu, trong đại dịch, đại khủng hoảng y tế, nhân đạo do lũ con vô đạo tự gây ra lại là quãng thời gian Mẹ trái đất được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng.

Mẹ trái đất biết việc hiểm ác mà con người gây ra cho đồng loại nhưng Mẹ đã chặc lưỡi buông tay, cũng như khi bà mẹ - con người đứng lặng nhìn đứa con điên loạn, ngáo đá mất tính loài. Mẹ bất lực và mẹ muốn nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng. Các ống khói bớt xả khói độc ngùn ngụt lên trời, dòng người đã bớt đi sự xô chen hối hả. Sự tham đoạt hơn thua, cao thấp đã có phần dịu lại. Mái ấm gia đình ấm nóng hơi người, bếp nhà nhà nồng nàn củi lửa, tiếng nói cười nở hồng trên môi con trẻ… Bao điều an vui bình dị mà máu thịt, thiết tha bấy lâu ngỡ đã ở ngoài đời sống của chúng ta.

Mẹ trái đất đang rất cần được nghỉ ngơi!

Loài người với quá nhiều lầm lỗi, quá nhiều tham vọng đã đến lúc cần tĩnh tâm, suy xét lại mình!                                               

***

Và tôi. Trong những ngày này tôi sẽ nghĩ ngợi về nhiều điều khác nữa…

Đỗ Trọng Khơi
.
.