Sau đại dịch COVID-19, ngành giáo dục mất gì, còn gì và được gì?

Thứ Sáu, 01/05/2020, 10:50
Có thể nói giáo dục là một trong những ngành chịu thiệt hại lớn nhất từ đại dịch COVID-19 ở nước ta. Hầu hết trường học các cấp cũng như các cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước đã phải đóng cửa ngay từ sau tết Nguyên đán cho đến tận bây giờ. Sau cú sốc ban đầu, những người trong ngành giáo dục đã cố gắng vượt khó để giữ nghề.

Bài viết này xin góp một ý kiến hòa chung vào nỗ lực vượt khó của toàn ngành, từ góc độ của những người nghiên cứu khoa học giáo dục. 

Ước lượng sự mất mát

Số liệu trên báo VnExpress cho biết, vì ảnh hưởng của COVID-19, riêng tại Hà Nội, gần 18.000 giáo viên trường ngoài công lập đang phải nghỉ việc không lương; khoảng 28.000 người khác may mắn có lương nhưng bị giảm ít nhất 50% so với trước kia. Nhìn rộng ra cả nước, “Báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách” do Trường Đại học Kinh tế quốc dân công bố cuối tháng 3 vừa qua đưa ra những con số thực sự đáng lo ngại.

Cụ thể, báo cáo ước tính tác động cho đến hết tháng 4 của đại dịch đối với giáo dục là “suy giảm 35%”, cao nhất trong các ngành được khảo sát (thương mại hàng hóa: 20-30%, xuất nhập khẩu: 5-8%, dịch vụ vận tải: 20%, du lịch - khách sạn: 20%...). Viễn cảnh đại dịch tiếp tục hoành hành đến tận tháng 6, thậm chí còn đem đến con số báo động hơn: suy giảm 60% trong toàn ngành giáo dục. Có thể nói, trong hàng chục năm, chưa bao giờ ngành giáo dục đứng trước thử thách khó khăn đến vậy.

Còn và được 

Sau những choáng váng ban đầu, có thể thấy, những người trong ngành giáo dục, từ người làm chính sách, lãnh đạo trường cho đến từng giáo viên đã cố gắng thích nghi với hoàn cảnh, tìm ra các phương án vừa để đảm bảo việc dạy - học được duy trì ở mức nhất định, vừa để chuẩn bị tinh thần đón nhận các thách thức mới trong tương lai.

Giáo dục là một trong những ngành chịu thiệt hại lớn nhất từ đại dịch COVID-19 ở nước ta. Ảnh: L.G.

Trong bối cảnh đó, giáo dục từ xa, giáo dục online trở thành phương án khả dĩ nhất. Các bài giảng được ghi hình gấp rút, các tài khoản học trực tuyến như Zoom, Microsoft... nhanh chóng được thiết lập, giáo viên cũng được đào tạo gấp rút về kỹ năng thao tác online. Ngay cả những môn tưởng chừng như chỉ có thể dạy được trực tiếp như thể dục cũng được chuyển sang online hóa 100%. Từ chỗ bị coi là “hạng hai”, thậm chí là không được công nhận, giáo dục từ xa, online bỗng có vị trí “trung tâm”. 

Nói là “hạng hai” là bởi, ngay từ khi ra đời giáo dục từ xa, online đã không được giới giáo chức truyền thống ủng hộ. Một loạt điểm yếu của giáo dục từ xa, online đã được chỉ ra như: khả năng tương tác thầy - trò thấp, không kiểm soát được việc học của người học hay tỷ lệ bỏ học cao... Và mặc cho bản thân giáo dục từ xa, online đã có khá nhiều thay đổi, điều chỉnh, cải tiến và khắc phục nhược điểm của mình, trong suốt nhiều năm, hình thức giáo dục này vẫn được xem là chất lượng thấp.

Từ mức độ vĩ mô, giáo dục từ xa, online vẫn được nhà nước xem là một hình thức đào tạo khác biệt với giáo dục truyền thống. Việc áp dụng, dù chỉ một phần giáo dục từ xa, online vào trong chương trình chính quy vẫn bị nhiều rào cản từ góc độ pháp lý. Năm 2006, khi tham gia WTO, Việt Nam đã không công nhận việc học từ xa, điều đó có nghĩa là nếu một sinh viên đăng ký một chương trình online của nước ngoài và học từ Việt Nam thì bằng cấp sẽ không được Chính phủ Việt Nam công nhận.

Chính vì vậy, có thể nói COVID-19 thực sự đã đem lại “cơ hội vàng” cho giáo dục từ xa, online trong việc xác lập vị trí của mình. Những tháng vừa qua có thể xem là một cuộc “thí nghiệm toàn diện” của toàn ngành với hình thức đào tạo mới này mà không cần phải lobby, thuyết phục hay mệnh lệnh hành chính nào cả. Kể cả những người “bảo thủ” nhất với giáo dục truyền thống cũng buộc phải thử dùng hoặc công nhận phần nào giá trị của giáo dục từ xa, online. Và những người ủng hộ giáo dục từ xa, online trước kia có nằm mơ cũng không bao giờ nghĩ được cách học mình lựa chọn lại có cơ hội được thí nghiệm tốt đến như vậy.

Hướng tới tương lai

Trong tương lai, giáo dục từ xa, online sẽ như thế nào? Liệu nhân cơ hội này giáo dục từ xa, online có thể thay thế được một phần hay toàn bộ giáo dục truyền thống hay không? Đây hẳn nhiên là các câu hỏi mà tất cả chúng ta đều quan tâm hiện nay. Cá nhân người viết bài này cho rằng đặt vấn đề thay thế giáo dục từ xa, online cho giáo dục truyền thống hay ngược lại, giữ nguyên giáo dục truyền thống và không công nhận giáo dục cho từ xa, online tham gia như trước kia đều là những cách tiếp cận sai lầm.

COVID-19 thực sự đã đem lại “cơ hội vàng” cho giáo dục từ xa, online trong việc xác lập vị trí của mình. Ảnh: L.G.

Cách thức phù hợp nhất có lẽ nên là tận dụng những ưu thế của 2 hình thức giáo dục này với nhau (xem bảng so sánh). Hình thức đó, trong giới giáo dục gọi là blended teaching - learning (dạy-học hỗn hợp). Theo đó, việc dạy - học sẽ được tách làm 2 phần: (i) phần từ xa, online nơi người học có thể học trước các phần lý thuyết; bài giảng chung; và (ii) phần thực hành, bài tập nơi thầy - trò vẫn có thể tiếp xúc với nhau để cùng nhau giải quyết các vấn đề cụ thể. Lý tưởng nhất là hai phần này sẽ được dạy liên tiếp so le nhau (học từ xa, online - học truyền thống - học từ xa, online...).

Nhưng, trong một số điều kiện khó khăn, ví dụ học sinh sống ở cách xa trường học, thì việc này có thể tách thành 2 phần riêng biệt: học từ xa, online trong một khoảng thời gian đủ dài rồi di chuyển đến địa điểm học để học tập trung, sau đó lại trở về nhà.

Với cách tiếp cận này, ưu điểm của học truyền thống vẫn được giữ nguyên, trong khi lợi thế của giáo dục từ xa, online, bao gồm nâng cao năng suất của người dạy và khả năng tiếp cận người học sẽ được phát huy.

Một số mốc quan trọng của giáo dục từ xa, online ở nước ta

1993: Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Mở Tp. Hồ Chí Minh ra đời, theo mô hình đại học mở tại một số nước phát triển, trong đó có chức năng đào tạo từ xa

1995: Bộ GD&ĐT ban hành quy định đầu tiên về đào tạo từ xa (Quyết định 1860/GD-ĐT).

2003: Quyết định 40/2003/QĐ-BGDĐT ra đời, thay thế Quyết định 1860/GD-ĐT.

2006: Việt Nam gia nhập WTO, trong đó không cam kết công nhận giáo dục từ xa với các nước khác.

2012: Làn sóng các khóa học mở đại trà (MOOCs) phát triển mạnh mẽ trên thế giới, được đón nhận tại Việt Nam chủ yếu từ các doanh nghiệp (sử dụng trong quá trình đào tạo nội bộ).

2017: Thông tư 10/2017/TTBGDĐT ra đời, thay thế Quyết định 40/2003/QĐ-BGDĐT.

2007 - nay: Hàng loạt đơn vị sử dụng hình thức đào tạo từ xa, online ra đời như Topica, Funix, Giapschool, Kyna, Edumall... Nhiều đơn vị đã tìm được chỗ đứng nhất định trên thị trường nhưng nhiều đơn vị đã thất bại, buộc phải dừng hoạt động.

2020: Đại dịch COVID-19 hoành hành, các trường học buộc phải đóng cửa. Hình thức đào tạo từ xa, online trở thành lựa chọn khả dĩ để duy trì dạy - học trong thời gian nghỉ dịch.

Phạm Hiệp
.
.