Báo chí và nhịp sống nghị trường
- Đưa nền báo chí cách mạng Việt Nam phát triển hiện đại nhưng vẫn mang đậm bản sắc dân tộc
- Phát ngôn nghị trường
- Tiếng nói nghị trường
Giờ giải lao mỗi buổi họp Quốc hội chỉ vẻn vẹn 20 phút nhưng báo chí gọi đó là “khung giờ vàng”. Ấy là bởi, với báo chí không có thời điểm nào phù hợp hơn khi gặp các đại biểu bên hành lang hội trường, nhất là những đại biểu giữ các vị trí quan trọng trong bộ máy hành chính Nhà nước (lãnh đạo Chính phủ, bộ trưởng, thứ trưởng, bí thư, chủ tịch UBND tỉnh...); những đại biểu nắm bắt vấn đề, báo chí cần thông tin và đại biểu cũng cần sự chia sẻ.
Trong mối tương tác đó, những đại biểu được coi là “cây nói”, vốn thẳng thắn, cởi mở thường được cánh báo chí “săn tìm” mỗi khi Quốc hội nghỉ giải lao. Những lúc như thế, giờ giải lao thật ngắn ngủi, một vị đại biểu có thể đứng giữa hàng chục phóng viên, ghi âm, máy ảnh tranh thủ “giờ vàng”...
Khác với lối truyền đạt bằng văn bản, báo cáo bao giờ cũng có độ trễ, có khi hàng tuần, hàng tháng, việc phỏng vấn đại biểu Quốc hội đều là những chuyện nóng bỏng thường ngày, những bức xúc từ đời sống xã hội, có khi chuyện vừa xảy ra đâu đó, ngay cả đại biểu khi được hỏi cũng chưa biết đến.
Chưa biết nhưng không có nghĩa không trả lời, báo chí sẽ vắn tắt lại nội dung rồi đề nghị đại biểu cho biết quan điểm, ý kiến. Tất nhiên, sự nhanh nhạy dưới hình thức đó khó đâu bì bằng báo chí nghị trường và cũng bởi thông điệp được truyền đi từ hành lang Quốc hội có cả “rừng” ghi âm, máy ảnh nên lời nói của đại biểu nhanh chóng phủ khắp báo mạng ngay sau đó.
Một nội dung trả lời báo chí được hàng chục, thậm chí hàng trăm báo đưa lại, hiệu ứng mạng vì thế có sức lan tỏa rất lớn. Tuy nhiên, cũng bởi tính nhanh nhạy và mỗi báo nói một kiểu nên nhiều vụ “râu ông cắm cằm bà”, có khi ngôn từ trao đổi của đại biểu bị cắt gọt hoặc vì ghi âm “tịt” nên không ít người sau khi xem lại, nghe lại phải tá hỏa điện cho phóng viên hoặc các tòa báo đề nghị được cải chính.
Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội Khóa XIV, ngay từ phiên khai mạc đã nóng bỏng với những chuyện như: bổ nhiệm quan chức “thần tốc”; chuyện “cả họ làm quan”; chuyện chặt cây xanh, đốn lá phổi ở Hà Nội; chuyện “cấp phép Quốc ca”, xử lý người phát biểu tại hội thảo du lịch...
Một buổi tọa đàm về tác nghiệp của báo chí tại Quốc hội. |
Trong báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội ngày 22/5 cho biết, công tác cán bộ còn nhiều yếu kém, một số trường hợp bổ nhiệm cán bộ không đúng quy định, gây bức xúc dư luận. Trong đó có 9 địa phương (Hà Giang, Nghệ An, Thừa Thiên - Huế, Đắk Lắk, Bình Định, Cần Thơ, Bà Rịa - Vũng Tàu, Yên Bái, Đà Nẵng) có 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà. Đề tài này được báo chí khai thác suốt nhiều ngày sau đó.
Trong giờ giải lao, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau), Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội được anh em báo chí “tiếp đón” ngay cửa ra vào uống nước giải khát.
Trước “rừng” máy ghi âm, ông nói: Con số 9 địa phương với 58 trường hợp đó mới chỉ là phần nổi, còn thực tế cuộc sống có bao nhiêu “họ làm quan” không thể kiểm soát nổi.
“Đúng như câu vè của dân gian lâu nay xôn xao: Nhất trực hệ, nhì tiền tệ, tam quan hệ, tứ đồ đệ. Trước đây người ta nói tứ là trí tuệ nhưng gần đây câu vè điều chỉnh lại, trí tuệ bị gạt ra ngoài. Con số 58 trường hợp bổ nhiệm người nhà nếu như so sánh với số lượng chức danh lãnh đạo tại 9 địa phương thì quá nhỏ. Tuy nhiên, rõ ràng kết luận của Thanh tra Bộ Nội vụ đưa vào báo cáo của Chính phủ đã gióng lên hồi chuông khá báo động về tình trạng lạm dụng quyền lực hiện nay” - ông thẳng thắn.
Đại biểu cho rằng, con số mà Chính phủ đưa ra trong báo cáo phản ánh thực trạng diễn biến từ lâu nay trước áp lực của dư luận, ngay cả Nghị quyết Trung ương 4 Khóa XII cũng đánh giá thực trạng đó đã đến hồi cảnh báo. Nó là biểu hiện của 1 trong 27 biểu hiện suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tác động trực tiếp tới bộ máy lãnh đạo, bộ máy quản lý, rường cột của bộ máy ấy.
Cũng như căn nhà, cán bộ là kèo, khung sườn của một thiết chế nên việc bổ nhiệm cán bộ là “thân hữu, trực hệ, tiền tệ” thì rất nguy hiểm bởi những nhân vật ấy chất lượng phẩm hạnh kém thì làm sao ban hành chính sách pháp luật đúng đắn được. Thứ hai, đội ngũ cán bộ lãnh đạo được bổ nhiệm không đúng cũng vận hành pháp luật vì lợi ích cho họ. Và thứ ba là dẫn đến vi phạm pháp luật ngày càng phổ biến, làm cho tính nghiêm minh của pháp luật, tinh thần thượng tôn pháp luật bị xâm hại.
Đi vào những vụ việc cụ thể, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Ủy viên thường trực Ủy ban về Các vấn đề xã hội Quốc hội cho rằng, kết quả thanh tra vụ “hot girl” Quỳnh Anh được UBND tỉnh Thanh Hóa công bố mới chỉ xác nhận được một điều, đó là có sai phạm trong quá trình bổ nhiệm.
Kết quả đó chưa làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị liên quan đến vụ việc này. Trong kết luận nêu lý do chưa đủ cơ sở để kiểm tra, xác minh tài sản của bà Quỳnh Anh vì đã không còn là cán bộ, công chức.
“Tôi cho rằng kết luận như vậy là thiếu thuyết phục. Bởi đây là vấn đề không chỉ liên quan đến cán bộ, công chức, mà còn liên quan đến giai đoạn trước, liên quan đến việc bổ nhiệm cán bộ. Vấn đề này cần phải làm rõ” - ông nói.
Trong nhiều trường hợp, khi vụ việc xảy ra đang làm xôn xao cộng đồng mạng, điển hình là mạng Facebook thì có đại biểu Quốc hội khi được hỏi đến đã nói ngay “việc phóng viên hỏi, tối qua tôi vừa thấy trên Facebook”!
Mới đây, sau vụ Cục Nghệ thuật biểu diễn “cấp phép Quốc ca”, trên mạng Facebook lan truyền công văn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo xử lý phát ngôn của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tại hội thảo về quy hoạch bán đảo Sơn Trà.
Ngay sau khi Facebook lan truyền công văn trên với hàng loạt chỉ trích, ngày 4-6-2017, Bộ đã có thông báo về việc thu hồi văn bản “trái khoáy” trên. Rõ ràng, phản ứng của mạng xã hội có tốc độ lan truyền khủng khiếp khiến cơ quan quản lý phải nhanh chóng điều chỉnh hành vi. Ngay lập tức, nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm với báo giới.
Khi Hà Nội nóng đỉnh điểm, thông tin chặt hạ hơn 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng cũng khiến hành lang nghị trường nóng theo. Phiên họp buổi sáng 5-6, đúng ngày nắng nóng cực điểm, vừa kịp nhấp ngụm nước mát bên hàng lang, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải đã “đụng” ngay anh em báo chí.
Ông thẳng thắn trả lời câu hỏi phóng viên và nói, thực tế, các dự án đầu tư xây dựng khi làm phương án giải phóng mặt bằng đều phải lấy ý kiến người dân. Bây giờ phải di dời hoặc chặt cây xanh đi, ai cũng tiếc, nhưng trong quá trình phát triển, chỗ nào cần di dời cây thì bắt buộc phải làm. Ngoài ra, trong phương án quy hoạch đầu tư xây dựng, phải tránh tối đa vùng cây xanh, công viên, hồ nước.
“Hôm trước có ông nào đề xuất lấp hồ nước đi (hồ Thành Công). Đào lên không được lại lấp đi, đề xuất thì cứ đề xuất thôi chứ có ai đồng ý đề xuất đó” - Bí thư Thành ủy Hà Nội dẫn chứng.
Nhiều vị bộ trưởng cũng đồng thời là đại biểu Quốc hội. Ở nghị trường, họ chính là người được báo chí quan tâm “săn đón”, nhất là khi trong phạm vi lĩnh vực, ngành thuộc bộ đó quản lý có vấn đề nóng nổi lên. Đương nhiên, không phải khi nào bộ trưởng cũng có đủ thời gian và điều kiện để trả lời cả “rừng” câu hỏi báo chí. Ví như hồi ngành y tế xảy ra chuyện thẩm mỹ viện làm chết người rồi vứt xác phi tang, chuyện tiêm vaccin làm chết trẻ em, rồi bác sĩ vòi tiền bệnh nhân... Nữ Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có lúc phải than “tôi vừa trả lời anh báo gì đó xong, cũng câu đó, giờ hỏi lại nữa”.
Báo chí hễ có việc nóng là muốn gặp, muốn hỏi, bất kể việc đó liên quan trực tiếp đến đại biểu hay không. Và điều ấy cũng khiến đại biểu ái ngại, thậm chí tìm cách “né”. Ví như sau thảm họa cá chết ở miền Trung, cánh phóng viên cứ giờ giải lao lại “săn tìm” ông Võ Kim Cự. Lường được điều gì sẽ xảy ra khi đối mặt báo chí lúc này, ông Cự dạo đó không thấy ra hành lang uống nước giải khát như mọi khi.
Nhưng cánh báo chí cũng có cách để “xin lời” đại biểu, ấy là đặt vấn đề với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Biết chuyện, Chủ tịch Quốc hội gợi mở: “Nếu đúng như báo chí phản ánh về việc đại biểu né tránh báo chí, tôi sẽ gặp gỡ ông Võ Kim Cự để nhắc nhở. Tất nhiên trả lời báo chí hay không là quyền của đại biểu nhưng đã là đại biểu Quốc hội thì phải chủ động cung cấp thông tin cho báo chí, không né báo chí, nhất là khi mình là lãnh đạo của tỉnh Hà Tĩnh trực tiếp liên quan đến giai đoạn cấp phép cho Formosa. Trong các sinh hoạt của Quốc hội, tôi sẽ đề nghị các đại biểu cung cấp thông tin cụ thể”.
Sau đó ít hôm, người ta thấy ông Cự trả lời phỏng vấn báo chí, bài phỏng vấn không phải đôi ba câu mà dài cả trang báo; ông không chỉ nói một vài vấn đề mà dốc bầu tâm tư... cả buổi!