Bài cuối: Loay hoay tìm kiếm thị trường quốc tế
- Bài 3: Lỗi ở kỳ vọng quá lớn
- Bài 2: Những nhịp đập thăng giáng thất thường
- Bài 1: Khởi từ ái tình, đặt tên sách và quảng cáo
Không xôm trò như các hội sách quốc tế, không triền miên như các hội thảo khoa học văn học, không ngân nga du dương như các buổi lễ tổ chức kỉ niệm, cũng không tẻ nhạt như các giải thưởng thường niên, “quảng bá văn học” rơi đâu biết đấy và chẳng lấy gì đảm bảo chắc chắn nó sẽ rạng rỡ tương lai.
Ngoại trừ số ít tác phẩm được dịch và tham gia một cách rất khiêm tốn vào thị trường văn chương đa ngữ, phần chủ yếu văn chương Việt ra quốc tế, nói không quá lời, chỉ vì nỗ lực cá nhân, vì thịnh tình giao hảo, hoặc vì có điều kiện tài chính.
1. Cho đến năm 2019, Hội Nhà văn Việt Nam đã tổ được 4 hội nghị quốc tế quảng bá văn học Việt Nam với bản tổng kết khá chung chung: có thêm nhiều tác phẩm được dịch, xuất bản tại nhiều quốc gia; được đón nhận bằng các tặng thưởng hoặc giảng dạy, nghiên cứu.
Nhưng “nhiều” là bao nhiêu, ở nhà xuất bản nào, in bao nhiêu bản và được “đón nhận” theo phạm vi nào, trong một nhóm nhỏ hay trong thị trường đọc lớn, thì chưa thấy một công bố có tính quan phương đáng tin cậy.
Thành thử, “quảng bá văn học” dưới lời lẽ của Hội Nhà văn, tuy được hiểu là việc cấp thiết nhưng không khỏi gây thở dài vì vừa tốn kém vừa ít hiệu quả. Tôi không có hàm ý cho rằng việc tổ chức các hội nghị quảng bá văn học là được chăng hay chớ, tựa như một tour du lịch Việt Nam miễn phí cho một số văn nghệ sĩ quốc tế.
Tôi chỉ nghĩ rằng, để tìm kiếm, xây dựng thị trường văn chương ngoài nước, hàng ghế ngồi không phải là dăm ba thi sĩ, văn sĩ, dịch giả bằng hữu mà trước hết và quan trọng, phải là ông chủ các nhà xuất bản, các chuyên gia, mạnh thường quân môi giới và truyền thông văn chương.
Vì chính họ sẽ quyết định đầu tư in hay không, in số lượng nhiều hay ít, in để bán hay để biếu tặng. Với những tập đoàn xuất bản lớn, chẳng cần đến Hội nghị quảng bá, tự khắc họ cũng tìm đến nếu mùi vị thị trường đủ mạnh.
Nhìn lại văn học Việt Nam từ đổi mới đến nay, những tác phẩm có tần số hiển thị nhiều trên văn đàn quốc tế, trước hết, vẫn phải ít nhiều gây tiếng vang trong nước. Chẳng hạn, văn xuôi có Nỗi buồn chiến tranh, Thời xa vắng, Mảnh đất lắm người nhiều ma, Bến không chồng, Mảnh vỡ của đàn ông, Gia đình bé mọn…
Thơ ít hơn nhưng cũng xuất hiện trong các tuyển chọn mang tính giới thiệu hoặc các tập đơn: Defian Muse: Vietnamese Feminist Poems (nhiều tác giả), The Time Tree (Hữu Thỉnh), The Wom Carry River Water (Nguyễn Quang Thiều), Three Vietnamese Poets (Văn Cầm Hải, Nguyễn Quốc Chánh, Phan Nhiên Hạo), Green Rice (Lâm Thị Mỹ Dạ),….
Trong đó, trường hợp Nỗi buồn chiến tranh gây ấn tượng bậc nhất khi đã được dịch sang khoảng 20 thứ tiếng. Yếu tố chất lượng, danh tiếng tác phẩm là điều kiện quan trọng để thông hành nhưng không có nghĩa là con đường duy nhất.
Các nhà xuất bản trong nước, nếu nỗ lực cải thiện thị trường phát hành, vẫn có thể tạo ra phiên bản ngoại ngữ cho tác phẩm “con cưng” của họ như trường hợp nhà xuất bản Trẻ với Oxford yêu thương (Beloved Oxford), Nhắm mắt thấy Paris (Paris Through Closed Eyes), Cung đường vàng nắng (In the Golden Sun) đều của tác giả “bán chạy” Dương Thụy; Vừa nhắm mắt vừa mở cửa sổ (Open the window, eyes closed) của Nguyễn Ngọc Thuần.
Xu hướng tự thân các nhà xuất bản quảng bá tác phẩm rất cần được khuyến khích và nhân rộng trong điều kiện các hội sách quốc tế lớn hay kênh phát hành trực tuyến Amazon đều đã đón chào “nền văn học nhỏ” như Việt Nam.
Tinh thần “tự mình làm lấy” cũng khiến các nhà văn bây giờ năng nổ, chủ động hơn trong việc dịch, in tác phẩm ở nước ngoài. Hồ Anh Thái và Mai Văn Phấn, theo tôi, điển hình cho ý thức “quốc tế hóa” tác phẩm của mình dựa trên điều kiện tài chính lẫn mối quan hệ văn chương.
Hồ Anh Thái sớm có tác phẩm được dịch sang tiếng Anh, từ Trong sương hồng hiện ra (Behind the Red Mist), Người đàn bà trên đảo (The Women on the Island) cho đến Cõi người rung chuông tận thế (Apocalypse Hotel) và nhiều truyện ngắn khác.
Mai Văn Phấn còn có biên giới ngôn ngữ rộng hơn khi thơ của ông đã được dịch sang nhiều thứ tiếng mà trong hình dung của nhiều người, nó “xa lắc lơ” như tiếng Anbani, Rumani, Slovakia, Macedonia, Montenegro.
Cho dẫu việc dịch ra các thứ tiếng nhìn chung là thiểu số đó không quá hiệu quả về thị trường nhưng ít ra, nó chứng thực khát vọng tìm thêm các không gian tiếp nhận. Ở thời điểm hiện tại, giới cầm bút không thể trông cậy mãi vào chân lí hữu xạ tự nhiên hương mà cần xây dựng một đội ngũ cộng sự, một ê-kíp dịch thuật, xuất bản chuyên nghiệp để truyền thông, chuyển ngữ tác phẩm càng tích cực càng tốt.
2. Việc quốc tế đón nhận văn chương Việt Nam, thật ra, không chỉ vì mối quan hệ thân sơ giữa các cá nhân/đơn vị xuất bản mà còn vì ở quốc gia đó, nhu cầu tìm hiểu, nghiên cứu Việt Nam đã thành nếp khiến thị trường xuất bản có thể tìm kiếm, nắm chắc một lượng độc giả ổn định.
Đấy chính là lí do vì sao văn chương Việt thường được dịch nhiều ở Pháp, Mỹ và Nhật, ba quốc gia có truyền thống và thành tựu Việt học.
Ở Pháp, nhà xuất bản Éditions de Laube (thành lập năm 1987) đã rất mực nồng nhiệt và kiên trì xuất bản, tái bản Nguyễn Huy Thiệp với một loạt các tập truyện, kịch, tiểu thuyết: Un général à la retraite (Tướng về hưu); Le Coeur du tigre (Trái tim hổ), Les Démons Vivent Parmi Nous (Quỷ ở với người), La vengeance du loup (Sói trả thù), Conte d'amour un soir de pluie (Truyện tình kể trong đêm mưa), L'Or et le feu (Vàng và lửa), À nos vingt ans (Tuổi 20 yêu dấu), Mon oncle Hoat (Chú Hoạt tôi), Crimes, amour et châtiment (Tội ác, tình yêu và trừng phạt)…
Gần đây, nhà xuất bản Riveneuve, dưới sự cộng tác dịch thuật, giới thiệu của TS. Đoàn Cầm Thi và cộng sự, cũng ấn hành nhiều tác phẩm văn chương đương đại: Thoạt kì thủy (A lorignie) và Trí nhớ suy tàn (Un autre ciel) của Nguyễn Bình Phương, Cơ hội của Chúa (Un opportunité pour Dieu) của Nguyễn Việt Hà, Song song (Paralleles) của Vũ Đình Giang, Delete và Blogger của Phong Điệp, Ngựa thép (Chaval dacier) của Phan Hồn Nhiên…
Ở Mỹ, Nhà xuất bản Curbstone đã lập tủ sách “voices from Vietnam” để chuyển ngữ và xuất bản một số tác phẩm văn xuôi của Lê Minh Khuê (tập truyện ngắn The Stars, the Earth, the River – Những ngôi sao, mặt đất, dòng sông), Ma Văn Kháng (tiểu thuyết Against the Flood – Ngược dòng nước lũ), Nguyễn Khải (tiểu thuyết Thời gian của người – Past Continuous), Nguyễn Huy Thiệp (tập truyện Sang sông - Crossing the River).
Ở Nhật, tác phẩm của Mai Ngữ, Nguyễn Minh Châu, Ma Văn Kháng, Nguyễn Huy Thiệp, Lê Lựu, Nguyễn Thị Thu Huệ, Bảo Ninh cũng đã được dịch.
Từ tiếng Anh và tiếng Pháp, văn chương Việt tiếp tục có những “phiêu lưu” đơn lẻ qua một số ngôn ngữ khác (Thụy Điển, Đức, Ý, Hàn Quốc, Trung Quốc…) nhưng nhìn chung, mức độ xuất hiện ở các thứ tiếng này còn khá ít ỏi và thường lặp lại các tác giả, tác phẩm. Hầu như không có thêm những gương mặt mới khi mà số lượng dịch giả, chuyên gia về văn chương Việt ngoài khu vực tiếng Anh, Pháp là không quá nhiều.
Như thế, đường đi của văn chương Việt ra quốc tế, còn chịu tác động khá lớn từ các mối quan hệ học thuật và kinh tế - xã hội. Những quốc gia muốn hiểu Việt Nam một cách cơ bản sẽ phải lắng nghe văn chương Việt, thứ âm thanh tuy khó lĩnh hội tức thì nhưng cho phép giải mã phần nào tâm tính, tâm hồn Việt Nam.
Không khó nhận ra Hàn Quốc, một quốc gia đang ăn nên làm ra về kinh tế với Việt Nam, đang trở thành “thị trường mới” của văn chương Việt khi họ đã lần lượt dịch tác phẩm của Ma Văn Kháng, Lê Minh Khuê, Đoàn Lê, Phan Thị Vàng Anh, Hồ Anh Thái cho đến Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh. Khi hợp tác kinh tế thuận buồm xuôi gió thì các trao đổi văn hóa văn chương cũng nảy nở đa dạng hơn.
Dĩ nhiên, cơ hội của sự hợp tác này phụ thuộc con mắt xanh tiến cử, các mạnh thường quân nghệ thuật. Ở Việt Nam, hỗ trợ tài chính cho dịch thuật văn chương (như một chiến lược xuất khẩu văn hóa) đang quá ít ỏi trong khi các “ông lớn”, “đại gia” kinh tế thì chỉ giỏi chịu chi cho nhà lầu, xe hơi, mua sắm hoặc chơi golf.
3. Ngoại trừ Nỗi buồn chiến tranh, cho đến nay, Nguyễn Huy Thiệp là tác giả đương đại có số lượng tác phẩm dịch ra nhiều ngôn ngữ nhất (Anh, Pháp, Nhật, Thụy Điển, Đức, Ý, Hàn Quốc).
Thực tế ấy khiến cái gọi là giá trị văn chương Việt trên văn đàn quốc tế rất khiêm tốn. Chúng ta mới chỉ có dăm ba giải thưởng văn chương khu vực và quốc tế ở mức “tạm được” cho dù giấc mơ ẵm giải Nobel văn học luôn đau đáu trên truyền thông.
Chúng ta cũng chưa có tác phẩm nào nằm trong danh mục “best-seller” của các tờ báo/tạp chí uy tín cho dù ngày nào độc giả Việt cũng bắt gặp tác phẩm bán chạy của “các nước bạn” trên hiệu sách. Bản thân tôi nhiều lúc không thể hiểu vì sao vô số tác phẩm xoàng xĩnh lại có thể dễ dàng dịch, bán được ở thị trường Việt trong khi để có một tác phẩm nội địa ra quốc tế thì khó khăn, chậm chạp đến thế?
Chúng ta thiếu gì, cần gì và sẽ phải học hỏi cách tiếp thị văn chương của bạn bè ra sao để cải thiện tình hình? Và các hội nghị quảng bá văn học, sau khi hoan hỉ vì kết quả đạt được, có nên giao chỉ tiêu xuất khẩu văn chương thật cụ thể, rõ ràng không?