Thủ tướng Shinzo Abe và kế hoạch “người khổng lồ” trên thị trường vũ khí

Thứ Sáu, 30/06/2017, 07:53
Sau khi quy định cấm xuất khẩu vũ khí và công nghệ quân sự có hiệu lực gần nửa thế kỷ được hủy bỏ vào tháng 4-2014, Nhật Bản không ngừng nỗ lực trở thành đối thủ tích cực trên thị trường vũ khí quốc tế.

Giờ đây, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe muốn biến hoạt động kinh doanh vũ khí và hợp tác công nghệ quân sự trở thành một phần mới trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản. Tokyo đang hy vọng tăng doanh số bán thiết bị quân sự cho các quốc gia thuộc khu vực Đông Nam Á trong bối cảnh những căng thẳng an ninh do Trung Quốc và Triều Tiên gây ra vẫn không ngừng gia tăng.

Bên cạnh đó, Thủ tướng Shinzo Abe đang chuẩn bị kế hoạch thăm nhiều cường quốc lớn để tiến hành các cuộc đàm phán nhằm “phát triển sâu rộng quan hệ đối tác chiến lược” và các vấn đề hợp tác quân sự - kỹ thuật, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất vũ khí phòng thủ.

Phô diễn tiềm năng

Trong những năm gần đây, nhiều quốc gia đã có những hành động làm thay đổi hiện trạng thế giới như việc Trung Quốc ngang nhiên xây dựng trái phép các hòn đảo nhân tạo trên Biển Đông và tiến hành quân sự hóa ở những khu vực này. 

Việc Nhật Bản có kế hoạch tăng cường hoạt động xuất khẩu vũ khí là một phần trong chiến lược của Thủ tướng Shinzo Abe nhằm đẩy mạnh vai trò của quân đội Nhật Bản cũng như ngành buôn bán vũ khí sang các nước Đông Nam Á - khu vực mà Trung Quốc cũng đã mở rộng thị phần xuất khẩu vũ khí lâu nay.

Theo ông Abe, điều cần thiết là duy trì một vùng biển mở và ổn định theo quy định của luật pháp. Đảm bảo quyền tự do hàng hải và hàng không sẽ đóng góp vào nền hòa bình và thịnh vượng của Nhật Bản cũng như cộng đồng quốc tế. Vì vậy, hoạt động nghiên cứu và phát triển các thiết bị quốc phòng công nghệ cao của Nhật Bản không chỉ đóng góp cho nền quốc phòng Nhật Bản mà còn nhiều quốc gia khác.

Theo ước tính, giá trị ngành công nghiệp quốc phòng nội địa hằng năm của Nhật Bản rơi vào khoảng 1,8 ngàn tỷ yên. Con số này thua xa với ngành công nghiệp ô tô là 52 ngàn tỷ yên/năm. 

Tuy nhiên, chính quyền Abe đang phải đối mặt với thách thức rất lớn khi hoạt động xuất khẩu vũ khí của Nhật Bản hiện vẫn còn bị giới hạn do những ràng buộc liên quan tới hiến pháp hậu chiến tranh. Các chương trình nghiên cứu và phát triển vũ khí của Nhật Bản cũng mới chỉ hợp tác với Mỹ theo hiệp ước quốc phòng song phương.

Chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe muốn biến hoạt động kinh doanh vũ khí và hợp tác công nghệ quân sự trở thành một phần mới trong chính sách ngoại giao của Nhật Bản.

Sau khi một vài quy định Hiến pháp Nhật Bản được thay đổi vào năm 2014, Tokyo hiện mở rộng hợp tác nghiên cứu với Anh, Australia và Pháp. Ngoài ra, để mở rộng ngành công nghệ quốc phòng, chính quyền Abe đã quyết định tăng chi phí cho lĩnh vực nghiên cứu lên con số hơn 10 ngàn tỷ yên trong năm nay.

Trong bối cảnh này, chính quyền Abe đã tổ chức Triển lãm công nghệ và hệ thống phòng thủ hàng hải hàng không (MAST) châu Á vào giữa tháng 6-2017 vừa qua. MAST là cuộc triển lãm quốc tế duy nhất của Nhật Bản về vũ khí chuyên dụng và cũng là cuộc triển lãm thương mại duy nhất dành cho các chuyên gia công nghệ cao cấp về phòng thủ và an ninh hàng hải.

Ngoài trưng bày các sản phẩm quốc phòng, MAST còn là nơi tranh luận giữa những chuyên gia quân sự trong các lĩnh vực mặt biển, ngầm dưới biển, hàng không và không gian, đồng thời đưa ra những triển vọng mới nhằm đáp ứng các năng lực tiềm tàng trong tương lai.

Gây ấn tượng cho khách tham quan là những trang thiết bị, công nghệ như tàu khu trục trang bị tên lửa điều khiển, nguyên mẫu xe đổ bộ, công nghệ dò mìn và hệ thống radar tiên tiến. 

Ít nhất 16 công ty Nhật Bản trưng bày sản phẩm riêng - từ nhà chế tạo vũ khí hàng đầu Mitsubishi Heavy Industries đến hãng Kawasaki chuyên chế tạo máy bay tuần tra săn ngầm P-1 và ShinMaywa chuyên chế tạo máy bay đổ bộ US-2. Đây được coi là cơ hội để Thủ tướng Shinzo Abe đẩy mạnh các mối quan hệ quân sự công nghiệp, từ đó mở rộng ảnh hưởng ở Đông Nam Á.

Hồi năm 2014, Thủ tướng Shinzo Abe đã chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu vũ khí kéo dài hàng thập kỷ, một phần để giảm bớt chi phí thu mua bằng cách mở rộng sản xuất vũ khí. Động thái này còn cho phép Nhật Bản sử dụng công nghệ vũ khí làm phương tiện để thu hút các nước khác tăng cường hợp tác quân sự.

Chưa hết, chính quyền Abe đang có tham vọng biến các thương vụ vũ khí và sự hợp tác về công nghệ quân sự trở thành điểm nhấn mới trong đường lối ngoại giao của Nhật Bản, trước hết tập trung vào thị trường Đông Nam Á để làm đối trọng với ảnh hưởng của Trung Quốc ở Biển Đông.

Với mục tiêu đó, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã mời đại diện một số nước ASEAN như Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam tham dự cuộc hội thảo chuyên đề công nghệ quân sự cùng đại biểu các nước Australia, Pháp, Đức, Ấn Độ, Ý, Anh và Mỹ ngay sau khi MAST kết thúc.

Chiến lược dài hơi

Thị trường vũ khí ở Đông Nam Á đang lớn mạnh giữa lúc kinh tế tăng trưởng thúc đẩy gia tăng chi tiêu cho quốc phòng. Nắm bắt được yếu tố quan trọng này, chính quyền Abe nhanh chóng tiến hành nhiều biện pháp tích cực nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển giao thiết bị quốc phòng cho các nước Đông Nam Á để giúp những nước này tăng khả năng đảm bảo an ninh hàng hải giữa lúc Trung Quốc đơn phương mở rộng chủ quyền ở Biển Đông.

Trong thời gian tới, Nhật Bản cũng sẽ chủ trì một số cuộc họp với sự tham gia của giới chức quốc phòng tới từ các nước Đông Nam Á để thảo luận về chương trình chia sẻ công nghệ và thiết bị quân sự.

Rõ ràng, Thủ tướng Shinzo Abe đang thể hiện động thái cạnh tranh với Trung Quốc trong việc cung cấp thiết bị quân sự cho khu vực này. Tuy nhiên, các thỏa thuận bán vũ khí quân sự của Nhật Bản mới chỉ giới hạn là bán máy bay trinh sát TC-90 cho Philippines. Trong khi đó, Trung Quốc đã xuất khẩu nhiều thiết bị quân sự giá rẻ sang các nước Đông Nam Á.

Trong một bài phát biểu, Thủ tướng Shinzo Abe cho rằng, Nhật Bản cần phải hợp tác mạnh mẽ hơn nữa với nhiều quốc gia trong lĩnh vực quân sự - quốc phòng khi có cùng mối quan ngại về an ninh và lợi ích. Gần đây, Ấn Độ đã mời Nhật Bản dự thầu hợp đồng bán 6 tàu ngầm với tổng trị giá 200 tỷ yên.

Dưới thời chính quyền Shinzo Abe, Nhật Bản đang dần trở thành một “người khổng lồ” về xuất khẩu vũ khí.

Ngoài ra, Ấn Độ đang đàm phán về 12 thủy phi cơ tuần tra US-2 do ShinMaywa chế tạo. Lực lượng phòng vệ biển Nhật Bản khai thác phương tiện này trong các hoạt động cứu hộ. Chưa hết, Bộ Quốc phòng Philippines đang quan tâm tới hợp đồng mua máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-3C Orion phục vụ hoạt động tuần tra trên Biển Đông; trong khi đó, Việt Nam và Indonesia cũng là những thị trường tiềm năng đối với Nhật Bản.

Đặc biệt, việc chuyển giao công nghệ tàu ngầm phi hạt nhân lớp Soryu cho Australia có thể trở thành giao dịch lớn nhất đối với Nhật Bản. Theo đánh giá của các chuyên gia, hợp đồng thay thế tàu ngầm Collins đã lỗi thời của Hải quân Australia bằng các tàu ngầm Nhật Bản thế hệ mới có trị giá ước tính lên đến 4.500 tỷ yên.

Những chiến lược mới của ông Abe cho thấy Nhật Bản đang nổi lên như một đối thủ cạnh tranh mạnh trên thị trường, “đe dọa” vị thế của nhiều cường quốc trong ngành. Hiện nay, Nhật có tổng cộng hơn 1.000 doanh nghiệp có thể sản xuất sản phẩm công nghiệp quân sự, trong đó phải kể đến nhiều trụ cột như tập đoàn công nghiệp nặng Mitsubishi, Kawasaki hay ShinMaywa.

Trong lĩnh vực hải quân nói chung và ngành đóng tàu nói riêng, Nhật Bản có khả năng đóng được tất cả các loại tàu chiến hiện đại từ hạng nhẹ đến hạng nặng và đã đạt những thành tựu đáng kể trong lĩnh vực này. Tokyo có năng lực đóng được các tàu sân bay chở máy bay chiến đấu, tàu sân bay trực thăng, tàu đổ bộ tấn công, tàu khu trục Aegis kiểu Mỹ cùng với các tàu ngầm AIP, tàu hộ vệ và tàu tuần tiễu. Các chiến hạm do nước này chế tạo luôn được đánh giá thuộc loại hàng đầu thế giới.

Có thể nói rằng, dưới thời chính quyền Shinzo Abe, Nhật Bản đang dần trở thành một “người khổng lồ” về xuất khẩu vũ khí. Tuy nhiên, bản thân ông Abe cũng cần phải nhận thức được những khó khăn không dề gì có thể vượt qua trong nay mai. Nhật Bản thua các đối thủ cạnh tranh về giá bán do các công ty sản xuất vũ khí Nhật Bản vẫn chủ yếu định hướng vào thị trường nội địa khiến sản phẩm của họ có giá thành cao.

Vì vậy, việc mở rộng sản xuất hàng loạt sẽ dẫn đến tiết kiệm chi phí, hạ thấp giá, nâng cao tính cạnh tranh và tăng lợi nhuận cho công ty. Đó là yếu tố kinh tế của Nhật Bản trong xuất khẩu vũ khí. Tuy nhiên, không nên quên rằng thương mại vũ khí và công nghệ quân sự gắn kết chặt chẽ với chính trị. Nhật Bản muốn tăng cường liên minh với Mỹ và các đồng minh, vì vậy trong nhiều trường hợp điều kiện bắt buộc của các hợp đồng vũ khí chính là chuyển giao công nghệ.

Chính phủ Abe đang hỗ trợ nhà sản xuất thiết bị quân sự trong nước thông qua tài trợ hoặc cho vay lãi suất thấp, cấp tín dụng cho khách hàng mua vũ khí. Tuy nhiên, việc kinh doanh vũ khí ngày càng khó khăn.

Nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương nỗ lực xây dựng ngành công nghiệp quốc phòng đã dẫn đến thực tế một nước hôm qua còn là nhà nhập khẩu vũ khí thì hôm nay có thể sẵn sàng cạnh tranh với các cường quốc quân sự - công nghiệp lớn ở không ít hạng mục. Thế nên, để thực hiện mục tiêu, ông Abe cần phải định hình rất rõ ràng những chính sách căn bản để không chỉ tạo ra các sản phẩm có tính cạnh tranh cao, mà còn “thâu tóm” những đối tác tiềm năng...

Việt Dũng
.
.