Chính khách năm 2018: Thống trị và phục hưng

Thứ Năm, 08/02/2018, 16:50
Giới quan sát dự đoán, thế giới năm 2018 sẽ trải qua nhiều biến động chính trị quan trọng. 

Trong bối cảnh đó, một số gương mặt chính khách “lạ mà quen” đang dần khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy lên cao, đe dọa “thống trị” thế giới hay thể hiện tham vọng phục hưng đất nước và giành thế thống trị khu vực. Họ chính là những gương mặt hứa hẹn tạo nên nhiều điều thú vị và bất ngờ trên chính trường trong năm mới này.

Giấc mơ phục hưng

Một số nguồn tin tiết lộ Saif al-Islam Gaddafi, con trai của cựu Tổng thống Libya Muammar Gaddafi, đang chuẩn bị tiến hành vận động tranh cử tổng thống vào năm 2018. Ông là nhân vật đáng chú ý nhất trong số 7 người con của Muammar Gaddafi với nhiều lần đại diện cho chính quyền của cha trong các cuộc thương lượng quốc tế.

Ông là một doanh nhân có học thức từng du học ở London và từng được giả định làm người thừa kế cha mình trước năm 2011. Bên cạnh đó, Saif al-Islam cũng có thể có được những mối quan hệ với các công ty kinh doanh tại Libya để được hỗ trợ chính trị từ nước ngoài.

Theo giới quan sát, Saif al-Islam có dự định tiến hành một cuộc đối thoại giữa các phe phái chính trị và nâng cao quốc phòng của đất nước “nhằm đảm bảo an ninh và ổn định trên lãnh thổ Libya”.

Hiện nay, Saif al-Islam đang chuẩn bị các thủ tục cần thiết để Liên Hiệp Quốc có thể thông qua, giúp Libya chuyển tiếp sang giai đoạn ổn định. Chưa hết, Saif al-Islam vẫn được sự ủng hộ của nhiều bộ tộc, qua đó là điều kiện thuận lợi để ông có thể tham gia tranh cử trong năm 2018.

Saif al-Islam Gaddafi.

Tuyên bố tranh cử tổng thống của Saif al-Islam đưa ra trong tình hình Libya đang lâm vào thời kỳ bạo lực kéo dài và bất ổn chính trị. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hành động trả đũa của Saif al-Islam, trong khi một số cá nhân lạc quan tin tưởng Saif al-Islam sẽ thống nhất đất nước và chấm dứt tình trạng hỗn loạn hiện tại.

Trên thực tế, cuộc đời của nhân vật này rất “sôi động” khi Saif al-Islam từng bị một tòa án ở thủ đô Tripoli tuyên án tử hình vào năm 2015, song tòa này đưa ra phán quyết khi Saif al-Islam không có mặt và bị các tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng chỉ trích.

Hồi tháng 6-2017, Saif al-Islam đã được một nhóm vũ trang trả tự do sau 6 năm ngồi tù, kể từ khi cuộc chính biến lật đổ cố lãnh đạo Gaddafi nổ ra vào năm 2011. Việc Saif al-Islam đáng lẽ phải chịu tử hình lại được tha bổng đặt một dấu hỏi: ai đã có tác động khiến con trai nhà lãnh đạo Libya có được sự ủng hộ để tranh cử tổng thống? Nhiều khả năng, có một trò chơi chính trị đang diễn ra ở đây.

Hình mẫu nổi loạn

Vào tháng 4 hoặc tháng 5/2018, cuộc bầu cử Quốc hội Hungary sẽ chính thức diễn ra. Thủ tướng Hungary Viktor Orban - “cái gai trước mắt” các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) - có khả năng giành chiến thắng một lần nữa khi đảng cánh hữu Fidesz của ông hiện đang dẫn đầu. 

Viktor Orban là người theo đường lối dân tộc chủ nghĩa cứng rắn và luôn đề cao dân túy, song hành với việc bảo đảm chủ quyền quốc gia khiến các định chế quy mô EU và quốc tế một phen lao đao.

Kể từ năm 2010 đến nay, chính phủ Orban chỉ chịu khuất phục trước các áp lực “từ bên ngoài” 2 lần. Lần đầu tiên là vào tháng 10-2014 khi hàng chục nghìn người biểu tình phản đối đề xuất áp thuế đối với lĩnh vực viễn thông, và tháng 4-2016 khi quyết định đóng cửa các cửa hàng và siêu thị lớn.

Trong quá trình cầm quyền, ông Orban liên tục bị lực lượng đối lập cáo buộc tập trung quyền lực vào tay mình. Tuy nhiên, thời gian đã cho thấy các luận điệu này ngày càng trở nên bất hợp lý.

Viktor Orban.

Câu trả lời của Thủ tướng Orban là các chính sách của Chính phủ Hungary chỉ nhằm mục đích hoàn thiện quá trình chuyển giao quyền lực từ giai đoạn cầm quyền của ông Kadar Janos (Tổng Bí thư đảng Xã hội công nhân Hungary từ 1956-1988) sang giai đoạn hậu Xôviết và một nước Hungary độc lập, dân chủ hiện nay.

Những động thái gần đây của ông Orban đã bị chỉ trích kịch liệt, tiềm ẩn nguy cơ gây rạn nứt trong EU mà Hungary là quốc gia thành viên. Các nhà lãnh đạo theo xu hướng tự do ở châu Âu ngày càng lo ngại đối với sự gia tăng ảnh hưởng của chính phủ Orban không chỉ trong các vấn đề đối nội mà cả đối ngoại.

Bất chấp sự tấn công mạnh mẽ từ các phương tiện truyền thông theo xu hướng tự do, chính sách bảo thủ của Thủ tướng Orban dường như được sự ủng hộ của cử tri ở nhiều nước. Thông qua việc trở thành vị thủ tướng đầu tiên trong các nước EU chính thức ủng hộ Tổng thống Mỹ Donald Trump, ông Orban đã cho thế giới thấy rằng sự gia tăng ảnh hưởng của các chính sách theo xu hướng dân tộc chủ nghĩa không chỉ là ngoại lệ mà là xu hướng chủ đạo trong chính sách đối ngoại.

Ảnh hưởng của ông Orban đang gia tăng và chính sách của ông hiện đã được coi là “hình mẫu”, chứ không còn là hình ảnh ban đầu của một chính trị gia “nổi loạn” ở Đông Âu. Nhiều ý kiến nhận định, “cuộc chiến” giữa chính phủ Orban với các cường quốc trong EU sẽ tiếp tục được cử tri Hungary ủng hộ.

Cái đầu lạnh

Cuộc bầu cử Italia sẽ diễn ra vào tháng 5-2018. Chính trị gia 32 tuổi Luigi Di Maio có thể trở thành nhà lãnh đạo mới của Italia sau cuộc bầu cử này. Theo các cuộc thăm dò, ông Di Maio - ứng cử viên của đảng Phong trào 5 sao (M5S) - đang dẫn đầu với tỷ lệ ủng hộ 28% và có tiềm năng trở thành Thủ tướng Italia.

Mới chỉ 5 năm trước, Di Maio còn sống trong thị trấn nhỏ tại khu vực miền Nam nghèo nàn của Italia và vật lộn kiếm sống khi theo đuổi ngành luật tại Đại học Naples với những công việc “không tưởng với một chính khách” như công nhân xây dựng và bồi bàn.

Hẳn khó tránh những lời ra tiếng vào nhằm vào bản lý lịch có phần khiêm tốn của chính trị gia sinh năm 1986 này nhưng tuổi trẻ và kỹ năng giao thiệp nổi trội đã được thừa nhận là chìa khóa mở cửa thành công cho ông.

M5S nổi tiếng với những bài phát biểu chống lại EU và đồng euro. Hiện nay, sự ủng hộ của nhiều thành phần cử tri khác nhau là do M5S có những chính sách, chủ trương hay đường lối rất đa dạng, vừa là dân túy, chống lại truyền thống lỗi thời, chống toàn cầu hóa và bảo vệ môi trường.

Luigi Di Maio.

Ông Di Maio - vốn giữ lập trường cứng rắn về luật pháp, trật tự và nhập cư - được coi là nằm bên cánh hữu không chính thức của phong trào vốn ngay những ngày đầu thành lập năm 2009 - đã tuyên bố phân chia tả - hữu truyền thống là vô nghĩa. Các chính sách của M5S bao gồm thiết lập thu nhập cơ bản trợ giúp người nghèo, hủy bỏ dần nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy đầu tư công.

Đề cập tới tăng trưởng kinh tế ì ạch của Italy, chính trị gia này kêu gọi cắt giảm thuế cho các doanh nghiệp nhỏ. Khi được hỏi mức thuế suất doanh nghiệp nào là lý tưởng, ông cho rằng con số phải là dưới 50%.

Bên cạnh đó, ông Di Maio cũng có cái nhìn mềm mỏng hơn về đồng euro, và cho rằng một cuộc trưng cầu dân ý rời khởi EU sẽ là “phương sách cuối cùng” được dùng đến nếu Itatia không để tạo ra những thay đổi với các chính sách của liên minh này. Giới quan sát đánh giá, ở trong tâm điểm của cuộc chiến chính trị hiện nay, Luigi Di Maio luôn giữ một cái đầu lạnh.

Giành thế thống trị

Thái tử Ảrập Saudi Mohammed bin Salman (32 tuổi) là người theo đường lối cứng rắn và mong muốn xây dựng một vương quốc giàu mạnh không phụ thuộc vào dầu mỏ.

Nhân vật này được gọi là “tay chơi quyền lực” mới nổi của thế giới Ảrập khi đứng đằng sau hàng loạt sự kiện quan trọng. Ông tuyên bố sẽ xây dựng xã hội trong đó tôn giáo sẽ thượng tôn tính ôn hòa và khoan dung.

Kế hoạch hiện đại hóa đất nước “Tầm nhìn đến năm 2030” nhằm thay đổi hầu hết khía cạnh trong đời sống trong vòng 12 năm, bao gồm nhiều tham vọng như gỡ bỏ lệnh cấm phụ nữ lái xe ô tô, đầu tư 500 tỷ USD xây dựng siêu đô thị, tư nhân hóa một phần công ty dầu mỏ quốc gia “Saudi Aramco” và tạo một quỹ tiền tệ quốc gia lớn nhất trên thế giới.

Mohammed bin Salman.

Thái tử Mohammed bin Salman cho rằng Ảrập Saudi “không bình thường” suốt 30 năm qua và hứa hẹn sẽ đưa vương quốc này trở lại là một quốc gia Hồi giáo ôn hòa.

Mohammed bin Salman là đại diện cho vua cha ở nước ngoài. Trong suốt quãng thời gian làm trợ lý cho vua cha, Thái tử tạo được ấn tượng đến từ sự cương quyết trong chính sách đối ngoại. Ông là Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người trực tiếp chỉ huy chiến dịch tấn công phiến quân Houthi ở Yemen, khiến đất nước này rơi vào cảnh hỗn loạn, sụp đổ trên mọi lĩnh vực.

Thái tử Salman có thái độ cứng rắn và không ủng hộ bất cứ cuộc đối thoại nào với đối thủ Iran. Cả hai nước đều cạnh tranh ngầm với nhau để giành quyền lãnh đạo thế giới Hồi giáo. Không những vậy, Mohammed bin Salman còn là một trong những chính trị gia chủ chốt đứng sau việc các quốc gia Vùng Vịnh cắt đứt quan hệ ngoại giao với Qatar.

Thời gian qua, một cuộc bố ráp đã được thực hiện. Đây là một phần trong chiến dịch chống tham nhũng được sự ủy quyền của Hoàng gia Ảrập Saudi giao cho Thái tử Mohammed bin Salman thực hiện, chính thức phá vỡ truyền thống đồng thuận trong hoàng tộc.

Nắm giữ quyền lực trong tay, Mohammed bin Salman đang vươn “nắm đấm thép” đến hoàng tộc, quân đội và vệ binh quốc gia để đối phó sự chống đối lan rộng đối với công cuộc cải tổ của ông, từ đó nâng đòn bẩy quyền lực ở Ảrập Saudi và tiến tới giành thế thống trị trong khu vực Trung Đông.

Lâm Anh
.
.