Chính khách châu Âu năm 2017 lạ mà quen

Thứ Bảy, 11/02/2017, 16:26
Năm 2017 tiếp tục được dự đoán là thời điểm nhiều khó khăn và biến động đối với châu Âu. Nhiều gương mặt chính khách “lạ mà quen” đang dần khẳng định vị thế của mình trong bối cảnh chủ nghĩa dân túy lên cao và đe dọa “thống trị” toàn châu lục. Họ chính là những gương mặt hứa hẹn tạo nên nhiều điều thú vị và bất ngờ trên chính trường trong năm mới này.

Kẻ lập dị

Kể từ khi đảng Pháp luật và Công lý (PiS) do nhân vật gây tranh cãi Jaroslaw Kaczynski làm chủ tịch lên nắm quyền tại Ba Lan, quốc gia này đã trở thành “kẻ lập dị” trong Liên minh châu Âu (EU). 

Jaroslaw Kaczynski nắm giữ vị trí trung tâm trong khi các đồng minh chủ chốt được chỉ định giữ nhiều ghế quan trọng. Thậm chí, đảng PiS còn tận dụng lợi thế số đông để loại bỏ những thay đổi nhằm trung hòa các ban ngành chính phủ. Hành động của đảng PiS được xem là mối đe dọa làm suy yếu các ban ngành mà Ba Lan đã dày công xây dựng trong gần 30 năm qua.

Chính phủ cầm quyền ở Ba Lan đã thông qua các đạo luật mới thay đổi luật về phương tiện truyền thông và tòa án hiến pháp. Đây được xem là một tiền lệ chưa từng có trong lịch sử EU khi các nước thành viên cáo buộc Ba Lan đang vi phạm những giá trị dân chủ của khối. 

Ngoài ra, ông Kaczynski tỏ ra thờ ơ với những vấn đề liên quan tới lĩnh vực kinh tế, có những lời lẽ phản đối chính sách ngoại giao của Đức và phỉ báng người di cư khi cho rằng họ là nguồn gốc “gây ra các loại dịch bệnh”.

Jaroslaw Kaczynski.

Theo dự đoán, vì PiS không tôn trọng những giá trị nền tảng của EU nên những chính sách của đảng này sẽ gây ra tác động tiêu cực đến toàn bộ nền kinh tế châu Âu. Jaroslaw Kaczynski đặt mục tiêu chính là bảo vệ các giá trị “đặc biệt” của Ba Lan khỏi các kẻ thù bên trong và bên ngoài. Ông là người tin tưởng một cách mù quáng vào tất cả các khả năng của thuyết âm mưu. 

Những chính sách “phản động” của Jaroslaw Kaczynski có thể sẽ là nhân tố tiếp theo khiến nền kinh tế Ba Lan lâm vào khủng hoảng.

PiS có tâm lý bài ngoại, và với cương lĩnh của mình, Jaroslaw Kaczynski tuyên bố sẽ giữ cho Ba Lan “độc lập nhất định” với các quyết định của EU. Khi ấy, ông Kaczynski có thể biến Ba Lan thành một “pháo đài bị bao vây”. Để ngăn chặn sự phát triển của khuynh hướng chủ nghĩa dân tộc ở Ba Lan, EU cần phải sớm nghiên cứu để đưa ra các chế tài.

Một số quan chức EU muốn đưa Ba Lan vào vòng kiểm soát bằng cách sử dụng cơ chế pháp trị mà khối đã thông qua năm 2014. Trong trường hợp xấu nhất, quyền phủ quyết của Ba Lan trong khối EU có thể bị loại bỏ chiểu theo điều 7 trong Hiệp ước EU liên quan tới việc vi phạm nghiêm trọng các giá trị của khối.

Cực hữu kiểu mới

Không như nhiều đảng cực hữu chỉ loay hoay tìm cách khẳng định mình, Geert Wilders ấp ủ hy vọng đưa đảng Vì tự do (PVV) thành đảng hàng đầu của Hà Lan. Geert Wilders chính là người đã đưa cực hữu trở thành một thế lực chính trị thật sự. Đảng PVV của ông được thành lập năm 2006.

Chỉ vài năm sau, từ 9 ghế nghị sĩ ban đầu, PVV qua mặt cả đảng cầm quyền để xếp thứ 3 với 24 ghế trong quốc hội. “Tôn chỉ” của Geert Wilders là không bao giờ Hồi giáo có thể hòa nhập với nền dân chủ Tây phương.

Geert Wilders.

Để chống lại nguy cơ “Hồi giáo hóa Hà Lan”, Wilders đòi đánh thuế khăn trùm của phụ nữ theo đạo Hồi, bãi bỏ trang phục che kín toàn thân burka, yêu cầu đóng cửa các đền thờ Hồi giáo và các trường dạy kinh Coran.

Wilders tiết lộ, ông sẽ thành lập một liên minh chống Hồi giáo trên toàn thế giới vào cuối năm nay. Ngoài Hà Lan, dự kiến liên minh này sẽ khởi đầu từ 5 nước Anh, Canada, Đức, Pháp và Mỹ với mục tiêu chính là cấm người nhập cư từ các nước Hồi giáo.

Nhiều chuyên gia nhận định cực hữu theo kiểu Geert Wilders có nhiều thay đổi đáng kể. Wilders đã có một chiến thuật rất riêng khi chỉ trích đạo Hồi dưới vỏ bọc tiến bộ và phi tôn giáo, dùng những luận điệu cổ điển về bình đẳng nam nữ và tự do ngôn luận để bàn về Hồi giáo. Đây là một cách đánh lạc hướng nhưng vẫn khiến người nghe có ác cảm với đạo Hồi.

Do từng sống tại Israel một thời gian, Wilders luôn tỏ ra ủng hộ người Do Thái, trái ngược với một số phe cực hữu khác. Nói cách khác, Wilders đang “lập trình” một chủ nghĩa cực hữu phiên bản mới. Với chiến thuật này, tư tưởng của Wilders đã “lây lan” sang nhiều đảng khác. Vì vậy, cộng đồng Hồi giáo sẽ có một tương lai bấp bênh nếu Geert Wilders tiếp tục thắng thế trên chính trường.

Geert Wilders đang là ứng viên sáng giá cho cương vị thủ tướng Hà Lan. Ông Wilders khẳng định nếu đắc cử vào tháng 3-2017, ông sẽ kêu gọi thực hiện cuộc bỏ phiếu rời EU. Sự trỗi dậy của phe cực hữu tại Hà Lan rất đáng lo ngại. Đây là một trong những quốc gia sáng lập nên EU và không gánh chịu hậu quả quá nặng nề từ khủng hoảng kinh tế. Tuy nhiên, hiện giờ ông phải sống dưới sự bảo vệ nghiêm ngặt vì bị những tổ chức Hồi giáo cực đoan đe dọa ám sát.

Mới đây, một tòa án ở La Hay bác bỏ kháng nghị của Geert Wilders đòi hủy bỏ cáo buộc về phát ngôn phân biệt người Hồi giáo. Với động thái này, tòa án Hà Lan đã “bật đèn xanh” cho cơ quan công tố tiến hành thủ tục để đưa Wilders ra xét xử. Phiên tòa bắt đầu vào cuối tháng 10-2016 và nhiều khả năng Wilders sẽ bị kết tội đúng vào dịp bầu cử Quốc hội Hà Lan vào tháng 3-2017.

Suy nghĩ táo bạo

Dù cuộc bầu cử tổng thống Pháp chưa diễn ra, nhưng lãnh đạo đảng Mặt trận Quốc gia (FN), bà Marine Le Pen, luôn tự tin về chiến thắng của mình. Với quan điểm dân tộc chủ nghĩa, chống người nhập cư và chống EU cùng chủ trương ra khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), FN được xem là cực hữu, và là đảng cực hữu đáng chú ý nhất ở Tây Âu.

Marine Le Pen.

Lãnh đạo Marine Le Pen cho rằng, bà có những giá trị cốt lõi và mối liên kết giống hai sự kiện chấn động toàn cầu là Brexit và việc ông Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ. Bà Le Pen thường tự tin phát biểu trong các cuộc vận động tranh cử rằng, chiến thắng chính trị của bà trong cuộc bầu cử tổng thống Pháp năm 2017 là một hệ quả tất yếu.

Với rất nhiều phát ngôn gây tranh cãi trong thời gian vừa qua, kèm theo chính sách bài ngoại trong cương lĩnh tranh cử, bà Le Pen được coi là là “Donald Trump của nước Pháp”, một đối thủ nặng ký trong cuộc chạy đua vào vị trí đứng đầu Chính phủ Pháp. 

Nước Pháp đang lâm vào cảnh khó khăn bởi tỷ lệ thất nghiệp cao trong thời kỳ hậu công nghiệp, những lo ngại về dân nhập cư, nền kinh tế địa phương sút kém và vỡ mộng với các yếu tố truyền thống dân tộc.

Nhiều người Pháp cho rằng bà Le Pen là hy vọng duy nhất của họ nhờ tinh thần thép cùng những suy nghĩ táo bạo. Nhưng một số người cũng lo sợ bà Marine Le Pen là tiền đề cho một cuộc khủng hoảng mới.

Trên thực tế, bà Marine Le Pen cáo buộc EU đã ép buộc, đẩy nước Pháp đến nguy cơ tràn ngập người di cư và đa văn hóa. Nữ chính khách cam kết sẽ bảo vệ bản sắc Pháp và khôi phục chủ quyền quốc gia nếu đắc cử tổng thống Pháp.

Bên cạnh đó, bà sẽ lập tức tiến hành thảo luận với ban lãnh đạo EU ở Brussels (Bỉ) về hàng loạt vấn đề chủ quyền quốc gia, kể cả vấn đề đồng tiền chung châu Âu. Nếu nỗ lực này thất bại, bà sẽ tổ chức trưng cầu ý dân để cử tri bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi EU.

Gánh nặng chính phủ mới

Vừa qua, Tổng thống Sergio Mattarella đã bổ nhiệm Ngoại trưởng Paolo Gentiloni làm Thủ tướng mới của Italia, thay thế ông Matteo Renzi - người đã từ chức hôm 7-12 sau thất bại trong cuộc trưng cầu về cải cách hiến pháp. Việc ông Paolo Gentiloni được chọn lựa cho thấy tính chất liên tục trong chính sách đối nội và đối ngoại của chính phủ trung tả tại thời điểm bất ổn của nền kinh tế lớn thứ ba trong Khu vực đồng tiền chung euro (Eurozone).

Sergio Mattarella.

Tổng thống Sergio Mattarella đã lên kế hoạch cụ thể để cùng chính phủ mới “trấn an” người dân và đối mặt với các nghĩa vụ quốc tế sau khi các nhà lãnh đạo của các đảng đối lập từ chối chia sẻ trách nhiệm và tạo ra một chính phủ liên minh với nhau.

Tổng thống Mattarella nhấn mạnh rằng bất kỳ một chính phủ mới nào cũng phải nỗ lực thúc đẩy nhằm cải cách luật bầu cử hiện nay của Italia trước khi một cuộc tổng tuyển cử được tiến hành.

Bên cạnh việc cải cách bầu cử, Tổng thống Sergio Mattarella và chính phủ mới của “đất nước hình chiếc ủng” sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề kinh tế - xã hội. Tỷ lệ tăng trưởng chậm chạp, tình trạng thất nghiệp ở mức cao và sự hoài nghi của người dân đối các thể chế truyền thống ở Italia có thể dẫn đến sự trỗi dậy của các phong trào phản đối cũng như chủ nghĩa dân túy.

Sự bất ổn chính trị cũng sẽ tác động mạnh đối với hệ thống ngân hàng của nước này, vốn đang phải vật lộn nhằm tìm kiếm nguồn vốn mới và nhằm thoát khỏi gánh nặng nợ xấu khổng lồ (360 tỷ euro).

Với các kết quả nói trên, tình hình chính trị Italia bước đầu đã tạm ổn định trở lại, và chính phủ mới giờ đây có thể bắt đầu các nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ chính phủ mới sẽ tồn tại được bao lâu trong bối cảnh các chính đảng đối lập vẫn đang gây sức ép đòi tổ chức tổng tuyển cử sớm…

Việt Dũng
.
.