GS-NGND Hà Minh Đức: Đi qua những tháng 5
- Kẻ sĩ trăm năm nơi phố cổ
- Giáo sư Hà Minh Đức: Người già ngồi sưởi cùng với bóng
- Giáo sư Hà Minh Đức: Tôi chỉ là tôi...
Trong một cuốn sách viết về Hà Nội, bằng sự tinh tế thường trực trong mình, ông đã viết về loài hoa ấy: “Hoa sấu trắng bé nhỏ như hạt ngô nếp non, trắng tròn, mềm mại. Sau những cơn mưa đầu mùa hạ, mặt đường bóng gương nước và nổi lên những hoa sấu trong trắng. Từ cành cao rụng xuống hoa sấu rơi vào cảnh đời trôi nổi nhưng cũng đóng góp cho thành phố vẻ đẹp thoáng qua mà gây ấn tượng”.
Tại sao ông lại yêu thích hoa sấu - hoa của một loài cây thân xù xì, chắc khoẻ, vững vàng, mạnh mẽ cho ra một loại quả rất đặc trưng vào đầu tháng 5, khi ánh nắng chói chang mùa hè lên tới độ gay gắt.
Tháng 5 cũng là tháng của nhiều loại hoa. Hoa loa kèn thanh tao, kiêu sa. Hoa phượng nở đỏ rực rỡ, lung linh. Hoa bằng lăng tím biếc như một bức tranh nồng nàn, sâu lắng... thì ông lại yêu thích loài hoa dung dị, mộc mạc: Hoa sấu. Mọi việc đều có nguyên do.
Ông sinh ra ngày đầu tháng 5 trong một ngôi nhà lợp lá tại xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hoá. Cả tuổi thơ gắn liền với làng quê với ao chuôm, bờ đê, giếng nước và cả hình ảnh những cây sấu già cổ thụ trĩu trịt quả, mỗi khi hè về bọn trẻ trong làng lại hò nhau đi hái những trái sấu căng mọng, vàng ươm để nhai rau ráu ngon lành.
Năm 1945, 10 tuổi, tuy chưa lớn hẳn, nhưng cũng không còn nhỏ, cậu chứng kiến những thân hình còm nhom, nhăn nheo, khắc khổ vì đói ăn, cả những gương mặt thân quen và lạ lẫm, họ dựa người vào những thân sấu già như đói lả rồi trút hơi thở cuối cùng.
Hình ảnh ấy ám ảnh đến độ, sau này mỗi khi thưởng thức món ăn gì cậu không bao giờ cho phép mình được phung phí, và cũng không được phép lãng phí thời gian. Sống sót qua giai đoạn ấy ở làng quê nghèo quả đã là một kì tích.
Năm 1954 là một năm thật đáng nhớ với cậu thanh niên Hà Minh Đức. Ngày 3-5, tròn 18 tuổi, lúc này mẹ cậu hỏi: “Con có ước mơ gì không?”, cậu không ngần ngại, quả quyết: “Con muốn thi vào Trường Sư phạm”.
Và chỉ mấy hôm sau đến ngày 7-5 là chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu, hoà trong niềm vui chung của Tổ quốc thiêng liêng là trái tim của một chàng thanh niên đầy nhiệt huyết.
Vài tháng sau đó, cậu thanh niên cuốc bộ hàng trăm cây số từ quê nhà ra Hà Nội để thi vào Trường Đại học Sư Phạm Hà Nội. Đó là con đường đi bộ dài nhất và đáng nhớ nhất trong cuộc đời của cậu. Cậu trở thành sinh viên khoá đầu tiên khoa Ngữ văn của Đại học Sư phạm Hà Nội.
Năm 1957, tốt nghiệp ra trường, lúc này Trường Đại học Tổng hợp Văn được thành lập, và cậu được nhà trường nhận về làm giảng viên.
Trong môi trường làm việc này cậu đã được tiếp xúc với những bậc thầy về kiến thức, ở họ là cả kho tàng tri thức, đạo đức nhân cách của người thầy: Giáo sư (GS) Trương Tửu, GS Cao Xuân Hạo, GS Phan Kế Hoành, GS Hà Túc Chỉ, GS Đặng Thai Mai, GS Nguyễn Mạnh Tường, GS Đào Duy Anh, GS Nguyễn Khánh Toàn và những người bạn, người đồng nghiệp mà tên tuổi của họ cũng sáng chói trên văn đàn: GS Hoàng Như Mai, GS Đinh Gia Khánh, GS Phan Cự Đệ, GS Trần Quốc Vượng, Hoàng Ngọc Hiến...
Sau này, khi đã ở tuổi ngoài 80, GS Hà Minh Đức xuất bản cuốn sách viết về những người thầy của mình, truyền tải những câu chuyện ấm nóng tình thầy trò, nhân văn, cao cả.
Làm thầy giáo trẻ trên giảng đường đại học, Hà Minh Đức cư trú tại 31 phố Hàng Ngang, một con phố cổ thuộc 36 phố phường nức tiếng ở thủ đô. Ngôi nhà nhỏ như chuồng chim câu toàn sách với sách. Cầu thang gỗ ọp ẹp, thiếu ánh sáng ấy lại là điểm đến quen thuộc của các bạn văn nhân, mặc khách.
Ở đây, ăm ắp kỉ niệm về một thời thủ đô những ngày tản cư, hay vào những năm tháng thời bao cấp. Hà Nội khi xưa ít người, phương tiện đi lại chủ yếu là xe đạp và tàu điện, phố vắng, yên tĩnh đến lạ lùng, chính vì thế đây là không gian lí tưởng cho người làm nghiên cứu khoa học.
Khi càng có tuổi người ta thường nhớ đến quá khứ, hay nói đúng hơn tất cả lăng kính kỉ niệm thủa xưa dần hiện lên như thước phim quay chậm trong trí nhớ của người thầy 86 tuổi.
Ông nhớ những ngày trường đại học tản cư lên Đại Từ, Thái Nguyên, thầy và trò ăn những bữa ăn chỉ có rau rừng, những bữa cơm độn khoai, sắn. Những buổi học bên lán, khi nghe tiếng còi báo động, cả thầy và trò chạy vội xuống hầm trú ẩn.
Tối đến, bên ánh đèn dầu leo lét, thầy giáo trẻ cần mẫn đọc giáo án và những bài văn của học trò, đâu đó tiếng ếch nhái, chẫu chuộc kêu râm ran. Ngày ấy, tất cả cho tiền tuyến, “thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, đã biết bao nam sinh viên của khoa Văn Đại học Tổng hợp lên đường nhập ngũ và mãi mãi không trở về.
Những gương mặt thân quen, những nụ cười hồn nhiên trong sáng, cá tính riêng biệt của từng học trò vẫn hiện hữu trong kí ức của người thầy.
Những vần thơ của GS Hoàng Như Mai, mà GS Hà Minh Đức vẫn thường đọc: “Nhớ ngày Kỳ Phú, Đồng Văn/ Mấy phen sơ tán mấy lần đạn bom/ Thầy cô người mất người còn/ Sinh viên mấy nấm mồ chôn chiến trường”.
Bao nhiêu năm tháng ông vẫn cần mẫn giảng dạy như con tằm nhả những sợi tơ vàng. Cho đến hôm nay, dù lưng đã mỏi, gối đã chùn, sức khoẻ cũng đã bắt đầu rệu rạo, ở tuổi gần cửu thập, ông vẫn nói: “Nếu cho chọn lại hay có kiếp sau vẫn xin làm người thầy giáo. Vì nghề này vừa hợp với trình độ, lại sâu lắng, tình cảm”.
Quả thật, với nhiều người, ông là một giáo sư uyên bác, có nhiều công trình nghiên cứu về văn học, triết học, lịch sử thâm sâu.
65 năm trên bục giảng của khoa Ngữ văn, khoa Báo - Trường Đại học Tổng hợp, ông còn là thầy của biết bao thế hệ học trò mà giờ đây ở những cương vị lãnh đạo lớn, có người còn ở vị trí đứng đầu đất nước, vậy mà tôi lại nhìn ông như hình ảnh của một “Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/ Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường” như lời bài hát của nhạc sĩ Phú Quang.
Những năm tuổi già, ông cư trú cùng vợ con trong ngôi nhà 4 tầng trên phố Yên Lạc. Sống chung cùng một con phố nhỏ, tôi từng thấy ông mỗi tối lại đi bộ như một cách thể dục. Dáng ông thấp, chắc nịch, khuôn mặt đôn hậu, nụ cười cởi mở, ăn mặc giản dị. Ông cứ đi bộ như thế ở xung quanh những hàng ô được cắt thành bàn cờ, dưới hàng cây xanh.
Mùa hoa sấu rụng. Ảnh: L.G. |
Ông không biết đi xe máy, hễ có việc cần đi đâu, lại gọi anh xe ôm quen. Cách nhà ông mấy nhà là nhà của một đôi vợ chồng quan chức trẻ, họ có một trai, một gái. Cô con gái của họ, 17 tuổi, mỗi lần bước chân ra khỏi nhà, đi học hay đi chơi đều có tài xế riêng đưa đón bằng ôtô gia đình. Cô được cha mẹ chiều đến độ, khi thích một đôi giày hàng hiệu, cô bay sang Anh cốt chỉ để mua đôi giày rồi lại bay về Việt Nam.
Chẳng hiểu sao cứ mỗi lần tôi đi qua cửa nhà ông, thấy anh xe ôm da đen nhẻm, dựng xe máy trước cửa để đợi ông, cách đấy mấy bước chân là xe ôtô sang trọng đang chạy điều hoà phả hơi nóng, nhìn cô bé với khuôn mặt khinh khỉnh, lạnh lùng tôi lại thấy thiếu thiện cảm.
Nhưng ông thì khác.Vốn tính hồn hậu, nhân từ và sinh ra từ miền quê, sau này có điều kiện tiếp xúc với bao nhiêu trí thức lớn của Việt Nam, từng trải qua mọi thăng trầm của cuộc đời, đi qua bao số phận, ông nhìn đời, nhìn người với tâm thế bình thản và bao dung.
Ông quen thuộc với những người dân lao động bình dị, như thầy giáo về hưu chạy xe ôm, bác thợ cắt tóc nơi vỉa hè đầu ngõ, anh công chức thất nghiệp đi lái taxi, những người đàn bà gánh trên vai gánh rau nuôi cả gia đình nhỏ.
Tất cả những thanh âm chân thật của cuộc sống, với những người lao động bình dân, bằng cái nhìn tinh tế và nhân ái ông đã viết về họ trong tập sách đã xuất bản Hà Nội gặp gỡ với nụ cười.
Khi tôi đang viết những dòng cuối cùng thì chuông điện thoại đổ. Ông gọi điện cho tôi. Vẫn giọng ấm áp và thủng thẳng, chẳng ai nghĩ một ông giáo vài ba năm nữa bước vào tuổi 90 lại tinh anh, mẫn tiệp như thế. Ông hẹn tặng cho quyển sách, đó là tập thơ mới in còn thơm mùi mực.
Ông bảo, trong đó có những bài thơ tình nhiều người khen hay. Vài ba năm nay ông lui về sống ở Đông Anh, cách trung tâm Hà Nội 30km cùng vợ trong một căn nhà xung quanh nhiều cây, thi thoảng ông đi ôtô bus vào nội đô, ngồi cafe ở một góc để có thể ngắm phố phường và tất nhiên ở đó có cả cây sấu già trầm tích.