Giáo sư – Nhà giáo Hà Minh Đức: Kẻ sĩ trăm năm nơi phố cổ

Thứ Tư, 30/11/2016, 16:43
Gắn bó với 36 phố phường cả một đời người, chính vì thế mà những trang văn xuôi của Giáo sư Hà Minh Đức trong tập bút ký Hà Nội - Gặp gỡ với nụ cười mới phát hành, đều thấm đẫm chất rêu phong của thời gian. 

Mới đây, tình cờ gặp nhau ở Hội Nhà văn Việt Nam, Giáo sư Hà Minh Đức tặng tôi tập thơ “Lạc lối giữa mùa xuân” (NXB Hội Nhà văn, Quý III/ 2016). Đây là tập thơ thứ 8 của ông trong vòng 25 năm sáng tác, sau hơn 45 năm đứng trên bục giảng, với hàng chục tác phẩm và công trình nghiên cứu văn học. 

Giáo sư Hà Minh Đức còn có tài viết bút ký. Đặc biệt những áng văn về Hà Nội của ông luôn luôn sinh động và tinh tế, ấm áp một hồn thơ…

Rêu phong của thời gian

Nhà văn - Giáo sư Hà Minh Đức (SN 1935, tại Thanh Hóa) đã học tập và làm việc ở Hà Nội hơn 60 năm qua. Năm nay bước sang tuổi 82, gia đình ông đã phải chuyển nhà tới 10 lần, chỉ quanh quẩn trong nội thành Hà Nội. Ông gắn bó với 36 phố phường cả một đời người. Nào phố Hàng Chuối, Hàng Ngang, phố Cửa Nam, Hàng Bông, sau lại về Lò Đúc, Yên Lạc… Nay là căn hộ ở cuối dốc Minh Khai. Riêng ở phố Lò Đúc phải đến 10 năm. Nhưng trước đó, gia đình ông ở số 31 phố Hàng Ngang lâu nhất là 15 năm có lẻ.

Chính vì thế mà những trang văn xuôi của ông trong tập bút ký Hà Nội - Gặp gỡ với nụ cười do NXB Công an nhân dân mới phát hành vào tháng 10-2016, đều thấm đẫm chất rêu phong của thời gian. Biết bao chuyện từ thời bao cấp, cùng những nỗi bồi hồi cũ kỹ của thanh âm trên bậc cầu thang gỗ ọp ẹp luôn làm người đọc lâng lâng cảm xúc.

Nào chuyện Hồ Gươm xưa, chuyện khói sương Hồ Tây và những giọt mưa rơi trên tàu lá chuối trên hồ Bảy Mẫu lõng bõng cỏ non. Còn nữa, những bông hoa sấu trắng phơi trên mặt đường như những hạt ngô nếp non, mềm mại. Thú vị nhất là những bài ông viết về phố cổ, ẩn giấu một hồn thơ khắc khoải với Hà Nội trên những nẻo đường xưa. Hàng Khay, Hàng Chiếu, Hàng Đường…

Nhất là phố Hàng Ngang, nơi gia đình nhà văn ở với những hình ảnh “thứ thiệt” của một hoài niệm, lãng mạn khôn nguôi. Riêng căn nhà gia đình ông ở số 31 cũng đã đi vào nỗi nhớ và niềm yêu của bao thi nhân cùng những học trò của ông đã từng đến đây. Ai cũng gọi chiếc cầu thang gỗ hẹp và tối mò dẫn lên căn phòng tầng ba của ông là “cầu thang của Đốt” (cầu thang được mô tả đúng như trong tác phẩm của Dostoievski).

Họ đều nhớ, muốn vào nhà thầy Hà Minh Đức phải đi qua một hành lang hẹp, sâu và tối. Lần dò một lúc mới đến chân cầu thang gỗ dẫn lên tầng ba. Một cầu thang dốc, thâm u, ọp ẹp. Ấy vậy mà hàng ngày thầy Đức phải xách xe đạp lên xuống, và cho cả vợ là cô Ngọc nữa chứ, trước khi đi dạy học. Chưa hết, vị giáo sư này hàng ngày phải xách nước lên thổi cơm, ăn uống và rửa mặt…

Vậy mà trong 15 năm tồn tại ở đây, Giáo sư Hà Minh Đức đã viết hàng trăm giáo trình và những tác phẩm để đời. Trong đó có những cuốn sách kinh điển như Thơ ca Việt Nam - hình thức và thể loại (viết chung với Bùi Văn Nguyên),  hoặc như Thơ và mấy vấn đề trong thơ Việt Nam hiện đại, hay Chủ tịch Hồ Chí Minh - Nhà thơ lớn của dân tộc và cả C.Mác-Ph.Angghen, V.I.Lenin và một số vấn đề lý luận văn nghệ…

Nhiều học trò đã đến đây thỉnh giáo hết sức nhớ ngôi nhà tầng ba này. Rồi nữa, sinh thời nhà văn Tô Hoài đã đến đàm đạo với ông nhiều lần. Nơi đây còn lưu dấu chân của những nhà văn nhà thơ nổi tiếng khác như Nguyễn Tuân, Huy Cận, Xuân Diệu và Chế Lan Viên. Những cuộc gặp gỡ, trao đổi với họ, giáo sư đều ghi chép, để viết sách sau này.

Ai nấy đều thán phục sức làm việc tận tụy và khả năng sáng tạo của ông, trong hoàn cảnh hết sức chật hẹp nơi đô hội nhộn nhịp. Phải nói số nhà 31 phố Hàng Ngang đáng là một địa chỉ “Tao đàn” của những văn nhân Hà Nội một thời.

Chính vì thế, những con phố và mái ngói rêu phong một thuở Hà Nội xưa đã gắn bó với cuộc đời nhà văn, Giáo sư Hà Minh Đức. Những kỷ niệm ấy tựa suối nguồn cảm xúc cho ông, để viết nên những trang bút ký đặc sắc, sinh động và dồi dào chi tiết. Nào là Tản mạn đầu ô, Xe ôm Hà Nội, Truyện kể về một đêm trăng Hồ Tây; Nào là Vị giáo sư và ẩn sĩ đường, Người muôn năm cũ, Ôtô phong trần ký; hoặc Nơi cư trú tội lỗi…

Và, đây đó hồn phố trong ông lan tỏa trong những tập bút ký được viết ròng rã trong hàng chục năm trời. Cuối cùng là tập bút ký Hà Nội - Gặp gỡ với nụ cười. Đó chính là nụ cười của ông với Hà Nội.

Kể từ khi 18 tuổi (1953), ông thực hiện một cuộc hành quân, đi bộ từ quê Vĩnh An, Vĩnh Lộc, Thanh Hóa lên Hà Nội để cắp sách theo trường đại học. Cho đến nay ông luôn sống trong nụ cười Hà Nội, ấm áp và dịu dàng che chở cho một hồn thơ, trong những ngày tháng trần ai nơi phố cổ Hà thành.

“Lạc lối giữa mùa xuân”

Giáo sư quen thuộc Hà Nội, như một ông già sống trăm năm nơi phố cổ, vậy mà vẫn lãng đãng ngao du lạc lối với thơ ca. Ngay từ tập thơ đầu tiên Đi hết mùa thu (NXB Văn học, 1999), nhà thơ Hà Minh Đức đã thể hiện sự lịch lãm, trĩu nặng tâm tư của một kẻ sĩ Hà thành, với những vần thơ: “Chốn nhân gian lặng lẽ đời thường/ Và khoảng trống của ngày mai chờ đợi/ Nơi ấy anh cùng em đi tới/ Mùa thu vẫn thoảng hương sen…”.

Trong đó cơn mưa Hà Nội đầu mùa cũng trở nên mộng mị: “Mưa tháng tư tiếng sấm nơi xa/ Đường bóng nước người đi về đôi ngả/ Hoa sấu rải đều trên mặt nhựa/ Vẫn ngọt ngào trong trắng mùa hoa”. Đặc biệt Giáo sư Hà Minh Đức có những khổ thơ hay ám ảnh lòng người: “Người già ngồi sưởi cùng với bóng/ Cái bóng đi theo suốt cuộc đời/ Chiếc bóng cũng âm thầm nhỏ lại/ Biết chia sẻ cùng người đỡ lẻ loi”. Nhà thơ ngỡ như lui về với quá khứ, soi lại mình qua tấm gương kỷ niệm.

Giáo sư tâm sự, về chuyện làm thơ thật tình cờ sau bao năm nghiên cứu và giảng dạy thơ ca, trên giảng đường đại học. Mãi đến năm 1991, sau khi con trai bị bệnh mất sớm, ông muốn viết một điều gì đó cho con, cuối cùng hồn thơ đã khắc khoải tuôn trào: “Đêm nay con ở đâu/ Nơi mặt biển xa hay chốn rừng sâu/ Cha nhìn lên bầu trời sao lấp lánh/ Không có ngôi sao nào dành cho con…”.

Và từ đó, nhà thơ chìm lấp trong nỗi cô đơn, cùng những ký ức theo thời gian. Đó là những tâm tư thân thương viết về mẹ, về vợ và những người thân, bạn be,â học trò… Ông muốn trao gửi những điều mình muốn bày tỏ với mọi người. Đó là những ưu tư, trăn trở nhưng không hề sầu muộn bi ai. Hồn thơ luôn luôn hướng tới sự an ủi chở che và bao dung. 

Niềm tin yêu cuộc sống tạo nên cốt cách thi nhân. Nhất là những bài viết về mẹ, nhà thơ có nhiều câu thơ thật sâu sắc: “Ngả nào cũng vất vả đau thương/ Muôn nỗi khổ đau không bằng cuộc đời của mẹ (Con chưa về thăm mẹ), hay “Mẹ là người nhà chùa hành khất để nuôi con” (Mẹ); hoặc thật cảm động khi tác giả viết: “Dù tuổi cao mẹ gần trăm tuổi/ Vẫn cho con tuổi thơ” (Vườn cổ tích tuổi thơ)…

Có lần tôi thật bất ngờ khi nghe ca sĩ Thanh Lam hát bài Người tình lang thang trên truyền hình. Bài hát thể hiện nỗi buồn về một cuộc tình đã bị lãng quên. Đây là ca khúc của nhạc sĩ Thuận Yến phổ bài thơ cùng tên của Hà Minh Đức vào năm 2000. 

Bài thơ này sau đó được in vào tập Những giọt nghĩ trong đêm (NXB Văn học, 2002). Tôi nghĩ có lẽ đây là một trong những bài thơ tình hay nhất của Giáo sư Hà Minh Đức. 

Đậm chất liêu trai và lãng tử với những câu: “Hồn anh một ngày gió cuốn/ Theo duyên ai gặp gỡ trên đường”, hoặc thật nồng nàn qua hình ảnh: “Trái tim anh thấy lửa/ Trong mắt ai yêu thương”, hay có lúc bâng khuâng, nuối tiếc: “Bây giờ anh trở lại đây/ Trên tay cầm một nhành lá/ Đã nhạt màu”, để rồi cuối cùng chàng thi sĩ vấn vương với cuộc tình: “Chẳng còn gì nguyên vẹn/ Khi mùa thu sắp tàn/ Thương cánh chim rời tổ/ Theo chân trời lang thang”. Thì ra còn đó một hồn thơ đậm chất lãng tử, bay bổng với những ước nguyện: “Nếu có kiếp sau/ Tôi sẽ là người đánh xe ngựa/ Cho em rong ruổi trên đường/ Là người làm vườn/ Ngày ngày hái quả tặng em” (Dòng trôi).

Tác phẩm mới về Hà Nội của Giáo sư Hà Minh Đức.

Bài hát Người tình lang thang sau này còn được khá nhiều ca sĩ nổi tiếng biểu diễn như Tùng Dương, Anh Thơ, Hà Trần… Sinh thời nhạc sĩ Thuận Yến cũng từng tâm sự, bài thơ của Hà Minh Đức quả là gần gũi với âm nhạc, thổi hồn cho những cung đàn bay lên với nỗi buồn da diết.

Giáo sư, Nhà giáo nhân dân, Tiến sĩ Hà Minh Đức đã được tôn vinh với những giải thưởng Nhà nước (2000 và 2001); Giải thưởng Hồ Chí Minh (2012) cùng những danh hiệu cao quý. Ngoài ra ông còn được trao nhiều giải thưởng văn học, khoa học khác nhau.

Giáo sư Hà Minh Được đánh giá là một trong số những người thầy viết được nhiều sách nhất hiện nay, hơn 60 cuốn các thể loại. Ấy là chưa kể đến hàng trăm bài báo được ông viết trong nửa thế kỷ qua. 

Sau khi về hưu (2005) ông tập trung sáng tác văn thơ quả như một lẽ thường tình. Nhưng điều ngạc nhiên đối với bạn đọc, đó là sự tươi mới trong cảm xúc văn chương đã làm tâm hồn ông trẻ lại như thuở thanh xuân. Ở tuổi 82 ông vẫn còn say đắm với Tình yêu của tuổi già và đã bị Lạc lối giữa mùa xuân, rằng: “Lòng tôi vương chút mây sầu/ Tìm em chẳng thấy em đâu”.

Hà Minh Đức quả là một công dân Hà Nội ưu tú đúng nghĩa; tràn ngập tình thương yêu thành phố và đào tạo nên hàng ngàn tâm hồn thi ca cho thủ đô ngàn năm yêu dấu. Đặc biệt, nỗi lòng ông đã trải qua những trang sách về muôn nỗi âu lo cho một thành phố hòa bình trong tương lai. 

Liệu một thành phố hiện đại, thông minh có đánh mất đi hồn cốt của Hà Nội ngàn năm, nếu ta không biết giữ gìn, bảo tồn. Ông đau đáu một nỗi niềm về sự làm mới phố cổ Hà Nội trong nay mai, liệu có còn giữ lại chiều sâu của nền tảng văn hóa huy hoàng một thuở Thăng Long cổ kính...

Vương Tâm
.
.