Giáo sư Hà Minh Đức: Tôi chỉ là tôi...

Thứ Sáu, 08/01/2010, 15:03
Ông là một nhà nghiên cứu hiền lành, một nhà giáo nghiêm ngắn, một con người quá đỗi chỉn chu, không bao giờ muốn làm ai mếch lòng. Đến mức, khi tiếp xúc với ông, đôi khi ta cứ có một cảm giác bàng bạc nào đó. Nhưng trên cả mọi sự, ông là một người lao động kiên trì và chăm chỉ đến mức ta không thể nào không bày tỏ lòng kính trọng.

Cuộc trò chuyện cuối năm 2009 với GS Hà Minh Đức để bước vào năm mới có lẽ đã là sự lựa chọn không tình cờ của chúng tôi, trước khi kết thúc chuyên mục quen thuộc này nhưng đã kéo quá dài về thời gian của chuyên đề ANTG CT và ANTG GT. Nói cho cùng, phẩm chất đầu tiên của mỗi một trí thức dù trong bất cứ hoàn cảnh nào vẫn phải là khả năng lao động. Nhà sáng chế thiên tài người Mỹ Edison đã nói đại ý, trong mọi sự vĩ đại đều có tới 99% là mồ hôi, chỉ có 1% là cảm hứng.

Phóng viên (PV): Có một câu nói rằng, đến một độ tuổi nào đó, con người ta thường hay nhìn về quá khứ hơn là nhướn mắt tới tương lai. Đã qua ngưỡng "cổ lai hy" rồi, bây giờ GS thế nào, nhìn về quá khứ nhiều hơn hay vẫn hướng tới tương lai như cũ?

GS Hà Minh Đức (HMĐ): Tuổi tôi năm nay là 74, thực ra chỉ còn độ mươi ngày nữa là sang tuổi 75. Theo tôi, cái tuổi này cũng là tuổi nghỉ ngơi. Có một lần trò chuyện với ông Lê Đức Thọ về thơ, ông ấy có nói rằng từ tuổi 75 trở đi thì khó có ý gì mới,  không sáng tạo được cái gì mới. Bây giờ tôi càng thấy đúng là như thế thật. Cho nên, những công việc mà tôi đang làm hiện nay chủ yếu đều đã được chuẩn bị cơ sở từ nhiều năm trước, bây giờ mình chỉ bồi đắp thêm vào những cái đã có trước đây.

Ví dụ như những ghi chép của tôi về Xuân Diệu, về Huy Cận, về Tố Hữu, về Nguyễn Đình Thi... Nếu cứ để những tư liệu đó nằm ở đấy đến lúc mà mình bắt đầu mệt mỏi, yếu đi thì không khôi phục được. Cho nên tất cả đều được tôi khôi phục ra hết thành những trang sách và tôi chuyển cho những người có trách nhiệm, đặc biệt người nhà của họ để xem giúp lại.

Thí dụ, những ghi chép của tôi về nhà thơ Tố Hữu thì tôi đưa cho bà Tố Hữu xem lại; những ghi chép về ông Xuân Diệu thì tôi đã đưa cho ông Huy Cận và gia đình xem lại giúp… Bây giờ tôi còn một số bản thảo nhưng tôi chỉ xuất bản từ từ, dần dần…

Năm nay tôi cũng in được một số cuốn sách nhưng đó không chỉ là những cuốn mới viết mà cả những cuốn đã làm từ mấy năm trước rồi. Cuốn "Xuân Diệu - Vây giữa tình yêu" là của năm nay, nhưng quyển "Văn chương và thời cuộc" thì do tôi tập hợp lại những bài đã viết trước đây. Nhưng khi đưa những bài viết cũ vào sách, tôi đều phải viết thêm những cái mới bổ sung vào… Cũng vất vả lắm…

PV: Nhìn từ góc độ hôm nay thì có những cái  phải bổ sung, có những cái phải điều chỉnh, đúng vậy không, thưa GS?

GS HMĐ: Nếu có những cái khiếm khuyết, có những cái thiếu thì tôi phải bổ sung, điều chỉnh…

PV: Thực ra trong văn chương và cả trong xã hội của mình nữa, chúng ta hay bị rơi vào tình trạng là, ở bất cứ thời điểm nào cũng thế, rất khó nói hết tất cả ngay lập tức. Và do càng ngày xã hội càng cởi mở hơn, càng phát triển hơn, càng tiến bộ hơn, thì chúng ta càng có điều kiện để nói ra được nhiều hơn những gì chúng ta nhận thức được. Nhưng liệu có bao giờ GS khi nói thêm vào lại phải nói khác đi, nói ngược lại những gì GS đã nói không?

GS HMĐ: Về cơ bản thì ý của anh nói, tôi thấy rất đúng. Không có cái gì hoàn chỉnh, thực sự như thế. Ví dụ  tôi vừa tái bản cuốn sách về bản sắc văn hóa Việt, cuốn sách mới được trao giải bạc trong lễ trao giải sách Việt năm 2009, thì tôi cũng đã bổ sung nhiều điều, nâng dung lượng của nó lên gấp rưỡi so với lần in đầu. Nhưng tôi chỉ bổ sung thôi, để cho nó đầy đặn hơn, chứ không có điều gì phải nói ngược lại những điều mà mình đã nói…

PV: Ở trong làng văn chúng ta hiện nay, khi viết về những nhân vật nổi tiếng của một thời, lại có một xu hướng muốn tạo ra những xìcăngđan để gây nên sự hấp dẫn. GS cũng là người viết rất nhiều về những danh nhân văn học của chúng ta trong quá khứ chưa xa, vậy GS đánh giá thế nào về cách viết như thế?

GS HMĐ: Theo tôi thì, viết thế nào là quyền của mỗi tác giả. Nhưng riêng tôi, tôi thể hiện hoàn toàn chân thực đối tượng mà tôi nghiên cứu, tôi tôn trọng, thậm chí tôi không thêm một chi tiết nào về những cái mà tôi nghiên cứu và ghi chép về họ, có thể nói là tôi bớt đi những câu mà tôi thấy có thể gây phiền phức cho người khác. Tôi lấy ví dụ, có một nhà thơ lớn nhận xét về một nhà văn tiêu biểu đã nói là đi hết Trường Sơn chỉ hái được một cái lá, thì câu đấy là tôi bỏ, vì thực ra bài thơ viết về cái lá đã là một bài hay… Nói như trên là không công bằng.

PV: Tôi hiểu. Không phải bất cứ điều gì các vĩ nhân nói về nhau đều đúng, đều công bằng. Có khi đó chỉ là một nhận xét chủ quan, thiên kiến, nảy sinh tức thì trong những hoàn cảnh cụ thể nhất định. Và chúng ta cần phải tiếp nhận những nhận xét đó, những câu nói bột phát đó một cách có chọn lọc… Tuy nhiên, nếu ta lược bỏ tất cả những chi tiết bất ngờ thì liệu có làm cho bài viết của chúng ta thiếu hấp dẫn hay không?

GS HMĐ: Không hẳn thế. Thực ra thì tôi cũng có ý thức về các chi tiết có thể tạo nên sự hấp dẫn. Tôi lấy ví dụ như trong cuốn "Xuân Diệu - Vây giữa tình yêu" có một chi tiết về việc một nhà xuất bản lớn có nhờ tôi giới thiệu với Xuân Diệu để anh Tổng biên tập NXB đến gặp. Ông Xuân Diệu đồng ý tiếp nhưng khi anh Tổng biên tập ấy tới thì ông Xuân Diệu lại bảo, mình suy nghĩ kỹ rồi, mình tôn trọng NXB của các ông nhưng mình không thể nhận viết được, vì nếu viết cho các anh ưng ý, thì mình không còn là Xuân Diệu nữa, còn nếu viết mà đúng Xuân Diệu thì các anh không thể in được. Xuân Diệu là thế đấy, ông ấy thẳng thắn lắm. Chi tiết này cách đây độ 10 năm thì khó mà đưa được, nhưng trong cuốn in gần đây thì tôi có đưa vào. Trước khi đưa, tôi cũng có hỏi lại anh nguyên Tổng biên tập NXB ấy và đã nhận được sự đồng ý của anh…

PV: Với tư cách độc giả như tôi chẳng hạn, khi đọc những hồi ký của những người đi trước thì đôi khi cảm thấy rất khó chịu khi phải đối mặt với những sự thật nửa chừng. Tất nhiên, có không ít trường hợp mà nói hết những điều mình biết thì sẽ trở thành khiếm nhã. Theo GS, làm thế nào để xử lý mâu thuẫn này?

GS HMĐ: Thường thì những chi tiết có thể không in được lúc ấy nhưng tôi cảm thấy cần thiết, tôi để dành và có thể để chậm vài năm thì có thể in được. Hay nói như Xuân Diệu, biên tập lần này không chấp nhận mình để dành đi, đến biên tập lần sau mình lại đưa những bài thơ ấy vào, cuối cùng nó vẫn được chấp nhận, có thể là do trình độ, có thể là do thời cuộc.--PageBreak--

PV: Muốn nói gì thì nói, có lẽ chúng ta cũng không nên đi quá sâu vào những chi tiết đời thường có thể gây tổn thương cho nhân vật của mình, cho những người thân của họ như một vài người đã viết gần đây…

GS HMĐ: Cách đây mấy ngày, tôi có trò chuyện với một nhà báo lớp đàn anh. Ông ấy có đọc những bài như anh nói. Ông ấy bảo: Cái quan trọng là những đóng góp tinh thần của các nhà văn cho cuộc sống, chứ còn những cái gọi là nhược điểm, những tính tình có phần khác đời thì không ít văn sĩ phương Tây còn tệ hại gấp 10 lần, nhưng người ta không nhắc tới, vì đấy là chuyện riêng tư. Tôi cũng rất tán thành quan điểm ấy, tôi trân trọng, tôi tìm tòi những đóng góp của các nhà văn, nhà thơ, chứ còn những cái gọi là chưa sáng ở họ thì thực ra tôi có ghi cả nhưng tôi không đưa vào sách, vì tôi thấy không tạo được cái gì hấp dẫn thêm. Theo tôi, còn rất nhiều chi tiết lành nhưng vẫn hấp dẫn.

PV: Theo GS, lành mà vẫn có thể hấp dẫn?

GS HMĐ: Nhiều cái lành mà rất hấp dẫn. Tôi lấy ví dụ như chuyện ông Huy Cận vào Đảng những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ông Võ Nguyên Giáp mời và nói với Huy Cận là, Huy Cận nên vào Đảng. Và Huy Cận trả lời, tôi chưa thể vào Đảng vì tôi rất sợ kỷ luật sắt… Sau đó một thời gian, 3-4 tháng, ông Huy Cận đi thực tế và khi trở về, ông ấy thấy là nhận thức cũ như thế là không đúng ông ấy lại viết thư cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nói, bây giờ tôi đã thấy rằng việc tôi xin vào Đảng là cần thiết và tôi không sợ kỷ luật sắt (cười).  Và sau đó nhà thơ Huy Cận được kết nạp vào Đảng. Ông Trần Hữu Dực, là Bí thư Chi bộ lúc đó chủ trì lễ kết nạp và hỏi Huy Cận: anh đã đọc Điều lệ Đảng chưa? Huy Cận bảo, tôi đã đọc và tôi đã thuộc… Theo tôi, cái đoạn ấy cũng được chứ, cũng hấp dẫn chứ… Và trong ghi chép của tôi, những câu chuyện như thế nhiều lắm...

PV: GS thuộc lứa sinh viên đầu tiên vào trường đại học sau năm 1954. Thời ấy có nhiều nhà giáo rất giỏi. GS nhớ gì về những người thầy của mình và là người đã tạo cho GS một dấu ấn sâu sắc nhất, đã có ảnh hưởng quyết định đến phong cách làm việc của GS?

GS HMĐ: Thời kỳ ấy, thầy của chúng tôi thực ra cũng chỉ khoảng 50 tuổi thôi.

PV: Cũng bằng tuổi tôi bây giờ đấy...

GS HMĐ: Tuổi thì chỉ khoảng trên dưới 50 thôi nhưng ngày nay nhớ lại, tôi có cảm giác những người thầy của mình như đã 70-80 tuổi rồi. Ở các thầy có cái gì đó rất trang trọng, rất văn hóa, rất trí thức. Ví dụ như tri thức của các thầy Đặng Thai Mai, thầy Trần Đức Thảo, thì mình cứ cảm thấy mênh mông lắm… Rồi cả GS Nguyễn Khánh Toàn nữa. Toàn những nhân vật kiệt xuất. Sau khi tôi ra trường có được làm thư ký cho thầy Đặng Thai Mai một thời gian. Thầy giao cho tôi giảng mấy bài về văn học cổ điển Pháp… Thầy rèn tôi ghê lắm. Có một hôm, tôi đưa cho thầy một bài và bị thầy trả lại. Thầy bảo, chữ đầu tiên trong bài phải ghi là ngày tháng, bài này của anh không có ngày tháng; chữ cuối cùng phải ghi xuất xứ, bài này của anh không ghi xuất xứ, tức là bài của anh không có giá trị gì…

PV: Dạy dỗ như thế cũng hay đấy chứ. Thực ra yêu nhau là phải rèn nhau, chứ cứ dễ dãi với nhau là bằng mười hại nhau…

GS HMĐ: Các thầy thời ấy dạy dỗ sinh viên kỹ lắm. Và cũng tình cảm lắm. Tôi nhớ, có một lần tôi bị ốm. Thầy Đặng Thai Mai đã đưa cho tôi một lọ nhung do Liên Xô sản xuất, quý lắm. Thầy bảo, đang còn trẻ, phải giữ sức, để làm việc nhiều… Tôi rất cảm động và sau này, thỉnh thoảng có việc gì cần hỏi han thì tôi đều tìm đến thầy…

Và thầy Trần Đức Thảo, thầy Trương Tửu đều là những người dạy hay cả, nhất là thầy Trần Đức Thảo. Thầy Thảo kiến thức có sẵn trong óc, vào hội trường là đi thẳng lên bục cầm micro, nói một lúc liền tù tì tiếng rưỡi, hai tiếng đồng hồ và sau đó đi ra nghỉ giải lao mấy phút rồi lại vào dạy tiếp. Hồi ấy, lớp cử ra 2 người ngồi chép là ông Phạm Hoàng Gia và ông Nguyễn Đình Chú. Hai ông này chép lại những gì thầy Trần Đức Thảo giảng, chép nhanh lắm, rồi về đánh máy và đưa cho thầy xem lại, sửa chữa rồi mang đi in thành giáo trình ngay.

PV: Làm giáo trình kiểu ấy hay đấy.

GS HMĐ: Giáo trình hay, hay lắm… Còn thầy Nguyễn Khánh Toàn thì phải nói là rất uyên bác. Tri thức của thầy về văn học Nga rất lớn. Khi giảng về thơ Puskin, thầy có mang theo mấy thanh socola có hình ông tráng sĩ đeo gươm tới lớp. Giảng xong, thầy bảo, các cháu gái lại đây, chia nhau kẹo đi, nhưng chỉ con gái được thôi chứ đám con trai không được ăn (cười). Các thầy ấy phải nói là cũng rất thân tình… Và thầy Trần Văn Giàu nữa, vui lắm.

PV: Chúng tôi là lớp hậu sinh, lớn lên thì bác Trần Văn Giàu đã quá cao tuổi rồi nên không có dịp tiếp cận, mặc dù vô cùng ngưỡng mộ. Trong ký ức của cựu sinh viên Hà Minh Đức thì GS Trần Văn Giàu là người như thế nào?

GS HMĐ: Thầy Trần Văn Giàu là người giảng rất hay, nhưng phong cách lại hơi thiên về kiểu diễn thuyết trước công chúng.

PV: Bác ấy là một nhà hoạt động cách mạng từ thời Pháp thuộc mà.

GS HMĐ: Hồi chúng tôi học ở Cầu Kè, Thanh Hóa, mỗi lần thầy Trần Văn Giàu lên lớp là người từ xa 5-10 cây số cũng tìm đến nghe. Thầy ấy nói vang vang, hấp dẫn lắm. Và khi trường về lại Hà Nội, chúng tôi cũng được học với thầy. Thầy gọi chúng tôi là chú, các chú, các chú, đầy nhiệt tình và thân tình…

PV: Có ý kiến cho rằng, thế hệ các GS ấy đều là những học giả hào sảng, còn các lớp sau thì không được bằng. GS nghĩ thế nào?

GS HMĐ: Câu hỏi của anh rất hay, nhưng mà khó. Thực ra, ngay ở thời ấy thì các thầy cũng rất khác nhau. Lấy thí dụ như thầy Đặng Thai Mai có phong cách sang trọng, uyên thâm; thầy ngồi ghi thường ít viết bằng chữ Việt, chữ Pháp, mà bằng chữ Hán. Có lần tôi hỏi thì thầy bảo ghi bằng chữ Hán thì chỉ cần ít chữ mà ý đủ. Thầy Đặng Thai Mai uyên thâm. Còn thầy Nguyễn Khánh Toàn cốt cách cũng sang trọng. Thầy Nguyễn Khánh Toàn từng du học ở Nga, hoạt động cách mạng từ lâu lắm, được Bác Hồ nhận là em… Nhưng phải nói thật là, những người như thế thì thời nào cũng hiếm… Và không phải tất cả các thầy ở thế hệ đó đều đạt được độ sang trọng uyên thâm như các thầy tôi đã kể đâu… Cũng có những người cũng lụi hụi lắm…--PageBreak--

PV: Nhưng trong ký ức chúng ta chỉ còn lại những kỷ niệm tốt đẹp về những người hào sảng. Và vì thế, ta dễ bị sa vào ý nghĩ rằng trong quá khứ mọi điều đều hào sảng… Thưa GS, tôi có một ý nghĩ thế này, chúng ta thường đánh giá nhau bằng cảm tính và chính vì thế, ai dễ đắc nhân tâm hơn thì đôi khi lại được kính trọng, được tôn kính hơn. Theo GS, điều đó có công bằng không?

GS HMĐ: Chữ "đắc nhân tâm" mà anh dùng là chữ hay đấy. Nhưng thực ra, không hẳn cứ đắc nhân tâm là được kính trọng, tôn kính hơn đâu. Còn nhiều yếu tố khác như quan hệ, thời điểm, sự may mắn... Đánh giá về con người nào phải tính tới hiệu quả cụ thể mà người ấy đóng góp vào công việc chung.

PV: GS nói đúng, phải nhìn vào hiệu quả cụ thể. Không nên để cho cái tên của mình lớn hơn tác phẩm của mình. Mà điều này trong làng văn không phải là hiếm xảy ra đâu. Có những tác giả ta rất quen tên, quen mặt nhưng chịu không nhớ nổi một câu thơ hay một câu văn hay của họ…

GS HMĐ: Hiện nay trong lĩnh vực kinh tế thì đã có thể đánh giá nhiều chuyện theo những hiệu quả cụ thể rồi. Nhưng trong lĩnh vực văn hóa thì hình như mọi sự vẫn khó có thể đánh giá một cách cụ thể. Cho nên là nó vẫn mang tính chất yên vị, hình như ai làm cũng được, và làm như thế nào cũng không bị ảnh hưởng lắm…

PV: GS bây giờ có thời gian để theo dõi tình hình phát triển của văn học hiện đại không?

GS HMĐ: Hiện đại à?

PV: Vâng.

GS HMĐ: Cái này thì nói thật với anh, bây giờ nếu tính về số lượng mà nói thì mình có hàng trăm cuốn tiểu thuyết, thậm chí còn nhiều hơn nữa ấy được in ra trong vòng một năm, hơn một năm… Còn về thơ thì người ta tính có thể hàng nghìn cuốn… Vậy thì làm sao đọc hết được? Nhưng mà tôi chọn, tôi đọc những cái mà báo chí giới thiệu, gây ấn tượng, và cần thiết cho công việc của mình, vì tuổi cũng cao rồi…

PV: Tôi biết GS là người không thích những tình huống xung đột, nét tính cách này đã là phong cách của GS và phong cách đó cũng thể hiện cả trong cách nghiên cứu của GS nữa. Thế nhưng, trong cuộc sống, chúng ta không thể lảng tránh được xung đột nếu muốn tiếp cận chân lý…

GS HMĐ: Nói thế này nhé, cái chân lý lớn thì chắc là như thế, chứ còn các mặt vừa phải khác thì khác...

PV: Theo GS, cũng có những con đường bằng phẳng, không gay cấn dẫn tới chân lý ư?

GS HMĐ: Tôi có lúc đi từ "tiểu ngạch" để vào được con đường chung đấy là cái mà tôi mong ước, chứ còn đối chọi trực tiếp thì không dễ đâu, nếu mình không hiểu. Tôi luôn cảm thấy thiếu thông tin. Thực ra, nếu trong những vấn đề mà tôi hiểu kỹ thì tôi cũng chả ngại va đập…

PV: GS vào Hội Nhà văn từ năm nào nhỉ?

GS HMĐ: Lâu rồi.

PV: Giờ không còn nhớ cụ thể nữa?

GS HMĐ: Không, tôi nhớ chứ. Năm 1967.

PV: Theo GS, so với hoạt động của Hội Nhà văn hồi ấy thì hoạt động của Hội Nhà văn bây giờ như thế nào? Có cái gì hay hơn và có cái gì không hay bằng?

GS HMĐ: Nói thật, câu này khó trả lời lắm…

PV (cười): Khó thì tôi mới hỏi GS, chứ còn dễ thì tôi tự trả lời được.

GS HMĐ: Là vì thế này, muốn trả lời câu hỏi đó một cách thấu đáo thì anh phải bao quát, có tri thức bao quát về lịch sử và hoạt động của hội.

PV: Không, GS cứ nói cảm nhận của cá nhân mình, với tư cách hội viên…

GS HMĐ: Tôi chỉ thấy có mấy ý như thế này. Vào Hội lúc đó khó hơn bây giờ, chọn lọc, đánh giá khó hơn, còn thực ra không có quyền lợi gì, nhưng mà hình như đó là giá trị tinh thần lớn. Còn bây giờ thì quy mô hơn, lực lượng đông đảo và là một hội lớn sang trọng.

PV: Bây giờ giá trị tinh thần cũng vẫn lớn.

GS HMĐ: Tôi sang bên Hàn Quốc thì bên đấy không có hội nhà văn theo kiểu của mình, nó mang tính chất hiệp hội.

PV: Liên kết chuyên môn anh em với nhau...

GS HMĐ: Đúng thế. Các nhà văn Hàn Quốc đón chúng tôi cũng giản dị và vất vả lắm. Rất chân tình nhưng điều kiện vật chất thì cũng tùng tiệm thôi. Họ muốn viết cái gì thì viết nhưng cũng không quên đất nước chia cắt, quá khứ nghèo khổ, đấu tranh cho dân chủ rồi tình yêu, tình dục. Tuy thế, họ tốt với mình lắm. Kết thúc buổi gặp mặt, họ còn hát với mình bài "Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng".

PV: Ở đâu và thời nào thì nhà văn nói chung cũng phải khó khăn một tí, nhà văn không thể sung sướng toàn phần được, một khi sung sướng về vật chất rồi, anh phải bị khó khăn về tinh thần thì anh mới sáng tạo được, có đúng không ạ?

GS HMĐ: Nói thì khôn cùng, ngày xưa Vũ Trọng Phụng từng bảo rằng giá có thêm miếng bít tết mỗi ngày thì sẽ có thêm nhiều sức để viết văn. Nam Cao cũng đề cập tới cái đói nhiều chứ. Nhưng dù đói thì Vũ Trọng Phụng, Nam Cao vẫn viết văn rất hay. Và những nhà văn sống sung túc như Nhất Linh, Khải Hưng cũng vẫn viết hay. Vậy nên, quan trọng là tài năng, chứ không phải chỉ do khổ hay sướng mà quyết định văn hay được…

PV: Cũng tùy hoàn cảnh cụ thể của từng người…

GS HMĐ: Phải có tài, theo tôi phải có tài…

PV: Ở vị trí hôm nay, GS tự thấy sự nghiệp của mình như thế nào?

GS HMĐ: Có lần chính Hồng Thanh Quang đã nói với tôi rằng, tôi may được "sống dai", thành ra có điều kiện làm được nhiều việc.

PV (cười): Dạ, kẻ hậu sinh này đâu có dám nói thế…

GS HMĐ: Thực ra thì chưa "dai" lắm đâu, mới 75 thôi. Nhưng cho đến nay hình như tôi vẫn chưa bị lẫn, có thể tôi chủ quan.

PV: GS vẫn đang đủ độ chín để hoàn thành công trình tâm đắc, một thế kỷ thơ Việt mà GS đang ấp ủ...

GS HMĐ: Nói chung tất cả trí thức khi ra đi đều dang dở. Anh Trần Quốc Vượng mất khi còn bao nhiêu việc vẫn dang dở, rồi anh Cao Xuân Hạo tài hoa và còn tiềm lực.

PV: Không bao giờ chúng ta làm hết được những việc chúng ta muốn làm đâu…

GS HMĐ: Không bao giờ làm hết được! Nếu ai đó bảo mình đã làm hết được những việc mình muốn làm thì chỉ vì người ấy đã làm được ít việc rồi không muốn làm nữa. Nhưng có những công trình của các trí thức đáng lẽ ra phải được tạo điều kiện hơn, phải có hỗ trợ của chung hơn…

PV: Đã là trí thức, ham việc thì mình vẫn cứ phải lầm lụi thôi, xã hội nào cũng thế, thời nào cũng thế. Xin cảm ơn GS!

H. T. Q. (thực hiện)
.
.