NSND Sỹ Tiến: Đại đa vẫn tỏa bóng

Thứ Hai, 04/06/2018, 07:48
Tôi đã mất ngủ trước, sau cuộc gặp mặt của các thế hệ nghệ sĩ đã tham gia vở “Kiều” của người thầy tôi yêu kính nhất đời: NSND Sỹ Tiến (1916 - 1982). 

Tại Laca café 24 Lý Quốc Sư, Hà Nội, sáng 17-5-2018, chúng tôi bên nhau trong niềm xúc động, thương nhớ ông tổ cải lương miền Bắc. Tôi rất tâm đắc khi PGS Tất Thắng đánh giá Sỹ Tiến không chỉ là tác giả lớn mà còn là một nhà văn hóa cải lương. 

Thầy của tôi đã khuất bóng gần 36 năm mà vẫn vang động trong đời bởi câu bất hủ: “Nếu ta chết, đừng chôn ta! Hãy căng lên mặt trống, để ta được gần sân khấu mỗi ngày!”.

Kiều (Huy chương vàng hội diễn năm 1962) của Sỹ Tiến từ nguyên gốc kiệt tác của Nguyễn Du  đã trở thành kiệt tác của sân khấu cải lương. Toàn thoại của vở diễn 3 hồi 9 cảnh này là thơ Sỹ Tiến. 

Tất cả các nhân vật đều có hồn, được khắc họa sống động, hấp dẫn khiến các diễn viên, nhạc công tham gia các vở này đều say mê trưng trổ hết tài năng và các vai diễn ấy đều là vai đinh, để đời trong sự nghiệp của họ. 

Vì hoạt động nghề quá sớm, nên sự nghiệp đồ sộ của tác giả, đạo diễn Sỹ Tiến không tính bằng các huy chương; nhưng nhiều vở của ông được coi là mẫu mực, tiêu biểu, chủ chốt của nhiều nghệ thuật, trong đó có cải lương Chuông Vàng (tiền thân của Nhà hát cải lương Hà Nội) và 7 đoàn hát Kim Chung nức tiếng Sài Gòn. 

Vở Kiều hay đến mức trở thành tác phẩm duy nhất đưa đi diễn tại Genève (Thụy Sỹ) năm 1995 với số lượng nghệ sĩ kỷ lục 35 người. Kiều của Sỹ Tiến đã vượt qua hơn ngàn đêm diễn, qua 5 thế hệ nghệ sĩ, với dàn diễn viên đặc biệt gồm các cặp vợ chồng, cha - mẹ - con diễn viên cùng tham gia, chứng tỏ sức sống lớn của một tác phẩm đỉnh cao. 

Trong đó có cặp trai tài gái sắc Tiêu Lan - Kim Xuân vai Kim Trọng - Thúy Kiều lứa đầu. Người con gái của họ, Như Quỳnh, vai diễn đầu đời cũng thủ vai Kiều trước khi chuyển sang điện ảnh, sau trở thành NSND

NSƯT Khánh Hợi (bên trái, vai Tú Bà) - nữ nghệ sĩ cải lương cao tuổi nhất Việt Nam đến thăm NSƯT Tiêu Lang (vai Kim Trọng) - họ là 2 diễn viên cuối cùng của lứa đầu tiên của vở “Kiều” còn sống đến nay. Ảnh: Nguyễn Hữu Bảo

Sinh ra tại “lõi” phồn hoa Hà thành, chốn ăn chơi bậc nhất kinh kỳ tập trung nhiều rạp hát, nhà hàng, cửa hiệu, mới 9 tuổi, cậu bé Nguyễn Xuân Kim đã trốn bố mẹ, bỏ ngôi nhà trên phố Đào Duy Từ (Hoàn Kiếm) lên đường phiêu lưu, với ước muốn rong ruổi xuyên Việt, học nghệ thuật để làm nghệ sĩ trọn đời sâu sắc. Chú bé Kim chịu đói khát cuốc bộ vượt đèo Hải Vân. 

Qua miền Trung, vào miền Nam, Kim chọn theo học cải lương, Hay chính cải lương đã chọn cậu bé tuấn tú, quả cảm ấy qua sự sắp xếp định mệnh các cuộc gặp quý giá giữa Kim và những nghệ sĩ tầm cỡ.

10 tuổi, Kim lên sân khấu chuyên nghiệp. 19 tuổi, chàng trai mắt sáng hơi xếch, mũi cao, môi chẻ, da trắng hồng, vóc dáng thanh tú 1m70 đã thành kép chính, đánh dấu bằng vai Ngũ Tử Tư. 

Dung mạo, giọng hát, vũ đạo tuyệt vời của một kép Bắc hiếm có trên đất Sài thành khiến Xuân Kim thành ngôi sao gây ấn tượng kì lạ với bạn bè tại chính quê gốc cải lương. Giới nữ mê kép Kim nhiều không kể xiết, từ các cô đào đến khán giả đều say hơn điếu đổ, chẳng màng tuổi tác. 

Cuối thập niên 30 của thế kỷ trước, kép Kim đem cải lương ra Bắc và bằng vốn nghề, vốn sống, năng lực sáng tác, ông bắt đầu nghiệp tác giả, chuyên sâu nghiên cứu (song song với biểu diễn) với bút danh Sỹ Tiến. 

Theo bước anh trai, người thầy đầu tiên, Nguyễn Xuân Ngọc lấy nghệ danh Sỹ Hùng. Hai anh em đều kết hôn với các diễn viên cải lương hàng sao ngày ấy. Cặp bài trùng Sỹ Tiến - Khánh Hợi, Sỹ Hùng - Tường Vi là ngôi sao sân khấu mấy chục năm, từ trước Cách mạng Tháng Tám. 

Sau 1954, Sỹ Tiến là Liên đoàn trưởng Liên đoàn Ca kịch Thủ đô (Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội) đầu tiên. Còn Sỹ Hùng sau này là Giám đốc Đoàn cải lương Phương Đông Hải Phòng, Giám đốc Nhà hát cải lương Việt Nam.

Không chỉ có công đem cải lương ra Bắc, cánh chim đầu đàn Sỹ Tiến còn đồng hành, thúc đẩy bộ môn này phát triển khi là tác giả, đạo diễn chủ lực, ông đã nâng cấp, gọt giũa để bộ môn này hay, sang hơn, có bản sắc hơn; trong khi viết những cuốn mang tính khoa học về cách hát, sử dụng nhạc cụ, bài bản sân khấu cải lương. 

Ông là tác giả đầu tiên của Việt Nam đưa quốc sử và Truyện Kiều lên sân khấu. Sỹ Tiến là người thầy lớn của nhiều nghệ sĩ gạo cội, học giả uyên bác, nhà nghiên cứu lỗi lạc. Cả cuộc đời Sỹ Tiến là một hiến dâng tuyệt đích cho nghệ thuật, đúng tinh thần tử vì đạo. 

Là hội viên sáng lập của Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam từ 1957, khi đã lẫy lừng tên tuổi, toàn bộ con người ông và những gì Sỹ Tiến tận hiến cho cải lương hoàng kim phát triển, vang bóng, là một giấc mơ hiếm biệt, khó tái hồi. 

Ông vẫn sống trong lòng kính trọng, thương nhớ của nhiều lớp nghệ sĩ, không chỉ giới cải lương. Các đồng nghiệp hậu bối nhắc đến ông, những lời nói, cử chỉ, vai diễn mẫu mực đỉnh cao như một cách nhớ về khao khát và nuối tiếc thời oanh liệt vàng son mà ông đã đi vào lịch sử và có họ cùng các thế hệ khán giả là nhân chứng. 

Cuộc đời ông lắm thua thiệt, đắng cay cũng vì quá khiêm nhường, lãng tử, quá kiêu bại nên thường nhận phần sau. Ông chưa được tôn vinh thỏa đáng với cống hiến lớn lao và dấu ấn có một không hai. 

Mọi phần thưởng đều đến sau khi ông tạ thế: Danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân đợt 1 (1984), Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4 (19-5-2012), Giải thưởng Đào Tấn (20-8-2015). Bậc thầy của các bậc thầy dám đánh đổi cả sinh mạng, danh vọng vì lý tưởng cho đến phút cuối đời trăng trối với câu nói thành bất hủ.

Là một yếu nhân của sân khấu cải lương từ những năm 30 thế kỷ trước, Sỹ Tiến đem hạt giống bộ môn ca kịch trữ tình mới mẻ này từ đất Nam Bộ ra Bắc. Ông là nghệ sĩ toàn năng bởi hình thể đẹp, tiếng phát âm trầm ấm, giọng ca nội lực cuốn hút người nghe. Ông lại đầy am hiểu mọi loại nhạc cụ truyền thống và chơi đàn tứ rất hay.

Mỗi khi hóa thân, cái duyên biểu diễn của ông hút hồn hàng ngàn con mắt hướng lên sân khấu xem ông biểu diễn, nghe ông ca hát những bài bản say đắm lòng người. 

Ngay từ ngày đầu cải lương mới thoát thân từ ca ra bộ (vừa ca vừa làm điệu bộ), Sỹ Tiến đã vượt lên đồng nghiệp diễn tả động tác trong lời ca nên khán giả cảm thụ rất nhanh, ông đã biến vốn liếng nghề của đồng nghiệp từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Trung và Bắc thành lý luận để các bạn nghề từ bất ngờ này đến ngạc nhiên khác nên khắp 3 miền đất nước các nghệ sĩ gạo cội lớp đầu: Năm Châu, Ba Vân, Tư Sang, Tư Chơi, Năm Phỉ, Phùng Há, Bảy Nhiêu, Bảy Nam đều dành cho Sỹ Tiến những lời thán phục về tài hoa và nhân cách. 

Những vai diễn để đời của ông còn mãi với thời gian, các thế hệ nối tiếp chưa ai làm nổi: Chu Du trong Tam Khí Chu Du (Chu Du ba lần hộc máu), Quan Công trong Quan Công nguyệt hạ khám binh thư - các vai làm nên huyền thoại Sỹ Tiến.

Không dừng lại, ông còn dàn dựng những trích đoạn của những vở trên cho đàn em hoặc con cháu để giữ làm vốn liếng cho bộ môn nghệ thuật mới mẻ. 

Người nghệ sĩ nặng lòng với cải lương xứ Bắc đã đưa tác phẩm vào sân khấu hộp chứ không diễn trên sân đình, sân chùa miếu mạo như bộ môn chèo truyền thống, vì cải lương phù hợp với thị hiếu những tầng lớp khán giả đông đảo gồm tiểu trí thức, tiểu thương, viên chức, giới cần lao, dễ đi vào lòng người, bộ môn cải lương mới mẻ này chưa định hình, có thể chứa hết mọi đề tài cổ điển, dân gian, lịch sử, tâm lý xã hội luôn được thay đổi theo thị hiếu của mọi giới. 

Ngày ấy, tuồng, chèo, dân ca kịch đã định hình, phải bó hẹp trong cái khuôn bất biến chỉ phục vụ cho một giới khán giả nhất định, các ngành này bị lao đao, thời gian khá dài, ngay các nghệ sĩ biểu diễn mấy ngành trên cũng chuyển sang cải lương mới sống nổi.

Trong cuộc đời nghệ thuật, Sỹ Tiến đi nhiều, tiếp xúc, kết thân với đồng nghiệp trong Nam ngoài Bắc lâu, ông thấu hiểu nhu cầu của bạn nghề, đồng thời hiểu rõ từng vùng miền khác nhau, ông đúc kết để đưa những bài bản vào những tác phẩm nên khi trở thành “thầy nghề” ông được giới tôn vinh như một thủ lĩnh. 

Hàng trăm kịch bản của ông: Vọng về cố đô, Trên dốc lý tưởng, Tôi không ánh sáng, Người nữ tỳ Hai Bà Trưng, Mạc Tuyết Lan, Chiêu Quân cống Hồ, Khúc tỳ bà, Giành ánh sáng tự do, Bạch xà nương, Trinh nữ Xuân Hương, Phan Trần, Đề Thám v.v... đã đem đến cho hàng triệu con tim thổn thức hàng mấy chục năm dài.

Sỹ Tiến đã ghi lại kỷ niệm, hồi ức những đoạn đời đầy nước mắt, đầy hạnh phúc của ông với hàng trăm nghệ sỹ khắp 3 miền của từng thời kỳ, ông bươn trải để sống, để yêu, để làm nghề bằng tác phẩm cuốn sách Những mảnh tình nghệ sỹ viết trước Cách mạng, xuất bản 1952. Tuyệt phẩm này tái bản lần đầu khi nước nhà thống nhất 1984. Thật là giá trị.

Là một học trò nhỏ của ông khi còn là diễn viên của Đoàn Thanh niên Chuông vàng, biết tôi có năng khiếu sáng tác nhưng còn rụt rè, tự ti, có lần ông chủ động gặp hỏi: Cháu cũng sáng tác đấy à? Tôi vâng. 

Ông lại hỏi ngoài văn hóa, cháu nghĩ còn trang bị cho người cầm bút những gì, nói cho bác nghe. 

Tôi không dám trả lời, ông đưa tôi điếu thuốc lá, vừa như tâm tình, vừa thủ thỉ bảo: Muốn trở thành người cầm bút cháu phải xác định: Sáng tác để làm gì, sáng tác cho ai? 

Nếu sáng tác để có nhiều tiền thì không có đâu. Nghệ sĩ thì không bao giờ có nhiều tiền, nhiều người có tiền không còn là nghệ sĩ. Bởi sáng tác chỉ có một mục đích tối cao là phục vụ đồng loại. Từ người ăn mày đến ông cao cấp của Nhà nước họ đều cần đến ta, họ xem tác phẩm của ta, họ hoàn thiện nhân cách, đấy là hạnh phúc của người cầm bút. 

Nói đâu xa cứ đọc trong Kiều của Nguyễn Du cháu sẽ thấy hết những loại người trong đó. Tôi mạnh dạn hỏi ông: Bác đang viết Kiều phải không? Ông trả lời: Kiều của cụ Nguyễn Du, còn bác chuyển tác phẩm của cụ thành vở diễn sân khấu. Sỹ Tiến đưa tôi xem tập bản thảo dày cộp đánh máy chữ optima. 

Về nhà tối hôm đó, tôi chong đèn đọc hết kịch bản của ông, hôm sau tôi đến rạp Chuông Vàng trả lại kịch bản, ông hỏi: Cháu thấy thế nào? “Hay quá bác ạ! Nhưng cháu cũng làm được”. Ông cười, bắt tay tôi. 

Mấy tháng sau Kiều biểu diễn buổi đầu tiên ở rạp Chuông Vàng có khác là kịch bản Kiều do ông viết đứng tên 2 tác giả: Sỹ Tiến - Việt Dung. Tôi ngạc nhiên và tự hỏi: Sao lại thế nhỉ?!

Ngồi trên gác rạp Chuông Vàng, nhân lúc không có người lạ, tôi hỏi ông: Thưa bác, tác phẩm này đứng tên 2 tác giả là thế nào hả bác. Ông chua chát nói: Cuộc đời phải thế đấy cháu ạ! Không đứng 2 tên, vở không ra đời được. Sau này cháu sẽ có trải nghiệm, cháu tự trả lời được. 

Ngày còn trẻ, bác viết Kiều 3 hồi, nay muốn gộp lại diễn một đêm thì phải tách thành 2 tác giả. Việt Dung là tác giả chèo, đâu có biết bài bản cải lương nhưng vị Phó Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội khi đó có thói quen gần như ép các tác giả phải để tên Việt Dung vào cùng thì mới cho dựng vở, ra rạp.

Tôi còn được biết, sau đó ông phải đối mặt với mấy lần kiện tụng và những kẻ xu thời xóa tên Sỹ Tiến trên những tấm pano, trên các tờ programe. Ông đã ra đi trong nỗi uất ức vì bị cướp các quyền. 

Nhưng đời không phải chỉ có 2 người, sau bao năm, cái tên Sỹ Tiến tác giả Kiều vẫn lồng lộng trên kịch trường nước nhà. Ông được Nhà nước truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh cao quý. Viết những lời này, tôi tự nhủ thắp nén tâm nhang cầu chúc ông thanh thản ở thế giới bên kia không có sự ngộ nhận vô lý, bởi cuộc đời vẫn có công bằng.

Bậc "đại đa vẫn tỏa bóng bằng sức sống bất tử bởi tình yêu sân khấu kết tụ và bền sáng tinh hoa.

Nguyễn Ngọc Thụ
.
.