NSƯT Khánh Hợi, vợ cố NSND Sỹ Tiến: Quá khứ còn nguyên

Thứ Sáu, 22/06/2012, 15:10
Trong buổi lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh tại Nhà hát Lớn ngày 19/5 vừa qua, có một phụ nữ tuổi 90, một mình bay từ Pháp về nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh cho chồng, cố NSND Sỹ Tiến (1916 - 1982). Đó là niềm hạnh phúc cuối đời của lão nghệ sĩ. Bà mặc áo dài đỏ hoa vàng, minh mẫn trò chuyện, niềm vui xen lẫn ngậm ngùi. Giải thưởng dù muộn, nhưng là sự tưởng thưởng và vinh danh những cống hiến to lớn của ông tổ Cải lương đất Bắc, trong đó có cả sự đóng góp lặng lẽ của bà, một thế hệ cải lương đầu tiên…

1. Tôi đang ngồi cùng bà Khánh Hợi và con trai trên con phố Đào Duy Từ, nơi chồng bà đã sinh ra. Phía sau lưng xưa là rạp Lạc Việt. Gần đấy là rạp Chuông Vàng, gắn bó định mệnh với vợ chồng bà. Và xa nữa là ngõ Hàng Hành, nơi bà cất tiếng khóc chào đời, giờ đã thành một khu phố cà phê sầm uất. Trong bà Khánh Hợi có quá nhiều kỷ niệm, nhiều nỗi nhớ. Và hình như, nó đầy đến mức, bà không thể sắp xếp nó một cách rành mạch được nữa.

Ngay góc phố bên kia, 24 Lương Ngọc Quyến, trên tầng 2, vẻn vẹn 50m vuông, ông bà cùng 8 đứa con và những đứa cháu mà họ cưu mang đã sống. Ở đó, ông đã trút hơi thở cuối cùng vào 17/11/1982 vì căn bệnh dạ dày ác nghiệt sau nhiều lần đóng vai Chu Du 3 lần thổ huyết. Giới nghề vẫn truyền tụng câu nói bất hủ của ông: “Nếu ta chết, đừng chôn ta, hãy căng da ta lên mặt trống, để ta được sống gần sân khấu mỗi ngày!”.

Bà Khánh Hợi đã có những năm tháng của tình yêu, của sự bùng nổ, và cả giai đoạn chật vật, cơ hàn. Thời đó đã lâu lắm rồi. Lên 8 tuổi, bà lẽo đẽo theo anh họ Đoàn Bá Chính gia nhập gánh hát Đồng Ấu Nhật Tân của cụ Trần Phềnh vì mê cải lương. Bố mất sớm khi bà mới 8 tuổi, sau mấy năm, mẹ qua đời. Gánh nặng gia đình dồn lên đôi vai bé nhỏ của cô bé Khánh Hợi. Mỗi tháng đi hát, kiếm được 3 đồng bạc, bà dành dụm mang về đong lấy một thúng gạo ăn qua ngày cho cả nhà, gồm chị gái và hai em… Thế rồi, nghiệp cầm ca thành nghiệp đời, thấm vào trái tim cô bé Khánh Hợi như tình yêu máu thịt, giúp bà vượt gian khó, mà vẫn lạc quan, say nghề. 17 tuổi, bà Khánh Hợi đã trở thành đào chính của đoàn Tố Như, tiền thân của đoàn Chuông Vàng sau này.

2. NSƯT Khánh Hợi thuộc thế hệ vàng đầu tiên của cải lương Bắc. Bà cũng là nữ nghệ sĩ cải lương cao tuổi nhất Việt Nam còn sống, chứng nhân cho một thời rực rỡ của nền cải lương miền Bắc. Điều đặc biệt ở bà Khánh Hợi, bà nổi tiếng không phải những vai đào thương như NSƯT Kim Xuân, hay Kim Chung (chị ruột NSƯT Tiêu Lang) – đào lừng danh một thuở, sau 1954 vào Sài Gòn mở 7 đoàn Kim Chung; mà là những vai nam võ.

Thập niên 40, 50, 60 thế kỷ trước, cái tên Khánh Hợi là sự bảo đảm cho những đêm diễn đông khách. Những vai diễn gai góc, vừa hát vừa vũ đạo võ thuật như Đinh Văn Tà trong vở Mạc Tuyết Lan, Lã Bố trong Lã Bố hý Điêu Thuyền, Võ Tòng trong Võ Tòng đả điếm, Mạnh Lệ Quân trong Mạnh Lệ Quân thoát hài đều gắn liền với tên tuổi Khánh Hợi. Sự hoá thân hấp dẫn đến mức, rất nhiều người phụ nữ thời đó mê bà, ném kiềng bạc, nhẫn vàng và rất nhiều tiền lên sân khấu. Có người còn theo bà Khánh Hợi về tận ngõ, biết bà là phụ nữ mà vẫn không nguôi mê mẩn yêu đương. 

Có nhiều huyền thoại về thời vàng son của sân khấu, gắn liền với tên tuổi của NSND Sỹ Tiến và NSƯT Khánh Hợi. Bà vào rất nhiều vai trong các vở cải lương do ông viết, dàn dựng. Ông là người thầy của nhiều nghệ sĩ cải lương thế hệ vàng: Mộng Dần, Tuấn Sửu, Lệ Thanh,... và cả vợ mình. Không phải vì người nhà mà ông vị nể, ngược lại, ông còn khắt khe với bà hơn. Đối với thế hệ của ông bà, sân khấu là một thánh đường, ở đó chỉ có tình yêu và tận lực cống hiến.

NSƯT Khánh Hợi (trái) vai Hứa Tiên, NSƯT Kim Xuân vai Bạch Xà Nương - đôi vợ chồng trong vở "Bạch Xà Nương" của tác giả - đạo diễn Sỹ Tiến.

Cải lương ngấm vào bà trong từng hơi thở. Mối duyên với ngôi sao Sỹ Tiến - một diễn viên đỉnh cao, đồng thời là tác giả ăn khách đã mang đến cho bà Khánh Hợi một cơ hội, để bà được thăng hoa và toả sáng bên người chồng tài hoa lỗi lạc. Hồi đó, ông nghèo lắm. Bố Sỹ Tiến từng theo tàu biển tới Marseille, rồi về làm thầy lang bốc thuốc, là người hay chữ, yêu thơ. Còn mẹ bán hàng xén ở chợ Hàng Bè, nhưng rất đôn hậu, có tâm hồn. Cuộc sống đạm bạc, tằn tiện qua ngày. 8 tuổi cậu bé Nguyễn Xuân Kim đã lưu diễn kiếm tiền, cuộc sống nổi nênh gắn liền với những gánh hát, khi Bắc Giang, khi Nghệ An, rồi Huế, đi bộ vượt đèo Hải Vân vào Nam… 14 tuổi cậu bé Kim viết bài ca đầu tiên, 18 tuổi lẫy lừng cả sân khấu ba miền.

Cuộc đời bôn ba, nghèo khó, có cả nước mắt, hào quang và cay đắng. Số phận của ông hoàng cải lương đất Bắc gắn với nữ diễn viên tài năng Khánh Hợi. Bà mê tài, mê cả vẻ hào hoa, lịch lãm của ông. Bà Khánh Hợi kể, ngày đó, gia tài của ông không có gì ngoài các vai diễn xuất sắc, mấy chục vở cải lương do chính ông viết. “Anh chỉ có 10 quả cau để về làng hỏi cưới em thôi”. Đơn giản vậy mà bà gật đầu không một chút đắn đo. Bố của Sỹ Tiến thương con, đã về tận quê Phú Xuyên, mang theo 10 quả cau nộp cheo hỏi Khánh Hợi về. Vợ 18 tuổi, còn ông 25. Không đám cưới rình rang, hai người về sống ở rạp Chuông Vàng, và ông tận hiến cho sân khấu cho đến hơi thở cuối cùng. Cuộc sống của ông bà là sân khấu. Sân khấu là lẽ sống của ông bà.

Đỉnh cao của Khánh Hợi là vai Tú Bà trong vở Kiều nổi tiếng do NSND Sỹ Tiến viết. Ông là người đầu tiên đưa Kiều lên sân khấu cải lương năm 1962. Vở diễn đã mang về nhiều huy chương vàng cho các diễn viên: Kim Xuân (Kiều), Tiêu Lang (Kim Trọng), Bích Được (Hoạn Thư) và Khánh Hợi. Vai Tú Bà của Khánh Hợi thành công đến nỗi, một thời gian sau, bà không dám đi chợ Hàng Bè, vì hễ nhìn thấy bà là mọi người xúm vào đuổi, họ ghét cay ghét đắng mụ “Tú Bà”. Nhắc đến vai diễn này, lão nghệ sĩ vui lắm. Bà nhớ nhất điệu cười của Tú Bà khi nhìn thấy món hời, điệu cười đã làm nên ấn tượng của Khánh Hợi, không thể lẫn vào ai: “Hý hý hý…”. Hai mắt bà Khánh Hợi sáng lên niềm đam mê chưa từng rời bỏ bà.

Năm 1984, bà được vinh dự nhận danh hiệu NSƯT, còn ông được truy tặng nhận danh hiệu NSND, là nghệ sĩ duy nhất của cải lương miền Bắc nhận danh hiệu này đợt đầu. Cùng đợt này là các nghệ sĩ bậc thầy: Thế Lữ, Phạm Văn Khoa, Phùng Há, Ba Vân; trẻ hơn là Trà Giang, Đặng Thái Sơn...

Bà Khánh Hợi không nhớ hết chuyện xưa, cả những biến cố trong đời sống của bà. Nhưng khi nhắc đến vai diễn, đến rạp hát, đôi mắt bà bừng sáng. Bà trở nên linh hoạt và hào hứng lạ lùng. Và những câu hát, tưởng đã nằm yên đâu đó trong ký ức, bỗng trở về, dồn dập và rành mạch đến mức, tôi tốc ký không kịp. Bà không nhầm một câu hát nào. Vừa hát, bà vừa vung tay điệu nghệ. Những vai diễn của 70 năm về trước, sống động như bà chưa từng rời sàn diễn. Bà Khánh Hợi, tuổi tác trở thành vô nghĩa bởi tình yêu bạn đời trong tình yêu sân khấu.

Tôi có thể hình dung vì sao 70 năm về trước, hằng đêm, hàng đoàn người xếp hàng đợi vai diễn của bà nhiều đến thế. “Ta khóc không phải khóc kết nghĩa chi lang, ta khóc, khóc cho một mối tình dang dở. Trong bầu không khí mà chúng ta đang thở, hương hồn ai có phảng phất đâu đây, xin chứng cho tình nặng nghĩa dày… Tướng quân ơi, tuy chúng ta là thù địch, nhưng nỗi đau thương đã dắt chúng ta đến chỗ yêu thương… Đây là đất đau thương, ta hãy dẹp bớt thù oán nhỏ nhen trước linh hồn người chết... Ta nghe những lời ai oán thở than, đích thị là chàng đến khóc Mạc Tuyết Lan công chúa. Do nguồn cơn ta chưa rõ, để ta vào hỏi lại xem sao” (đoạn này cả khán phòng lặng đi) - đây là lời thoại của Đinh Văn Tả nói với tình địch Đinh Hùng, khi hai người tình cờ đến thăm mộ Mạc Tuyết Lan mà cả hai cùng yêu. Đây là vở của soạn giả Sỹ Tiến, một trong năm kịch bản cùng 5 công trình nghiên cứu của ông, Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt 4. 

3. Có thể nói, hành trình cuộc đời của ông bà là đồng hành lịch sử của sân khấu cải lương. Mãi đến năm 1954, ông bà mới dành dụm mua được ngôi nhà tầng 2 ở 24 Lương Ngọc Quyến, một thời là nơi hội tụ của nhiều văn nghệ sĩ trí thức Hà thành. Ông là người rộng rãi, quảng giao. Bà phóng khoáng, nghệ sĩ. Những Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Trần Văn Giàu, Hoa Bằng Hoàng Thúc Trâm, Vũ Khiêu, Lưu Trọng Lư, Lưu Quang Thuận, Huy Cận, Hoàng Trung Thông, Võ An Ninh, Văn Cao… vẫn thường ghé qua đàm đạo chuyện văn chuyện đời ở nhà ông bà. Cũng trong ngôi nhà đó, những người bạn cùng thời, cùng nghề của ông bà: soạn giả Nam Châu, NSND Phùng Há, nghệ sĩ Bẩy Nhiêu, Tư Chơi, Tư Sạng - các vị tiền bối, tổ nghề cải lương Nam Bộ, đều lui tới.

Nhà ông bà chưa bao giờ dư dả. Bởi đông con. Rồi bạn bè tứ xứ, cơ nhỡ đều được ông bà rộng lòng đón tiếp, biệt đãi tài năng. Mỗi đêm diễn, cả 8 đứa con chờ sẵn ở cánh gà, đợi bố mẹ về, cùng đi ăn phở. Thế là cát xê của đêm diễn hết veo. Bà chẳng lấy đó làm điều. Ông vốn không bao giờ biết đến tiền bạc. Mỗi lần lĩnh lương, chị phát lương gói vào khăn và đưa về cho bà. Bà cũng nghệ sĩ, chỉ mải theo nghề, nhiều người bạn cùng thời nói đùa, ông là người bị ăn quỵt và trả rẻ nhất, bà chỉ cười...

Ông cùng bà mang cải lương đi từ Nam ra Bắc, từ Huế, Đà Nẵng vào Sài Gòn, rồi khắp lục tỉnh. 10 đứa con bà mang thai chỉ còn 8 vì những lần đi diễn. Trong đó, người con đầu của bà (nay 69 tuổi) sinh trong chuyến lưu diễn ở miền Nam. Sinh nghề, tử nghiệp… Cuộc đời bà là vậy.  Khi ông Sỹ Tiến đưa cả đoàn vào lưu diễn miền Nam, làm giới nghệ sĩ và công chúng quê gốc cải lương phải nghiêng ngả. Nghệ sĩ Phùng Há, từng thủ vai Lã Bố, khi xem Khánh Hợi diễn vai này, Phùng Há chắp tay khen, xá xá xá. Rồi có lần, bà Năm Đồ, một nghệ sĩ nổi tiếng, khi ra Bắc 1976, xem Khánh Hợi vào vai Tú Bà trong vở Kiều, cũng chắp tay thán phục. 

Đời sống vất vả, thiệt thòi của ông bà đã được hoá giải bằng nhiều cuộc đời trong nghệ thuật cải lương. Không bon chen, danh lợi. Bà sống an nhiên, hóm hỉnh, thích tụ tập bạn nghề, con cháu đông vui ôn lại kỷ niệm. Lâu nay, bà sang Pháp sống cùng con gái út - danh ca Lệ Quyên, nữ hoàng nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam thập niên 80 thế kỷ trước. Lâu lâu, nhớ nhà, bà lại một mình bay về Việt Nam. Lần nào bà cũng vào thăm Nhà hát Cải lương Hà Nội, xem lớp hậu bối tập vở. Lần nào qua rạp Chuông Vàng, bà cũng đứng lặng rất lâu…

Khánh Linh
.
.