Đào Tấn – Sỹ Tiến: Những gạch nối bất tử

Thứ Hai, 24/08/2015, 11:15
Một cái tên khi cất lên, thấy rung vang uy khí của một nghệ thuật được coi là bác học của kịch hát dân tộc, vùng đất võ hào khí điệp trùng những thế kỷ chiến trận và văn chương của đất miền Trung và của nước Việt Nam: Đào Tấn (1845 - 1907). Hội thảo kỷ niệm 170 năm ngày sinh của ông năm nay là cuộc gặp gỡ đặc biệt của những con người ưu tú.

Nhân dân nhớ Bình Định sẽ nhớ đến rượu Bàu Đá, bánh xèo, bánh ít lá gai, bánh hỏi lòng heo, bánh canh hải sản, nem chua... Nhưng thứ đặc sản lớn nhất của Bình Định, theo tôi là Tuồng. Tuồng là nghệ thuật đặc sắc kinh điển nhất trong các loại hình kịch hát dân tộc, đã có mặt ở nước ta chừng 600 năm. Làm rạng rỡ cho Tuồng Bình Định và nghệ thuật Tuồng Việt Nam là Đào Tấn. Ông không phải thuỷ tổ nhưng được tôn vinh là ông tổ Tuồng bởi đã dành tâm huyết trọn đời sáng tác sưu tầm, biên soạn, chỉnh lí, hệ thống hoá và nâng cao nghệ thuật này lên đỉnh cao.

Bình Định có Hoàng đế Quang Trung (1753-1792), danh tướng nước Việt thế kỷ XVIII. Lại có danh nhân văn hoá Đào Tấn, người góp phần khiến Bình Định nức danh đất võ trời văn. Hơn 10 năm qua, hằng ngày, tôi đều qua phố Đào Tấn, mở trên đất làng Thủ Lệ. Phố 900m, tôi lại thấy nó như đường dài, con đường do di sản của Đào Tấn để lại toả sáng từ quê hương ông ra đất Thăng Long cho tôi nối gần với Bình Định, nơi tôi thật mong được đến.

Đỗ cử nhân khoa thi hương Đinh Mão năm 1867 khi 22 tuổi (1867), Đào Tấn lấy vợ rồi vào hoạn lộ. Mê hát bội từ nhỏ, Đào Tấn ứng khẩu thành thơ từ lúc thiếu niên. Là học trò của cụ tú Nguyễn Diêu (1822-1880) ở Nhơn Ân, thầy đồ hay chữ nức tiếng, tác giả bộ Tuồng kinh điển Ngũ Hổ Bình Tây, Hồ Nguyệt Cô hoá cáo và vở Tuồng độc đáo Liệu đố (đánh ghen). Đào Tấn (thường gọi Đào Công) được bổ làm Tổng đốc An Tĩnh (Nghệ An - Hà Tĩnh) lần đầu năm 1889 và lần hai năm 1899. Ông là Thượng thư Bộ Công (bộ phụ trách phần xây dựng, thợ thủ công, giao thông và  nghệ thuật) hai lần (1894 và 1903).

Cuộc đời Đào Tấn trải qua nhiều đời vua: Tự Đức, Kiến Phúc, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái. Về hưu, được cấp 4 mẫu lộc điền, Đào Công chuyên chú những ngày cuối đời cho văn chương và hát bội. Đào Tấn mở trường dạy hát, chiêu mộ các nhân tài tâm huyết đến dạy. Ông tuyển chọn kỹ học sinh, đích thân chỉ bảo, uốn nắn từng diễn viên. Ông đổ nhiều công sức để biên soạn, chỉnh lí nhiều tác phẩm, nhiều Tuồng cổ. Ông là nhà soạn Tuồng tài nghệ cao nhất và sáng tác nhiều nhất với những tác phẩm được coi là mẫu mực của nghệ thuật Tuồng Việt Nam: Bình Địch, Cổ Thành Hội, Hộ Sanh Đàn, Trầm Hương Các... không lệ thuộc tích Trung Quốc mà còn lồng vào đây tính thời sự thời cuộc. Ông đưa Tuồng vào cung đình. Tự Đức, nhà vua yêu thơ nhận ra chân tài của Đào Tấn. Lời Đào Tấn nói với nhân sĩ Bình Định thật chân tình: “Những người viết Tuồng đều là bậc hiền nhân quân tử bị cùng bách, có điều ẩn chứa trong lòng…, nên phải dùng sức mạnh của ngòi bút”.

Và: “Ở nước ta, người thông kinh sử, hiểu sâu văn chương thì ít, kẻ mù chữ thì nhiều. Sáu kinh không dạy họ được thì Tuồng hát có thể dạy họ. Lịch sử không thể vào tâm não họ thì dùng Tuồng hát mà cho vào. Luật lệ không thể trị họ thì dùng Tuồng hát để trị. Luật pháp nước ta đối với bọn cầm bút thật khắt khe, có chút đỉnh chê bai triều chính thì bị ngục văn tự như vụ án Cao Bá Quát, nghĩ đến không thể không rùng mình. Dùng Tuồng hát nói lên được việc quốc gia mà không mắc tội phỉ báng há không hơn nói lên lời trung chính của quan Ngự sử hay sao? Tôi đã thấy nhiều cha mẹ đem sự tích trong Tuồng hát răn dạy con noi gương nhân vật Tuồng hát mà sửa mình. Trẻ em người lớn đem nết xấu của nhân vật giễu cợt kẻ có hành vi không tốt”.

Đào Tấn xuất chúng bằng văn thơ và những vở Tuồng đã toát lộ tài năng lớn của nhà văn hoá, nhà giáo dục. Lời hát của Đào Tấn đầy giá trị văn chương, nhiều câu, nhịp điệu và thi ảnh tràn đầy, có thơ chữ Hán, thơ chữ Nôm, Hán - Nôm, đầy tâm trạng với ngôn ngữ sâu sắc, trang nhã, đài các, thanh tao, hào khí. Nhưng di sản Tuồng Đào Tấn và nhiều đoạn thơ lục bát đã sống trong nhân dân thành ca dao Bình Định, ca dao mà không nôm na, bình dân, ngược lại có sự thanh nhã, hoa lệ, trí tuệ.

Chân dung ông tổ Tuồng Đào Tấn (trái) và NSND Sỹ Tiến.

Như những đoạn lời nhân vật vở Khuê Các Anh Hùng: “Gian nan chút phận đã liều/ Cô đăng gió tạt, bảng kiều sương rơi” (mượn lời Xuân Hương, Trương Chánh Hậu để tỏ nỗi lòng đối với vua Hàm Nghi bỏ ngôi chạy ra Quảng Trị). Thương Hàm Nghi lại nhớ vua Tự Đức, Tuồng trong Tuồng, Đào Tấn mượn nhân vật Bích Hà để than thở: “Tuyết ai ai truyền đài ẩn ước/ Vọi vọi nhìn kìa nước nọ trăng/ Mơ màng ngút phủ mây giăng/ Tang thương phút đổi, lẽ hằng khôn thay”.

Sinh sau thế hệ Đào Tấn, NSND Sỹ Tiến (Nguyễn Xuân Kim, 1916 - 1982) lại tiếp nối tiền bối một cách rạng rỡ. Anh trai của ông, kép Hoa Ngân là nghệ sĩ Tuồng lừng danh được gọi là “Ông tướng Quảng Lạc”.

Mối duyên định mệnh với kịch hát dân tộc của Sỹ Tiến là ông được sinh ra tại trung tâm phố cổ và lớn lên ở phố Đào Duy Từ, giữa một khu ăn chơi, rạp hát bậc nhất Hà thành. Sỹ Tiến cũng đem lòng say mê kịch hát dân tộc từ tuổi nhi đồng. Không khí nghệ thuật diễn xướng thấm đẫm không gian sống khiến ông đã liều giấu cha mẹ bỏ nhà vào Nam khi 8 tuổi để tìm học Cải lương tại đất Cải lương. Đói, khát, khổ sở, không tiền bạc, ông phải nhập gánh xiếc ở Huế để sinh nhai, làm đủ việc từ thu dọn đạo cụ đến diễn xiếc và ít lâu sau chú bé 9 tuổi một mình đi bộ vượt đèo Hải Vân chỉ với lương khô là chiếc bánh đa và uống nước lã.

Cuốn sách Những mảnh tình nghệ sĩ (NXB Giang Sơn, 1992, NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh tái bản, 1994) là tuổi trẻ của ông với những năm đỉnh cao được gặp, chơi và là cộng sự của những tác giả, diễn viên, nhạc công hàng đầu của Cải lương Nam Bộ. 19 tuổi là kép hát nổi tiếng Sài thành, ông trở lại Hà Nội, đem Cải lương ra Bắc truyền phổ. Ông biên soạn chỉnh lí nhiều tích kinh điển và thành tác giả nổi tiếng khi chưa đầy tuổi 30. Là thầy Tuồng (đạo diễn), ông còn là người thầy được kính nể ở lứa diễn viên lừng danh: Tuấn Sửu, Mộng Dần, Kim Chung, Kiều Oanh, Lệ Thanh, Sỹ Hùng, Khánh Hợi, Tường Vi. Mặc dù chuyên sâu Cải lương, nhưng ông đã tích nạp nhiều bài bản nghề hát, hiểu sâu Tuồng, uyên bác kiến thức văn hoá lịch sử sâu rộng. Từ trước 1945, Sỹ Tiến là người đầu tiên viết lịch sử Tuồng, Chèo, Cải lương Việt Nam.

Năm 1954, ông là Liên đoàn trưởng Liên đoàn Ca kịch Thủ đô. Rạp Chuông Vàng 72 phố Hàng Bạc ghi dấu thời oanh liệt của ông bà. Vợ ông - NSƯT Đoàn Khánh Hợi, hiện là nữ nghệ sĩ sân khấu cao tuổi nhất Việt Nam. Sỹ Tiến là người đầu tiên đưa quốc sử lên sân khấu với nhiều nhân vật anh hùng Trần Hưng Đạo, Hai Bà Trưng, Hoàng Hoa Thám. Ông chỉnh lí, sửa kết cho vở Đời cô Lựu của soạn giả Trần Hữu Trang và đưa ra Bắc diễn năm 1963.

Năm 1962, tại Hội diễn Sân khấu toàn quốc, vở Kiều do ông viết kịch bản và đạo diễn thành công vang dội. Ông đã dồn xương máu mồ hôi nước mắt để có những công trình nghiên cứu là giáo khoa thư của sân khấu, cống hiến vô tư cho Viện Nghệ thuật sân khấu. Nói vô tư bởi có rất nhiều nhà nghiên cứu, cây viết đã copy, thậm chí đạo văn của ông, vốn đại lượng ông nín nhịn và bỏ qua hết. Tận hiến kiệt lực cho sân khấu, Sỹ Tiến là một nghệ sĩ toàn năng hiếm hoi đạt thành tựu: Diễn xuất - Tác giả - Đạo diễn - Đào tạo - Nghiên cứu.

Những vai diễn đều bất hủ: Quan Công, Ngũ Tử Tư, An Lộc Sơn gây chấn động sân khấu. Những đồng nghiệp Kinh kịch Trung Quốc khi sang diễn ở Nhà hát Nhân dân (nay là Cung Văn hoá Việt Xô) năm 1957 bái phục Sỹ Tiến. Mã Sư Tăng, Vương Văn Quyên, Hồng Tuyến Nữ đã chắp tay bái Sỹ Tiến diễn Quan Công. Chỉ một cái khoát tay, ống tay áo xếp thành 3 lớp, từ lời hát đến điệu bộ đều cuốn hút vô cùng. Ông qua đời năm 1982 vì đau dạ dày, kết quả nhiều năm diễn và viết thâu đêm, phút cuối còn đau đáu nghiệp khi nghệ sĩ Kim Chung từ Pháp trở về cho biết vở Mạc Tuyết Lan của ông ở Paris đã thành công vang dội. Con cháu trong nghề vẫn còn lưu truyền đức sinh tử vì nghề của bậc thầy Sỹ Tiến.

Nhịn đói từ chiều, ông uống mấy chai dung dịch chế bằng công thức đặc biệt do ông thầy thuốc người Hoa chỉ cho. Uống vào để tối lên sân khấu vừa diễn vừa hát, vừa đánh võ mấy tiếng đồng hồ (không gián đoạn vào cánh gà), 3 lần Chu Du thổ huyết là do Sỹ Tiến vận khí đẩy hơi vọt “máu” ra. Lần cuối nhiều nhất thổ huyết vòi rồng phun vào Trương Phi (Sỹ Hùng đóng) là màn gây ấn tượng nhất mà chưa ai làm được. Màn diễn này đã thành đỉnh cao sân khấu Cải lương khiến đồng nghiệp trong Nam, ngoài Bắc phục sát đất và khi đã là đạo diễn nổi danh các đoàn hát tiếng tăm từ Sài Gòn ra đất Bắc muốn đông khách đều phải nhờ Sỹ Tiến trong vai trò ký giả kịch trường viết bài bởi công chúng tin thẩm định của ông như ban Phụng Hảo của nghệ sĩ Phụng Há.

Các đoàn hát phương Nam muốn chinh phục khán giả Hà thành, Hải Phòng phải mời Sỹ Tiến tham gia diễn Tam khí Chu Du, ông trở lại sân khấu diễn xuất vì sự ái mộ của công chúng và còn vì phải nuôi đàn con 8 đứa. Ông lập đoàn hát và giúp nhiều đồng nghiệp, đàn em vào nghề. Lệ Quyên, người con gái út của ông, là nữ ca sĩ nhạc nhẹ đầu tiên của Việt Nam giành giải quốc tế ở Đức và Tiệp, và được gọi là Nữ hoàng nhạc nhẹ đầu tiên.

Bản thân Sỹ Tiến đã rất thông hiểu niêm luật chuẩn bộ của Tuồng để ứng dụng, phát triển Cải lương đưa nghệ thuật này đến độ rực rỡ vàng son. Đào Tấn là bậc tiền bối mà Sỹ Tiến hết sức kính trọng và chú ý khi nghiên cứu. Ánh sáng sân khấu mang mãnh lực diệu kỳ mãi cuốn hút ông và ông đã thành một gạch nối sáng giá của Đào Tấn.

Và lần này tại thành phố Hồ Chí Minh, Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu bảo tồn Văn học Nghệ thuật dân tộc lại cùng UBND tỉnh Bình Định tổ chức hội thảo nhân 170 năm sinh Đào Tấn vào sáng 20/8/2015. Tác giả, đạo diễn Sỹ Tiến, người đầu tiên đưa kiệt tác Kiều lên sân khấu, chuyển thể bằng thơ của mình với những vở đặc sắc: Mạc Tuyết Lan, Trưng nữ vương, Hội sóng Bạch Đằng, Phan Trần, Lục Vân Tiên, Huyền Trân công chúa, Mỵ Châu Trọng Thủy, đã được truy tặng danh hiệu NSND đợt I (1984), Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt IV (5/2012) và Giải thưởng Đào Tấn (2015).

Giáo sư Hoàng Chương, người con đa tài của đất Bình Định và nặng lòng với Tuồng, bằng sự mộ tài sâu sắc với bậc tiền nhân đã tổ chức được nhiều hội thảo tầm vóc. Ông vẫn mãi nhớ kỷ niệm với NSND Sỹ Tiến, người không biết đi xe nên lúc nào cũng rong ruổi khắp ngả đường đến với những người bạn tài năng lớn các lĩnh vực cùng túi bản thảo đang viết coi như báu vật khoác vai.

Giáo sư Hoàng Chương nhớ những lần chở bậc đàn anh Sỹ Tiến trên xe vượt dốc Hào Nam về nhà ông 24 Lương Ngọc Quyến, cùng bàn luận tâm đắc về Đào Tấn, về sáng tạo. Ông tiếc đã không được thêm nhiều lần vượt dốc với NSND Sỹ Tiến, người chỉ biết hiến dâng không màng danh lợi, mọi giải thưởng đều được truy tặng sau khi qua đời. Thời nay, khi kịch hát dân tộc nhiều phần bị sao lãng, thờ ơ, ít khán giả thì niềm hy vọng ở tương lai vẫn là nhìn vào những ký ức thành tựu quý giá của Đào Tấn, Sỹ Tiến, nhiều tác giả và nhà nghiên cứu tâm tài khác. Sỹ Tiến là một cái tên sáng giá bậc nhất trong lịch sử Giải thưởng Đào Tấn 20 năm nay.

Nhịp tim như có tiếng trống vọng dồn lời Sỹ Tiến, người coi sách vở diễn và những trang viết quý hơn mọi tài sản trên đời: “Nếu ta chết, đừng chôn ta, hãy căng da ta lên mặt trống để ta được gần sân khấu mỗi ngày!”.

Vi Thùy Linh
.
.