Phỏng vấn một tờ giấy

Thứ Hai, 13/11/2017, 08:30
Phóng viên (PV): Thưa anh, đâu là số phận hẩm hiu nhất, và đâu là số phận cao quý nhất của một tờ giấy?

Giấy: Cao quý nhất là giấy được in thành sách, còn hẩm hiu nhất khi dùng để gói hàng.

PV: A, đúng quá. Mà trong việc in thành sách, chắc vinh dự nhất khi trở thành sách giáo khoa?

Giấy: Có lẽ vậy.

PV: Sao lại có lẽ, thưa anh?

Giấy: Bởi vì tôi rất buồn cười khi thấy có một số nơi và một số người đang mắc căn bệnh tuyệt đối hoá sách giáo khoa.

PV: Vậy ư?

Giấy: Sách giáo khoa, về bản chất là gì? Là một thứ kiến thức do một nhóm người biên soạn trong một khoảng thời gian, đúng không nào?

PV: Đúng ạ.

Giấy: Mà trong thời đại hôm nay, kiến thức là thứ thay đổi từng ngày, từng phút, từng giay…^ Thậm chí có khi thay đổi tới 180 độ.

PV: Vâng.

Giấy: Mà sách giáo khoa đặc biệt của chúng ta, luôn luôn trải qua một quá trình rất dài dòng để tổng hợp, bàn cãi, xét duyệt, in ấn. Khi tới tay học sinh, có khi đã trễ cả năm trời.

Minh họa: Lê Phương.

PV: Dạ.

Giấy: Đó là chưa kể có những sách giáo khoa bao nhiêu năm không đổi, hoặc là đổi rất ít, thành ra đi sau cuộc sống khá xa.

Cho nên vừa qua, dư luận đã phản ứng đùng đùng khi Bộ Giáo dục đưa ra thông tư không được giảng dạy khác sách giáo khoa. Đó là một điều, nói nghiêm túc là phi khoa học.

PV: Dạ thưa anh, nhưng Bộ đã cải chính rồi.

Giấy: Ngay cả việc cải chính này cũng là một sự cố khôi hài, khi một cơ quan như thế lại có thể hướng dẫn nhầm một vấn đề như thế.

Nhưng ở đây tôi chỉ muốn nhấn mạnh: Học sinh luôn luôn cần được dặn rằng phải có hai thái độ đối với sách giáo khoa: tin tưởng chúng và nghi ngờ chúng.

PV: Nghi ngờ?

Giấy: Chính xác. Tôi hiểu khi chúng ta giáo dục một con người, dạy cho họ chấp nhận thì dễ và tiện hơn dạy họ nghi ngờ nhiều lắm. Nhưng theo ý kiến cá nhân tôi, không tập nghi ngờ, không tập kiểm chứng, chỉ suốt đời tiếp thu và công nhận sẽ tạo ra một nền giáo dục không có sáng tạo.

Cho nên, nếu một bộ giáo dục thực sự bản lĩnh, bao nhiêu năm qua, phải phát động những cuộc thi kiểu như "trao giải cho những ai tìm ra cái sai của sách giáo khoa" chứ không phải chỉ có chấp nhận nó một cách đương nhiên.

PV: À.

Giấy: Ở rất nhiều quốc gia, sách giáo khoa không hề cố định, cũng không hề đồng nhất vì nó phụ thuộc vào văn hoá và đặc điểm từng miền. Nghĩa là họ có rất nhiều chuẩn mực cùng được công nhận chứ không hề có thứ duy nhất lại tự coi là tốt nhất.

Do đó, việc giảng dạy sáng tạo ngoài sách giáo khoa, về nguyên tắc phải được cổ vũ và hoan nghênh chứ không hề ngược lại.

Cá nhân tôi không bao giờ nghĩ khi mình trở thành sách giáo khoa, mình cao quý hoặc uy quyền hơn loại sách khác.

PV: Đấy là lý thuyết thôi.

Giấy: Lý thuyết ư?

Mới đây tôi đã xem một chương trình ti vi. Nó kể về một chiếc máy bay chở khách đã đâm xuống đất, làm chết mấy trăm người. Nguyên nhân do các phi công, khi gặp tình huống khẩn cấp, đã xử lý theo hướng dẫn của sách giáo khoa về bay do hãng hàng không biên soạn. Và sự biên soạn ấy đã nhầm một chi tiết vô cùng quan trọng. Nhưng người ta cứ tuân thủ bao nhiêu năm, cho tới khi tai nạn xảy ra, các cơ quan điều tra phân tích hiện trường và đối chiếu với sách thì mới bừng tỉnh.

Lê Thị Liên Hoan
.
.