Phỏng vấn một cái trống

Thứ Hai, 16/10/2017, 07:53
Phóng viên (PV): Thưa anh, chức năng vinh dự nhất của trống là gì?

Trống: Là khua lên mỗi khi có lễ hội.

PV: A, như thế anh phải rành các hội lắm.

Trống: Đúng vậy. Nhưng vẫn có một thứ hội mà tôi nghĩ mãi không ra. Đó là Hội phụ huynh.

PV: Sao anh nghĩ không ra?

Trống: Bởi vì suốt những năm ấu thơ thời tôi đi học, không có những hội này. Mà tôi vẫn học hành tử tế và nền giáo dục lúc ấy còn không bị kêu ca như bây giờ.

PV: Ừ nhỉ.

Trống: Theo tôi biết, các hội phụ huynh học sinh hôm nay, nếu nói về quy tắc, là một tổ chức có nhiệm vụ liên lạc giữa nhà trường và cha mẹ học sinh, đúng không nào?

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Dạ, đúng ạ.

Trống: Vậy mà trong thời buổi ai cũng có điện thoại, ai cũng có email, thì sự trung gian ấy để làm gì?

PV: A, chắc là để cho nó có vẻ "nhân văn".

Trống: Nhân văn là một hành động, chứ không phải là một tổ chức.

Trên thực tế, như tất cả chúng ta đều biết, Hội phụ huynh hầu như chỉ làm một việc duy nhất là… kêu gọi đóng góp cho nhà trường.

PV: Có thật không anh?

Trống: Thật. Cụ thể là đóng tiền. Nếu tự Ban giám hiệu ra quy định hoặc kêu gọi đóng thì "chướng" quá, cho nên người ta dùng mồm của phụ huynh sẽ dễ nghe hơn.

PV: Anh đừng nói nặng nề vậy.

Trống: Nhưng rõ ràng như thế. Cái quan trọng nhất là kết quả học tập của mỗi học sinh thì hội ấy lấy tư cách gì, lấy chuyên môn gì mà nói nổi.

PV: Nhưng họ sẽ thay mặt cha mẹ các em phản ánh những bức xúc với nhà trường?

Trống: Những bức xúc của mỗi cha mẹ cũng luôn gắn với từng đứa trẻ cụ thể, lấy đâu ra ý kiến tổng quát ở đây.

Nói tóm lại, khi hiện nay có nhiều ý kiến yêu cầu giải tán các hội phụ huynh, tôi mừng lắm.

Đầu tiên, do đất nước ta vốn đã quá nhiều loại hội rồi, và có rất nhiều hội hoàn toàn vô bổ.

PV: Ừ nhỉ.

Trống: Thứ hai, cũng theo thực tế cuộc sống, tôi quan sát thấy khá đông các vị ở trong Hội phụ huynh là "người thân" của Ban Giám hiệu chứ đâu có vô tư, và các cha mẹ học sinh có tư cách, có trình độ rất hiếm khi tham gia, đa số chỉ toàn các ông các bà "bắng nhắng", người ta gọi là loại nhân vật "tuần chay nào cũng có nước mắt".

PV: Chết chết, nói thế nhiều người phản đối cho coi.

Trống: Tôi xin lỗi những ai tử tế trong hội đó, và họ cũng có chứ không, nhưng số lượng luôn luôn ít, đấy là quan điểm tôi. Không thay đổi.

Hội phụ huynh, thật ra nếu đúng nhiệm vụ, phải là một tổ chức "đối trọng" với nhà trường, đấu tranh hoặc phản biện với các thầy cô thì đa phần lại biến thành một tổ chức "vào hùa" và làm trung gian để hợp pháp hóa những gì đóng góp và "quyết toán" những khoản đã chi.

Do đó tôi xin đề nghị chấm dứt. Nếu tôi không nhầm, rất nhiều quốc gia trên thế giới có nền giáo dục tiên tiến không hề có loại hội này. Về phương diện vĩ mô, xã hội chúng ta cần bớt hội đi chứ không nên thêm nữa.

Lê Thị Liên Hoan
.
.