Phỏng vấn một khách đi đường

Thứ Tư, 23/03/2016, 23:46
Phóng viên (PV): Thưa anh! Công việc của anh là gì?
Khách: Tôi làm nghề tiếp thị, một trong những nghề đang “hot” và đang có nhiều áp lực hiện nay.


PV: Vâng. Mà như thế thì sao?

Khách: Tôi phải tiếp xúc nhiều và đi lại nhiều.

PV: Và dừng chân nhiều.

Khách: Nhà báo nói đúng đấy. Dừng chân nhiều. Tôi rất thường xuyên ngồi ở quán nước ở vỉa hè Hà Nội.

PV: A. Những kiểu quán ấy thì phong phú vô cùng

Khách: Vâng! Hàng triệu kiểu

PV: Có người ví von quán nước vỉa hè là đài phát thanh nhỏ đúng không anh?

Khách: Chính xác. Không những là đài phát thanh, mà có thể bảo đó là một “hội nghị” nhỏ nữa.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Vậy trong "hội nghị” gần đây, anh thấy thiên hạ nói gì?

Khách: Đủ thứ. Nhưng chủ yếu thiên hạ khen, ca ngợi và hy vọng những đổi mới quyết liệt của quốc gia.

PV: Đúng quá!

Khách: Rất đúng nhưng thú thực với nhà báo tôi thấy rất buồn.

PV: Tại sao lại buồn một cách vẩn vơ như thế?

Khách: Chả vẩn vơ đâu. Người ta nói nhiều lắm. Người ta nói hay lắm. Nhưng tại sao lại nói trong quán nước chè, khi ngồi trong các ghế thấp lè tè ở vỉa hè ba bốn tiếng đồng hồ và chen chúc nhau.

PV: Tôi chưa hiểu ý anh.

Khách: Ý tôi là thế này: không có chính sách gì, không có vị lãnh đạo nào dù xuất sắc tới đâu có thể lao động thay ta.

PV: Đúng!

Khách: Phải lao động. Phải làm việc. Phải nói trong khi đang ở trong nhà máy hoặc trên cánh đồng, trên bục giảng... Miệng nói còn chân tay hoạt động chứ nói trong tư thế xẹp lép dưới vỉa hè thì dù nói hay, nói đúng đến đâu cũng không bao giờ làm cuộc sống thay đổi được.

PV: Ừ nhỉ.

Khách: Không thể phủ nhận là thói quen bàn tán và bình luận ở các quán nước là thói quen đã ăn sâu vào tâm trí và hành vi của rất đông người.

PV: Mà nhiều khi họ nói hay lắm, sâu sắc lắm, thông thái lắm và hài hước lắm.

Khách: Vâng. Nói tuyệt đấy chứ. Nhưng chỉ nói, và nói mà thôi. Đến mức tôi bắt đầu kinh sợ những “vĩ nhân hàng nước” ấy. Tôi tin chắc rằng dù họ có thông minh đến đâu và có sâu sắc đến đâu thì với hành vi chỉ “bàn tán” vô tận đó, họ cũng không thay đổi được số phận mình và số phận quốc gia.

PV: Rất đồng ý với anh. Tôi đã có cơ hội sang Nhật Bản hay Hàn Quốc. Chả thấy ai ngồi cà phê hoặc uống trà lâu đến thế. Rồi nói nhiều đến thế. Tất cả đều làm việc đến kiệt lực ở các công xưởng.

Khách: Chỉ có làm việc đến kiệt sức, làm việc đến tận đêm khuya và bắt đầu khi sáng sớm một cách miệt mài mới có thể thay đổi đất nước Việt Nam ta. Không có bất cứ một chính sách nào có thể thay cho làm việc.

PV: Mà ngồi quán nước, quán cà phê không phải làm việc.

Khách: Chắc chắn là không. Chắc chắn các trí thông minh trong ấy chẳng giúp ích bao nhiêu. Chẳng có quốc gia nào tiến lên khi các công dân của nó bàn tán xôn xao hoặc trầm tư khe khẽ bên những bình trà. Cho nên đã từ lâu rồi cá nhân tôi không coi hàng nước vỉa hè là một “nét văn hoá” nữa. Tôi kiên quyết xem đó là hòn đá cản đường cỗ xe sáng tạo đang lăn.

Lê Thị Liên Hoan
.
.