Phỏng vấn một luật sư

Chủ Nhật, 22/11/2015, 15:44
Phóng viên (PV): Thưa ông, có phải một xã hội phải duy trì trên cơ sở luật pháp không ạ?

Luật sư: Nói thế là chưa đầy đủ. Bởi vì luôn luôn có hai thứ luật trên đời. Đó là luật khi thành văn bản và luật ghi trong tâm trí công dân.

PV: Thứ nào quan trọng hơn thưa ông?

Luật sư: Có lẽ cả hai. Quan trọng như nhau. Rất nhiều người sẽ nói như vậy. Nhưng riêng tôi chỉ nghĩ luật ghi trong tâm trí có sức nặng hơn nhiều, bởi vì nó hình thành không phải do các nhà quản lý soạn thảo, mà từ sự giáo dục, sự tự nhận thức của mỗi chúng ta. Và khoa học đã chứng minh kiến thức do tự giáo dục luôn luôn sâu sắc và bền vững.

PV: Vậy thưa ông, loại luật nào người ta hay vi phạm?

Luật sư: Nói chung, các cá nhân trong xã hội thường tôn trọng luật của chính mình.

PV: Vậy thưa ông, có hoàn cảnh nào luật trên giấy tờ và luật trong tâm trí là một.

Luật sư: Nhiều chứ. Đặc biệt khi nó liên quan đến vấn đề thiêng liêng.

PV: Xin ông cho ví dụ?

Luật sư: Vừa qua, tại TP. Hồ Chí Minh có một công ty kinh doanh tổ chức sự kiện của đơn vị mình. Chuyện ấy cũng bình thường, và khéo mỗi ngày có cả trăm công ty với cả trăm sự kiện như thế vẫn diễn ra. Nhưng điều kinh khủng với sự “lĩnh xướng” của ban giám đốc, hàng trăm nhân viên công ty ấy đồng loạt hát chế bài Quốc ca Việt Nam.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Có chuyện quái đản ấy nữa sao?

Luật sư: Vâng. Nó đã xảy ra. Khiến dư luận bàng hoàng, không tin vào tai mình và chính mình. Trong đám đông hàng trăm người hát hôm đó, tôi dám chắc có rất nhiều người mang bằng cấp, mang văn hóa rất cao.

PV: Vậy tại sao họ dám làm như thế?

Luật sư: Nói thẳng ra, tại họ là những kẻ không có chút nhận thức nào.

PV: Đồng ý.

Luật sư: Dù cuộc sống có thay đổi ra sao thì Quốc kỳ và Quốc ca của một quốc gia đang lưu hành luôn luôn là những giá trị không thể xâm phạm, bất cứ ai cũng cần tôn trọng trong bất cứ hoàn cảnh nào nếu đang là công dân.

PV: Đồng ý.

Luật sư: Chúng ta đã từng chứng kiến những buổi lễ khi hàng ngàn người đủ các lứa tuổi, đủ các trình độ và đủ mọi thành phần đều đứng lên chào cờ và hát Quốc ca. Những phút giây như vậy không bao giờ quên được. Vậy mà ban giám đốc công ty đó có gan, có hành động xuyên tạc bài hát với mục đích đề cao việc kinh doanh của mình. Một hành vi vô cùng thấp kém.

PV: Đáng bị lên án.

Luật sư: Không. Nói thẳng ra là đáng bị trừng phạt thật nặng. Tôi xin nói thẳng, nếu họ có bị bắt giam, cá nhân tôi cũng chẳng thấy oan gì.

PV: Khoan đã, thưa ông, luật Hình sự có điều khoản nào quy định tội xúc phạm Quốc ca, Quốc kỳ không?

Luật sư: Nếu không có thì chỉ vì trong trí tưởng tượng của mỗi công dân đều chả ai nghĩ có thể xảy ra điều đó, đặc biệt ở nơi thành thị với một ban lãnh đạo công ty có địa vị và bằng cấp hẳn hoi.

PV: Nhưng chuyện ấy đã xảy ra?

Luật sư: Đúng. Đã xảy ra. Qua đó chúng ta biết một bài học là sự vô ý thức có thể tới từ bất cứ thành phần nào, với bất cứ mục đích nào.

PV: Hành động của những cá nhân ấy còn tệ hại hơn cả trăm lần một cô ca sĩ lộ hàng hay một người mẫu mặc phản cảm.

Luật sư: Tất nhiên. Cho nên theo tôi cũng phải xử nặng gấp trăm lần. Không thể bỏ qua cho được.

Lê Thị Liên Hoan
.
.