Kia
Mobifone

Phỏng vấn một cô tiến sĩ

Thứ Ba, 19/04/2016, 08:14
- Phóng viên (PV): Thưa cô, nghe nói cô vừa nộp đơn nghỉ việc ở một tòa báo chuyên ngành, đúng không?
- Tiến sĩ: Đúng!

- PV: Tại sao vậy, thưa cô?

- Tiến sĩ: Tại ở cái cơ quan ấy, tôi được mọi người quá yêu.

- PV: Sao lại kỳ quái thế?

- Tiến sĩ: Bởi khi về đây, tôi mới phát hiện ra rằng gần như toàn thể tòa soạn chả ai có chuyên môn nào cả. Họ chui vào làm là nhờ các mối quan hệ, do đó không hiểu gì về chuyên ngành tài chính mà tờ báo có nhiệm vụ phản ánh.

- PV: Rồi sao nữa?

- Tiến sĩ: Thế là một mình tôi viết gần hết các bài của tờ báo ấy, dưới những cái tên khác nhau.

- PV: Vinh dự quá.

- Tiến sĩ: Hễ có khách đến thăm, hễ cần phóng viên đi dự hội nghị, hội thảo là y như rằng tôi được đưa ra với đầy đủ học hàm, học vị. Đầu tiên tôi thấy mình vinh dự, sau đó tôi phát hiện ra báo muốn nhờ mình để có vinh dự.

Minh họa: Lê Tâm.

- PV: Điều ấy cũng bình thường mà.

- Tiến sĩ: Tất cả các bài tôi viết đều được thông qua, đơn giản bởi chính các sếp đọc còn chưa hiểu. Tôi được cấp tiền taxi, được tự do về giờ giấc, tự do trong cách chọn đề tài và phản ánh nó. Tóm lại, tôi ở trong cái tòa soạn đó cứ như một nữ hoàng.

- PV: Hạnh phúc quá!

- Tiến sĩ: Hạnh phúc ư? Tôi đột nhiên hoảng sợ. Là một nhà khoa học được đào tạo nghiêm túc, tôi không hề muốn được yêu như thế. Tôi thích về một nơi mà các đề tài được tranh luận tóe lửa, các ý kiến được lật đi lật lại, các phóng viên cạnh tranh nhau và các ông sếp có tài bắt bẻ nhân viên từng li từng tí.

- PV: Ái chà!

- Tiến sĩ: Nói trắng ra, tôi thèm khát bị quát tháo và được quát tháo, tôi ham thích bị đập bàn và được đập bàn. Tôi muốn một cơ quan mà hàng ngày người ta gào thét đến tóe lửa, làm việc đến kiệt sức chứ không muốn được trở thành một con búp bê sống vật vờ, được mọi người xun xoe tán tụng.

- PV: Cô vĩ đại quá!

- Tiến sĩ: Không. Tôi rất tầm thường. Tôi phát hiện ra trong sự tán tụng của những kẻ không có chuyên môn một sự đố kị ngấm ngầm rất không minh bạch và rất không khoa học.

- PV: Ví dụ?

- Tiến sĩ: Họ không nói gì về các bài báo của tôi. Nhưng họ thì thầm về quần áo tôi, về đầu tóc và bạn trai tôi. Họ luôn luôn cười nịnh khi khen các bài viết nhưng cũng luôn nhớ nhắc tôi hiểu ai là sếp. Và kinh khủng nhất, nhắc tôi nhớ là trong cuộc sống này khoa học cũng chả là cái quái gì.

Tóm lại, tuy rằng một cơ quan khoa học nhưng khoa học hóa ra chỉ là một cái nhãn hiệu, còn toàn thể quan hệ và công việc ở đấy thiếu sự rành mạch và nghiêm túc kinh khủng. Có cảm giác toàn bộ tòa soạn chỉ là một cái cớ lỏng lẻo liên kết mọi người.

- PV: Ông tổng biên tập thì sao?

- Tiến sĩ: Ông ấy hoàn toàn chỉ đứng tên và chỉ để “dàn xếp” khi xảy ra những chuyện gì đấy.

- PV: Khiếp thật.

- Tiến sĩ: Khiếp nhất là tạp chí có cái tên rất kêu và có những số, dưới nhiều bút danh khác nhau, tôi viết đến cả chục bài. Tôi kinh hoàng thấy mình trở thành một kẻ chuyên sưu tầm số liệu, một “nữ hoàng” của những nhận định chung chung.

- PV: Vậy đâu là lý do để một tờ báo như thế tồn tại?

- Tiến sĩ: Lý do duy nhất là họ đã nhanh tay xin phép trước, họ đã đăng ký kịp được một cái tên rồi dùng cái tên đó làm ăn một cách con con. Bản thân họ không to nhưng sẽ nguy hiểm vô cùng nếu cả nước có vài trăm tờ báo con con kiểu thế.

- PV: Từ đó cô suy nghĩ ra sao?

- Tiến sĩ: Tôi chợt phát hiện ra không phải showbiz mới có một cuộc sống “vật vờ”, “giả dối” mà khoa học cũng có khả năng như thế. Khoa học cũng có thể bị bào mòn, bị những thứ hào nhoáng nhưng vô bổ giúp cho tồn tại như một thứ phấn son.

Điều khủng khiếp nhất của tôi không phải là ra khỏi tòa soạn này, mà ở chỗ làm thế nào để tìm ra một tòa soạn khác có tính chiến đấu, tính cạnh tranh gay gắt và lành mạnh hơn. Không hề dễ kiếm.

- PV: A, bi kịch của cô là bi kịch của sự nuông chiều.

- Tiến sĩ: Tôi không muốn nuông chiều trong nhu nhược. Tôi thích được hành hạ trong sự minh bạch hơn nhiều.

Lê Thị Liên Hoan

.
.