Phỏng vấn Thúy Vân

Chủ Nhật, 05/06/2016, 10:08
- Phóng viên (PV): Thưa chị Thúy Vân, cho tới hôm nay, chị nghĩ rằng cuộc đời của mình đâu là sự may mắn nhất?
- Thúy Vân: À, chắc chắn đó là do tôi khác hẳn Thúy Kiều.

- Khác về số phận ư?

- Về mọi thứ. Nhưng đầu tiên là khác về ngoại hình.

- À, đúng vậy. Nguyễn Du viết về chị: "Vân xem trang trọng khác vời/ Khuôn trăng đầy đặn nét ngài nở nang", còn nhận xét về Thúy Kiều: "Kiều càng sắc sảo mặn mà/ So bề tài sắc lại là phần hơn".  Nhưng thú thực, ông ấy chả viết rõ hơn thứ nào.

- Hơn đủ thứ. Nguyễn Du quá hiểu hai chị em tôi, mỗi người một vẻ thì văn học và cuộc sống mới phong phú được. Nguyễn Du vĩ đại vô cùng. Đại thi hào đã vẽ nên một bức tranh sâu sắc về xã hội ngày xưa.  Mà trên đời này cái gì gần nhất với tranh, thưa nhà báo?

- Đó là ảnh.

- Đúng quá.

- Nhưng chị nói thế với mục đích gì?

- Mục đích buồn. Vừa qua, báo chí có đưa ra ảnh của một số tác giả Việt Nam đoạt huy chương vàng quốc tế.

- Vinh dự quá.

- Bình tĩnh nào. Sau đó, báo lại đăng hình của một tác giả khác chưa đoạt giải: Trời ơi hai tấm giống hệt nhau như hai giọt nước. Cũng dòng sông đó, cũng con thuyền đó, cũng cái vó dưới đó, cũng góc máy đó, cũng ánh sáng đó, cũng ống kính đó.

Minh họa: Lê Tâm.

- Nghĩa là sao?

- Nghĩa là người đoạt giải chỉ là kẻ nhanh chân thi trước mà thôi.

- Thú thực tôi chưa hiểu?

- Nhà báo sẽ hiểu ngay nếu có dịp nhìn thấy các nghệ sĩ nhiếp ảnh của chúng ta đi sáng tác theo đoàn.

- Sáng tác theo đoàn?

- Ừ. Hàng chục con người cùng lên đường, cùng trên một chuyến xe, cùng ở một khách sạn, cùng đi ra một địa điểm, cùng thuê một người mẫu và giơ máy lên cùng chụp.

- Rồi sau đó?

- Cùng thi. Cho nên một vị giám khảo đã tiết lộ rằng, nỗi khổ tâm nhất khi xét các cuộc thi ảnh là gặp hàng chục tác phẩm na ná nhau hoặc giống hệt nhau.

- Trời đất.

- Có thể nói nhiếp ảnh Việt Nam vô địch thế giới về những đề tài kiểu này: Phụ nữ gánh gồng trên đồi cát, bà già nhăn nheo cùng cháu bé bụ bẫm, vó lưới trên sông có con thuyền nan đơn độc và ruộng bậc thang trập trùng. Không biết bao nhiêu, không biết khi nào mới hết các đề tài như thế. Nhiều người cứ tưởng chỉ có các chương trình hài, các bài hát sướt mướt hoặc các truyện ngôn tình mới quẩn quanh. Các nhiếp ảnh gia cũng chả kém gì.  Buồn nhỉ?

- Tại sao buồn?

- Tại vì nghệ thuật sợ nhất là "sáng tác tập thể". Nghệ thuật chỉ phát triển khi mỗi nghệ sĩ tìm ra lối đi riêng, cách thể hiện riêng. Cả nước Việt Nam đều biết cụ Võ An Ninh chụp ảnh nổi tiếng ra sao, nhưng chả khi nào thấy cụ đi hai người. Mỗi cá nhân một góc nhìn, đó là phương châm tối cao của nhiếp ảnh nói riêng và văn hóa nói chung.

- Vâng thưa chị Thúy Vân, tôi đồng ý.

- Cho nên tôi cực kỳ buồn cười và cực kỳ lạ lùng khi thỉnh thoảng thấy báo đăng hình một nhóm nghệ sĩ chụp ảnh cùng đứng một nơi và cùng chĩa ống kính ra một phía. Họ gọi như thế là đi sáng tác. Truyện Kiều sẽ ra sao nếu ngày trước, Nguyễn Du không viết một mình?

- Vấn nạn nhiếp ảnh như thế nói lên điều gì, thưa chị?

- Nói thẳng nhé, nhiều nghệ sĩ của chúng ta rất lười biếng, rất kém sáng tạo và rất thiếu bản lĩnh. Một cái máy ảnh hôm nay có hàng trăm loại ống kính, nhưng cũng chả cứu được ai nếu họ chỉ có một kiểu nhìn.

Lê Thị Liên Hoan
.
.