Phỏng vấn châu chấu

Thứ Tư, 09/08/2017, 07:34
Phóng viên (PV): Thưa anh, có phải châu chấu nổi tiếng nhất vì nhảy xa không ạ?


Châu chấu: Đâu có. Trong lịch sử, tôi được người ta luôn nhắc tới vì câu chuyện "Đá xe".

PV: À, châu chấu đá xe, rõ ràng đấy là một huyền thoại, trong đó xe đổ.

Châu chấu: Thật ra, lúc ấy châu chấu đổ hay xe đổ cũng không quan trọng. Cái chính là châu chấu đã dám giao tranh.

PV: Thế ư? Nhưng anh ơi, mấy hôm nay dư luận xôn xao vì có một ông Tây sang thách những ai đó trong làng võ giao tranh, ầm ĩ cả lên.

Châu chấu: Tôi biết chuyện ấy. Đầu tiên tôi thấy ông Tây này hay.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Hay ở điểm gì?

Châu chấu: Anh cứ thử đi một mình sang một quốc gia  khác, rồi thách người ta đấu võ, xem anh có dám hay không? Dù sao ít nhất đấy cũng dũng cảm chứ.

PV: Vâng. Nhưng cũng có người kêu thế là đánh bóng tên tuổi.

Châu chấu: Cứ cho như vậy thì cách đánh bóng này cũng đòi hỏi bản lĩnh, đâu quá tệ nào.

PV: Nhưng châu chấu ơi, giao đấu phải có luật.

Châu chấu: Đúng. Giao đấu phải luật. Nhưng đầu tiên, tôi xin tuyên bố, võ thuật mà không giao đấu thì lấy đâu ra thước đo để phân định? Đến mơ hồ như âm nhạc, điện ảnh, sân khấu, mỗi năm cũng phải tổ chức các cuộc thi để trao giải, thực chất cũng là giao đấu đấy thôi.

PV: Vâng.

Châu chấu: Và võ thuật cũng phải có thực chất, chứ ngay cả võ dưỡng sinh cũng đâu tập cho đẹp mắt.

Ví dụ khi ta biết võ, ta ra đường gặp cướp nó tấn công, chả lẽ ta bảo không đấu với ngươi vì ngươi không theo luật.

PV: Dạ.

Châu chấu: Thế giới đang phẳng thì võ thuật cũng đang phẳng. Thế giới đang bàn tán vì vô địch quyền Anh sắp đấu với vô địch tự do, nghĩa là môn này cũng có thể giao đấu với môn võ khác, chứ không phải chỉ "đóng cửa bảo nhau" hay "lưu hành nội bộ" được.

Tất nhiên, trong võ cũng có khoa học, ví dụ như tránh lâm chiến khi không cùng hạng cân, không cùng một số tiêu chuẩn khác, nhưng những điều ấy đều được ghi rõ ràng từ đầu chứ đâu có bí mật gì?

PV: Nói tóm lại, anh ủng hộ giao đấu?

Châu chấu: Tôi ủng hộ, vì võ là thể thao, thể thao không có phân chia đẳng cấp thì phát triển sao được.

PV: Vậy anh hiểu thượng võ là thế nào?

Châu chấu: Thượng võ là sẵn sàng nghênh chiến nhưng không đánh lén, không tấn công ai yếu hơn mình, tôn trọng đối phương và không tiếp tục khi bên kia đã ngã. Thượng võ đâu phải là "tôi chả thèm chiến với anh".

PV: Ờ.

Châu chấu: Tất nhiên, tôi hoàn toàn phản đối kiểu "Đường phố" nghĩa là đánh một cách tùy tiện để thỏa mãn tự ái hoặc để trả thù. Nhưng sau vụ ông Tây này, rõ ràng tôi thấy các vị quan chức thể thao lúng túng. Rất nhiều người kêu đánh như thế không được, nhưng thế nào mới được lại chẳng giải thích rõ ràng.

Chưa kể nhân dịp này, tôi mới phát hiện ra, võ thuật cũng là một cái mê cung mờ ảo, đầy những "đại sư" những "thủ lĩnh" những "huynh trưởng" hình như đa số tự phong. Nếu bên khoa học "giáo sư" hay "Viện sĩ" còn có một vài quy tắc thì đằng võ hầu như ai xưng sao cũng được, khiến khán giả nhờ vụ ông Tây sang, mới tá hỏa nhận thấy nước ta các ngôi sao võ thuật nhiều vô số và sáng rực cả bầu trời.

PV: Hay quá.

Châu chấu: Nhưng buồn thay, thành tích thể thao ở những đấu trường chính thức thì các bộ môn võ thuật của chúng ta ngày càng giảm sút đến mức báo động! Như thế tại sao? Chả thấy ai giải đáp.

Lê Thị Liên Hoan
.
.