Phỏng vấn một giám đốc ngân hàng
Giám đốc: Là một chân lý ai cũng biết từ lâu: Tiền không làm nên hạnh phúc.
PV: Thật không?
Giám đốc: Thật. Chỉ cần nhìn vào các con số thống kê sẽ thấy ngay: Giám đốc ngân hàng không hề và chưa bao giờ nằm trong số những cá nhân có tuổi thọ cao. Nhưng họ chiếm tỷ lệ rất lớn trong việc ra tòa.
PV: Ừ nhỉ. Không anh ơi, điều ấy có nhiều nguyên nhân, bàn kỹ thì phức tạp lắm.
Giám đốc: Tôi biết. Nên hãy dừng việc nói về ngân hàng ở đây mà chuyển sang một suy luận tương đương: Nếu tiền không làm nên hạnh phúc, thì tiến sĩ cũng không làm nên khoa học.
PV: Khoa học gì?
Giám đốc: Khoa học giáo dục. Vừa rồi có một vị quan chức phát biểu, cần 9.000 tiến sĩ thì giáo dục nước nhà sẽ khởi sắc.
PV: Ai tin điều đó?
Giám đốc: Tôi không biết. Nhưng hình như ngay cả các tiến sĩ cũng không tin.
PV: Sao vậy? Chẳng phải muốn dạy tốt thì trước tiên người thầy phải có kiến thức. Mà tiến sĩ là kiến thức cao nhất còn gì?
Giám đốc: Cao nhất ở đâu? Cao nhất với ai? Cao nhất trong thời kỳ nào?
Rõ ràng 9.000 tiến sĩ ấy không thể đào tạo ở nước ngoài, vì lấy đâu ra kinh phí. Mà chất lượng tiến sĩ trong nước thì toàn xã hội đã biết rồi. Phải nói là rất thấp.
Ngay từ khâu tuyển chọn, hướng dẫn luận án, chọn đề tài, bảo vệ luận án và phản biện cũng có rất nhiều chuyện, có bí mật gì đâu. Cho nên trong dân gian đã không thiếu trường hợp biết ai đó là tiến sĩ thì cơ quan ngơ ngác, bạn bè ngỡ ngàng, không hề tâm phục, khẩu phục.
Nói thẳng ra, cá nhân tôi không tin vào bằng tiến sĩ do trong nhà mình cấp cho nhau. Ai nói gì thì nói, tôi không thay đổi điều này.
Minh họa: Lê Tâm. |
PV: Anh ơi, tôi… cũng thế.
Giám đốc: Ngay cả khi có 9.000 ông tiến sĩ thực đi chăng nữa, thì vấn đề giáo dục hoàn toàn không phải kiến thức, mà là cách giảng dạy kiến thức đó. Chẳng khác gì trong gia đình, không phải có tiền nhiều hay ít mà là cách tiêu tiền, cách suy nghĩ và đối xử với đồng tiền.
PV: Đồng ý.
Giám đốc: Theo tôi, và theo một số chuyên gia, chúng ta thiếu một triết lý giáo dục, chứ không phải thiếu kiến thức để mang ra giáo dục.
Mặc dù kiến thức là quan trọng, nhưng nếu cho học sinh một phương pháp đúng, thì học sinh sẽ tự học, tự tìm hiểu chứ không khi nào chờ thầy chỉ dẫn hoàn toàn, dù thầy có là tiến sĩ hay giáo sư.
PV: Vâng.
Giám đốc: Nền giáo dục của nước nhà, nếu cần cải tiến, thì cần cải tiến từ rất sớm, từ ngay lớp một, lớp hai, chả lẽ dùng các tiến sĩ giảng dạy những lớp này?
Thêm vào nữa, con số 9.000 người, tưởng là đông, nhưng nếu chia cho toàn quốc, cho tất cả các trường, thì cũng như muối bỏ biển. Không lẽ chỉ tập trung các tinh túy này ở một vài thành phố hay sao?
PV: Dạ.
Giám đốc: Trên đời này, có hai thứ không khi nào đầy đủ là tiền bạc và kiến thức, và sự đầy đủ chúng cũng không khi nào bảo đảm hạnh phúc cho con người. Chỉ có một thái độ sống và học tập đúng đắn mới quan trọng nhất mà thôi! N