Phỏng vấn một chim sáo

Thứ Năm, 26/04/2018, 08:34
Phóng viên (PV): Thưa chị, chim Sáo nổi tiếng vì điều gì ạ?

Sáo: Đơn giản lắm. Vì nhảy nhót và hót líu lo. Cho nên mới có một bài hát “Về tới đầu làng nghe con sáo sậu hát câu rộn ràng”.

PV: A, đúng thế. Và tôi cũng đã nhiều lần nhìn chim sáo, thấy chân cao, mỏ dài, đầu có vẻ bé.

Sáo: Nhà báo nói đúng. Đầu sáo bé. Nhưng không hề rỗng đâu, mà đầu ấy đậm đặc.

PV: Chắc không?

Sáo: Chắc chứ. Bằng chứng là tôi cũng hay suy nghĩ. Và có một chuyện xảy ra khiến tôi suy nghĩ, trằn trọc vô cùng.

PV: Chuyện gì thế, thưa chị?

Sáo: Có một cô giáo dạy môn Toán ở một trường phổ thông. Theo lời học sinh thì suốt ba tháng trời khi giảng bài, cô không nói câu nào, chỉ viết lên bảng.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Ái chà, không nói câu nào. Ba tháng trời?

Sáo: Đúng thế. Sau khi tin này loan ra, có nhiều luồng dư luận, kẻ bảo học trò sai, kẻ bảo cô giáo sai.

PV: Không biết đâu mà lần.

Sáo: Nhưng có một điều chắc chắn, là trong ba tháng đó, quan hệ giữa cô giáo và học sinh có một điều bất thường mà không ai phát hiện ra.

PV: Xin chị nói rõ ý này.

Sáo: Đã từ lâu, ai cũng biết, giáo dục, dù là giáo dục trẻ con, không phải là truyền đạt kiến thức một chiều. Giữa thầy cô và các em học sinh luôn luôn phải có sự trao đổi, thảo luận, bàn luận.

PV: Đúng.

Sáo: Cho nên một giáo viên lên lớp có sự bất thường, đáng lẽ học sinh phản ứng ngay. Dù cô giáo im lặng hay cô giáo nói quá nhiều thì các em cũng có quyền và có nhu cầu nêu ý kiến.

PV: Nêu cho ai?

Sáo: Nêu cho Ban giám hiệu. Nêu cho phụ huynh. Nêu cho các thầy cô khác. Rõ ràng môn học không phải là tuyệt mật, cả người dạy lẫn người nghe đều phải thề im lặng, đúng không?

PV: Đúng.

Sáo: Vậy mà trong ba tháng trời, trẻ con hoàn toàn im lặng. Có nghĩa là sao? Là chúng không hề có thói quen, không hề được huấn luyện sự tương tác ngược chiều. Từ đó suy ra, bao nhiêu năm nay, giáo dục phổ thông chỉ đề cao sự tiếp thu thụ động.

PV: Vâng.

Sáo: Nó dẫn tới tình trạng giáo viên có quyền nói, học sinh đa số có quyền nghe… Nói hay trò được nhờ, nói dở trò cũng không nêu ý kiến. Thiếu hẳn một yếu tố quan trọng của khoa học là yếu tố phản biện và thảo luận.

PV: Rõ rồi.

Sáo: Tất cả những ai đã ra nước ngoài, dự một buổi học  ở trường đều thấy thầy cô ở đó và học sinh trong lớp trao đổi ầm ầm, thậm chí nhiều lúc trẻ con còn nói nhiều hơn người lớn.

Không cách gì, tôi xin nhắc lại, không cách gì im lặng ba ngày mà không bị phát hiện ra chứ đừng nói chi ba tháng.

Cho nên tôi muốn nhân sự việc cô giáo ấy, chúng ta xem lại toàn bộ hệ thống giáo dục của mình.

PV: Vâng.

Sáo: Ở nhiều quốc gia có khoa học phát triển, không những cách học, mà cách ra đề thi cũng buộc học sinh phải tỏ ý kiến riêng. Ví dụ như một đề thi văn học của nước Pháp như sau: “Có phải tôi là một con người mà quá khứ của tôi đã làm ra tôi”, hoặc “Tôn trọng mọi sinh vật có phải là một bổn phận đạo đức không”. Những đề thi như thế, muốn làm được, học trò phải suy nghĩ, phải đưa ra chính kiến cá nhân, không thể học thuộc lòng, không thể chép bài được.

PV: Ừ. Câu chuyện của chị khiến tôi giật mình.

Sáo: Cho nên tôi xin tuyên bố, cô giáo hay thầy giáo im lặng đâu có đáng sợ bằng học sinh im lặng. Học sinh không có phản ứng, không biết mình có quyền và phải có trách nhiệm phản ứng mới là điều tai hại.

Chúng ta cứ sa đà, nào việc cải cách sách giáo khoa, cải cách biên chế, giáo án này nọ. Nhưng theo tôi, điều quan trọng nhất là cải cách sự tương tác giữa thầy và trò. n


Lê Thị Liên Hoan
.
.