Phỏng vấn một con mèo

Chủ Nhật, 14/01/2018, 09:14
Phóng viên (PV): Thưa anh mèo, bạn thân nhất của anh là ai ạ?

Mèo: Nói ra khéo nhiều người không tin, chứ thật ra tôi quý nhất, yêu nhất và gắn bó nhất với anh chó.

PV: Ơ, chứ không phải xưa nay người ta hay bảo: Cắn nhau như chó với mèo?

Mèo: Việc gì chúng tôi phải cắn nhau trong khi hai quan điểm sống hoàn toàn giống nhau: Đó là cùng tồn tại với chủ nhân dưới một mái nhà?

PV: Vậy trong năm chó, cảm xúc của anh ra sao?

Mèo: Tôi rất vui, rất lạc quan và phấn khởi.

PV: Vì mùa Xuân ư?

Mèo: Vì mùa Xuân. Và vì một lý do cực kỳ quan trọng và tinh tế, nhưng lại rất cụ thể. Đó là xã hội đang ăn thịt chó ngày càng ít đi.

PV: Thịt chó?

Mèo: Vâng. Chắc nhà báo cũng biết, đã có một thời, cũng chưa lâu lắm, người ta ăn thịt chó rất công khai, rất rầm rộ, nhộn nhịp như một phong trào, tập trung cả thành dãy phố.

PV: Ừ, đúng thật. Tôi còn nhớ rõ như in quãng thời gian đó.

Mèo: Người già ăn thịt chó, trung niên ăn thịt chó, và có cả thanh niên, cả thiếu nữ cũng ăn thịt chó. Ghê thật!

PV: Lúc ấy, cũng đã có nhiều nhà nghiên cứu lên tiếng phản đối.

Mèo: Vâng. Nhưng phe xơi thịt chó đưa ra đủ các lý do hay ho, nào truyền thống, nào dinh dưỡng, nào ưu điểm ẩm thực để bào chữa. Còn phe phê phán đưa ra những lý do có tính nhân văn, chả bên nào chịu bên nào.

PV: Rõ ràng vấn đề này không thể giải quyết bằng tranh luận.

Mèo: Mà chỉ có thể giải quyết bằng cuộc sống. Có rất nhiều vấn đề, khi xã hội đi lên thì nó tự ngã ngũ.

PV: Như chuyện xơi thịt chó chẳng hạn.

Mèo: Đúng vậy. Mấy năm gần đây, chả cần tuyên truyền vận động gì, cũng chả cấm đoán, phong trào xơi thịt chó gần như đã lụi tàn. Chả còn mấy người xơi, và nếu ai cố tình cứ xơi thì cũng không còn "hung hăng", còn "dũng khí" và "tự hào" như trước.

PV: Do đâu thế nhỉ?

Mèo: Đầu tiên do cái ăn đã không còn khẩn thiết như xưa. Bà con đã ăn dễ dàng, ăn nhiều thứ và ăn phong phú, chả việc gì phải đề cao mọi thứ chất đạm được bỏ vào mồm.

PV: Rất hay.

Mèo: Sau đó là cái ăn không còn chỉ mang tính no bụng, mà đã phải tính tới yếu tố văn hóa, yếu tố nhân văn. Lúc này mà mời khách khứa, mời bạn bè đi ăn thịt chó có thể bị đánh giá là thiếu lịch sự. Đặc biệt, các chàng trai bây giờ chắc thà chết chứ chả mấy khi dám đưa bạn gái tới những nơi đầy mùi riềng mẻ.

PV: Chả ca sĩ, chả người mẫu, chả diễn viên nào dám ăn thịt chó sau đó quay phim.

Mèo: Vâng. Hôm nay nói tới chó là mọi người nói tới vẻ đẹp, tới lòng trung thành và tính tận tụy hy sinh, chả ai nói tới tính nướng lên thơm phức.

PV: Và với tư cách mèo, bạn thân của chó, anh rất vui mừng?

Mèo: Tất nhiên. Và qua sự kiện này, tôi nhận thấy rằng có những thứ trong xã hội, khi nền văn minh phát triển thì nó sẽ thay đổi, không cần phải tuyên truyền hay vận động gì.

Chó hôm nay, cũng như mèo, không cần phải lo lắng về việc bị cho vào nồi một cách thô thiển nữa. Chó và mèo sẽ có cơ hội tập trung sức lực, tập trung trí tuệ cho những việc thích hợp hơn, cao cả hơn. Ví dụ như chó đóng phim, mèo chụp hình quảng cáo!

Lê Thị Liên Hoan
.
.