Phỏng vấn một cái cây

Thứ Sáu, 30/06/2017, 07:58
Phóng viên (PV): Thưa anh, cây ở đâu trên nước ta cũng có, tại sao anh lại được quá chú trọng gần đây?


Cây: Tại vì tôi không mọc trong rừng mà mọc ngoài biển.

PV: Cái gì, ngoài biển? Ở đâu ra?

Cây: Cụ thể là ở bán đảo Sơn Trà.

PV: A, Sơn Trà. Đấy là một địa danh nổi tiếng, đang gây tranh luận vô cùng.

Cây: Vâng. Tranh luận có vô vàn ý kiến, nhưng nói ngắn gọn thì một bên muốn khai thác, một bên muốn bảo tồn.

PV: Ôi, vậy có gì phải cãi nhau nhỉ? Sao không khai thác và bảo tồn song song.

Cây: Nói vậy thì hay lắm, đúng lắm và đẹp lắm. Không chút gì sai sót cả.

Nhưng điều khiến nhiều người ngần ngừ, vì họ có linh cảm thấy trước rằng nếu làm sẽ không như thế.

PV: Cụ thể là sao?

Cây: Thực tế cuộc sống đã chứng minh quá rõ. Khai thác là việc người ta sẽ làm rất hăng say, rất chu đáo, rất phong phú và nhiệt tình ví nó đem lại lợi nhuận lập tức. Nhưng bảo tồn là một quá trình lâu dài, cẩn thận, tỉ mỉ, diễn ra âm thầm lặng lẽ và có khi chả thấy lợi gì.

PV: Đúng thế.

Cây: Cho nên lúc làm đề án trên giấy, có thể việc khai thác và bảo tồn đều phải viết ra. Trình bày tỷ mỷ, thuyết phục đủ mọi người. Nhưng khi công trình hoàn thành, chỉ vài năm sau, việc bảo tồn gần như chắc chắn diễn ra chểnh mảng, hậu quả là vài chục năm sau nữa, với đời người quá dài nhưng với đời thiên nhiên quá ngắn, cảnh vật sẽ… tan tành.

Minh họa: Lê Tâm.

PV: Chết chết. Anh có nói quá không? Hãy thử ví dụ.

Cây: Ví dụ dễ vô cùng. Nhà báo có thấy nhiều chung cư cao cấp trên đất nước mình không? Lúc mới khánh thành thì long lanh óng ánh và cũng lập ra ban quản lý đình đám, cũng cam đoan khai thác và bảo tồn nghiêm ngặt. Nhưng hầu như tất cả các công trình đều xuống cấp sau mấy năm sử dụng. Điều này bất cứ ai cũng thấy dễ dàng.

PV: Ừ nhỉ.

Cây: Thật ra không chỉ ở nước mình, rất nhiều quốc gia cũng vậy. Họ đã hiểu bảo tồn là việc cực kỳ khó, khó đến mức nếu như cảm thấy chưa ổn thì tốt nhất dừng lại đừng làm.

Bên Trung Quốc có mộ Từ Hy Thái Hậu và ngay cả mộ Tần Thủy Hoàng, khi biết rõ địa danh họ vẫn để nguyên đấy không dám đào lên. Vì họ nói thẳng ra là trình độ ngày nay chưa giữ được. Nhường cái quyền khai quật cho thế hệ mai sau.

Còn ở Châu Phi, một nơi dân trí thấp họ cũng hiểu đã là vườn quốc gia thì cứ để thiên nhiên, con người không được xây bất cứ thứ gì.

PV: Vâng.

Cây: Cho nên tôi tin chắc, sự tranh luận về Sơn Trà không phải về con số. Mà về cảm giác. Những người muốn gìn giữ nó có cảm giác là rất nguy hiểm nếu đưa cho các công ty du lịch. Họ không muốn cãi nhau bằng bảng vẽ, nhưng họ có một nỗi lo ngại được đúc kết vững chắc bằng kinh nghiệm và bằng lòng yêu thiên nhiên một cách cuồng say. Trong thời buổi nhiều thứ quá hấp tấp hôm nay, họ có vẻ gàn nhưng đáng quý.

PV: Công nhận như thế.

Cây: Cuộc bàn cãi về Sơn Trà, suy cho cùng là đấu tranh giữa cái lợi trước mắt và cái hại lâu dài. Mà trong cuộc sống, cái lợi có sức mạnh ghê gớm lắm, nó luôn đủ mọi phương pháp, mọi kiểu cách để chứng minh là nó có lý, đấy là điều đang diễn ra ở rất nhiều nơi.

PV: Vậy ý kiến của anh trong việc này là gì?

Cây: Nói thẳng thắn, tôi đề nghị giữ nguyên hiện trạng mảnh đất tuyệt vời ấy.

Lê Thị Liên Hoan
.
.