Phỏng vấn một viên gạch
Gạch: Thú thực là tôi không dám kén chọn. Số phận tôi quá nhỏ bé. Nhưng có lẽ tốt nhất là đừng dùng tôi để lát vỉa hè.
PV: Ôi, anh sợ người ta dẫm lên ư?
Gạch: Nếu thế hạnh phúc nào hơn. Tôi rất vinh dự khi cả cuộc đời được nâng đỡ những bàn chân nhân loại. Nhưng khốn khổ thay, bi kịch thay, vỉa hè lúc này, ở Việt Nam lại dành cho những thứ chả liên quan gì tới khách bộ hành.
PV: À, cái đó đúng là ai cũng biết.
Gạch: Nếu tôi không lầm, Việt Nam là một trong những quốc gia mà sinh hoạt ở vỉa hè bề bộn nhất trên thế giới. Người ta ăn ở đó, nằm ở đó, đá bóng ở đó và khéo yêu nhau cũng có lúc ở đó luôn.
PV: Anh thông cảm. Có lẽ vì dân đông quá.
Gạch: Đấy là một lối biện minh không thể chấp nhận được. Rất nhiều thành phố trên thế giới có mật độ cư trú đông hơn Hà Nội và Sài Gòn nhiều, nhưng nạn sinh hoạt trên vỉa hè vẫn không diễn ra.
Minh họa: Lê Tâm. |
PV: Đồng ý với anh. Có lẽ chưa ở đâu mà hàng quán vỉa hè đông như ta. Cứ đi vài bước, chỉ vài bước thôi, là đụng một thúng xôi, một xe bánh mỳ.
Gạch: Chưa ai thống kê những người buôn bán vỉa hè có bao nhiêu hộ cực kỳ khó khăn và có bao nhiêu hộ ỷ lại vào chuyện đó. Nhưng cảm giác vỉa hè đang bị lợi dụng thì chắc chắn vô cùng.
PV: Vâng.
Gạch: Chúng ta sẽ lầm to nếu nghĩ rằng một thành phố hiện đại nhiều hay ít là ở các tòa nhà mà nó cao hay thấp. Sự văn minh hiện đại nằm ngay ở chính vỉa hè, và phải bắt đầu từ đó.
PV: Nói cách khác, anh ủng hộ chiến dịch dọn dẹp vỉa hè ở Hà Nội và Sài Gòn?
Gạch: Tôi ủng hộ. Khi dọn vỉa hè, chúng ta không đơn giản là dọn mấy bậc tam cấp hoặc mấy chiếc xe hơi. Chúng ta phải dọn các tư tưởng làm việc ở lề đường, đấy mới là quan trọng nhất.
PV: Vâng.
Gạch: Từ rất lâu rồi, tôi đã có cảm giác vỉa hè của các thành phố chúng ta không ổn. Từ rất lâu rồi, tôi đã buồn cười và cáu gắt mỗi khi các nhà nghiên cứu ca ngợi các hàng quán vỉa hè, coi đây là một nét văn hóa.
PV: Kìa anh, ở Paris, ở Ý, cũng đầy các quán cà phê vỉa hè, chúng được coi là văn hóa đấy thôi.
Gạch: Các quán cà phê bên đó, không phải vỉa hè nào cũng có, chỉ được ở một số khu phố có tính du lịch mà thôi. Thêm vào đó, cách bài trí, cách trưng bày của chúng đều rất ấn tượng và chọn lọc, đặt biệt không hề có vi phạm vệ sinh môi trường. Tôi đố nhà báo đi ở Paris mà tìm ra một quán cà phê ngồi xổm hoặc rửa bát đĩa lề đường.
PV: À, không có thật.
Gạch: Vả lại, sự xâm thực vỉa hè của chúng ta cũng không hề truyền thống. Bất cứ ai đã từng lớn lên ở Hà Nội đều nhớ mấy chục năm trước, vỉa hè thông thoáng vô cùng, thông thoáng đến nỗi buổi trưa hoặc đến tối còn nghe tiếng bước chân đi bộ râm ran.
PV: Cùng lá me bay xào xạc.
Gạch: Tôi khẳng định vỉa hè mới bị tàn phá khoảng hơn chục năm gần đây chứ chả phải là một di sản từ cha ông để lại, cho nên việc dọn dẹp nó cũng chả tàn phá quá khứ bao nhiêu.
PV: Anh nghĩ sao nếu chúng ta có nhiều phố đi bộ?
Gạch: Tôi nghĩ rằng nên mở rộng sự đi bộ ra càng nhiều càng tốt và càng nhanh càng tốt. Một cảm giác không thể chối cãi mỗi khi đi trên phố đi bộ hôm nay ai cũng thấy lòng phơi phới bình yên. Hóa ra người ta cũng chả sợ đi bộ xa, mà chỉ ghét đi bộ lại bị xua xuống lòng đường hoặc bị các hàng rong chiếm lối.
PV: Có ý kiến cho rằng việc dọn dẹp vỉa hè hiện nay có những giây phút cực đoan, anh thấy sao?
Gạch: A, tôi chả tin rằng có thể làm chuyện ấy mà lúc nào cũng dịu dàng.