Nhìn lại văn chương hai thập niên đầu thế kỷ XXI:

Sự thăng giáng của các website, blog văn chương

Thứ Năm, 03/12/2020, 10:28
Nếu phải chỉ ra một sự thay đổi lớn lao và có ý nghĩa quan trọng trong cách vận hành của đời sống văn chương nghệ thuật Việt Nam hai thập niên qua thì chắc chắn, theo tôi, cần kể đến sự ra đời, gây chú ý và ảnh hưởng mạnh mẽ của các website, blog văn chương.

Nói không quá lời thì nhờ kênh thông tin này mà toàn bộ hệ thống phát hành, tiếp nhận văn chương truyền thống đã bị lung lay kéo theo những bước ngoặt trong tri thức, dữ liệu, hiểu biết đa nguồn, đa dạng về văn chương. Tuy vậy, cũng như tính chất sớm nở tối tàn của nhiều phương tiện truyền thông khác dựa trên internet, các website, blog văn chương giờ đây đang lắng dần và chịu cảnh lép vế.

1. Trước khi mạng xã hội facebook trở thành diễn đàn được ưa chuộng bậc nhất, là "tiếng đầu ngày tôi gọi trên môi" cho các văn nhân và độc giả văn chương ở Việt Nam như hiện nay, các web và blog đã từng phủ sóng, thu hút mọi nhu cầu đăng tải, tiếp nhận. Chỉ vài năm sau khi internet vào Việt Nam (1997), thì giai đoạn 2002-2010 đã chứng kiến sự nở rộ của hàng chục website, hàng trăm blog cá nhân về văn chương nghệ thuật. 

Ngoài các website văn chương do cộng đồng văn giới, trí thức người Việt ở hải ngoại xây dựng, ở trong nước, rất nhiều nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu phê bình cũng tích cực nhập cuộc. Điều đáng nói là, các web/blog này tồn tại chủ yếu và trước hết bởi ý tưởng, nỗ lực công sức của cá nhân. 

Ảnh: L.G

Khác với bây giờ mỗi Hội hay tạp chí văn chương địa phương đều có một website riêng của mình, hơn mười năm trước, chỉ cá nhân mới tiên phong, mạnh dạn, kiên trì theo đuổi việc "nuôi" web, blog. Trong một khoảng thời gian dài, những web nổi bật của Phong Điệp (phongdiep.net), Lê Thiếu Nhơn (lethieunhon.com), Inrasara (inrasara.com) hay các blog "tinh anh phát tiết" của  một số nhà văn từng là địa chỉ truy cập thường xuyên của cộng đồng văn chương. Tuy tồn tại theo những nội dung thông tin đăng tải khác nhau (báo chí, nhà trường, dịch thuật, sáng tác, diễn đàn…) nhưng chúng đều có một lượng độc giả lớn, chung thủy và nếu so với thực tế tìm đọc báo in thì chúng có sự sinh động, “tấp nập” hơn.

Sự xuất hiện và tạo ra được một "quyền lực" nhất định của web/blog khiến bối cảnh văn hóa mà chúng ta đang chứng kiến, can dự có thêm nhiều vấn đề mới mẻ, phức tạp. Trước tiên, như lời bàn của học giả Umberto Eco, những thay đổi bão táp trong việc tạo ra các phương tiện vật chất, kĩ thuật lưu giữ văn bản, từ Gutenberg đến Internet, chóng vánh đến mức không mấy ai có thể tưởng tượng nổi. 

Với "chiếc máy điện toán" trong tay, Eco khẳng định, "chúng ta đang bước vào một kỉ nguyên Samizdat [tự xuất bản] mới. Con người có thể liên lạc trực tiếp không cần phải qua trung gian những nhà xuất bản…", và vì thế, khác với nỗi lo lắng rằng internet sẽ làm văn chương trên báo chí, sách vở truyền thống thuyên giảm, thì vị học giả danh tiếng này cũng nhấn mạnh: "Nếu mạng máy điện toán thành công trong việc giảm số lượng sách xuất bản, thì đấy là một sự cải thiện hàng đầu về văn hóa". 

Rõ ràng, có thể còn nhiều bàn cãi nhưng sự tồn tại của các website/blog văn chương cá nhân là biểu hiện cao của kỉ nguyên samizdat song song với xuất bản sách, báo chí giấy. Việc một số tác phẩm chương, vốn là những bài viết tự xuất bản trên web/blog, ra đời dưới hình thức sách trong thời gian qua (trong đó, đáng kể nhất là “Ký ức vụn” của Nguyễn Quang Lập, 2009), cho thấy khả năng thay thế cung cách xuất bản trước nay, đồng thời làm đa dạng hóa các con đường đến với độc giả của văn chương nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung.

Mặc dù, cho đến tận lúc này, các web/blog văn chương vẫn nảy sinh khá tự phát nhưng chúng đều biết cách bộc lộ quan điểm, thái độ và nét hấp dẫn riêng. Tiếng nói cá nhân được chú ý và tham chiếu rộng hơn. Các nội dung đăng tải cũng chịu đựng sự thẩm định của độc giả một cách sát sao hơn. Nếu trước đây, sinh hoạt văn chương chỉ tập trung ở báo và các tạp chí chuyên ngành thì nay, diễn đàn web/blog cá nhân dần chiếm vị thế, và từ đó, mở ra cơ hội lớn cho mọi độc giả ở mọi nơi được tương tác, phản hồi, đối thoại. 

Có thể nói, nhờ web/blog mà rất nhiều tư liệu hữu ích, tri thức mới, cập nhật về văn chương được công bố rộng rãi, phi lợi nhuận, xóa dần các vùng mờ, khuất lấp hoặc các khoảng cách hiểu biết. Nhiều bài viết trên web/blog cá nhân đã có mặt trong thư mục tham khảo của các công trình, luận án văn chương, điều trước đây thường bị phủ nhận hoặc lờ đi do gốc gác ngoại biên của nó. Ngay với các "giáo sư hoài cổ", web/blog văn chương cũng làm họ trở nên biết thích ứng và cởi mở hơn với việc dẫn dữ liệu, thông tin vốn đòi hỏi năng lực xử lí, chọn lọc rất tinh tường.

2. Chính sự thay đổi phương thức đăng tải văn chương đã nảy sinh phương thức tiếp nhận mới mà bản chất là không ăn khớp với các tập quán tiếp nhận truyền thống. Nhưng điểm có sức hút hơn cả trong web/blog văn chương đôi khi còn nằm ở sự công khai, bạch hóa thông tin, tư liệu.

Tự chịu trách nhiệm và tự kiểm soát chất lượng nội dung bài vở là một phần thử thách của sân chơi văn chương trên internet. Trong cuộc đua tranh thông tin với báo chí, mạng xã hội thì web/blog văn chương lại có độ lùi và sự bình tâm nhất định để đăng tải, bình luận, đánh giá. Giữ được trạng thái nghiêm túc, khách quan nhất có thể, chính web/blog văn chương mới không làm cho văn chương bát nháo, tầm phào.

Nhìn chung, uy tín một web/blog cá nhân, xét đến cùng, có thể vận dụng quan điểm của M. Foucault, là quyền uy của chủ thể của nó. Một khi đăng tải, trưng dụng các bài viết của mình hoặc tác giả khác, thì sự lên tiếng này sẽ biểu đạt thái độ đồng thuận hay phản đối. Chủ nhân của web/blog không thể tuyệt đối hóa quan điểm đúng sai nhưng họ có không gian để tạo ra thảo luận, đối thoại. Ở đó, cái nhìn độc đoán hay "học phiệt" sẽ nhường chỗ cho hoài nghi, phản biện.

Web/blog văn chương hình thành nên cái gọi là "văn chương mạng" mà nhiều người tin rằng chúng có những giá trị nhất định. Theo tôi, không nhất thiết phải định vị văn chương mạng ở Việt Nam trong hệ trục ngoại biên hay trung tâm, trong sự phân chia có thành tựu, giá trị hay chỉ là những sáng tạo bình thường. Sự phân chia này, thực chất, không phải đến khi có mạng internet mới hình thành, mà trước đây, trong bất cứ nền văn hóa nào, lằn ranh giữa văn chương tinh hoa/tinh tuyển và văn chương đại chúng cũng đều từng xuất hiện. 

Vấn đề trọng tâm của văn chương mạng, có lẽ, nằm ở tính chất tạm thời, tùy thời của nó. Nó cho phép nuôi dưỡng và cung cấp những kiểu tác giả, độc giả cảm thấy thông hiểu được nhau. Trong trạng thái đa tâm điểm của văn chương nghệ thuật hiện nay thì sự tồn tại, vận hành của các nhóm, tiểu cộng đồng có chung niềm cộng cảm lại phổ biến hơn. Nói cách khác, văn chương mạng chỉ thực sự đáng kể với chính bản thân nó và không cứ đẩy nó theo cái nhìn e ngại, lo lắng hoặc thương cảm, nâng niu là có thể xong xuôi mối bận tâm.

Web/blog văn chương tồn tại mà không bị hỗn loạn một phần nhờ giới hạn truyền thông của nó. Nó không chấp nhận sự "ăn ngay". Nó cần sự nghĩ ngợi, kĩ lưỡng của người viết và bài viết. Chính vì thế, giới nghiên cứu văn chương cũng muốn phát triển các web/blog văn chương như một cách can dự vào đời sống văn hóa, xã hội. Chúng vừa đi chậm nhưng lại vừa cố gắng đạt tới tính học thuật, hàn lâm nên được công chúng chờ đợi, kì vọng vào chất lượng thông tin hơn là mức độ nhanh nhạy. Giới hạn của web/blog văn chương ở Việt Nam, nếu khắt khe nhìn nhận, là vì nó vội lấn sang các lĩnh vực khác nhau của xã hội mà văn giới vẫn tin mình có năng lực bàn luận. 

3. Giờ đây, trước khả năng "hô mưa gọi gió" của facebook, nhiều web/blog văn chương dần bị teo lại. Số ít trụ vững và vẫn đang có lượng độc giả lớn là không nhiều. Các nền tảng kĩ thuật số nghe nhìn cũng can thiệp rất "ngỗ ngược" vào cách tiếp nhận văn chương của độc giả. 

Nếu ai đó lạc quan vào tương lai của web/blog văn chương thì hẳn người đó đã phải rất thất vọng trước quang cảnh sinh hoạt văn chương trên mạng xã hội. Trong khi các website, blog văn chương chưa kịp hoàn thành phận sự thúc đẩy, phát triển văn chương tiếng Việt thì facebook đã dọn sẵn danh hiệu "nghìn like" cho mọi tác giả, từ trẻ đến già, từ thành tựu đến mới chập chững. Nhiều web/blog tự rút lui vì họ quá hiểu, lôi kéo được chừng ấy triệu độc giả facebook quay lại đọc văn chương đích đáng, là điều bất khả.

Mai Anh Tuấn
.
.