Nhìn lại văn chương hai thập niên đầu thế kỉ XXI

Lắng nghe lịch sử, tái dựng cái tôi

Thứ Hai, 02/11/2020, 07:56
Giữa những biến động không thực sự sôi nổi của đời sống sáng tác văn chương trong chừng hai mươi năm qua, nếu phải tỉnh táo gạt bỏ các bóng dáng thể loại nhất thời không đủ sức giành lấy địa vị đáng kể, thì có thể nói tiểu thuyết lịch sử và du kí là hai thể loại đạt nhiều thành tựu, đảm bảo khả tín tìm đọc bậc nhất. Không chỉ vì hai thể loại này có số lượng khá phong phú, kéo theo lượng lớn tác giả miệt mài tham gia, mà còn vì, quan trọng hơn, chúng tạo nên những tiếp nhận sôi nổi và phần nào xua tan nỗi ám ảnh về sự thờ ơ mà công chúng vẫn hay đối đãi với văn chương.

Dưới bóng hình bản sắc

Vào đúng năm 2000, giữa lúc quán tính Đổi mới văn chương (từ 1986) vẫn đang chững lại, thậm chí đã thưa vắng những đột phá lớn, thì xuất hiện tiểu thuyết “Hồ Quý Ly” của Nguyễn Xuân Khánh. Sự phức tạp của “Hồ Quý Ly” không hẳn vì vị vua thất bại trong công cuộc cách tân đầu thế kỉ XIV từng nhức đầu bàn luận được kéo về lại điểm nút cuối thế kỉ XX, mà chủ yếu vì sức hấp dẫn của cái ngụ ý, cái nhuận sắc tân biên nhằm vào đương thời hôm nay ẩn chứa trong đó. 

Không khó nhận thấy tư thế và tâm thế quyết liệt điều hành việc quốc gia đại sự, cả những run rẩy trái ngược nhau giữa cảm xúc cá nhân và tư duy tỉnh táo, viễn kiến của nhân vật Hồ Quý Ly chính là một trong nhiều “nháy mắt” tinh tế với thời mình đang sống của Nguyễn Xuân Khánh. Hồ Quý Ly cần thiết cho hôm nay vì bài học canh tân dân tộc dang dở của ông vẫn chưa mất tính thời sự. Sau “Hồ Quý Ly”, Nguyễn Xuân Khánh tiếp tục sở trường khai thác sâu mạch nguồn văn hóa dân tộc để hoàn thành hai tiểu thuyết trường thiên “Mẫu thượng ngàn” (2006) và “Đội gạo lên chùa” (2011). 

Có thể coi đó là hai cách cụ thể hóa cảm hứng rọi chiếu “những vấn đề thẳm sâu của xã hội” mà ông từng trăn trở, trong đó có vấn đề tôn giáo, nói đúng hơn, để tôn giáo vượt ra khỏi môi trường tự nó và hòa nhuyễn với thiết chế văn hóa, luật tục, lịch sử,... Điểm kết nối giữa “Hồ Quý Ly” và hai tiểu thuyết sau, nhờ đồng tâm lùi dần câu chuyện về hiện tại, đã có ngay gương mặt thời đại hắt bóng vào, cho những điểm rơi cụ thể của hôm nay nhìn lại quá khứ.

“Hồ Quý Ly” xuất hiện và một nhân vật lịch sử khác, Quang Trung của “Sông Côn mùa lũ” cũng hồi hương (1998), tuy không gây nhiều phiền toái cho sự diễn giải như Quang Trung của “Phẩm tiết” (Nguyễn Huy Thiệp, 1988), nhưng cũng vẫn bị định kiến là những lời lẽ của một kiểu thân phận trí thức xa xứ Nguyễn Mộng Giác. Dẫu vậy, nó lại nhanh chóng an lạc trong vài vạn độc giả quê nhà, bởi rào cản địa-tâm lí ở thời điểm coi trọng hòa giải, hòa hợp dần được tháo dỡ cho mục tiêu tiến tới khoan hòa thay vì biền biệt đối lập. 

Hồ Quý Ly, Quang Trung, bất kể sinh từ mẫu quốc hay đến từ hải ngoại, sẽ không chỉ tồn tại trong vai lịch sử như đã biết mà còn đóng vai chủ thể hiện tại trong những sáng tạo nghệ thuật chưa hề biết và nhờ cái chưa biết được khám phá, họ góp vốn giá trị hữu ích vào “sức mạnh tổng hợp” của quốc gia hôm nay. Một sự kiện văn học thuần túy có khi mở đường những vỡ lẽ nhận thức và tâm hồn cho cả thời đại là vì thế. 

Sau “Hồ Quý Ly”, văn đàn trở nên đông đúc bóng dáng tiền nhân nhờ tiểu thuyết lịch sử, trong đó, đáng chú ý là “Giàn thiêu” (Võ Thị Hảo, 2003), “Hội thề” (Nguyễn Quang Thân, 2009), “Nguyễn Trãi” (Bùi Anh Tấn, 2010), “Minh sư” (Thái Bá Lợi, 2010), “Thông reo Ngàn Hống” (Nguyễn Thế Quang, 2014), “Huyền thoại Kim Thiếp vũ môn” (Trần Gia Ninh, 2015), “Phùng Vương” (Phùng Văn Khai, 2015), “Sương mù tháng giêng” (Uông Triều, 2015), “Trần Khánh Dư” (Lưu Minh Sơn, 2016), “Đức Thánh Trần” (2017, Trần Thanh Cảnh), “Từ Dụ Thái hậu” (Trần Thùy Mai, 2019),... Quá khứ, lịch sử và văn hóa, nhân tính và nhân hình của hàng trăm năm bỗng bừng dậy giữa công cuộc hiện đại hóa rồi dễ dàng được hợp thức nhờ lòng hiếu tri, tự tôn và tự hào dân tộc của số đông độc giả.

Nguyên cớ thúc đẩy giới văn chương tìm về lịch sử, theo tôi, không nên chỉ nhìn vào ham muốn truy tìm sự thật lịch sử chân xác của nhà văn. Không nhà văn nào, kể cả những người bám chắc sử liệu nhất, lại không thêm thắt các huyền tích, diễn giải sự kiện, gài cắm thông điệp, lại không đổ đầy nội tâm vĩ nhân hoặc thường nhân những suy tư, cảm xúc khó lường. 

Vấn đề sâu xa, phức tạp hơn có lẽ nằm ở động thái đi tìm cái bản sắc, tính truyền thống trong một phạm vi có mức độ ứng dụng mềm dẻo, linh hoạt: văn hóa sống, văn hóa ứng xử. Chính vì thôi thúc truy tìm căn cước mà diện mạo dân tộc trong tiểu thuyết lịch sử vừa hiện lên đẹp đẽ với niềm tự tín cao độ, vừa bất toàn gây lo lắng bởi những nghịch lí, phi lý, huyễn hoặc xứng đáng phải phản biện, phản tỉnh và chịu nhiều tham chiếu gay gắt. 

Trải nghiệm viết như một hành trình nhận thức, cắt nghĩa những giá trị quá khứ và đề đạt các triển vọng bù đắp cho sự khiếm khuyết ở hiện tại, bởi vậy, cho phép nhà văn biểu đạt tấc lòng ưu thời mẫn thế và sự mẫn cán đi tìm bản sắc dân tộc, theo quyền và cách hiểu của họ, tại thời điểm toàn cầu hóa. Đương nhiên, trải nghiệm ấy sẽ trượt theo đơn chiều nếu bản thân tác giả không chọn thái độ băn khoăn, truy vấn và tỉnh táo nhìn nhận vấn đề một cách sắc sảo đa chiều.

Nhìn góc độ này, xét cho cùng, văn chương viết về lịch sử cũng là một cách bộc lộ cái tôi cá nhân. Lựa chọn ai, phân trần hay khẳng định điều gì, tin tưởng và hoài nghi sự kiện nào,..., tất cả, sẽ tiết lộ một phần bản lai diện mục của người viết. Đáng tiếc, theo tôi, văn đàn lại đang thiếu những cá tính sáng tạo lớn, trong khi đang nhiều người viết thật thà, nôm na khi đối diện quá khứ.

Tái dựng cái tôi

Du kí, sau những ồn ào và có lúc trở thành thể tài chủ đạo, quãng 2012-2015, dường như đã trở về trạng thái cầm chừng, mỗi năm một đôi cuốn đáng tìm đọc, tuy không đến mức im ắng nhưng cũng đã bị chính đời sống văn chương nhiều sự kiện đẩy vào vị thế thứ yếu. Mấy năm gần đây, theo quan sát của tôi, loạt tác phẩm tạm gọi là du kí như “Xuyên Mỹ” (2016) của Phan Việt, “Chân đi không mỏi” (2017) của Đinh Hằng, “Bụi đường tuổi trẻ” (2017) của Tâm Bùi, “Từ rừng thẳm Amazon đến quê hương Bolero” (2017) của Nguyễn Tập, “Tôi và Paris. 

Câu chuyện một dòng sông” (2017) của Hoàng Long, “Nghìn ngày nước Ý, nghìn ngày yêu” (2017) của Trương Anh Ngọc, “Đi như là ở lại” (2017) của Lê Vũ Trường Giang, “Về nhà” (2017) của Phan Việt, “Trở về nơi hoang dã” (2018) của Trang Nguyễn, “Gái phượt” (2018) của Yếm Đào Lẳng Lơ,… đậm yếu tố “kí”, đồng nghĩa với suy tư và thức nhận, hơn là ham muốn phiêu lưu, chuyển tải hành trình trải nghiệm, chinh phục vùng đất. Nói cách khác, “kí” trong mỗi chuyến đi là sự biểu đạt những năng lực quan sát, tái dựng chủ thể cái tôi thay vì chỉ làm đầy hiểu biết về một xứ sở, không gian nào đó.

Điều đáng chú ý là có rất nhiều tác giả nữ viết du kí, thậm chí, chính du kí của tác giả nữ mới là sách bán chạy, mới làm độc giả cuống cuồng tìm đọc. Nguyên nhân lớn, có lẽ, là nhờ những chuyến đi mà họ kể lại, hình tượng người nữ dần trở thành một diễn ngôn mới. Cá nhân tôi cho rằng, muốn nhận ra sự thay đổi hình ảnh người nữ trong văn chương Việt đương đại thì cần mở rộng về phía các không gian văn hóa, địa lí mà họ trải nghiệm thay vì chỉ xét ở tiếng nói đề cao khao khát bản năng, tính dục từng trở thành thời thượng. 

Trong quá khứ, bởi chịu sự qui chiếu của văn hóa Nho giáo trọng nam quyền, không gian dành cho nữ giới vẫn chủ yếu xoay quanh bếp núc, chợ búa và đồng áng (cùng không gian có tính tôn giáo là chùa chiền). Người nữ, do vậy, thực chất là một sự phóng chiếu những ràng buộc có phần ngặt nghèo trong đạo đức, lễ giáo và đặc biệt, trong giới hạn kìm hãm thể hiện con người cá nhân của mình. 

Người nữ trong du kí gần đây, ngược lại, kích thích sự tò mò của công chúng rằng giữa đường xa vạn dặm thì họ sẽ phải xoay xở, ứng phó ra sao trước bất trắc, thử thách, trước các không gian xa lạ. Thực chất, thay vì muốn “đổi phận làm trai”, người nữ đã tự mình kiến tạo hình ảnh phiêu lưu, chinh phục và khám phá thế giới vốn dĩ gắn chặt với nam giới. 

Từ du kí, người nữ bắt đầu tạo lập những cái tôi đa và xuyên văn hóa. Thái độ khước từ yên ổn của họ và muốn vươn tới một tinh thần phi thường trong đời thường đã ít nhiều cho họ quyền được tuyên ngôn và khẳng định, nói lên can đảm và ý chí, bao gồm cả liều lĩnh và bất cần.

Những khẩu hiệu xuất phát từ du kí đang dần trở thành câu cửa miệng như “Xách ba lô lên và đi”, “Quá trẻ để chết”, “Chân đi không mỏi”, hay “Tôi là một con lừa”, “Một mình ở châu Âu”, theo tôi, góp phần thúc đẩy xã hội cởi mở hơn trước các giọng điệu và tự sự đầy khiêu khích của người nữ. Ở đó, câu chuyện đi/khám phá chỉ làm chất nền cho một ý thức rành rõ hơn: lựa chọn cách sống, cách hiện hữu. Với họ, đích ngắm không chỉ là trở thành mà sâu xa và viễn mộng hơn, là trở nên khác mình, một sự khác bắt nguồn từ ý thức bật rễ khỏi các khuôn thức, hình ảnh quen thuộc đến cũ mòn.

Mai Anh Tuấn
.
.