Nhìn lại văn chương hai thập niên đầu thế kỉ XXI

Nếu biết tản văn là hữu hạn

Thứ Bảy, 21/11/2020, 12:07
Không khó để thấy, trong hai thập niên qua, các tập sách được dán nhãn tản văn, tạp văn, tạp bút…, gần như ra đời liên tục ở hầu hết các nhà xuất bản trong nước và có lúc đã chiếm thị phần văn đàn một cách đáng ngạc nhiên. Tuy thế, giờ đây nhìn lại, thể loại ngăn ngắn, “nhỏ xinh” dễ chiều chuộng thị hiếu đọc của độc giả ấy đã không còn nhiều cây bút, tác phẩm đáng có thể coi là thành danh và thành công, trụ vững trước sức thải loại thời gian. Nếu biết tản văn là nhất thời dù gặp thời, hẳn không ít người sẽ có những dự định và thực hành viết khác đi.


Biết bao “bướm lả ong lơi”

Có thể nói rằng tản văn đã được nuôi dưỡng và rất nhiều khi, bị thao túng bởi các trang báo. Mở một trang báo bất kì, không kể truyện ngắn và thơ là hai món thất thường xuất hiện, thì các đoạn viết nhỏ, bằng bao diêm trở đi, với muôn kiểu nội dung và cách viết khác nhau, trường kì neo chặt đến thành mục hẳn hoi. 

Người ta thấy ở chúng, hoặc là hồi ức kỉ niệm của cá nhân, hoặc vì chuyện thế thời mà lạm bàn, cũng không chừa cả chuyện quốc gia đại sự được thu vào vài nghĩ ngợi thoáng qua. Đọc để thư giãn, giết thì giờ nhưng cũng có thể đọc để tri nhận thêm, dù ít ỏi, những thông tin về một món ăn, một lễ hội, một phố xá, một chuyến ngao du, hay một nhân vật, một vùng địa-văn hóa nào đó. 

Hơn cả thái độ chiều chuộng của một cửa hàng bách hóa, tản văn bày biện tất thảy các loại gia vị, từ vui vẻ, bông đùa, giễu cợt đến nghiêm ngắn, thiết tha, "tải đạo" và không hiếm trường hợp là lảm nhảm trữ tình. Đáng chú ý hơn, các lá phiếu dành cho tản văn vẫn còn nguyên nồng nhiệt, vì sau khi đọc tản văn trên báo, lập tức chuyển sang mua sách tản văn. Người hiểu rõ thực tế này không ai hơn Nguyễn Việt Hà, một "đại gia" tản văn, khi thừa nhận "ngày hôm nay, số người mua và đọc tạp văn thường đông hơn hẳn số người mua và đọc tiểu thuyết".

Tham gia thâm canh tản văn hầu như không vắng ai, kể cả những tác giả đã mặc nhiên gắn với truyện ngắn, tiểu thuyết hay thơ. Một số bước hẳn vào đường chạy và lập kì tích như Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Việt Hà, Nguyễn Trương Quý với tư cách là tác giả của dăm ba cuốn tản văn thuộc dạng best-seller bất ngờ: “Gáy người thì lạnh”, “Yêu người ngóng núi”, “Tự nhiên như người Hà Nội”, “Con giai phố cổ”… Một số tạt ngang nhưng cũng gây ấn tượng như Đỗ Bích Thúy với “Trên căn gác áp mái”, “Đến độ hoa vàng”; Thụy Anh với “100 gờ-ram hạnh phúc”; Việt Linh với “Năm phút với ga xép”; Cao Huy Thuần với “Chuyện trò”; “Sợi tơ nhện”. Một số tỏ ra gặp duyên rồi nhất định lựa chọn như Nguyễn Vĩnh Nguyên với “Tivi, xe máy, nhạc chế, chày cối, karaoke, tăm xỉa răng và những thứ khác”; “Những đồ vật trò chuyện cùng chúng ta”; “Với Đà Lạt, ai cũng là lữ khách”; Trần Nhã Thụy với “Cuộc đời vui quá không buồn được”; “Triều cường, chân ngắn và rau sạch”; Trang Hạ với “Đàn bà ba mươi”; “Nắm tay và làm tình”; Hoàng Hồng-Minh với “Lòng người mênh mang”; Nguyễn Bảo Sinh với “Bát phố”…. 

Có tác giả vừa đến và đang muốn dừng lại khá lâu như Đỗ Phấn với “Hà Nội thì không có tuyết”, “Ngồi lê đôi mách với Hà Nội”, Nguyễn Ngọc Tiến với “Đi ngang Hà Nội”, “Đi dọc Hà Nội”, “Đi xuyên Hà Nội”. Có tác giả đến muộn nhưng lập tức độc sáng như Y Phương với “Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm”. Có tác giả từ bút danh đến tên thật đều sắc sảo và đa sự như Thảo Hảo-Phan Thị Vàng Anh. 

Và giờ đây, khi mạng xã hội được cá nhân hóa tối đa thì viết tản văn đã là thói quen của nhiều "nhà", từ nhà toán học, nhà tâm lí, nhà giáo đến các nhà "cải cách xã hội" tự phong. Gạt bỏ quyền tự do được viết, hay viết chỉ để thỏa mãn tiếng nói riêng tư, thì cơn cớ sâu xa cho hiện tượng cùng phấp phới khẩu hiệu tản văn lại rất gần với “động lực bên trong”, là chỉ để mưu sinh ngon lành hơn và hoặc "đình công đòi tăng lương" như Nguyễn Việt Hà ví von. Thế thời của tản văn cũng là bối cảnh mà nhà văn tự xoay xở thích nghi mạnh mẽ nhất với sự rộng hẹp trong hầu bao của độc giả thay vì, quan trọng hơn, là sự cân đo đong đếm các vùng thẩm mĩ tiếp nhận mơ hồ khó nhận biết. 

Tuy vậy, sự nở rộ của tản văn, theo tôi, chỉ đáng kể khi chúng ta buộc phải thật lòng thừa nhận về tinh thần dân chủ của các thể loại văn học. Một giai đoạn dài trước đây, bởi những quán tính văn nghệ đường lối, giới cầm bút nước ta ưa thích triển khai những câu chuyện lớn, và kéo theo đó, trong văn xuôi, tiểu thuyết, truyện ngắn và cùng lắm, bút kí/tùy bút mới được xếp chiếu, được đầu tư lao động. 

Những mô hình viết khác, như thư từ, nhật kí, tự truyện, hồi kí…, bị phớt lờ và chịu không ít dị nghị. Tản văn với đặc trưng ngắn, gọn, "tiểu tự sự", tự do tùy hứng của mình cũng chịu chung mặc cảm bị lép vế trên sân chơi của các thể loại lớn. Thừa nhận sức mạnh của tản văn đồng nghĩa với việc các thể loại ngồi chung một cách bình đẳng, các cách thức viết được hưởng quyền lợi "ông kễnh" như nhau.  Mỗi thể loại có một nghĩa lí của nó. Và tản văn, trong hai thập niên qua, dù có vẻ nhộn nhạo nhưng chẳng phải đã từng lĩnh ấn trận tiền đó sao?

Còn thấy gì, sáng mai đây?

Sự đuối sức của tản văn sau thời gian nổi bật có lẽ là bởi, trước hết, viết tản văn dễ gây cảm giác như là công việc xảy ra trong lúc nhàn rỗi, trong lúc chờ đợi cái gọi là "tác phẩm lớn" của người viết. Xin nói ngay rằng, với tôi, việc đọc những tản văn chỉ quanh quẩn ở nhớ nhung kỉ niệm hoặc lật trang nào cũng vấp phải vài màn than nghèo kể khổ và được kịch tính hóa bằng cách đổ lỗi cho số phận là việc bất đắc dĩ. 

Bởi vậy, những tản văn trụ lại với người đọc thường phải xác tín như là một lao động thể loại. Ở đó, chúng bao giờ cũng nảy lên một giọng điệu, lớp ngôn ngữ riêng, một ý tưởng và chủ kiến cá nhân, một quan sát và tái hiện độc đáo. Một tản văn hay sẽ biết ra đòn hấp dẫn và dừng lại đúng lúc, khi người đọc đến lúc phải đón con, phải tranh thủ làm ca ba, phải gặp gỡ và kí kết hoặc nhọc nhằn hơn, phải nuốt trôi những tin tức thời sự nhàm chán. Tôi thuộc dạng bỏ cuộc sớm nếu bắt gặp những mớ bùng nhùng tâm tư ơi hời không biết từ đâu mà đổ ra vô tội vạ của người viết.

Những tác giả có sách tản văn bán chạy đều có ngón nghề viết lách riêng. Không ai át được Nguyễn Việt Hà trong cái giọng điệu hài hước, đùa giễu tinh tế, trong cái cách nhà văn chủ ý đảo trật tự từ hay khả năng tạo tích mới dựa trên tích cũ và phóng đại những kết luận. Tản văn Nguyễn Việt Hà tái lặp chiêu trò dụng từ điển, dụng các điển phạm văn chương và hiện đại hóa nó qua các so sánh tạt ngay mới mẻ trong cái nhìn hôm nay. Dĩ nhiên, thái độ nhất quán đó không chỉ được tỉa ra từ kinh nghiệm cá nhân mà còn phải được xây từ vốn tri thức sách vở nhất định. 

Với Nguyễn Trương Quý, tuy cũng dựa vào tư liệu để khảo cứu nhưng tản văn của anh không sa đà kiến thức mà nghiêng về thông tin mới, bình luận dí dỏm, và càng gần đây, anh càng chú ý hơn đến cách giải mã văn hóa các huyền thoại, biểu tượng. Ở phương Nam, Nguyễn Ngọc Tư luôn có cảnh sắc và đời sống sông nước miền Tây ăn lẹm vào từng câu chuyện, với ngôn ngữ và nhân vật được địa phương hóa cao độ. Tôi cũng thấy trong tản văn Nguyễn Ngọc Tư một thứ chủ nghĩa cảm thương mà nếu tiết chế được, nó đánh động nhân tâm, còn lạm dụng quá, nó như một thứ tráng miệng ngậy mùi. 

Với Phan Thị Vàng Anh, ngược lại, tản văn tuy không ít nhưng phần lớn đều viết ra để lạm bàn thế sự, thậm chí là "gây sự". Người đọc nhớ tản văn Phan Thị Vàng Anh là nhớ những mảng miếng bắt mạch, chẩn bệnh vừa tức tốc vừa chính xác các trạng huống nhếch nhác, dớ dẩn và phi lí của xã hội mà ta đang sống.

Những tản văn trụ lại được đều có ít nhiều chất khảo cứu. Nhờ thao tác khảo cứu, nhiều tản văn trở thoát khỏi sự dùng dằng quá lâu trong hồi ức, tâm tình cá nhân để trình hiện những hiểu biết, mô tả khách quan về đối tượng quan tâm. Phẩm chất này đòi hỏi người viết tự mình tiến thêm một bước trong việc lựa chọn đề tài, nội dung mà bản thân am tường nhất. Tản văn không nên là con quay búa xua mùa nào thức ấy mà là những phi tiêu cắm sâu vào vốn văn hóa, tri thức đang tích lũy. 

Có thể kể đến “Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm” của Y Phương với những mô tả, diễn giải rõ hơn về phong tục, văn hóa Tày. Khả năng mô tả, khảo cứu Hà Nội của Nguyễn Ngọc Tiến cũng là một dạng lập hồ sơ văn hóa, lịch sử về Hà Nội rất đáng lưu tâm. Khi viết tản văn với tâm thế và đòi hỏi của một người khảo cứu, nghiên cứu, thì những lúc cần phải "răn đời", giáo huấn, giọng điệu cũng trở nên thủ thỉ, tâm tình, kiểu chuyện trò như Cao Huy Thuần đã lịch lãm thể hiện.

Nếu chỉ đáp ứng “hãy viết nhanh hơn nữa”, tản văn sẽ ngày càng có nhiều cây bút trắng tay hết sức lãng xẹt. Gặp thời không có nghĩa là trường thọ, tản văn giờ đây đang dần thấm thía hơn với sự đỏng đảnh của thị trường đọc, còn bản thân tác giả tản văn, hẳn sẽ phải dần “gác kiếm” bỉnh bút để tìm tòi, đầu tư vào sự lao động những thể loại khác, những cách viết khác. 

Mai Anh Tuấn
.
.