Đầu năm đi hội, đi chùa

Vận hạn hay tai ương?!

Thứ Sáu, 08/03/2019, 15:25
“16 camera, 2.000 nhân viên bảo vệ an ninh lễ khai ấn đền Trần”. Đó là cái tít mà chúng ta thấy rất quen thuộc bởi nó được chạy trên nhiều tờ báo lớn dịp rằm tháng Giêng năm nay. 

Mấy năm gần đây, khai xuân mở hội lúc nào thì báo chí ầm ĩ khi đó. Cộng với mạng xã hội, bức tranh đi chùa cúng sao phóng sinh, lễ hội đánh nhau, vật nhau, chém lợn, bứt lông lợn lại càng được đặc tả đậm nét hơn, cả buồn lẫn vui và nhiều điều còn lấn cấn khác.


Con số nhân viên bảo vệ an ninh ấy ấn tượng hơn bất kỳ một sự kiện văn hoá nào diễn ra trong một năm. Và nó thể hiện số lượng người hành hương về đền Trần hàng năm lớn đến mức độ nào.

Số lượng người đến đền Trần chỉ là một ví dụ điển hình cho hoạt động văn hoá tâm linh, tín ngưỡng của người Việt hôm nay mà thôi. Ngoài lễ khai ấn đền Trần vốn dĩ nổi danh cả nước, các điểm thực hành tín ngưỡng khác cũng đông đúc không kém mà đặc biệt nhất, không thể không kể tới, là các chùa chiền với các lễ cúng dâng sao giải hạn. 

Chùa càng nổi tiếng, lượng người tới thành tâm cúng bái càng đông. Thậm chí, có những chùa mà người tới lễ bái còn phải đứng ngồi tràn ra ngoài vỉa hè, lề đường.

Và cũng như cái hẹn, cứ dịp này hàng năm, chúng ta lại đọc được cả những dòng đánh giá phê phán, chỉ trích, thậm chí là bài bác cách thực hành tín ngưỡng của số đông dân chúng xuất hiện trên cả truyền thông chính thống lẫn truyền thông mạng xã hội. 

Phê phán là quyền và tùy thuộc năng lực mỗi người. Nhưng bài bác, mỉa mai, báng bổ thì tuyệt đối chúng ta nên tránh xa. Tín ngưỡng là tự do cá nhân và quyền thực hành tín ngưỡng cũng là quyền của mỗi cá nhân, miễn là nó không đi ngược lại với các quy định của pháp luật. 

Minh họa: Hùng Dingo.

Nếu một người nào đó tin vào chuyện có những vận rủi đang và sẽ ám lên đời sống của mình, chuyện họ thực hành một hành vi tín ngưỡng để tạo cho mình một niềm tin rằng họ sẽ được trợ giúp để vượt qua khốn khó đó, thực tế chuyện đó cũng không có gì đáng xấu. 

Và hơn thế nữa, nếu thực hành tín ngưỡng được làm một cách lành mạnh, không trái thuần phong mỹ tục, không vi phạm pháp luật, hành vi thực hành ấy hoàn toàn có thể coi là một hoạt động văn hoá mang tính chất cá nhân.

Thực tế, chiêm tinh, tử vi có thể được coi là một dạng khoa học cổ xưa, nghiên cứu các vì sao, chòm sao và theo tiến trình phát triển khoa học của nhân loại, chúng có vẻ như trở nên lạc hậu, có vẻ như hủ lậu, bị xem là dị đoan song không hẳn đa số trong xã hội đã dám khước từ vào niềm tin ấy hay coi nó là thứ mù quáng, lừa bịp con người. 

Giữ một ám ảnh dị đoan nào đó luôn là một nét văn hoá rất con người của mỗi dân tộc, kể cả ở một quốc gia được coi là văn minh, tiên tiến nhất. 

Điển hình, chuyện hạ thủy một con tàu chẳng hạn. Bây giờ, thế kỷ 21 rồi, thế kỷ mà người ta đã bắt đầu thấy nể phục nhưng cũng sợ hãi trí tuệ nhân tạo rồi, việc đập vỡ một chai rượu cầu an trước khi hạ thủy một con tàu vẫn được thực hành. 

Trước vũ trụ, loài người luôn cực kỳ nhỏ bé và khoa học sẽ không bao giờ giải toả được nỗi lo sợ của con người khi đối diện thế giới bên ngoài vĩ đại, siêu nhiên, siêu hình và đầy bí ẩn bất trắc cả.

Nhưng đó là nỗi sợ chung, mang tính vô thức tập thể của giống loài. Còn với riêng người Việt hôm nay, nỗi sợ lại có những điểm khác biệt khác, mà nếu chúng ta nhìn vào chúng, chúng ta hoàn toàn có thể thông cảm cho những con người đã, đang và vẫn sì sụp khấn vái ở các chùa chiền, điện thờ, cửa đền, cửa phủ…

Hãy gạt qua chuyện đại đa số vẫn chưa bao giờ hiểu được tận cùng ý nghĩa của hai tiếng “vận hạn” và tạm thời hãy nhìn bằng con mắt của số đông, với quan điểm rằng vận hạn chỉ đơn thuần là những rủi ro có thể xảy ra trong một quãng thời gian nào đó trong đời họ, theo một chu kỳ lý số nào đó. 

Thực sự, nếu chúng ta có vô thần đến mấy đi nữa, nhưng nếu vô tình một ngày tháng Giêng đầu năm chúng ta nhận được một lời phán rằng “năm nay cậu có hạn lớn”, chắc chắn trong chúng ta sẽ xuất hiện một xúc cảm âu lo nhất định, với cường độ tùy thuộc vào mức độ mê tín của mình. 

Và nếu tiếp tục sống giữa nỗi lo ấy, chúng ta bỗng được ai đó mách nước rằng “cúng giải hạn ở chùa abcd đi, thiêng lắm”, khả năng chúng ta tìm đến đó cũng sẽ bắt đầu lộ diện. Khả năng ấy thành hiện thực hay không cũng sẽ phụ thuộc vào mức độ mê tín, lượng thời gian rảnh rỗi ta có thể thu xếp cùng nhiều điều kiện liên đới khác. 

Họa phúc bất lường và bất thường. Con người luôn bất khả tri về tương lai của mình nên ám ảnh âu lo tồn tại là lẽ dĩ nhiên. Mà tương lai là gì? Có thể chỉ là một phút sau, một giờ sau, một ngày sau hay tuần sau, tháng sau mà thôi.

Kiếm lấy sự thanh thản cho lòng mình, đặng có thể tập trung năng lượng cho những việc mình cần làm âu cũng là một nhu cầu chính đáng mà khó ai có thể ngăn cản, bôi nhọ, bài bác chứ đừng nói đến cấm đoán bằng bàn tay pháp luật lạnh lùng. 

Song, có một yếu tố hoàn cảnh tác động rất lớn đến cơ chế mê tín và âu lo của người Việt hôm nay. Đó chính là những gì đang diễn ra ngoài đời sống hàng ngày, hàng giờ, ở khắp nơi, đã và đang làm xói mòn lòng dũng cảm đương đầu của người Việt và khiến chúng ta tăng cấp độ sợ hãi, lo lắng hơn nữa. 

Những gì đang diễn ra ấy luôn chứng minh rằng thực sự, môi trường sống của người Việt đang vô cùng thiếu an toàn và lúc nào cũng tiềm ẩn đầy rẫy tai ương.

Ngày 18-2-2019, ở TP HCM, Công an quận Tân Bình đã điều tra và xác định người đàn ông tâm thần chuyên chạy xe máy và dùng rìu tấn công người đi đường. Nạn nhân của đối tượng này có cả trẻ em và có một video phát tán rộng rãi trên mạng xã hội cho thấy hình ảnh một người chạy xe ba gác đang yên đang lành bị đối tượng này phang một rìu giữa mặt. 

Chúng ta cảm thấy thế nào khi xem video ấy? Chắc chắn là hoảng sợ, với suy nghĩ “chẳng biết ngày mai, giữa đám đông mình gặp trên đường, có kẻ tâm thần nào như thế nữa hay không?”. Đó chỉ là một ví dụ về sự bất an trong xã hội mà chúng ta đang sống hiện nay. 

Và nếu cần thêm các ví dụ khác, chúng ta hoàn toàn có thể dễ dàng tìm thấy nó mỗi ngày, ở mọi nơi, với mọi diện khác nhau. Nào là chuyện đám đông đang dừng đèn đỏ, cả một xe container lao thẳng vào; nào là chuyện cô gái đáng thương phụ mẹ bán gà ngày Tết bị đám lốt người dạ thú lập mưu bẫy bắt cóc để hãm hiếp và sát hại… 

Những câu chuyện kiểu như thế không hẳn chỉ nhiều lên bởi “cảm giác” kể từ khi có mạng xã hội, có báo điện tử góp phần lan truyền chóng mặt mà còn vì chính sự xuống cấp của đạo đức xã hội. 

Người Việt hầu như không xác định được đường biên hành xử công cộng và luôn luôn để tồn tại các hành vi “lấn biên” xảy ra thành quen. 

Cùng với đó là hàng loạt tệ nạn khác vẫn tồn tại dai dẳng mà không có bất kỳ hướng giải quyết triệt để nào (ví dụ như chuyện tài xế container đa phần dùng chất kích thích chẳng hạn) đã cộng hưởng để biến xã hội Việt trở nên mất an toàn kinh khủng. 

Từ sự mất an toàn ấy, lòng người Việt trở nên bất an vô cùng. Và khi sự bất an được nhóm thêm mồi lửa mê tín, chuyện dâng sao giải hạn trở nên phổ cập, và đông đảo, cũng là chuyện bình thường.

Muốn người Việt bớt mê tín đi, có lẽ chúng ta phải đợi thêm vài thế hệ nữa, khi những đứa trẻ hôm nay, được tiếp xúc với công nghệ, khoa học, văn hóa thế giới… nhiều hơn lớn lên và tiếp quản như thế hệ chủ lực. May ra, về tâm thần mới có sự chuyển dịch đáng kể để cơ chế mê tín mông muội bị xoá bỏ dần và được thay bằng những đức tin lành mạnh hơn. 

Nhưng còn cần hơn nữa chính là phải tạo ra một đời sống an toàn thực sự để người dân tin rằng việc ra đường gặp rủi ro không còn là ám ảnh nữa thì may ra niềm tin lành mạnh mới áp chế được những mê tín dị đoan hủ lậu. 

Đơn giản, khi sống trong một xã hội thiếu an toàn như hôm nay, cái ám ảnh một vận hạn đen đủi rơi vào đầu mình sẽ luôn là ám ảnh thường trực thực sự đủ sức biến chúng ta thành một tập hợp với hỗn loạn niềm tin giằng xé trong chính mình.

Hà Quang Minh
.
.