Đầu năm đi hội, đi chùa

Niềm tin dị dạng

Thứ Hai, 04/03/2019, 16:10
Những ngày đầu năm mới, đi lễ chùa là một việc làm ý nghĩa. Đi chùa không chỉ để cầu nguyện sự an lành cho mọi người, gia đình và bản thân mà đó cũng là dịp để lương tâm soi rọi lại chính mình. 

Mấy năm gần đây, khai xuân mở hội lúc nào thì báo chí ầm ĩ khi đó. Cộng với mạng xã hội, bức tranh đi chùa cúng sao phóng sinh, lễ hội đánh nhau, vật nhau, chém lợn, bứt lông lợn lại càng được đặc tả đậm nét hơn, cả buồn lẫn vui và nhiều điều còn lấn cấn khác.


Giây phút lắng đọng trước khói hương, tiếng kinh cầu và chư Phật, lòng trở nên nhẹ nhàng và thanh tịnh, thiện tâm cũng từ đó được khởi lên và tăng trưởng. Đi chùa, lễ Phật còn là lúc mỗi người tự vấn lương tâm làm theo những điều đúng, điều thiện mà kinh Phật đã dạy… Tất cả đó là điều tốt đẹp trong cuộc sống của mỗi con người.

Tuy nhiên ngày nay, có lẽ không phải ai đi chùa, lễ Phật cũng đều nghĩ đến điều đó, bởi nếu có nghĩ thì cảnh tượng chen lấn, cầu cúng linh đình đã không diễn ra như vừa qua ở nhiều ngôi chùa được gọi là linh thiêng trên cả nước. 

Số người đi chùa ngày một đông hơn, Phật tử cũng ngày một nhiều hơn, đó đáng ra phải là một tín hiệu tốt đẹp bởi nó cho thấy xã hội ngày càng hướng đến điều thiện và đúng đắn.

Song, nhìn cách người ta chen lấn nhau để dâng sao giải hạn vào những ngày đầu năm, nó khiến các bậc tu hành chân chính không khỏi xót xa vì người ta đang hiểu và làm sai với giáo lý nhà Phật.

Minh họa: Hùng Dingo

Đành rằng, cuộc sống con người hay có nhiều bất trắc, tai ương đôi khi ập đến bất chợt mà không có bất cứ một ai có thể biết trước được; đó có thể là tai nạn, là bệnh tật ốm đau bất ngờ,… 

Tất cả khiến cho nhiều người càng lo sợ về sự mong manh, tạm bợ của cuộc sống này. Và người ta đi dâng sao giải hạn, cầu cúng với mong muốn tránh được những tai ương, rủi ro trong năm. Đó cũng là một tâm lý dễ hiểu.

Ông bà xưa hay có câu mà ngày nay người ta hay nhắc lại rằng: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành”. Nhưng đa số người ta đã hiểu sai ý nghĩa câu đó cho nên người ta cứ làm tất cả những gì có thể để cầu cho bản thân an lành.

Các bậc tu hành uy tín đã rất nhiều lần lên tiếng cảnh báo về hoạt động dâng sao giải hạn là mê tín, vừa sai với triết lý nhà Phật, vừa thiếu cơ sở khoa học vũ trụ. Nhưng không vì thế mà hoạt động đó bớt đi, nếu không nói là ngược lại, ngày càng đông hơn.

Điều đó cho thấy một thực tế rằng, nhiều người đi chùa, lễ Phật nhưng thật ra là chưa hiểu gì về Phật, về một đạo lý căn bản nhất trong nhà Phật là “nhân - quả”.

Hiểu đơn giản là nếu bạn muốn bình an, hạnh phúc thì bản thân phải tích đức bằng việc thiện, bằng những điều lành. Còn khi đã làm điều sai trái thì chắc chắn là bạn phải lãnh lấy hậu quả xấu chứ không gì có thể “giải” được. Nếu trong cuộc sống hằng ngày, người ta không tâm niệm làm điều lành, nói điều lành và nghĩ điều lành mà đợi đến ngày rằm, đầu năm đi cầu cúng để mong được những điều tốt đẹp là không thể.

Người viết bài từng chứng kiến nhiều người đến chùa để xin Quy y Tam bảo nhưng khi sư thầy hỏi: thế nào là Quy y Tam bảo; thế nào là Phật, Pháp Tăng; hiểu gì về Phật; ngũ giới là những gì,… thì đa số đều lắc đầu ngơ ngác. Thế là sư thầy “đuổi về”, bảo khi nào hiểu được hết những điều cơ bản đó rồi hãy quay lại xin Quy y Tam bảo. 

Bởi Quy y Tam bảo là trở thành đệ tử của Phật mà không hiểu gì về Phật thì thật là nguy! Cũng như ta làm một việc nhưng lại hoàn toàn không hiểu gì về nó, và tất nhiên đều sẽ dẫn đến những điều tệ hại.

Điều đó cũng cho thấy rằng, ngày nay nhiều người đi chùa, Quy y Tam bảo theo kiểu phong trào. Mà vấn đề là, liệu có bao nhiêu chùa, nhà sư sẵn sàng từ chối những con người đó? 

Cũng như việc, nhiều ngôi chùa biết hoạt động dâng sao giải hạn là trái với giáo lý nhà Phật, nhưng tại sao vẫn duy trì tổ chức hoạt động này mà không hướng người dân đến các hoạt động đúng đắn, nhân văn hơn như cầu an hay làm từ thiện chẳng hạn?!

Ngoài chuyện đi chùa, thì vấn đề đi lễ hội đầu năm cũng là điều đáng suy ngẫm; đặc biệt là những lễ hội có phát ấn, lộc, phết như lễ Khai ấn Đền Trần, Hội Phết Hiền Quan, lễ hội đền Gióng… 

Thật khó có thể hình dung rằng, ở một xã hội hiện đại mà nhiều người vẫn còn quan niệm đi chùa để “giải hạn” hay tranh cướp ấn, phết để được may mắn, tài lộc, thăng quan. Đó là sự dị dạng của niềm tin.   

Vì niềm tin dị dạng nên hành động cũng bất thường. Để đạt được mục đích là cướp cho bằng được ấn, Phết, nhiều người đã sẵn sàng dùng bạo lực, họ sẵn sàng từ chối lòng tự trọng của bản thân, họ chen lấn, giẫm đạp lên nhau, thậm chí còn vung gậy và lao vào đánh nhau như những kẻ du thủ, du thực…

Mà những thanh niên tranh cướp ấn đó là ai? Thông thường thì người không học thì chẳng thể mơ làm quan, cho nên, họ có thể là những tri thức, sẽ hay thậm chí là đang làm quan! 

Muốn thăng quan, tiến chức, thay vì phải bỏ công sức cống hiến, bồi dưỡng trí đức, nâng cao chuyên môn thì nhiều người lại cho rằng chỉ cần trong tay có được ấn, phết. Nếu đúng như thế thì thật sự là thảm hại, bởi thật khó để hình dung ra một điều tốt đẹp nào từ những “ông quan” đi lên từ con đường bất chấp như thế!

Nói về sự bát nháo của lễ hội, cũng xin hoan hô trước tinh thần của ngành văn hóa khi năm nay đã có sự quyết liệt hơn trong việc lặp lại trật tự, tôn nghiêm của các lễ hội văn hóa truyền thống. Đó là việc tổ chức phát ấn, lộc chặt chẽ, trật tự hơn, thậm chí trò “cướp phết” tại lễ hội Hiền Quan cũng đã chính thức bị hủy bỏ ngay trước thềm lễ hội vì những bát nháo trong những năm gần đây.

Tuy chưa thể dẹp loạn, trả lại lễ hội sự tôn nghiêm một cách hoàn toàn, song với tinh thần đó, ngành văn hóa và ban tổ chức lễ hội đã cho thấy họ đã thật sự nhìn thấy sự dị dạng trong một số lễ hội hiện nay, họ đã biết lắng nghe ý kiến của cộng đồng và bước đầu có những điều chỉnh phù hợp. 

Người ta nói, xã hội muốn phát triển thì cần phải thoát khỏi nhiều thứ, có lẽ một trong những điều cần phải thoát nhất lúc này đó chính là sự dị dạng của niềm tin!

Hoàng Lãm
.
.