Những chiếc xe biếu tặng

Tiền lệ nguy hiểm

Chủ Nhật, 19/03/2017, 17:03
Dẫu việc cho và nhận quà đắt tiền giữa DN và cơ quan công quyền là hoàn toàn không có động cơ tiêu cực thì vẫn sẽ tạo ra một tiền lệ rất xấu, dẫn đến nhiều rủi ro đối với sự công chính của cơ quan công quyền.

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt và giao Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra làm rõ xung quanh những vụ việc lãnh đạo địa phương nhận xe sang từ doanh nghiệp (DN) tư nhân. Một chỉ đạo nức lòng nhân dân. Sau chỉ đạo này của Thủ tướng, các địa phương đã tự nguyện trả lại xe cho doanh nghiệp.

Sau chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm rõ về việc chính quyền địa phương nhận xe ô tô của DN tặng thì UBND tỉnh Cà Mau và Thành ủy Đà Nẵng đã trả lại xe được DN tặng trước đó. Có thể nói rất may là Chính phủ đã có những chỉ đạo kịp thời về vụ việc này và phía lãnh đạo địa phương cũng đã nhanh chóng "sửa sai", nếu không sự việc sẽ tạo ra một tiền lệ xấu hết sức nguy hiểm cho bộ máy chính quyền địa phương.

Nhưng ngược lại, nếu câu chuyện về việc Cà Mau nhận xe sang do DN tặng không ồn ào, thì liệu vấn đề sẽ đi về đâu hay tất cả sẽ trở thành một chuyện bình thường trong xã hội này? Và liệu ngoài Cà Mau, Đà Nẵng thì còn bao nhiêu địa phương nữa đã nhận và đang sử dụng xe ôtô do DN tặng? Có lẽ, trường hợp này không chỉ có riêng ở Đà Nẵng, Cà Mau.

Minh họa: Hữu Khoa.

Trở lại câu chuyện ồn ào thời gian qua là Cà Mau nhận 2 xe sang, trị giá hơn 6 tỷ đồng do một DN trong tỉnh trao tặng. Lý do của việc cho và nhận xe này là để làm phương tiện công phục vụ công tác kiểm tra, ứng phó với xâm nhập mặn và phòng chống cháy rừng trong tình trạng là Cà Mau đang thiếu phương tiện phục vụ công tác, mà ngân sách tỉnh hiện tại thì chưa cân đối được nguồn để mua sắm ôtô.

Ở đây, chúng ta hoàn toàn có thể tin rằng, động cơ tặng và nhận xe sang giữa DN và chính quyền địa phương là hoàn toàn minh bạch, xuất phát từ lợi ích công chứ không phải riêng tư. DN làm ăn thành công, muốn đóng góp chút của cải để chính quyền địa phương có phương tiện tốt hơn phục vụ nhân dân. 

Có thể, DN đã không có bất kỳ động cơ tiêu cực nào như hối lộ hay bị ép buộc phải tặng xe. Còn phía chính quyền địa phương thì có thể nhận xe trong sự vô tư với mục đích làm của công để phục vụ việc công chứ không có bất kỳ động cơ chiếm làm của riêng nào.

Thế nhưng, dẫu sự thật đúng như giả thuyết này, rằng cả hai bên cho và nhận đều không có động cơ tiêu cực thì việc địa phương nhận quà DN cũng sẽ dẫn đến một tiền lệ xấu vô cùng, dẫn đến nhiều rủi ro đối với sự công chính của cơ quan công quyền.

Thứ nhất, khi chính quyền địa phương nhận quà của DN, dù quà đó là xuất phát từ tấm chân tình thật sự thì địa phương liệu sẽ không cần phải nghĩ suy đến chuyện đáp lại tấm chân tình đó hay sao? 

Giả sử trong trường hợp là sự thật đúng như lời người đứng đầu tỉnh Cà Mau rằng: "Không vì chuyện nhận xe mà tỉnh ưu ái cho DN"; tức sẽ không có chuyện đáp lại tấm chân tình của DN, tức địa phương vô tư nhận những món quà đắt tiền mà không cần băn khoăn gì thì vấn đề cũng làm phát sinh hệ lụy.

Hệ lụy là ở chỗ, khi một người thuộc cơ quan quyền lực nhà nước, người có nhiệm vụ phục vụ lợi ích nhân dân lại vô tư nhận quà sang của DN để có thể làm việc tốt hơn thì họ sẽ hình thành thói quen ỷ lại, trong chờ vào những món quà như vậy để làm việc hơn là ý thức phục vụ lợi ích nhân dân.

Cụ thể, về mặt lý thuyết, người đại diện cơ quan nhà nước có nghĩa vụ phục vụ nhân dân, là đầy tớ của nhân dân và họ được trả công bằng tiền đóng thuế của nhân dân. Khi nhiệm vụ phục vụ nhân dân hoàn thành tốt, đời sống nhân dân được tăng lên thì khi đó nhà nước thu được nhiều thuế hơn, từ đó nguồn ngân sách đầu tư cho địa phương cũng tăng lên, kết quả là điều kiện làm việc của người đại cơ quan ở địa phương sẽ tăng lên.

Nhưng khi mà "ngân sách chưa thể cân đối", tức là nguồn thu ngân sách chưa đảm bảo mà người đại diện cơ quan địa phương vẫn đảm bảo điều kiện làm việc nhờ vào quà biếu của DN thì ý thức phục vụ lợi ích nhân dân sẽ bị giảm sút vì sự ỷ lại vào những món quà. 

Đó là chưa kể, khi người đại diện cơ quan nhà nước vô tư nhận quà đắt tiền của DN, họ sẽ hình thành dần thói quen xài đồ xa xỉ như là một điều kiện hiển nhiên với cương vị của mình dù tiêu chuẩn thực tế không được như vậy. Mà khi một cơ quan quyền lực chuộng xa xỉ thì nó là biểu hiện của một khuôn mặt méo mó của cơ quan đó.

Còn mọi chuyện ngược lại, tức địa phương sẽ phải nghĩ đến việc đáp lại thịnh tình của DN thì có lẽ không có gì để bàn nữa. Bởi khi đó, ai cũng có thể dễ dàng hình dung được rằng, sẽ có những chuyện cơ quan công quyền bao che DN đó, hoặc sai phạm nặng xử thành nhẹ, nhẹ hóa thành không. Còn phía DN khi đó, rất có thể sẽ hình thành tâm lý ỷ lại vào "chỗ dựa" mà trở nên bất chấp luật pháp, mặc sức làm sai mà không sợ phải trả giá!

Trường hợp này, cũng tương tự như chuyện những quán bia lấn chiếm vỉa hè. Khi có "công an đứng đằng sau", họ vô tư lấn chiếm hết vỉa hè, thậm chí xuống cả lòng đường mà vẫn không thấy bị xử lý gì, hoặc có chăng là hôm trước, hôm sau lại tái diễn. 

Điều này đã được ông Nguyễn Đức Chung - Chủ tịch UBND TP Hà Nội khẳng định trong phát biểu về tình trạng lấn chiếm vỉa hè Hà Nội: “Trong hơn 180 quán bia vỉa hè ở Hà Nội thì có đến 150 quán có công an "đứng đằng sau".

Nhắc chuyện DN tặng quà đắt tiền cho địa phương lại nhớ chuyện xưa kể về viên ngọc quý. Chuyện rằng, nước Tống có người nhặt được viên ngọc quý, anh mang đến biếu quan Tư thành là Tử Hản. Tử Hản không nhận, người được ngọc cố nài: "Bẩm thượng quan, đây là viên ngọc rất quý và hiếm có, ai cũng công nhận điều ấy, xin ngài nhận cho tôi được vui. 

Tử Hản đáp: Ông cho ngọc là quý, còn ta cho tính không tham là của quý. Ông mang ngọc cho ta, nếu ta nhận thì cả hai đều mất cái mà mình cho là quý nhất, chi bằng của quý ai thì người ấy giữ lại vậy!

Nếu như tất cả địa phương đều trả lại quà đắt tiền mà DN tặng, chẳng phải điều đó thể hiện cái đáng quý, đáng trân trọng của người đại diện cơ quan công quyền hay sao! Bởi khi đó, sẽ chẳng có nghi ngờ nào về sự công chính của những người đại diện cơ quan công quyền cả.

Hoàng Lãm
.
.