Những chiếc xe biếu tặng

Của biếu là của lo, của cho là của nợ

Thứ Ba, 14/03/2017, 19:55
Trong bối cảnh tỉnh nhận xe biếu tặng từ doanh nghiệp, một câu hỏi chắc chắn sẽ bật ra. Đó là "Của biếu là của lo, của cho là của nợ". Vậy tỉnh có lo đến việc trả nợ thịnh tình của doanh nghiệp hay không?

Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3, Thủ tướng đã chỉ đạo quyết liệt và giao Bộ Tài chính, Thanh tra Chính phủ, Bộ Tư pháp kiểm tra làm rõ xung quanh những vụ việc lãnh đạo địa phương nhận xe sang từ doanh nghiệp (DN) tư nhân. Một chỉ đạo nức lòng nhân dân. Sau chỉ đạo này của Thủ tướng, các địa phương đã tự nguyện trả lại xe cho doanh nghiệp.

Ở thời đại mà hai chữ khởi nghiệp, nhất là những vụ khởi nghiệp nhờ vào nông sản công nghệ sạch, hiện đại, đang là thời thượng, cái câu nói của Mai An Tiêm trong truyền thuyết trở nên phù hợp quá mức. 

Mai An Tiêm, ông "tổ" của khởi nghiệp bằng nông sản, đã tuyên ngôn như thế và hôm nay, nó trở thành câu nói đáng suy nghĩ trước sự kiện một số tỉnh rục rịch trả lại xe được DN biếu, tặng trước đó.

Cái sự biếu tặng phương tiện di chuyển mà cụ thể ở đây là xe xịn, xe sang nó chỉ ra một điểm rất nực cười. Phải chăng, kế hoạch của Chính phủ đã tính toán sai số đến mức nhu cầu sử dụng xe của địa phương vượt xa số lượng xe địa phương ấy được cấp, đến mức DN "thương" tỉnh quá mới phải tặng xe cho tỉnh? Câu hỏi ấy chẳng cần phải trả lời, vì khi nhận xe DN biếu, nhiều xe khác mà tỉnh được cấp đều mang đắp chiếu cả chỉ vì lý do nó cũ, nó xấu.

Rõ ràng, DN tặng xe cho tỉnh đã tỏ một thái độ rất đáng chê trách, thái độ khinh lờn Chính phủ. Họ chẳng coi quy định của Chính phủ về xe công, chẳng coi các tính toán thực tế về nhu cầu sử dụng xe công của Chính phủ ra gì. Họ nghiễm nhiên cho rằng cái "thịnh tình" của mình cần phải được hoan nghênh nhiệt liệt.

Và ở trong bối cảnh tỉnh nhận xe biếu tặng từ doanh nghiệp, một câu hỏi chắc chắn sẽ bật ra. Câu hỏi ấy ai cũng nghĩ tới bởi cái tính mập mờ của cái sự tặng kia. Đó là "Của biếu là của lo, của cho là của nợ". Vậy tỉnh có lo đến việc trả nợ thịnh tình của doanh nghiệp hay không?

Minh họa: Hữu Khoa.

Bây giờ, tỉnh trả lại xe được tặng rồi. Dư luận nhận thông tin ấy sẽ hài lòng lắm, bởi họ nhận thấy sức mạnh của mình là có thật. Chính cái sức mạnh đó đã tạo sức ép lên tỉnh, buộc tỉnh phải hành động gấp. Nhưng có ai nghĩ rằng trả xong cái xe thì cũng dứt nợ ân tình kia không? Và kể từ khi nhận xe cho tới khi trả xe, khoảng thời gian đủ dài ấy, tỉnh có trả nợ cho DN bằng cách nào đó thiếu minh bạch hay không?

Nhắc đến minh bạch, đã đến lúc chúng ta không chỉ dừng lại ở cái chỗ việc sai được sửa thành đúng chỉ nhờ vào một hành động trả xe. Chúng ta cần phải đòi hỏi thêm nữa. Trong suốt thời gian sử dụng xe ấy, giữa tỉnh và DN có những mối quan hệ như thế nào, trên những dự án nào, trong các biến cố đã được xử lý ra sao? Đó mới là câu hỏi cần phải trả lời cho dân, nếu muốn nuôi dưỡng niềm tin trong dân.

Trong Nghị quyết Trung ương IV có nhắc đến một vấn nạn rất cụ thể, là sự tha hóa, sự tự chuyển biến trong nội bộ. Chúng ta đừng vội nghĩ tự chuyển biến chỉ đơn thuần là mối đe dọa an ninh chính trị mà nó chính là cái cách người điều hành các địa phương đã không còn coi quyền lợi của nhà nước là trên hết, mà thay vào đó, thỏa hiệp để phục vụ quyền lợi của một nhóm nhỏ một cách bí ẩn. Giữa tha hóa và tự chuyển biến, lằn ranh rất mỏng cũng là vì thế.

Trong số các tỉnh thành còn lại, còn những tỉnh nào nhận xe biếu của DN nữa đây? Và cả trong các Bộ, ngành, có Bộ, ngành nào cũng nhận quà biếu tương tự hay không? Đó có thể là thứ quà biếu khoác áo của công nhưng hành vi và mục đích thì chưa chắc. 

Và chính những tỉnh, Bộ, ngành còn im lặng, còn phớt lờ coi việc trả lại xe không phải việc của mình (vì chưa bị phanh phui) hoặc những tỉnh, những Bộ, ngành lẳng lặng trả xe mà thông tin không được công bố rộng rãi trước công luận đang là những điểm mờ rất đáng nghi ngại về vấn nạn tham nhũng và bao che cho lợi ích nhóm.

Cũng có thể có nhiều tỉnh, Bộ, ngành vô tư quá nên nhận xe mà không biết rằng đó cũng là cái "bẫy tình nghĩa" của DN. Vậy thì tại sao khi nhận xe, chúng ta không tỉnh táo để đặt ra câu hỏi "Nếu thực sự vì tỉnh, tại sao DN không dùng số tiền tỷ ấy ủng hộ cho ngành giáo dục xây trường, hay ngành y tế hiện đại hóa các trạm xá?". 

Vâng, các dự án công cộng ấy thì không mang lại lợi ích cho DN vì người họ cần cung phụng là quan tỉnh chứ không phải là nhân dân của tỉnh. Và nếu những quan chức cấp tỉnh mà còn vô tư, ngây thơ đến mức nhận quà hồn nhiên như thế, kể cả họ chưa trả nợ gì cho DN đi nữa, các quan chức ấy cũng cần bị xem xét lại năng lực điều hành. Thiếu tỉnh táo, làm sao có thể làm chính trị nổi.

Của biếu là của lo, của cho là của nợ. Và bây giờ, khi đã trả xe rồi, đã trả được một phần nợ rồi (vẫn còn nợ nhân dân một công bố minh bạch về mối quan hệ với DN suốt thời gian qua), cái của ấy bỗng thành "của nợ" thực sự với mỗi tỉnh. Cái nợ ấy dai dẳng vì nó cứ canh cánh trong lòng người đã trót đưa tay nhận quà. Muốn hết nợ ư, có chăng chỉ có cách đợi đến lúc mình không còn là người đương nhiệm nữa...

Hà Quang Minh
.
.