Môi trường không phải là vô hình

Thái đội của chúng ta

Thứ Năm, 19/05/2016, 15:47
Chưa có một khảo sát chính thức nào về tình trạng người tham gia giao thông ở Hà Nội bị văng nước miếng do người đi trước bất thình lình phun. 


Tôi tham khảo bạn bè và người thân thì tuyệt đại đa số thừa nhận đã ít nhất 1 lần “dính chưởng", người bị nhiều nhất thì không nhớ nổi nhưng không dưới 6. Vậy đó, cách hành xử đơn giản nhất là đẩy thứ lợm giọng một cách văn minh thôi còn có vẻ chưa bao giờ đơn giản trong môi trường đô thị.

Lần gần đây tôi đi bộ dạo mát buổi tối, ngang qua phố Hàng Bông, bỗng có một thứ gì đó to lớn, nặng ướt rơi bịch phát trúng vai, thoáng nghĩ nhanh "siêu nhân" nào nhổ được miếng nước kinh hoàng vậy? Không phải, chính xác hơn đó là bịch bỉm trẻ con đã qua sử dụng, chất bẩn mang màu hoa cải bên trong chỉ bung bét khi chạm đất.

Tôi đứng lặng 10 giây rồi đảo mắt cho yên tâm không bị dính lên người mới hẵng giọng lên cao: "Ai ném thò mặt ra?".

Không có ai cả, chỉ có ô cửa sổ bỗng tắt đèn. Tỷ lệ dân phố cổ bị rác ném trúng người có vẻ thấp, thường chỉ bịch bịch xung quanh nhưng hầu hết đều đã từng chứng kiến. Ngoài phi rác qua cửa sổ, thì còn vấn nạn xả thải động vật mèo chết, chuột chết ra đường. 

Dòng xe qua lại kết hợp cái nắng hanh hao, lãng mạn của Hà Nội nhanh chóng trong vài chục phút hô biến bất kể chuột to nhỏ. Mèo, chuột và nhiều thú nuôi khác thuận theo một ca khúc lãng mạn rằng trở về với cát bụi được "tuần hoàn" hóa kiếp trong phổi người qua lại, rất có thể cả người thẳng tay ném chúng ra trước cửa nhà.

Đầu ngõ nhà tôi trên phố Lý Nam Đế có cái xe rác. Người nhặc rác tái chế tại thùng xe này chỉ vỏn vẹn 3 thân phận yếu đuối. Một ông già, một anh thanh niên mất cánh tay trái và hai mẹ con. Có lẽ, đây là thùng rác duy nhất khu vực phố cổ không bị cạnh tranh bởi nó khuất nẻo.

Hai mẹ con cõng nhau hằng đêm nhặt muộn nhất, tầm ngoài 10 giờ tối, kể cả mấy hôm mưa lạnh vừa rồi họ vẫn đến đúng giờ, cần mẫn bới và nhặt. Người trong khu tập thể đều bỏ rác phân loại sẵn, thủy tinh, nhựa, rác rau dưa vứt hẳn... Mấy cụ hưu trí nhà có giỗ chạp thường cẩn thận gói riêng lon bia nhôm vào bịch đưa tận tay phần cho hai mẹ con.

Thế giới người ta đang quan niệm văn minh là bom nguyên tử, là Internet, là mạng xã hội và biết xếp hàng. Tôi nghĩ có lẽ, sống ở đất nước ta giờ chỉ cần biết xả chất thải đúng cách đã là văn minh bước một, rất đáng được trân trọng.

Minh họa: Hữu Khoa.

Mùa đông năm 2006, nhằm đúng cái đêm lạnh nhất, tôi mò xuống bãi rác Nam Sơn.”Thùng rác” của cả Hà Nội mỗi ngày tiếp nhận hơn 600 chuyến xe chở theo xấp xỉ 3.000 tấn rác thải các loại.

Tôi chọn đêm lạnh vì khi ấy rác phân hủy kém hơn ngày nóng hay khi mặt trời ló rạng, sẽ bớt ngộp thở. Ông Chính - phó giám đốc khu xử lý rác thải, nguyên là trưởng công an xã - đón tôi. Tất nhiên, việc lựa chọn một ông trưởng công an xã làm quản lí khu này là hoàn toàn hợp lý bởi không ai hiểu dân địa phương hơn ông. Bãi thải rộng hàng chục héc-ta, rãnh hào ngăn rác với xung quanh lệt sệt nước thải đặc như cháo, mùi thì miễn bàn. Khi lấy đất làm bãi rác, dân phản đối ghê lắm nhưng dường như không còn lựa chọn nào khác rồi mọi chuyện cũng tạm ổn. 

Có đận mưa lớn, nước rác, cái chất nhầy kinh khủng đó hòa cùng mưa tràn ra khu dân cư, hoa màu chết sạch, thối nhức mũi. Dân không chịu nổi, họ phản đối, đền bù xong thì lại có tai nạn giao thông giữa xe chở rác với dân địa phương. Người ta chặn luôn không cho xe vào bãi nữa. 

Hà Nội đận ấy rác ngổn ngang bởi không chỗ đổ. Ông Chính kể phải quỳ từ đầu làng vào tận nhà nạn nhân xin lỗi mới "giải cứu" được thành phố khỏi rác. Tôi tin rằng, thời ấy nếu có mạng xã hội, có lẽ sẽ là một cuộc khủng hoảng rác và các anh hùng bàn phím hẳn sẽ rất bận rộn.

Thế giới quan của tôi về môi trường về cơ bản rất đơn giản và nhỏ bé như vậy, đổ rác đúng chỗ, tiết kiệm nước và tắt động cơ xe máy khi dừng đèn đỏ.

Qua thời gian, môi trường sống đang rất cải thiện. Tôi nghĩ thế hệ của con tôi phải có nhiều niềm tin hơn, phải có nhiều lý do để hưởng thụ môi trường sống tại Việt Nam hơn, bởi kinh tế của chúng ta phát triển, chất lượng sống của chúng ta phải tăng lên.

Nhưng có vẻ như chính cách xử lý những hoài nghi từ người dân về hiện trạng vĩ mô của môi trường đang khiến chúng tăng lên. Trước một vấn đề của xã hội, cho dù lớn hay nhỏ, tôi thường thấy những câu trả lời chính thức được đưa ra rất chậm. Tôi thậm chí còn không biết là chất lượng sống của mình tăng lên hay giảm đi vì chẳng ai phân tích cho tôi điều đó. Tôi cứ thấy sự hoang mang hiển hiện ở những người xung quanh.

Bãi rác Nam Sơn hay môi trường của khu phố quanh tôi có bẩn thỉu, bừa bộn bởi rác, bởi ý thức của hàng xóm như thế nào nhìn thấy ngay, bẩn là quét, rác thải luôn là vấn đề hai mặt với cuộc sống và chả có lý do để lo âu bởi có lo thì vẫn cứ phải đổ rác.

Mấy ngày nay đọc báo, nghe đài thấy sự lúng túng của cơ quan chức năng về giải đáp vấn đề môi trường bỗng lờ mờ trước mắt những hiểm họa không nhìn được bằng mắt. Và sự lo âu chẳng thể giảm bớt?

Hoàng Minh Trí
.
.