Môi trường không phải là vô hình

Bức tử môi trường

Thứ Ba, 17/05/2016, 10:42
1. Khoảng 10 năm trước, khi còn đang học chuyên ngành Môi trường tại một trường đại học, sinh viên chúng tôi thường xuyên được các giảng viên khích lệ tinh thần học tập rằng: "Các em cố gắng học, tương lai chục năm nữa thì ngành Môi trường nước ta sẽ "hot" lắm đấy". Và sự thật hôm nay đã là như vậy!

Tất nhiên, không phải các giảng viên của chúng tôi có khả năng tiên đoán vị lai mà đó là những dự báo mang tính khoa học, xuất phát từ cách con người đang đối xử với môi trường, một cách khá vô ý thức và tệ bạc. Đó là nạn chặt phá rừng, là xả thải của hàng loạt nhà máy, xí nghiệp trong cơn sốt công nghiệp hóa, là vấn đề phát triển thủy điện liên hồi, đến vấn đề nhỏ như xả rác bừa bãi của người dân... Tất cả những hành động đó đang đầu độc môi trường một cách âm thầm, từng ngày, từng ngày.

Mới đây, cả xã hội như lên cơn sốt vì chuyện cá chết hàng loạt ở biển Hà Tĩnh. Và, sau phát ngôn "lỡ mồm" của một lãnh đạo Formosa - ông Chu Xuân Phàm - về việc "chọn cá hay nhà máy" thì công ty này lập tức trở thành tâm điểm lên án của dư luận.

Nhưng, dẫu chưa có kết luận chính thức gì về tội ác với môi trường của Formosa thì người ta cũng đã và đang lên án công ty này như thể đó chắc chắn là nguyên nhân. Đám đông hô hào "Chúng tôi chọn biển, chọn cá" rồi kêu gọi "Formosa hãy cút khỏi Việt Nam"... xuất hiện tràn ngập trên mạng xã hội.

Nhưng thực tế thì nào có phải mỗi Formosa có khả năng đầu độc môi trường. Hàng trăm, hàng nghìn các nhà máy, xí nghiệp khác cũng có thể đang hằng ngày làm điều đó. Dân làm môi trường không ai không biết một thực tế động trời rằng, rất nhiều nhà máy, xí nghiệp hiện nay chỉ đầu tư hệ thống xử lý nước thải cho đúng quy định nhưng hiếm khi dùng đến.

Lý do là chi phí xử lý nước thải rất đắt tiền, nó đắt hơn nhiều lần so với số tiền phạt khi họ xui rủi bị đoàn kiểm tra đột xuất phát hiện. Vì thế, họ sẵn sàng chịu phạt và cứ xả thải ra môi trường. Hệ thống xử lý chỉ vận hành khi đến thời hạn có đoàn kiểm tra.

Điều đó giải thích vì sao nhà máy, xí nghiệp nào cũng có hệ thống xử lý nước thải, song những con sông, những con kênh xanh xanh thì cứ chết dần theo tuổi thọ của các nhà máy đó. Mà đoàn kiểm tra nào về cũng báo cáo là nhà máy đã xả thải đúng chuẩn.

Minh họa: Hữu Khoa.

Nói như thế để thấy rằng, môi trường sống hằng ngày của chúng ta đang bị đầu độc khủng khiếp đến thế nào.

Lỗi đầu tiên tất nhiên là ở các ông chủ của các nhà máy, xí nghiệp, họ vì hám lợi mà bất chấp. Song, doanh nghiệp nào mà không đặt lợi nhuận lên hàng đầu, thế nên trong câu chuyện xả thải này, việc kiểm soát của chính quyền địa phương mới là vấn đề đáng nói nhất.

Khi sự kiểm soát về tác động môi trường còn quá lỏng lẻo, khi có quá nhiều những cái "bắt tay trong bóng tối" giữa nhà chức trách và doanh nghiệp thì chuyện những con sông, bầu khí quyển bị hạ độc hằng ngày là chuyện tất yếu.

2. Nhưng hiện nay, đâu phải chỉ vấn đề xả thải ô nhiễm mới tác động đến môi trường sống mà những tác động của biến đổi khí hậu cũng đang gây ra những thiệt hại rất nặng nề. Vì vậy, nếu không thay đổi nhận thức về môi trường, chúng ta sẽ phải chịu ảnh hưởng khủng khiếp từ nó.

Hạn hán, xâm nhập mặn đã hoành hành tại miền Tây Nam bộ và Tây Nguyên trong nhiều tháng nay. Nó khiến cho những cánh đồng lúa chết khô trước khi kịp ôm đòng, những con kênh kiệt nước, trong khi đó, bao đời nay người ta gọi miền Tây là "miền sông nước" với dòng Cửu Long dồi dào; còn Tây Nguyên thì đang rất khát do nước mặt thì bị thủy điện giữ lại và nước ngầm thì bị cà phê hút kiệt, kết quả là hàng trăm nghìn hecta cà phê sắp thành củi khô. Nước giếng sinh hoạt cũng cạn, khoan sâu vào lòng đất mà cũng không thể tìm thấy nước đâu.

Ở miền Tây, "vựa lúa Đồng bằng sông Cửu Long" bị đe dọa, nguồn lợi thủy sản cũng đã cạn kiệt theo nguồn nước. Những người nông dân khóc trên cánh đồng của mình. Còn ở Tây Nguyên, cao nguyên xanh thắm của chàng Đăm San đã không còn. Chàng Đăm San kiêu dũng ấy thay vì đi tìm bắt nữ thần mặt trời về làm vợ lẽ thì bây giờ chàng đang bị nữ thần mặt trời thiêu đốt với cái nắng nóng khủng khiếp kéo dài.

Ở các dòng Cửu Long, thủy điện trên thượng nguồn Mê Kông đã chặn hết dòng nước, cá tôm và hàng triệu tấn phù sa đỏ mỗi năm đổ về. Cơn say thủy điện vẫn tiếp tục diễn ra ở thượng nguồn thuộc các nước Trung Quốc hay Lào, thế nên hạ lưu Mê Kông ở Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục còn kiệt hơn nữa. 

Biến đổi khí hậu thì vẫn chỉ mới ở những nốt nhạc dạo đầu. Cho nên, hạn hán và xâm nhập mặn sẽ còn diễn ra theo chiều hướng xấu hơn vào những năm sau.

Hôm rồi, tôi có trò chuyện với thầy dạy tôi ngày xưa, GS, TSKH Lê Huy Bá về vấn đề hạn hán và xâm nhập mặn ở Tây Nam Bộ, ông nói rằng, đã đến lúc nước ta nên quên đi "vựa lúa miền Nam" vì thiên thời, địa lợi đã không còn nữa.

Cụ thể là chúng ta phải thu hẹp diện tích trồng lúa, chỉ giữ một diện tích nhất định dạng "bờ xôi ruộng mật" để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực quốc gia. Còn lại thì chuyển sang nuôi trồng thủy sản và chuyển đổi giống cây trồng thích hợp.

Ông nói, con người chỉ có cách duy nhất là phải thích nghi, chung sống với biến đổi khí hậu chứ không thể nào chống lại biến đổi khí hậu được! Do đó, những hô hào "chống biến đổi khí hậu" thật ra là vô nghĩa, và thay vì than vãn, trách móc ông trời thì hãy quyết liệt thay đổi để thích nghi.

3. Và vấn đề sau cùng là ý thức của con người với môi trường. Hẳn là những ai từng đến các vùng trồng trọt ở nông thôn thì sẽ không xa lạ gì với hình ảnh những chai thuốc trừ sâu nằm ngổn ngang khắp ruộng đồng. 

Theo thống kê, có đến khoảng 50% diện tích đất trên toàn quốc bị thoái hóa, ô nhiễm, trong đó chủ yếu là đất ở nông thôn. Nguyên nhân được xác định là do lạm dụng phân hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Cụ thể là ở Đồng Tháp, một tỉnh trồng lúa điển hình ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long thì có đến 60% mẫu đất nhiễm axen vượt ngưỡng cho phép.

Rồi người ta hô hào nhau là chọn biển, chọn cá, tôm nhưng hành động thực tế thì gần như hoàn toàn ngược lại. Những hình ảnh ở bãi biển sau kỳ nghỉ lễ 30/4 - 1/5 vừa qua đã cho thấy điều đó, người ta ăn uống vui chơi và xả rác một cách hết sức bừa bãi.

Cho nên, khi ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường sống trong mỗi cá nhân còn quá kém thì chẳng cần đợi gì đến sự đầu độc từ những nhà máy, xí nghiệp, môi trường của chúng ta cũng đã chết bởi chính bàn tay của chúng ta rồi!

Hoàng Lãm
.
.