Môi trường không phải là vô hình

Và nếu, ta nhìn thấy…

Thứ Sáu, 13/05/2016, 10:33
Môi trường, vốn dĩ là thứ tưởng chừng như vô hình lẫn trừu tượng. Cho đến lúc ta kịp thấy thì muộn màng lắm rồi.

1. Mấy năm trước, tôi được lãnh đạo Ban Biên tập phân công theo sát vụ Công ty Vedan cùng các công ty khác xả thải gây ô nhiễm sông Thị Vải (Đồng Nai), phải chứng kiến một con sông chết, phải chứng kiến hệ thống cống thải bốc mùi hôi thối, phải chứng kiến những con cá rữa nát trên sông, bạn mới hiểu cái giá mà chúng ta phải đánh đổi cho công nghiệp là đắt như thế nào.

Hai tuần trước, tôi đi công tác ở Tây Nguyên, tỉnh Gia Lai. Thị xã Pleiku mười mấy năm rồi mới ngồi lại, lần đầu tiên cảm thấy thị xã nóng bức, 35 độ lúc 18 giờ. Cố thi sĩ Vũ Hữu Định năm xưa viết về Pleiku: "Ở đây buổi chiều quanh năm mùa đông". Có lẽ là may mắn, khi thi sĩ Vũ Hữu Định không phải chứng kiến một Pleiku, một Gia Lai xơ xác như bây giờ.

Từ thị trấn Chư Sê, chạy về xã H'Bông - điểm hạn của Gia Lai - chỉ thấy một vùng cỏ khô cây rũ. Vào làng K'Te còn buồn hơn.

Ksor Huỳnh, 19 tuổi, người Gia Rai. Những tháng ngày làng K'Tê còn nước, vợ chồng Ksor Huỳnh làm mướn. Họ làm những việc như bẻ bắp, nhổ mì cho người trong làng, tiền công 120 ngàn/ngày. Trước cửa căn chòi gỗ bé xíu, cáu bẩn và thấp lè tè của Ksor Huỳnh là nửa bao phân bò khô. 

Từ chiều qua đến trưa nay, Ksor Huỳnh lượm được bấy nhiêu phân bò. Nếu đầy bao, Ksor Huỳnh sẽ bán cho đại lý với giá 40 nghìn đồng. Trong chòi, chồng của Ksor Huỳnh đang ru cậu con nhỏ ngủ. Cạnh bên là cô con gái lẫm chẫm chơi tha thẩn bên hai can nước sinh hoạt chồng của Ksor Huỳnh vừa lấy về từ cái hồ dã chiến. Nước do bộ đội của huyện chở về làng.

Minh họa: Hữu Khoa.

Nhà Siu Vong có 8 nhân khẩu, cả mẹ già và con thơ. Siu Vong vay tiền khoan giếng, 400 ngàn/mét. Khoan mấy chục mét thấy nước, nước bơm được ba thau thì cạn. 

Ngay sân nhà Siu Vong, bộ đội dùng xe cạp đất cạp cái hố sâu. Hố được lót vải bạt, xe của bộ đội chở nước từ đập thủy lợi dưới chân đèo Chư Sê về đổ vào. Nước màu nhờ nhờ, vừa để tưới tiêu, vừa để sinh hoạt. Một xe chở được 3 bồn nước, 6 nghìn lít, loáng cái hết ngay. Cây tiêu của vùng H'Bông khát nước chết dần mòn.

Căn chòi trong vườn tiêu của Ma Nhuốc bỏ hoang mấy tháng nay, mấy trăm gốc tiêu chết khô giòn. Rải rác trong vườn tiêu là những cái giếng khoan bỏ dở vì không tìm thấy nguồn nước.

Vài người Kinh trong làng hùn tiền lại, tìm vào sâu trong khu vực gần suối mua đất. Họ đào ao, khoan giếng với độ sâu cả trăm mét mới có nước. Nước hút lên đổ vào ao, từ ao theo đường ống nhựa dài 2km về tưới cho vườn tiêu. Mà cũng không đủ nước tưới cho toàn bộ, chỉ tưới tiêu con, tiêu già đành bỏ mặc. 1 ngàn gốc tiêu nhà bà Hoa, bây giờ còn hơn 500 gốc. Chồng bà cùng bạn bè đã tốn cả trăm triệu tìm nước.

Trưởng làng Siu Loan vừa đi nương về, đói run. Nương của trưởng thôn không còn gì cả, trưởng thôn lên để gom những cành cây cháy dở mang về. Mấy tháng trước, trưởng thôn thu hoạch củ mì bán với giá hơn 2 ngàn/kg, lỗ nặng. Mì không có nước củ nhỏ, èo uột, thuơng lái không chuộng.

Lúa sáu tháng ở làng K'Te, nơi ngày ngày Ksor Huỳnh đi nhặt phân bò, hộ thu được nhiều nhất là 12 bao. Còn lại, ăn gạo cứu đói. Từ tết đến nay đã cứu đói 3 đợt, một khẩu 15kg.

Cơn mưa cuối cùng mà làng K'Tê cũng như toàn xã H'Bông đón nhận là vào ngày 16-10-2015, mưa lây rây không đủ ướt áo. Ông Chủ tịch xã H'Bông nói với tôi: "Không thể tin được cả năm 2015 địa phương của chúng tôi chỉ có 4 cây mưa".

Ở Đắk Lắk, những con bò đang chết vì thiếu nước, thiếu cỏ, những rẫy cà phê đang chết vì thiếu nước, những cánh rừng đã chết vì không còn cây xanh, những người dân quê tha phương cầu thực.

Ở miền Tây, ở Vũng Áng (Hà Tĩnh), ở Quảng Bình, ở Quảng Trị, ở Thừa Thiên Huế... chưa bao giờ môi trường của chúng ta lâm vào thảm cảnh như hiện tại.

2. Có một điều quan trọng, những vấn đề liên quan đến môi trường là những thứ không thể che giấu hay qua loa bỏ đi được. Không ai đủ lớn để che đi biển, không ai đủ cao để che đi rừng, không ai đủ khả năng để che đi mạch nước khô hay những cái miệng người chực chờ đói.

Viết thì bảo là bàn chuyện vĩ mô, nhưng môi trường đích xác là của nả chúng ta để dành lại cho con cháu. Con cháu của chúng ta chứ không phải con cháu của ai khác đâu, đó là con của tôi, con của anh chị, con của mọi người. Đó là huyết thống ruột thịt, đó là người thân yêu của chúng ta.

Thay đổi thói quen là điều đầu tiên phải làm, phải tiết kiệm nước sinh hoạt, phải ngưng xả rác bừa bãi, hoạt động công nghiệp lẫn nông nghiệp đúng cách, hợp pháp, phải tự ý thức mỗi cá nhân là một chiến binh gìn giữ môi trường. Như cách mà tôi dạy con trai mình nhét vỏ kẹo vào túi quần vậy.

Quan trọng hơn nữa, là phải minh bạch thông tin. Thông tin có đớn đau đến chừng nào vẫn phải minh bạch, minh bạch để cùng nhau giải quyết. Không thể nào trấn an đám đông mọi thứ vẫn ổn khi mà sự việc hiện tượng trước mặt lại diễn ra theo chiều hướng hoàn toàn bất ổn.

Đây là thời điểm buồn nhưng đây cũng là thời điểm rất tốt để chúng ta minh bạch với nhau. Hoặc ít ra, tập cách minh bạch với nhau.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.