Thời của Livestream

Livestream nông nổi

Thứ Năm, 05/01/2017, 10:07
Livestream thì không có gì để bàn nhưng chuyện gì cũng đem ra "live" thì rõ ràng là có vấn đề!

Bây giờ đang là thời điểm mà bất cứ chuyện gì người ta cũng lên Facebook để livestream (truyền hình trực tiếp), mỗi cá nhân sở hữu một kênh sóng truyền thông, mỗi cá nhân sở hữu một phương tiện thông tin. Hỉ nộ ái ố cũng từ đấy mà ra cả.


1. Bây giờ, mở Facebook ra là thấy người người đang trong tình trạng "phát trực tiếp" - livestream. Ra đời cách đây chưa lâu nhưng tính năng này của Facebook đang trở thành một cơn sốt thật sự với các facebooker. 

Người ta vui thì livestream kể vui, buồn thì kể buồn, có những người không buồn, không vui cũng thích livestream và nói những vô vị; hoặc khi đang xem một show diễn hay đang du ngoạn nơi nào... người ta cũng livestream để khoe. Nói chung, người ta nghiện lướt Facebook thế nào thì bây giờ cũng nghiện livestream như thế. 

Thật ra, tính năng livestream trên Facebook rất hữu dụng chứ không hề xấu xí như những gì mà một số nhân vật đã vô tình tô vẽ lên nó. Livestream cho phép người dùng tự quay video và phát trực tiếp để chia sẻ đến bạn bè, người thân biết về cuộc sống, tâm tư, suy nghĩ của họ. Nó giúp kết nối trực tiếp, chân thực giữa mọi người với nhau hơn.

Cũng phải nói thêm rằng, livestream ra đời đã khiến truyền hình bị đe dọa hơn bao giờ hết khi mà các nhà đài không còn ở thế độc quyền trong việc phát sóng trực tiếp. Livestream không những đưa thông tin nhanh chóng, chính xác và chân thực nhất đối với một sự kiện đang diễn ra mà nó còn giúp người dùng có thể thoải mái tua lại nếu cần. 

Minh họa: Lê Phương.

Livestream cũng không giới hạn thời gian, vùng lãnh thổ như trên kênh truyền hình; và một điều đặc biệt nữa khiến livestream trở nên cuốn hút vô cùng đó chính là người dùng có thể trực tiếp cùng nhau tương tác, thảo luận - điều mà không kênh truyền hình trực tiếp nào có thể làm nhanh và hay hơn như thế.

Ở Việt Nam thời gian qua, hình thức livestream cũng đang trở thành một xu hướng khá nổi bật. Người đón đầu cơn gió chính là Sơn Tùng M-TP với việc livestream buổi ra mắt MV Âm thầm bên em vào đầu tháng 8-2015 và ngay lập lượng view của lần livestream đó là kỉ lục. Noo Phước Thịnh cũng áp dụng hình thức này với việc ra mắt MV Xin đừng buông tay trên Facebook...

Ngoài ra, một số chương trình lớn cũng đã áp dụng livestream để kết nối với khán giả. Đó là liveshow Ngày xanh của 4 diva Hà Nội, lễ trao giải POPS Awards 2015, giải Làn sóng xanh, Zing Music Awards, Mai vàng... Tất nhiên, hiệu quả đem lại với những chương trình này là rõ ràng, điều này được thể hiện qua lượt xem.

Facebook đang là mạng xã hội lớn nhất hành tinh với 1,65 tỷ người dùng hằng tháng. Và với việc chỉ cần "lướt" Facebook một vòng, người dùng có thể theo dõi được chuyện gì, đang diễn ra như thế nào, ở đâu một cách vô cùng chân thực thì đó cũng là báo hiệu một ngày tàn của các kênh truyền hình truyền thống.

2. Tuy nhiên, cũng như Facebook, không phải ai dùng cũng đủ văn minh và ý thức, việc livestream cũng như vậy. Như đã nói, bất kỳ hoạt động nào trong cuộc sống đều có thể trở thành chủ đề livestream, thậm chí với những chuyện vốn rất riêng tư trong gia đình cũng được người ta mang ra livestream. 

Và ngày nay, có vẻ như người dùng livestream với mục đích tích cực và trong sáng thì ít, người lợi dụng, lạm dụng nó thì nhiều.

Nếu như trước đây, mặt tiêu cực của livestream thường nằm ở chỗ các cô gái dùng nó để "show hàng" nhằm mục đích "câu like" thì giờ đây còn có nhiều chuyện dở khóc dở cười hơn rất nhiều.

Nóng nhất gần đây phải kể đến đó là livestream của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng về chuyện nợ nần của mẹ. Chỉ sau 2 giờ đăng tải, đoạn clip dài 20 phút của anh thu hút nửa triệu lượt xem với hàng chục nghìn lượt like, bình luận và chia sẻ. 

Trong lúc tâm sự, Đàm Vĩnh Hưng xúc động, nghẹn ngào mà bật khóc trước sự chứng kiến của hàng chục nghìn người hâm mộ. Việc làm này khiến anh nhận được nhiều lời động viên, chia sẻ của những người yêu thương và cả những lời chỉ trích, "gạch đá" từ dư luận.

Rồi đến hotgirl Hà Lade livestream quá trình làm răng giả của mình (!?). Mọi người liên tục đặt ra những câu hỏi và bình luận về clip này: "Không còn gì để live nữa sao?", "Hết chủ đề hay sao mà live cả cái cảnh này vậy?", "Mục đích là gì vậy?"... Người ta nghi ngờ hotgirl này đang PR cho một tiệm răng-hàm-mặt nào đó.

Rồi chuyện vợ chồng cãi vã nhau cũng được lôi ra livestream. Như chuyện một hotgirl khác của showbiz Việt là Lâm Á Hân đã livestream cảnh cãi nhau, chửi bới của người chồng trên trang cá nhân. Đoạn clip này và một loạt tình tiết, sự việc sau đó đã thu hút truyền thông, dư luận trong nhiều ngày. 

Nhưng sau cùng, khi những hình ảnh cô tay trong tay đi ăn cùng chồng xuất hiện trên mạng, nhiều người đã không khỏi nghi ngờ rằng đây là clip dàn dựng với mục đích câu like bán hàng bởi nàng hotgirl này có shop quần áo - chi tiết được nhắc đến rất nhiều trong clip livestream.

Một tình huống dở khóc dở cười khác gần đây đó là có đôi nam nữ nọ đã livestream cầu cứu mọi người trong nước mắt vì bị gia đình ngăn cấm. Đôi nam nữ mặc dù nhận được sự ủng hộ của mọi người trong chuyện tình cảm, nhưng vô tình lại "vạch áo cho người xem lưng", khiến gia đình hai bên bỗng trở thành trò đùa cho thiên hạ bàn tán.

Livestream thì không có gì để bàn nhưng chuyện gì cũng đem ra "live" như những trường hợp kể trên thì rõ ràng là có vấn đề! Điển hình như ở câu chuyện Mr.Đàm livestream tố mẹ ruột, về bản chất sự việc thì anh không sai. Nhưng nam ca sĩ lại sai ở cách chia sẻ với công chúng. Đó là Đàm Vĩnh Hưng hơi thái quá trong cách nói về mẹ, rồi cách anh thu phát trực tiếp tới gần nửa tiếng đồng hồ khiến câu chuyện được tô vẽ, và thành ra là đang "diễn".

Trong khi đó, nếu cách chia sẻ với công chúng khéo léo hơn, chừng mực hơn bằng cách nhấn mạnh nội dung này vào một cuộc phỏng vấn, hay có sự phát ngôn qua một tờ báo uy tín thì mọi thứ sẽ không bị đẩy lên cao trào và không trở nên thái quá. Và khi đó, câu chuyện mới thật sự chỉ là một lời cảnh tỉnh tới những người hâm mộ, tới những người có thể đang và sẽ bị lừa cho vay tiền.

Việc livestream cũng như dùng Facebook trước đây, chia sẻ điều gì cũng rất cần được cân nhắc. Đành rằng, không thể kết luận về một con người chỉ qua Facebook của họ, song cũng thật khó để có thể có những đánh giá tích cực với một con người khi Facebook họ tràn lan những clip livestream kiểu hết sức ngớ ngẩn!

Hoàng Lãm
.
.