Thời của Livestream

Câu trả lời chúng ta đều biết cả

Chủ Nhật, 01/01/2017, 09:58
Khi cái tàn bạo nhất, là chiến chinh, cũng có thể trở thành nội dung livestream câu khách, thì hệ quả của nó là thù hận liên hoàn, như phát súng ở Thổ Nhĩ Kỳ hay chiếc xe ở Berlin hay không? Câu trả lời, thực ra, bạn biết, tôi biết, tất cả chúng ta cùng biết... 

Bây giờ đang là thời điểm mà bất cứ chuyện gì người ta cũng lên Facebook để livestream (truyền hình trực tiếp), mỗi cá nhân sở hữu một kênh sóng truyền thông, mỗi cá nhân sở hữu một phương tiện thông tin. Hỉ nộ ái ố cũng từ đấy mà ra cả.

Khi Đàm Vĩnh Hưng đưa đoạn video trực tiếp thời gian thực (real-time livestream video) lên Facebook cá nhân, nói về câu chuyện nợ nần khổ sở mà anh phải gánh thay mẹ suốt 30 năm qua, tôi lập tức nhắn tin cho người phụ trách truyền thông của Hưng. "Em à, tìm cách nào đi. Đừng để báo chí vào cuộc soi mói thêm nữa, sẽ rất khổ cho anh Hưng", tôi nhắn vậy. 

Người quản lý truyền thông ấy chỉ có thể trả lời tôi bằng mấy tiếng: "Khổ lắm anh ạ". Tôi biết điều tôi nói là vô ích. Không cách gì ngăn cản được báo chí vào cuộc, khi chế độ video của Đàm Vĩnh Hưng là "công khai" (public). Nhưng tôi nói ra điều đó vì tôi sợ. Tôi sợ những ồn ào theo kiểu scandal của showbiz. Cuộc sống này biết bao điều chúng ta cần quan tâm mà chỉ cần một ồn ào showbiz thôi, nó dập cho tàn lụi hết cả.

Không nói đến chuyện đúng hay sai trong lựa chọn của Đàm Vĩnh Hưng nữa, vì thực sự chúng ta không ở trong cuộc, chúng ta không thể nói được. Nhưng để nói về livestream thì có lẽ hoàn toàn phù hợp. Khi công nghệ, mạng xã hội cho người ta một nền tảng miễn phí để truyền tải những thông điệp của mình, con người ta dễ ngập sâu vào cái tiện dụng ấy lắm. Để rồi từ đó, hệ lụy cũng ra đời.

Khi chiếc máy truyền hình ra đời, nhân loại háo hức với nó kinh khủng. Và giai đoạn sơ khởi của truyền hình bắt đầu từ đó, với những hình ảnh chuyển động trong chiếc hộp. Người ta say mê xem những hình ảnh đó, bất chấp nội dung có nghèo nàn thế nào. 

Minh họa: Lê Phương.

Rồi giai đoạn thứ hai bùng nổ, vào khoảng thập niên 50 thế kỷ trước, giai đoạn của những soap-opera, những TV series dài dằng dặc, nối tiếp nhau, chủ yếu phục vụ các bà nội trợ. Nên gọi chúng là soap-opera cũng là vì thế. Gắn liền với các series dài dằng dặc ấy là các quảng cáo xà phòng, nước rửa chén, đồ gia dụng, những thứ mà khán giả của chúng rất quan tâm.

Giai đoạn thứ ba là giai đoạn người dùng đòi hỏi cao hơn, họ muốn nhìn vào lỗ khóa nhà người khác để xem thực tế là gì. Và show truyền hình thực tế bùng nổ. Ở giai đoạn thứ tư, giai đoạn chủ nghĩa pseudomordernism (hiện đại trá ngụy) lên ngôi, người dùng muốn can thiệp vào nội dung, định hướng nội dung. Và các bình luận, lựa chọn của khán giả chính là điểm quyết định đường đi của các câu chuyện truyền hình. 

Rồi giai đoạn ấy cũng qua nhanh, để nối tiếp bằng thứ trá ngụy hiện đại thời gian thực, tức là mọi thứ phải "live", phải trực tiếp. Người ta ngủ nghê với nhau trên sóng trực tiếp của các show truyền hình thực tế trong tiếng ố á ngạc nhiên của đồng loại dõi theo. Hầu như tuần nào báo chí lá cải phương Tây cũng có một câu chuyện như thế về các show truyền hình thực tế trực tiếp. 

Nhưng giai đoạn đó tàn cũng nhanh, khi YouTube chính thức ra mắt để tất cả các nền tảng mạng xã hội chạy đua bằng video. Nếu ngày xưa, mạng xã hội chỉ là lời được ký tự hóa, thì trải qua rất nhanh, lời được ghi âm, hình ảnh tĩnh, nó vươn tới cái đích tàn bạo của truyền hình: hình ảnh động, trực tiếp, ngay lập tức...

Nó đánh vào nhu cầu cơ bản của con người, nhu cầu muốn thu hút đám đông xung quanh mình, nhu cầu muốn được xuất hiện thành tâm điểm với một câu chuyện thực tế đến giật mình. Dễ hiểu, con người nào cũng đều đáng thương cả, vì họ cảm nhận sự tồn tại phi lý của bản thân mình trong xã hội và họ khát vọng được đánh dấu sự tồn tại của mình để chống lại cái phi lý ấy. Nhưng họ có cách nào để làm được điều đó đây? 

Trở thành một người nổi danh bởi một năng lực mạnh mẽ nào đó ư? Đó là thứ biệt đãi của tự nhiên chỉ dành cho một số rất ít, rất hiếm hoi. Và khi những người làm công nghệ nghiên cứu được thuộc tính con người đó, họ cung cấp cho tất cả những kẻ cô độc đang vô thức cảm thấy mình tồn tại một cách phi lý kia một công cụ. 

Hãy mở camera lên đi, từ chiếc điện thoại rẻ tiền cũng được, miễn là nó được gọi là "thông minh", và rồi hãy cho cả thế giới biết bạn đang làm gì đi. Lúc này, thông minh hay không, không còn quan trọng nữa. Cái chúng tôi cần chỉ là một nội dung.

Chúng ta nói về sự thay thế báo chí của mạng xã hội, và chúng ta sẽ còn phải nói về sự thay thế truyền hình của livestream. Không một phóng viên truyền hình nào năng động bằng một cá nhân đang ngồi trong quán café, lao ra bất chợt và livestream một tai nạn với chú thích đơn giản "đang diễn ra" ở đâu đó. 

Thậm chí, báo chí, truyền hình còn phải khai thác lại, thậm chí trả tiền để khai thác lại, các nội dung ấy. Điều đó càng thúc đẩy hơn những người hoàn toàn có khả năng livestream và khi không có biến cố, họ sẽ lấy chính mình ra làm biến cố.

Tôi muốn kết thúc câu chuyện này bằng sự kiện tháng 9-2009, đó là thời điểm đánh dấu những buổi hòa nhạc livestream của nhiều nghệ sỹ nổi tiếng, điển hình là ban nhạc Foo Fighters. Họ diễn trong phòng thu âm, và livestream cho cả thế giới xem, tất nhiên là bạn phải đăng ký thuê bao và trả tiền. Người xem có thể bình luận, có thể yêu cầu trực tiếp các ca khúc, có thể yêu cầu nghe chuyện kể về các ca khúc.

Tuyệt vời, sẽ có người nói về ý tưởng sơ khởi mà giờ đã thành phổ biến ấy phải không nào? Sẽ có người bảo rằng đó là cách tiếp cận khán giả nhanh nhạy phải không nào?

Vâng, với tôi đó là sự tuyệt vời đến đỉnh cao. Khi bạn là người nghệ sỹ và đối diện bạn, trong buổi hòa nhạc của bạn, là những khán giả tròn xoe, tức là ống kính camera, bạn sẽ cảm nhận thế nào? Sự im lặng và cô đơn tuyệt đối.

Còn những khán giả, bạn sẽ thấy nó hơn gì một video ca nhạc được dàn dựng trước đây, ngoài cái tính "bất khả tiên đoán điều sắp xảy ra" của đoạn video ấy chỉ vì một thứ: trực tiếp. Nhưng bạn có ở trong không gian của âm nhạc hay không? Hay bạn chụp cái headphone lên và cô đơn tuyệt đối.

Công nghệ sinh ra để phục vụ con người. Đối diện công nghệ thế nào là một thử thách vĩ đại nhất mà thế hệ chúng ta phải trải qua. Và chúng ta đang trải qua nó thế nào? Khi tự chúng ta biến mình thành những người máy, từ kẻ đang làm livestream cho tới kẻ đang xem livestream, những người máy vô hồn, và vô tình để mình lạc vào sâu hơn trong lãnh địa của sự ác. 

Và nói về sự ác. Gần đây, có một trang tên Viral Mags, livestream cả cảnh lính phương Tây tham chiến ở Syria. Liệu rằng, khi cái tàn bạo nhất, là chiến chinh, cũng có thể trở thành nội dung livestream câu khách, thì hệ quả của nó là thù hận liên hoàn, như phát súng ở Thổ Nhĩ Kỳ hay chiếc xe ở Berlin hay không? Câu trả lời, thực ra, bạn biết, tôi biết, tất cả chúng ta cùng biết... 

Hà Quang Minh
.
.