Thời của Livestream

Từ livestream – nhìn về xu hướng thông tin mới

Thứ Năm, 29/12/2016, 10:35
Những cậu thiếu niên livestream chửi nhau, những cô nàng mới lớn livestream thoát y, những nghệ sĩ livestream để than vãn hoàn cảnh gia đình, doanh nhân livestream ghi lại cảnh nằm chờ cái chết đến vì cãi nhau với người tình…

Bây giờ đang là thời điểm mà bất cứ chuyện gì người ta cũng lên Facebook để livestream (truyền hình trực tiếp), mỗi cá nhân sở hữu một kênh sóng truyền thông, mỗi cá nhân sở hữu một phương tiện thông tin. Hỉ nộ ái ố cũng từ đấy mà ra cả.


Tuy nhiên, thoát khỏi những câu chuyện đời thường vụn vặt này thì sẽ thấy được một yếu tố khác đang hiện hữu. Đó chính là thế độc quyền của truyền thông chính thống đang bị lung lay dữ dội.

1. Khi ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng livestream trên Facebook về tình cảnh nợ nần của mẹ anh (mạn phép thưa với bạn đọc là tôi không bình luận về câu chuyện  này, tôi chỉ đang bàn đến khía cạnh thông tin), Tổng Biên tập một trang báo online đã viết trên Facebook, đại ý: "Đàm Vĩnh Hưng có mối quan hệ rất tốt với nhiều nhà báo, thậm chí là lãnh đạo cơ quan báo chí. Vậy tại sao anh ấy lại chọn cách livestream, liệu có phải đó là một tín hiệu để các cơ quan truyền thông nhìn nhận lại vai trò của mình".

Đây là một phát hiện rất hay, Đàm Vĩnh Hưng livestream không cần đến báo giới, báo giới vẫn phải hốt hoảng chạy theo sự kiện đó. Không cần điện thoại cho nhà báo kể lể sự tình, không cần nhờ vả, không cần một mối quan hệ, cá nhân vẫn có thể tạo nên một sự kiện. Đàm Vĩnh Hưng là người nổi tiếng, nên hãy nhìn một trường hợp không nổi tiếng để dễ hình dung hơn.

Có hai anh chị đang tuổi xuân phơi phới, họ yêu nhau và gia đình cấm cản. Hai anh chị đã quyết định livestream và cũng như trường hợp của Đàm Vĩnh Hưng, câu chuyện của họ đã thu hút được sự quan tâm của truyền thông và phần nào đã trở thành dòng chủ lưu của thông tin trên nhiều trang báo mạng lẫn Facebook trong quãng thời gian vài hôm.

Nghĩa là, một cá nhân có thể hoàn toàn chủ động biến mình thành một trung tâm của vấn đề thời sự nào đó mà không cần đến sự phát hiện của những nhà báo. Tất nhiên, không gì có thể thay thế thông tin trên báo giới được, nhất là xét theo quan điểm tin chính thống. Thế nhưng, đang nó những biến chuyển về mặt thông tin mà tôi nghĩ rằng sẽ rất đáng để lưu tâm.

Minh họa: Lê Phương.

2. Khi Facebook bắt đầu tăng cường tính năng tương tác bằng kỹ thuật livestream, tôi đã dự đoán sẽ có lúc người ta được chứng kiến một vụ tai nạn, một đám cháy, một lần cự cãi, xung đột... trực tiếp mà không cần đến tivi hay chương trình trực tiếp theo hình thức gõ chữ của các trang báo online. 

Điều này nghĩa là sự giám sát và phản ánh thái độ của công dân trước một vụ việc nào đó sẽ trở nên gắt gao hơn. Chính vì lẽ này, những người đang nắm vai trò quản lý, lãnh đạo cũng phải răn mình chỉn chu và có hành động, lời nói phù hợp hơn.

Không thể chối bỏ câu chuyện về những đoạn clip ghi lại nhiều hình ảnh không hay của một lãnh đạo này, của một cán bộ kia. Tuy nhiên, tính tương tác của những clip này không nhanh chóng như livestream, như Facebook.

Trong vụ cháy rất tang thương ở Hà Nội, một người bạn tôi đã livestream toàn bộ vụ việc này và rất nhiều trang báo mạng phải lấy lại đoạn hình ảnh đó. Người ta chia sẻ về vụ việc cũng rất nhiều.

Nếu trước kia chỉ có báo giới đóng vai trò giám sát thì hiện tại những cá nhân khác cũng hoàn toàn có thể làm được điều này với sự góp sức của công nghệ trên mạng xã hội. Chỉ cần một cái điện thoại có chức năng kết nối Internet và một tài khoản Facebook, thông tin lan tỏa từ đó rất khó kiểm soát.

3. Không có cách nào khác để đối trọng với sự giám sát này ngoài chuyện soi lại chính mình và bắt đầu giải quyết những vấn đề một cách minh bạch hơn.

Sự phản biện của báo giới trong một số vụ việc trọng điểm như vụ ông Vũ Minh Hoàng - Phó Vụ trưởng Vụ Kinh tế Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ, những vụ việc ông Vũ Đình Duy, ông Trịnh Xuân Thanh... dường như chưa đáp ứng được sự kỳ vọng, sự quan tâm của đông đảo nhân dân. Tôi viết điều này với tinh thần góp ý xây dựng cao độ, khi mà mặt trận truyền thông phần nào đó đang nhường sân cho những thông tin trên mạng xã hội.

Lấy ví dụ là vụ loan tin đổi tiền, đây là một tin đồn với hàm ý xấu, kẻ tung tin đã bị bắt giữ và điều tra. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là vì sao một tin đồn thiếu căn cứ đến vậy cũng có thể khiến đại diện Ngân hàng Nhà nước phải đăng đàn bác bỏ đến 5 lần. Thậm chí, Thủ tướng Chính phủ bận trăm công nghìn việc cũng phải lên tiếng trấn an.

Tôi có viết bài bình luận cho một tờ nhật báo xung quanh hình thức thông tin mới này với đại ý, có lẽ đã đến lúc phải có sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng và những tài khoản Facebook có lượng người theo dõi đông đảo, tạo được sự tin cậy để cùng giải quyết một vấn đề nào đó. Ngoại trừ phần góp sức của báo giới.

Rất chân thành, phải chấp nhận thực tế đây là thời điểm sự xê dịch chuyển đổi về phương thức truyền thông là rất nhanh chóng và thay đổi liên tục. Nếu như kiên quyết chối bỏ nó thì sẽ không có một hiệu ứng tích cực.

Bên cạnh sự giám sát giữa nói và làm khắt khe hơn từ phía nhân dân thì vẫn có thể tận dụng phương thức thông tin này để hướng đến cái chung với mục đích tích cực. Nhìn vào vụ việc đối tượng Nguyễn Thanh Dũng có hành vi xâm hại trẻ em sẽ thấy sức mạnh của phương tiện thông tin này ngay thôi mà.

Ngô Nguyệt Lãng
.
.