Liêm sỉ của quan nhân

Liêm sỉ để đâu?

Thứ Sáu, 23/09/2016, 18:07
Cổ nhân có câu: “Tâm nhận biết được đúng sai thì có thể xử sự được quyết đoán, người không quên liêm sỉ có thể ngẩng cao đầu”. Về mặt lý thuyết thì đúng, song thực tế thì có thấy ông quan nào đánh mất liêm sỉ mà phải hổ thẹn cúi đầu đâu?!

Trong bài viết của nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhân kỷ niệm 71 năm Ngày Quốc khánh (2/9/1945 - 2/9/2016) có đoạn kết rất hay: "Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có tài, có liêm sỉ và có khát vọng cống hiến, đó là những phẩm chất mà nhân dân trông đợi vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước". Cụm từ "có liêm sỉ" là nội hàm của chuyên đề này.


1. Người xưa bảo, liêm sỉ là đại tiết để con người nên người. Chữ “liêm” có nghĩa là liêm khiết. Một người liêm khiết luôn giữ cho nhân cách mình được vẹn toàn, không lợi dụng địa vị để chiếm công vi tư, để bóc lột nhũng nhiễu đồng loại. Còn “sỉ” là biết xấu hổ. Nhưng sự xấu hổ ở đây không phải là vì nghèo tiền bạc mà xấu hổ vì đã không làm tròn phận sự mình, xấu hổ vì những điếu xằng bậy mình đã làm.

Như vậy, làm người nếu không liêm thì cái gì cũng lấy cho mình, nếu không sỉ thì việc xấu xa gì cũng làm được. Với người thường, liêm sỉ đã là thước đo sự tử tế; còn với quan, chữ liêm sỉ còn quan trọng hơn gấp trăm lần bởi quan mà không liêm sỉ thì thiên hạ tất loạn, đất nước suy vong.

Mới đây, nhân Ngày Quốc khánh 2-9, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang có bài viết với nhiều gửi gắm về thời cuộc khiến người đọc vô cùng tâm đắc. Trong đó, ông viết một câu liên quan đến chữ “liêm sỉ” của người cán bộ: "Phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, có tài, có liêm sỉ và có khát vọng cống hiến, đó là những phẩm chất mà nhân dân trông đợi vào đội ngũ cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước".

Rõ ràng là làm cán bộ thì phải biết lấy việc phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân làm nhiệm vụ; song, để làm được điều đó thì ngoài có tài, cán bộ còn phải biết liêm sỉ.

Gương cán bộ liêm sỉ từ xưa đến nay có rất nhiều. Thời Lý, có một vị quan nổi tiếng bởi sự thanh liêm, chính trực, đó là cụ Tô Hiến Thành. Sử sách kể lại, khi ông lâm bệnh, tham tri chính sự Vũ Tán Đường sớm tối hầu hạ, còn quan đại thần Trần Trung Tá vì bận việc nước không đến được. 

Minh họa: Hữu Khoa.

Thái hậu hỏi: Khi ông chết, ai là người đáng thay ông? Tô Hiến Thành không do dự trả lời đó là Trần Trung Tá. Thái hậu ngạc nhiên bảo Vũ Tán Đường ngày đêm hầu hạ ông, tại sao không đề cử? Tô Hiến Thành trả lời: Thái hậu hỏi người thay thế tôi chứ có hỏi người hầu hạ tôi đâu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc từng tuyên bố trong cuộc họp báo thường kỳ tháng 7 của Chính phủ rằng, ông không nhận hoa chúc mừng, và dứt khoát không mua sắm ô tô mới. 

Thoạt nghe, người ta sẽ thấy điều ông nói rất bình thường, nhưng giữa lúc chuyện cán bộ lạm dụng mua sắm xe công, nhận quà cáp chúc mừng nhân ngày lễ lạt... thì mới thấy khâm phục quyết tâm này của người đứng đầu Chính phủ.

Làm một cán bộ thanh liêm không phải là làm những việc gì to tát xa vời mà đó là bắt đầu từ những việc tưởng chừng rất nhỏ như thế. Có lẽ, thông điệp của Thủ tướng muốn gửi đến những cán bộ công quyền là như vậy.

Rồi mọi người cũng từng rất đồng cảm, ngưỡng mộ với quyết định trả lại nhà và xe công vụ trước 2 tháng, không cần phải kéo dài thêm theo quy định của đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội khóa 13. Đây cũng được đánh giá là hành động thể hiện sự thanh liêm của một người cán bộ cấp cao...

2. Nhưng, giữa những tấm gương về sự liêm sỉ ấy thì cũng tồn tại một bộ phận cán bộ biến chất, đánh mất liêm sỉ. Việc cán bộ tham nhũng, đục khoét của công thì đã không còn gì để bàn, đó rõ ràng là những con sâu trong bộ máy công quyền. Tuy nhiên, bây giờ, sự mất liêm sỉ của cán bộ còn biểu hiện ở nhiều khía cạnh khá khôi hài khác. Như chuyện vô tư đề bạt hàng loạt người nhà vào giữ chức vụ quan trọng trong bộ máy chính quyền chẳng hạn.

Nhắc đến điều này, có lẽ người ta sẽ liên tưởng ngay đến một vài ồn ào tương tự của một số cán bộ nước ta trong thời gian qua. Ông Lê Kim Toàn - Phó Bí thư Tỉnh ủy Bình định bị tố cáo là sắp xếp cho người nhà, cụ thể là vợ, em ruột vào vị trí lãnh đạo tại các sở một cách bất thường.

Rồi chuyện ông cục trưởng đề nghị vợ mình làm... cục phó. Đó là trường hợp của ông Võ Thành Long, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Không những vậy, ông Long còn bổ nhiệm hàng loạt họ hàng thân thích vào các sở.

Năm ngoái, người ta phát hiện tại một xã nọ ở Nghệ An, trong bộ máy chính quyền xã có đến hơn chục cán bộ là anh em họ hàng thân thiết...

Sẽ còn nữa những bộ máy chính quyền địa phương thuộc kiểu "gia đình trị" như vậy trong xã hội hôm nay. Điều đáng nói là khi sự việc được đưa ra ánh sáng, các ông quan trong cuộc đều có chung một câu giải thích rằng: Việc bổ nhiệm cán bộ như thế là đúng quy trình, tất cả đều được tín nhiệm, anh em nhất trí...

Thật ra, không nói thì người ta cũng đủ hiểu tất cả đều đúng quy trình, bởi chẳng ai dại dột làm sai quy trình. Nhưng trong cái sự đúng quy trình ấy mang đến một kết quả "không đúng" mang màu sắc lợi ích cục bộ chi phối. Hôm rồi, Thủ tướng có chỉ đạo rằng, "tìm người tài chứ không gài người nhà" được nhân dân rất đồng tình, hoan hô. Song, con đường thực hiện xem ra rất chông gai bởi hai chữ "quy trình"!

Nói về liêm sỉ của quan, có lẽ chẳng có gì cụ thể hơn là chuyện một số ông quan biến trụ sở công quyền thành nơi nuôi những con nợ vì ăn chơi, xướng ca, đàn đúm. Đó là câu chuyện cười ra nước mắt diễn ra tại xã Đồng Thái (Ba Vì, Hà Nội) khi dân đến trụ sở UBND xã đòi nợ vì các cán bộ xã hát chịu, ăn chịu đến hơn 3 tỷ đồng. "Dù mấy tháng chậm lương nhưng anh em vẫn hát suốt", một cán bộ hồn nhiên giải thích về đống nợ đó như thế.

Rồi đến chuyện quan đánh mất liêm sỉ đến mức ăn bớt, ăn chặn đồng tiền cứu đói, giảm nghèo của nhân dân. Người ta hẳn đã nghe chuyện "con gà của dân chạy lạc vào nhà quan", "cán bộ xã "ăn" bò lợn nông thôn mới"...

Cổ nhân có câu: Tâm nhận biết được đúng sai thì có thể xử sự được quyết đoán, người không quên liêm sỉ có thể ngẩng cao đầu. Về mặt lý thuyết thì đúng, song thực tế thì không hẳn. Có thấy ông quan nào đánh mất liêm sỉ mà phải hổ thẹn cúi đầu đâu. Các ông vẫn to tiếng là "làm đúng quy trình" đó thôi.

Thật ra, đã không liêm sỉ tức là người ta đã không còn biết xấu hổ. Cho nên, thay vì trông chờ vào sự ăn năn, xấu hổ của những người này, xã hội, Nhà nước cần mạnh tay với những gì mà họ gây ra từ sự vô liêm sỉ trước đó!

Hoàng Lãm
.
.